Tiêu chuẩn phong GS, PGS: Quan trọng là chất lượng công trình khoa học
Tiêu chuẩn để công nhận GS, PGS vẫn đang được bàn luận với các góc nhìn đa chiều. GS.TSKH Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận định, tiêu chuẩn GS, PGS của Việt Nam mang nặng yêu cầu số lượng, hình thức, thủ tục, mà không quan tâm đầy đủ đến chất lượng.
Chuyên gia làm việc tại Viện nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
GS.TSKH Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Nhiều yêu cầu không cần thiết
Ông có thể nói rõ hơn về những tiêu chuẩn công nhận đạt GS, PGS của Việt Nam?
- Tiêu chuẩn GS tưởng là dễ, nhưng thực ra nhiều nhà khoa học kêu khó quá, thậm chí có những người Việt ở nước ngoài tài năng thực sự, nhưng nếu xét đăng ký theo tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ không đạt. Bởi yêu cầu của Việt Nam có nhiều nội dung không cần thiết và thế giới chẳng quan tâm.
Theo tôi, vấn đề hiện nay là chúng ta phải đưa ra được các yêu cầu phù hợp với mục đích phong GS, PGS để làm gì, trách nhiệm của GS, PGS ra sao, đó mới là điều quan trọng. Còn nếu đưa ra tiêu chí khó, nhưng không phục vụ mục đích công việc thì chẳng để làm gì. Nếu cứ làm như thế, những tài năng xuất sắc sẽ bị loại, còn những người làng nhàng lại đạt tiêu chuẩn.
Vậy nên, cần phải trên cơ sở các chuẩn mực, quy trình xét công nhận GS, PGS theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế, tốt nhất nên theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất nhiên không phải sao chép hoàn toàn mà phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Video đang HOT
Dự thảo tiêu chuẩn công nhận GS, PGS vẫn đang được lấy ý kiến. Theo ông, để công nhận GS, PGS, tiêu chuẩn nào là quan trọng nhất?
- Đó là công trình khoa học. Vấn đề là chất lượng của công trình chứ không phải số lượng. Chất lượng được cụ thể hoá bằng việc được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nằm trong hệ thống ISI, S-Coups. Số lượng công trình công bố quốc tế cũng cần cân nhắc quy định cho phù hợp với từng lĩnh vực. Hiện nay, ngành Toán và lĩnh vực Khoa học tự nhiên đang áp dụng yêu cầu công bố quốc tế; với các lĩnh vực khác, công bố quốc tế là yêu cầu khó, cần có lộ trình và mức độ thực hiện. Còn nếu yêu cầu ngay năm tới phải thực hiện sẽ dẫn đến một số ngành không còn ai đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Tất nhiên, đi kèm với công trình công bố quốc tế là phải được ứng dụng vào thực tiễn ở các mức độ khác nhau. Có công trình nhấn mạnh yếu tố ứng dụng, có công trình nhấn mạnh yếu tố sáng tạo về mặt khoa học.
Chính sách cho GS, PGS là cần thiết
Dư luận cho rằng, vừa qua nhiều người chạy đua chức danh GS, PGS vì gắn liền với bổ nhiệm chức vụ và tăng lương, thưa ông?
- Trước hết, GS, PGS là chức vụ, vị trí việc làm. Nhà nước đã quy định trong hệ thống đào tạo, GS, PGS có trách nhiệm phải làm những công việc có tính chuyên môn và trình độ khoa học cao mà những người chưa phải GS, PGS khó có thể thực hiện. Và đương nhiên, chức vụ, vị trí việc làm của GS, PGS phải gắn liền với chế độ chính sách. Hiện nay, chế độ chính sách dành cho GS, PGS còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Vậy, chúng ta có nên giao việc phong GS, PGS cho các trường?
- Theo tôi thì chưa nên, ít nhất là trong hoàn cảnh hiện tại với hai lý do. Một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) ở Việt Nam có nhiều GS, PGS trình độ giỏi, có thể thẩm định được nghiêm túc và chính xác năng lực, trình độ của cán bộ mình. Nhưng có những trường lại thiếu GS, PGS, nếu giao cho họ tự thẩm định, đánh giá lại không được. Trường hợp, nếu giao cho các trường tự làm, cách tiếp cận và hiểu về tiêu chuẩn, việc thẩm định và mức độ nghiêm túc có sự chênh lệch lớn giữa các trường. Điều này có thể dẫn đến chất lượng GS, PGS của các cơ sở đào tạo khác rất khác nhau. Thực tế, đã có trường hợp bị Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đánh trượt, nhưng về trường lại tự phong. Hiện tượng này không được công nhận vì trái với quy định của Việt Nam.
Thứ hai, hệ thống cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam, nhất là khối công lập sử dụng chung một thang bảng lương. Khi GS trường này luân chuyển sang nơi khác vẫn hưởng mức lương GS ở nơi cũ. Khi chúng ta đang thực hiện thang bảng lương thống nhất, nếu giao cho các trường tự bổ nhiệm, có thể chất lượng GS, PGS ở mỗi nơi khác nhau lại trái với thiết kế. Vì thế, bây giờ vẫn nên làm trên mặt bằng chung, Nhà nước công bố tiêu chuẩn thống nhất và có hội đồng thẩm định và công nhận những người đạt chuẩn. Sau khi ứng viên GS, PGS có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn thì các trường bổ nhiệm.
