Tiểu đoàn tiễu phạt Azov: Họ là ai?
Tiểu đoàn Azov thuộc quân đội Ukraine – một đơn vị gây tranh cãi trong những năm qua, là một phần lý do khiến Nga quyết định mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Các thành viên tiểu đoàn Azov tại thủ đô Kiev, Ukraine (Ảnh: Getty).
Theo Al Jazeera, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tiểu đoàn Azov thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và công chúng.
Ông Putin từng đề cập tới sự hiện diện của tiểu đoàn này trong quân đội của Kiev là một trong những lý do khiến ông quyết định mở chiến dịch để “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”.
Ngày 1/3, lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine đã đăng một đoạn video cho thấy các thành viên của tiểu đoàn Azov bôi mỡ lợn lên đầu đạn, được cho là nhằm đối phó với lực lượng của Cộng hòa Chechnya thuộc Nga đang được triển khai ở Ukraine. Chechnya là khu vực theo đạo Hồi và có những kiêng kỵ với loài lợn.
Trước đó, tiểu đoàn Azov từng tham gia vào các hoạt động huấn luyện dân thường thông qua các cuộc tập trận trước thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 24/2.
Tiểu đoàn Azov gồm những ai?
Azov là một đơn vị quân đội tình nguyện cực hữu có ước tính 900 thành viên. Họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bị cáo buộc mang tư tưởng tân phát xít và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Đơn vị này ban đầu được lập nên từ một nhóm tình nguyện viên vào tháng 5/2014 từ các nền tảng là nhóm dân tộc cực đoan Patriot of Ukraine và nhóm có tư tưởng tân phát xít Social National Assembly (SNA). Cả 2 nhóm nói trên đều bị cáo buộc có tư tưởng bài ngoại, tân phát xít và từng có hành động bạo lực với người di cư, cộng đồng người Roma và những người phản đối quan điểm của họ.
Là một tiểu đoàn, nhóm này đã chiến đấu trên tiền tuyến chống lại lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk, miền Đông Ukraine.
Vài tháng sau khi giành lại được quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược Mariupol từ tay phe ly khai ở miền Đông, tiểu đoàn Azov chính thức trở thành một phần của lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine vào ngày 12/11/2014. Đơn vị này từng được cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mô tả là “những chiến binh tốt nhất của chúng ta” và “những tình nguyện viên tốt nhất”.
Tiểu đoàn này từng được chỉ đạo bởi Andriy Biletsky, người đứng đầu của 2 nhóm Patriot of Ukraine (thành lập năm 2005) và SNA (thành lập năm 2008). SNA từng bị cáo buộc thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các nhóm thiểu số ở Ukraine.
Video đang HOT
Ông Biletsky, 42 tuổi, được bầu vào quốc hội Ukraine vào năm 2014. Ông rời tiểu đoàn Azov vì quy định của Ukraine là các chính trị gia được chọn thông qua bầu cử không thể tham gia vào lực lượng quân đội hay cảnh sát. Ông Biletsky làm nghị sĩ ở Ukraine tới năm 2019.
Ông Biletsky được những người ủng hộ gọi là Bely Vozd (người cai trị da trắng). Ông đã thành lập nên đảng National Corps cực hữu vào tháng 10/2016 với nền tảng là các cựu chiến binh của tiểu đoàn Azov.
Phải tới năm 2014, tiểu đoàn Azov mới nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Nội vụ Ukraine khi chính phủ nước này quan ngại rằng quân đội của họ chưa đủ mạnh để chống lại phe ly khai thân Nga và phải dựa vào các lực lượng tình nguyện bán quân sự.
Trước đó, tiểu đoàn Azov được các tài phiệt tài trợ, trong đó người nổi tiếng nhất được cho là Igor Kolomoisky, một tỷ phú ngành năng lượng và khi đó là thống đốc của vùng Dnipropetrovska.
Ngoài tiểu đoàn Azov, ông Kolomoisky được cho cũng tài trợ cho các tiểu đoàn tình nguyện khác như đơn vị Dnipro 1 và Dnipro 2, Aidar và Donbass.
Ngoài ra, tiểu đoàn Azov được cho cũng nhận được tài trợ từ một tài phiệt khác là Serhiy Taruta – tỷ phú và thống đốc của vùng Donetsk.
