Tiêu chí điểm số hay tiêu chí nguyện vọng mang tính quyết định?
Nếu so sánh giữa hai thí sinh, tiêu chí điểm số hay nguyện vọng quyết định? Chẳng hạn điểm số thí sinh này cao hơn nhưng đó lại là nguyện vọng sau so với thí sinh kia thì ai được ưu tiên?
“Nguyện vọng 50 hay nguyện vọng 1 đều được đối xử như nhau”
Câu hỏi “Tiêu chí điểm số hay tiêu chí nguyện vọng mang tính quyết định?” được một phụ huynh gửi đến ban chuyên gia tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2020 diễn ra ngày 21/6 tại Hà Nội.
Giải đáp câu hỏi này, Thạc sĩ Phạm Văn Lương – Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GĐ&ĐT cho hay: “Giữa một bạn thì ta chọn thứ tự ưu tiên còn giữa hai bạn thí sinh so với nhau, giữa nguyện vọng thứ 1 và nguyện vọng thứ 50 thì hai bạn không có thứ tự ưu tiên nào. Giữa hai bạn cứ ai có điểm cao hơn thì bạn đó sẽ đứng vào danh sách trúng tuyển”.
Thạc sĩ Phạm Văn Lương – Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GĐ&ĐT.
Bổ sung thêm thông tư vấn, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Câu hỏi này hàng năm vẫn lặp lại và thông thường thì thí sinh, phụ huynh thường có sự nhầm lẫn rằng “nguyện vọng 2 phải cao điểm hơn nguyện vọng 1″.
Ông Thảo lưu ý: “Nhưng tôi xin nhắc lại, các trường đại học chỉ quan tâm đến điểm chứ không quan tâm đến thứ tự nguyện vọng. Các em nguyện vọng thứ 50 và nguyện vọng 1 chúng tôi đều đối xử như nhau, miễn là điểm các em đủ vào ngành đó.
Tuy nhiên, thí sinh lại phải quan tâm hai thứ, là trật tự sắp xếp nguyện vọng và điểm. Ví dụ, một trường chỉ lấy 10 điểm và một trường lấy 25 điểm.
Nếu bạn thí sinh đặt nguyện vọng 1 vào trường 10 điểm mà bạn được 25 điểm thì bạn phải buộc vào trường 10 điểm (vì bạn đã đặt nguyện vọng 1 ở đó).
Bạn đặt nguyện vọng 2 ở trường 25 điểm thì bạn đỗ nguyện vọng 1 (10 điểm) thì sẽ không còn cơ hội xét vào nguyện vọng 2 ở trường 25 điểm (mặc dù bạn thừa điểm). Thí sinh có thể đỗ bằng nhiều phương thức nhưng xác nhận chỉ có một lựa chọn.
Ban tư vấn tuyển sinh.
Một phụ huynh khác thắc mắc: “Con tôi đăng ký vào một trường đại học và cháu xét tuyển theo hai phương thức. Phương thức thứ nhất là cháu xét tuyển theo điểm thi, phương thức hai là nộp học bạ để xét tuyển. Tôi nghĩ có 3 trường hợp xảy ra.
Trường hợp thứ nhất, cháu đỗ vào trường bằng cả hai con đường (thi và học bạ). Trường hợp thứ hai, cháu đỗ điểm thi nhưng điểm học bạ lại không đỗ. Trường hợp thứ ba, cháu không đỗ điểm thi nhưng lại đỗ bằng xét tuyển học bạ. Vậy với từng phương thức, nhà trường sẽ xét tuyển thế nào?”.
Phụ huynh đặt câu hỏi tại ngày hội.
Video đang HOT
Thạc sĩ Phạm Văn Lương – Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GĐ&ĐT cho biết, về nguyên tắc, thí sinh nộp hồ sơ theo phương thức nào thì đều được các trường (chứ không phải một trường) xét.
Nếu thí sinh nộp nhiều trường thì sẽ được các trường xét độc lập, trừ đợt xét tuyển bằng điểm thi. Nếu xét tuyển bằng học bạ, thí sinh có đủ điều kiện có thể trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau nếu đã nộp hồ sơ vào các đợt khác nhau.
Thứ hai, nếu các trường xét tuyển trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng mà trúng tuyển. Nếu thí sinh nhập học vào trường đó thì Bộ yêu cầu nhập thông tin xác định thí sinh nhập học đó lên hệ thống.
Nếu thí sinh có đăng ký điểm thi THPT sau này có trúng tuyển thì cũng không được xét tuyển nữa, vì thí sinh đã xác định nhập học vào trường trước khi bạn điều chỉnh nguyện vọng.
Trường hợp thứ hai, thí sinh đăng ký kết quả thi THPT nhưng không nhập học luôn thì khi các trường xét tuyển bằng học bạ thí sinh vẫn có thể tham gia.
Các trường sẽ xét tuyển và thông báo trúng tuyển cho thí sinh. Nếu thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học thì có thể xét tuyển bằng các đợt bổ sung. Nên sẽ không bao giờ xảy ra trường hợp thí sinh trúng cả hai phương thức.