Điều tôi muốn nói, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước tổ chức lễ công bố những người đạt tiêu chuẩn GS, PGS tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khiến người ta hiểu nhầm đã được công nhận GS, PGS. Đáng nhẽ, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước nên để cơ sở đào tạo bổ nhiệm GS, PGS và tổ chức vinh danh. Với những người đủ tiêu chuẩn, nhưng không được nhà trường bổ nhiệm, nên đi tìm những chỗ có nhu cầu. Có lẽ, trong tương lai, việc công nhận đủ trình độ GS, PGS nên có thời hạn. Ví dụ, ứng viên được công nhận, nhưng trong 3 năm không được trường nào bổ nhiệm thì chức danh GS, PGS mất giá trị.
Nhà quản lý không nên làm GS, PGS
Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang thừa GS, PGS?
- Nói thừa là không đúng. Việt Nam thừa GS, PGS không có chất lượng, nhưng lại thiếu GS, PGS có chất lượng. Chất lượng đang là mối lo, kể cả những người được công nhận chính thức thì vẫn có khoảng cách lớn so với các nước tiên tiến. Như tôi đã nói, mình yêu cầu cao, nhưng lại là những cái không cần thiết. Còn những tiêu chuẩn mang tính chất lượng thì lại không quan tâm. Vì thế, Việt Nam cần thay đổi tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng và phù hợp với yêu cầu quốc tế.
Tỉ lệ GS, PGS của chúng ta so với các nước là thấp, nhưng lại đang có nhiều GS, PGS làm quản lý. Theo ông, tới đây những người làm quản lý có nên đăng ký xem xét đạt GS, PGS?
- GS, PGS được phong là để giảng dạy ĐH và nghiên cứu khoa học ở trình độ cao. Bởi vậy ai được bổ nhiệm GS, PGS thì không nên chuyển quá nhiều sang làm quản lý. Rất nhiều ngành không yêu cầu người làm công tác quản lý phải có trình độ khoa học sâu và cao như GS, PGS (loại trừ một số lĩnh vực như giáo dục, khoa học công nghệ, y tế rất cần quản lý có năng lực và uy tín chuyên môn nhất định). Nhưng ở nước ta, một số người xuất thân từ cán bộ khoa học, giảng dạy chuyển sang làm quản lý vẫn tiếp tục dành một thời gian nhất định để tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Theo tôi, không nên khuyến khích nhà quản lý, lãnh đạo làm GS, PGS vì đây không phải là nhiệm vụ số một của họ. Còn nếu họ muốn làm GS, PGS để tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học thì phải có lợi cho công tác quản lý của mình. Trong một số trường hợp, họ có thể tham gia giảng dạy một số môn học cần sự trải nghiệm của người quản lý. Chỉ có điều nhiệm vụ chính của họ là quản lý thì phải thực hiện cho thật tốt.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinhtedothi.vn
Thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục
Sáng 12/3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 22. Phiên họp sẽ diễn ra trong hai đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 12-13/3; đợt 2 diễn ra từ ngày 19-20/3.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình của Chính phủ về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục
Theo chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật, gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế. Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét việc cho thôi nhiệm vụ với ông Ngô Đức Mạnh đã được phân công nhiệm vụ làm Đại sứ tại Liên bang Nga; cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chương trình tại Phiên họp thứ 22 có điều chỉnh so với dự kiến chương trình gửi cho các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Cụ thể, không xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn và sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm vào Kỳ họp Quốc hội thứ hai của năm nay. Ngoài ra, rút 3 dự án luật do chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng chuẩn bị, gồm Luật Cảnh sát biển, Luật Quản lý phát triển đô thị do chưa được các Ủy ban thẩm tra do ban soạn thảo gửi tài liệu chậm; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi thẩm tra cho thấy chưa bảo đảm điều kiện để trình phiên họp này vì cần lấy thêm ý kiến của một số cơ quan chức năng.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp
Sau phiên khai mạc, chiều 12/3 Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục là đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo Luật quy định về tín dụng sư phạm và quy định sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
Về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, trong cơ quan thẩm tra dự án luật vẫn còn 2 loại ý kiến: ý kiến thứ nhất tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Quan điểm của Thường trực Uỷ ban là dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Cùng với đó là sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi một số nội dung liên quan đến chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhà giáo. Tuy nhiên, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật còn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban Soạn thảo rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, khẳng định vị thế của nhà giáo trong xa hôi, đươc quy đinh trong Luật và thông qua hệ thống chính sách: từ đào tạo, bồi dưỡng đến thu hút, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, đãi ngộ, chế độ làm việc, thăng tiến... làm căn cứ để xây dựng Luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng, đảm đương được trọng trách của mình.
Theo Baodansinh.vn
Học sinh không còn chọn nghề theo cảm tính Một trong những băn khoăn của học sinh lớp 12 thời điểm này là nên chọn ngành nghề nào để có cơ hội trúng tuyển và có việc làm sau khi ra trường? Trước đây, học sinh thường phải tự chọn ngành nghề theo cảm tính, ngày nay ở các trường THPT đã tư vấn, hướng nghiệp để học sinh có cái nhìn...