Hệ tư tưởng gây tranh cãi
Một cựu chiến binh của tiểu đoàn Azov huấn luyện người dân Ukraine hôm 30/1 (Ảnh: Reuters).
Theo Al Jazeera, vào năm 2015, Andriy Diachenko, người phát ngôn của tiểu đoàn Azov vào thời điểm đó, nói rằng 10-20% tân binh của Azov là những người có tư tưởng phát xít.
Tiểu đoàn này đã bác bỏ thông tin họ tuân thủ theo hệ tư tưởng phát xít nói chung, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy các biểu tượng phát xít xuất hiện đồng phục và cơ thể của các thành viên Azov như chữ Vạn (swastika) hay SS (Schutzstaffel – tổ chức bán quân sự thuộc Đức quốc xã từng có liên quan tới các vụ diệt chủng 5,5-6 triệu người Do Thái trong Thế chiến 2).
Một số thành viên của tiểu đoàn Azov tuyên bố theo tư tưởng tân phát xít, và chủ nghĩa dân tộc cực đoan được xem lan tràn trong các thành viên.
Tháng 1/2018, tiểu đoàn Azov đã triển khai đơn vị tuần tra đường phố mang tên National Druzhyna để “khôi phục” trật tự ở thủ đô Kiev. Đơn vị này bị cáo buộc đã thực hiện các cuộc tấn công chống lại cộng đồng người Roma và các thành viên của cộng đồng LGBTQ (đồng tính, song tính và chuyển giới).
Tạp chí Mỹ National vào năm 2019 từng mô tả rằng: “Ukraine là quốc gia duy nhất trên thế giới có một lực lượng theo hệ tư tưởng tân phát xít trong lực lượng vũ trang”.
Một báo cáo năm 2016 của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OCHA) đã cáo buộc tiểu đoàn Azov vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Báo cáo nêu chi tiết các vụ việc trong khoảng thời gian từ tháng 11/2015 đến tháng 2/2016, khi tiểu đoàn trên bị cáo buộc đưa vũ khí và lực lượng vào các tòa nhà dân sự, đẩy người dân ra ngoài sau khi cướp tài sản của họ. Báo cáo cũng cáo buộc tiểu đoàn Azov đứng sau các vụ cưỡng hiếp và tra tấn những người bị bắt giữ ở vùng Donbass.
Vào tháng 6/2015, cả Mỹ và Canada tuyên bố lực lượng của họ sẽ không ủng hộ hay huấn luyện tiểu đoàn Azov, viện dẫn mối liên hệ của nhóm này với hệ tư tưởng tân phát xít. Tuy nhiên, một năm sau, Mỹ đã dỡ lệnh cấm này.
Tháng 10/2019, 40 nghị sĩ Mỹ do hạ nghị sĩ Max Rose đã ký vào lá thư kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ xếp tiểu đoàn Azov vào nhóm “tổ chức khủng bố nước ngoài”, nhưng nỗ lực này bất thành. Tháng 4 năm ngoái, hạ nghị sĩ Elissa Slotkin tiếp tục thực hiện lại nỗ lực này và bổ sung thêm một số nhóm có hệ tư tưởng da trắng thượng đẳng khác.
Theo Al Jazeera, sự ủng hộ xuyên quốc gia với tiểu đoàn Azov đang có dấu hiệu trở nên rộng rãi và Ukraine được xem đã trở thành một trung tâm mới cho những người theo phe cực hữu trên thế giới. Nhiều người từ các lục địa đã nộp đơn xin gia nhập các đơn vị huấn luyện của tiểu đoàn Azov để có kinh nghiệm chiến đấu và tham gia vào các hệ tư tưởng tương tự.
Năm 2016, Facebook lần đầu tiên xếp tiểu đoàn Azov vào nhóm “tổ chức nguy hiểm”. Năm 2019, tiểu đoàn Azov bị cấm khỏi nền tảng này, và bị xếp cùng nhóm với tổ chức da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan và nhóm khủng bố IS. Những người dùng Facebook ca ngợi hay ủng hộ hoặc đại diện cho các tổ chức nguy hiểm nói trên cũng sẽ bị nền tảng này cấm.
