Tiêu cực, tham nhũng trong dự án chống thiên tai là tội ác
Tiếp theo các cuộc họp về phòng chống sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc, chủ trì cuộc họp hôm nay đối với khu vực miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu sử dụng đúng mục đích từng “đồng tiền hạt gạo” của người dân, chuyện tiêu cực, tham nhũng trong những dự án phòng chống thiên tai này là tội ác.
Tại cuộc làm việc về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận gồm 13 tỉnh, các đại biểu đều nhất trí đánh giá tình hình diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng; cho rằng bên cạnh các giải pháp trước mắt thì cần tính toán căn cơ, lâu dài, tránh việc “ăn xổi ở thì”.
Thủ tướng lưu ý, không để đầu tư chống sạt lở như ‘”ném đá ao bèo”. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Việc khơi thông các cửa sông bị bồi lấp cần xem xét tận dụng cát nạo vét như thế nào để đạt hiệu quả, như nghiên cứu sử dụng cát mặn cho xây dựng hay nghiên cứu lấy cát nạo vét được để bù vào những vị trí đang có diễn biến sạt lở trên cơ sở đánh giá kỹ tác động môi trường của việc “lấy của biển, trả về cho biển” này.
Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ để người dân hiểu, tạo đồng thuận xã hội khi vừa qua, có nhiều ý kiến dư luận về việc nhấn chìm này.
Cần nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, mời cả chuyên gia nước ngoài để đánh giá tình hình xâm thực, diễn biến sạt lở bờ biển, bồi lấp…, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến. “Trước mắt, cần những giải pháp cấp bách, bảo vệ an toàn cho người dân. Khu vực nguy hiểm là phải di dời, tái định cư, dù có 1 hộ dân thì cũng phải làm”.
Nghiên cứu, lập các dự án tổng thể bảo vệ bờ biển, qua đó, xác định lộ trình, nguồn lực, trong đó, tính toán cụ thể nguồn tư vốn ngân sách, từ vốn hỗ trợ nước ngoài, vốn từ doanh nghiệp để cân đối, có kế hoạch dài hạn, “chứ không phải mỗi lần như này Thủ tướng lại xử lý”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường bày tỏ, cần chọn các điểm sạt lở khẩn cấp để tập trung xử lý trước do nguồn lực có hạn, “không làm không được vì sạt lở đã đến dân”. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ trình dự án tổng thể về ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển vào cuối năm nay.
Video đang HOT
Nhấn mạnh ý nghĩa của các cuộc họp giải quyết vấn đề sạt lở đất cho các vùng ở miền Nam, miền Bắc trước đây và miền Trung hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, El Nino được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến nước ta, trước hết là các tỉnh miền Trung, cho nên Bộ NN&PTNT phải có chủ trương tích nước các hồ đập. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ về kế hoạch phát điện và tích nước cho mùa hạn sắp tới.
Nêu rõ vai trò của biển đối với sự phát triển, Thủ tướng cho biết, 60% GDP của nước ta là từ các tỉnh, thành phố có biển. “Cho nên, chúng ta sống chung với biển, tận dụng cơ hội, bảo vệ biển, bảo vệ môi trường biển rất quan trọng”. Các tỉnh miền Trung cần làm gương trong việc vận động nhân dân gìn giữ môi trường biển.
Đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý, về lâu dài, Bộ NN&PTNT chủ trì đánh giá tổng thể căn bản tình trạng sạt lở bờ biển, sông, đưa ra các giải pháp chủ động gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. “Và từ đó các đồng chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và địa phương thích ứng, phòng chống và xử lý vấn đề môi trường” khi nhiều người dân vẫn chưa phải thấu hiểu và thực hành, áp dụng tốt mà còn bị động, lúng túng trong một số trường hợp, Thủ tướng nêu rõ. Dải đất miền Trung hẹp nên việc lấn biển, giữ gìn đất đai, phát triển non sông đất nước rất quan trọng chứ không phải tư duy “hết đất chạy lên núi”.
Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, vấn đề xã hội hóa nguồn lực cần đặt ra cho công tác xử lý sạt lở bờ biển, bồi lấp sông. Cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, bao gồm vấn đề độ cao của kè, kè mềm, lấn biển, vấn đề bảo vệ môi trường sống, vấn đề đất đai, vấn đề nhấn chìm đất cát đào từ biển…
“Chúng ta quán triệt tinh thần bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, các di sản văn hóa, giảm thiểu tối đa thiệt hại những khu vực bị ảnh hưởng. Cũng tinh thần 4 tại chỗ, các đồng chí phải chủ động hơn nữa trong quy hoạch, trong sử dụng, trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương mình”, Thủ tướng nói và dẫn ví dụ, có địa phương làm khách sạn ở khu vực cách đây 5-7 năm là bãi bồi, bây giờ bị sạt lở, “các đồng chí phải thấy được chuyện này vì các đồng chí cấp phép xây dựng”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Nhất trí cho rằng các biện pháp trước mắt phải gắn với lâu dài, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu tổng thể, “thích ứng, nạo vét như nào, lồng ghép nguồn lực, phân kỳ đầu tư, tính toán lâu dài ra sao…”. Cách làm là giao Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong quản lý vốn liếng, xử lý thủ tục đầu tư, “chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ”, Thủ tướng lưu ý.
“Ông nói công trình này cấp bách, theo Luật Đấu thầu được chỉ định thầu, nhưng chỉ định nhà thầu không biết làm, tiền vào túi cá nhân là thành câu chuyện tiêu cực, tham nhũng trong những dự án thiên tai này là tội ác”. Đồng tiền hạt gạo của người dân phải sử dụng đúng mục đích.
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng các bộ liên quan bố trí, phân bổ hợp lý trong tổng nguồn vốn hỗ trợ mà Thủ tướng quyết định cho các địa phương, xếp theo thứ tự ưu tiên và mức độ cấp bách. “Không mặc áo quá đầu, liệu cơm gắp mắm trong vấn đề này”.
Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, cần huy động xã hội hóa, các nguồn lực quốc tế, các nguồn vốn ODA.
Thủ tướng nêu rõ, các cửa sông phải được nạo vét để thông thủy, bảo đảm thuyền qua lại và cuộc sống của người dân, nhất là cửa sông có tàu thuyền đánh cá vào ra nhiều. Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường huy động xã hội hóa để hạn chế việc sử dụng ngân sách.
Ngoài việc UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng quy định, theo thứ tự ưu tiên, kết hợp dự án nạo vét với bù cát chống sạt lở, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn, có ý kiến về kỹ thuật để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí; kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng.
Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả, để làm sao một vài năm nữa, khi giải ngân xong, thì thấy tiền tiêu có hiệu quả, chứ không phải như “ném đá ao bèo”.
Theo Chinhphu.vn
Xử lý tiêu cực, tham nhũng ở TP.HCM vẫn còn là 'giơ cao đánh khẽ'
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ tại chính nơi xảy ra sai phạm dường như lại "bó tay" trước các dấu hiệu tiêu cực, công tác đấu tranh với tham nhũng chưa hiệu quả, xử lý tiêu cực, tham nhũng vẫn còn là "giơ cao đánh khẽ".
Ngày 14/10, UBND TP.HCM cho biết, dựa trên báo cáo tổng kết 9 tháng đầu năm về công tác Phòng chống tham nhũng cho thấy, hầu hết vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện, điều tra và xử lý là nhờ công tác thanh tra dựa trên đơn thư khiếu nại, tố cáo, hoặc phản ánh của báo chí.
Cụ thể, số đơn thư khiếu nại tố cáo dấu hiệu tham nhũng có đủ cơ sở để xử lý gần xấp xỉ 14% trên tổng số đơn thư nhận được (đã kỷ luật 9 người). Đáng chú ý, số vụ việc bị phản ánh qua báo chí có độ tin cậy tới 66% (đã kỷ luật 12 người).
Về xử lý qua khiếu nại, tố cáo, 27 người liên quan tới hành vi tham nhũng bị kỷ luật. Trong đó, 14 người bị khiển trách và cảnh cáo, 10 người bị giáng cấp bậc hàm và 3 trường hợp bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.
Sau khi báo chí phản ánh, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ra quyết định xử phạt số tiền 45 triệu đồng đối với Công ty Nam Thị và buộc công ty này tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây dựng vi phạm tại toà nhà La Bonita.
Trong khi đó, hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ tại chính nơi xảy ra sai phạm dường như lại "bó tay" trước các dấu hiệu tiêu cực, đều có "báo cáo" chưa phát hiện trường hợp nhũng nhiễu nào.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, đây là một trong những hạn chế đầu tiên về phát hiện và làm rõ hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, còn có các khúc mắc khác khiến công tác đấu tranh với tham nhũng chưa hiệu quả như: Xử lý vụ việc kéo dài, kết quả thu hồi tài sản chưa cao, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng chưa thường xuyên. Hình thức xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng vẫn còn là "giơ cao đánh khẽ".
"Kết quả các cuộc thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm về quản lý đất đai, tài sản, vốn nhưng việc xác định vi phạm pháp luật để chuyến sang cơ quan điều tra còn ít. Những xử lý hành chính với các hành vi vi phạm chưa tương xứng với kết luận thanh tra", báo cáo ghi rõ.
Trong số rất nhiều nguyên nhân khiến hiệu quả phòng chống tham nhũng bị hạn chế cũng có phần sơ hở của các quy định định pháp luật (một số cơ chế, chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội còn sơ hở, chưa theo kịp thực tế) lẫn sự bất cập trong phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể để phòng chống tham nhũng.
Riêng tiến độ thực hiện điều tra các vụ án tham nhũng còn chậm do hầu hết trước đây là các vụ rất phức tạp, hành vi sai phạm đã xảy ra nhiều năm nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng điều tra viên còn "mỏng" và vẫn phải giải quyết các vụ án về tội phạm khác.
UBND TP.HCM đã ký quyết định thanh tra toàn diện để làm rõ những sai phạm tại dự án Đức Long Golden Land của Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Vạn Gia Long làm chủ đầu tư sau khi báo chí phản ánh.
Đáng chú ý, chính cơ chế bảo vệ người đấu tranh với tham nhũng chưa cụ thể nên tâm lý cả người dân lẫn cán bộ công chức đều e ngại trong đấu tranh - tố cáo các hành vi này.
Tổng kết 9 tháng đầu năm 2018, TP.HCM đã có 213 cuộc thanh tra hành chính, với gần 1/4 trong đó là thanh tra đột xuất, phát hiện 90/238 đơn vị có sai phạm kinh tế 344 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 181 tỷ đồng.
Hơn 200 tập thể và cá nhân đã bị xử lý hành chính; đồng thời, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ gồm: Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan tại dự án Trung tâm Thương mại và Xây dựng Thăng Long (Bảy Hiền Tower); Thanh tra liên ngành và toàn diện về quản lý và sử dụng đất tại Dự án Khu Dân cư Bắc Rạch Chiếc; Thanh tra 9 dự án phát triển mạng lưới cấp nước của CTCP Cấp nước Trung An - Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.
THY HUỆ
Theo VTC
Đơn giản hóa thủ tục hành chính để triệt tiêu 'vòi vĩnh, nhũng nhiễu' Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho một số cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền, tài sản của cá nhân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính. Vì vậy, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay đã góp phần triệt tiêu...