Tới ngày 24/2, khi Nga mở chiến dịch quân sự của Ukraine, Facebook đã đảo ngược lệnh cấm này, tuyên bố họ cho phép người dùng ủng hộ tiểu đoàn Azov vì “vai trò của họ trong việc bảo vệ Ukraine”.
Tuy nhiên, phía Facebook nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục cấm các bài phát biểu có tính chất ghét bỏ, các biểu tượng có tính thù địch, những nội dung kích động bạo lực, ca ngợi và ủng hộ chung chung cho tiểu đoàn Azov.
Nga đặt điều kiện với Ukraine để hạ nhiệt căng thẳng chiến sự
Ngoại trưởng Nga đã công bố các điều kiện đặt ra đối với Ukraine trong bối cảnh các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Reuters).
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 2/3 cho biết Moscow vẫn duy trì cam kết "phi quân sự hóa" Ukraine, đồng thời muốn có một danh sách cụ thể các loại vũ khí không được phép triển khai trên lãnh thổ Ukraine.
"Các loại vũ khí tấn công cụ thể sẽ không bao giờ được triển khai cũng như được chế tạo ở Ukraine", Ngoại trưởng Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Al Jazeera.
Nội dung cuộc phỏng vấn đã được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga công nhận Tổng thống Volodymyr Zelensky là lãnh đạo của Ukraine. Moscow cũng hoan nghênh "bước đi tích cực" trước việc ông Zelensky muốn nhận được sự đảm bảo về an ninh.
"Các nhà đàm phán của chúng tôi đã sẵn sàng cho vòng thảo luận thứ hai về những đảm bảo này với các đại diện của Ukraine", Ngoại trưởng Lavrov nói.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 1/3, Tổng thống Zelensky nói rằng Nga cần phải ngừng ném bom Ukraine trước khi các cuộc đàm phán tiếp theo có thể diễn ra. Ông kêu gọi sự đảm bảo an ninh, nhưng từ NATO chứ không phải từ Nga.
Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận, cuộc đàm phán lần hai giữa phái đoàn Nga và Ukraine dự kiến diễn ra hôm 2/3 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, Ukraine tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào từ Nga.
Cuộc đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn Nga và Ukraine đã diễn ra ở biên giới Ukraine-Belarus hôm 28/2, nhưng không đạt được kết quả cụ thể.
Phái đoàn của Ukraine trong cuộc đàm phán đầu tiên do Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov dẫn đầu. Yêu cầu chính do Kiev đưa ra là Nga phải ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine. Theo ông Mihailo Podolyak, một thành viên của phái đoàn Ukraine, Kiev vẫn đang tìm kiếm một lệnh ngừng bắn ở Ukraine và chấm dứt các hành động gây hấn.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 1/3 tuyên bố, mục tiêu chính của chiến dịch quân sự ở Ukraine là bảo vệ Nga trước mối đe dọa quân sự từ phương Tây. Ông Shoigu nói rằng các lực lượng Nga sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch này cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra ban đầu là phi quân sự hóa Ukraine.
Bộ trưởng Shoigu nói rằng quân đội Nga không triển khai chiến dịch quân sự để "chiếm đóng" lãnh thổ Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Moscow đang làm mọi thứ có thể để bảo toàn tính mạng của dân thường, bao gồm việc giới hạn phạm vi của các cuộc tấn công chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự và sử dụng vũ khí chính xác để thực hiện.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28/2, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga "sẵn sàng đàm phán với các đại diện của Ukraine". Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định các lực lượng quân sự Nga không đe dọa dân thường và không tấn công các mục tiêu dân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh một giải pháp chỉ có thể đạt được "khi các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến một cách vô điều kiện", bao gồm "việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, hoàn thành mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine và đảm bảo vị thế trung lập của nước này".
Romania mất hai máy bay gần biên giới Ukraine Một tiêm kích MiG-21 LanceR của Không quân Romania vào cuối ngày 2.3 đã biến mất khỏi màn hình radar khi bay trên Biển Đen ở bờ biển giáp Ukraine, và trực thăng được cử tìm kiếm đã bị rơi, khiến 7 người tử vong. Một tiêm kích của Không quân Romania. Ảnh ITAMILRADAR Toàn bộ 7 quân nhân Romania trên trực thăng...