Tuy nhiên, thí sinh chỉ được quyền chọn một trong hai phương thức để xác định nhập học và thí sinh khi đã nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi, thì em không có quyền xét tuyển phương thức khác nữa (mặc dù phương thức khác có thể đỗ).
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Khi các em buộc phải đăng ký thi để tốt nghiệp, sau khi thi xong, các em được cấp mã 8 chữ số. Do vậy khi em đỗ xét tuyển thẳng, em chỉ báo 8 chữ số đấy lên là em đã đỗ rồi thì tất cả các phương thức khác sẽ bị xóa (học bạ hay điểm thi).
Nếu em trượt tuyển thẳng mà đỗ bằng hình thức xét tuyển học bạ, khi em báo 8 chữ số ấy lên thì các phương thức khác sẽ bị xóa. Ngược lại, nếu em trượt tất cả mà chỉ đỗ thi thôi mà em không báo lên thì các phương thức khác em có đỗ hay trượt cũng không còn. Do vậy chỉ có một cơ hội thôi”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết thêm.
Tóm lại, ban tư vấn tuyển sinh lưu ý, thí sinh có thể đỗ nhiều nhưng xác nhận chỉ có một lựa chọn duy nhất. Và thứ tự sẽ là xét tuyển thẳng và học bạ được xét trước, nếu không sẽ xét tiếp hình thức khác. Thí sinh gửi 8 chữ số đến trường nào sẽ nhập học ở trường đó.
Những giải đáp về ngành Y
Những thắc mắc liên quan đến tuyển sinh vào Đại học Y Hà Nội nói riêng và ngành Y dược nói chung được GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội giải đáp.
Một thí sinh đặt câu hỏi thắc mắc về ngành Răng – hàm – mặt: “Điểm chuẩn năm 2019 có chỉ tiêu phụ là thứ tự nguyện vọng sẽ phải nhỏ hơn hoặc bằng nguyện vọng 2. Năm nay, khi thi em có thể đặt nguyện vọng vào Răng hàm mặt ở nguyện vọng 3 được không?”.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, thí sinh này hoàn toàn có thể đặt được tuy nhiên nếu điểm của em trúng vào nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thì em sẽ mất cơ hội vào nguyện vọng 3. Nếu em thích nhất Răng hàm mặt thì nên đặt ở nguyện vọng 1.
Cũng liên quan đến khía cạnh nguyện vọng, một nam thí sinh hỏi: “Cứ điểm cao là đỗ vào trường hay có giới hạn nguyện vọng không?”.
Thầy Tú cho biết, tất nhiên, điểm thì phải điểm cao rồi thì mới đỗ vào những nguyện vọng cạnh tranh lớn. Tuy nhiên việc các em xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên sẽ rất quan trọng vì nếu em đỗ cao nhưng em lại xếp nguyện vọng em yêu thích ở thứ 3, thì khi đạt điểm cao em sẽ được chốt ở nguyện vọng thứ 1, tất cả nguyện vọng sau đó đều bị loại (kể cả trường yêu thích nhất).
Một lần nữa, thầy Tú lưu ý, thí sinh nên xếp thứ tự nguyện vọng em thích nhất ở thứ nhất. Bộ GD&ĐT không giới hạn nguyện vọng cho nên em có thể có 10-20 nguyện vọng và nhiều hơn nữa.
Một bạn trẻ khác quan tâm đến ngành Y học dự phòng băn khoăn: “Sau khi tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở đâu?”.
Thầy Tú cho biết: “Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại bệnh viện. Tuy nhiên, y học dự phòng chỉ là khám chữa bệnh ban đầu chứ không phải khám chuyên khoa như bác sĩ y khoa.
Thứ hai, em có thể tham gia vào các trung tâm kiểm soát, dự phòng bệnh tật, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu với phạm vi khá rộng nhưng nó sẽ thiên hướng về dự phòng bệnh tật hơn là chữa trị một bệnh tật cụ thể”.
“Cho em hỏi Y khoa phân hiệu Thanh Hoá là sao, học ở đâu, có như học ở Hà Nội hay không?”, một thí sinh gửi câu hỏi.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.
Theo Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, phân hiệu ở Thanh Hoá chỉ khác trường chính ở vị trí địa lý, nếu phụ huynh có điều kiện vào thăm sẽ thấy rất khang trang, hiện đại, nằm cách Sầm Sơn 9-10 km, chương trình đào tạo 100% như Đại học Y Hà Nội và tất cả thầy cô giảng dạy đều không có gì khác biệt.
Trả lời câu hỏi “Có những trường nào đào tạo ngành Dược mà xét tuyển khối B hoặc khối D ở miền Bắc hay không?”, thầy Tú chia sẻ: “Tôi biết có nhưng để chính xác các em nên vào website của các trường để xem đề án tuyển sinh.
Ví dụ như trường Đại học Dược Hà Nội, Khoa Y – Dược Đại học Quốc gia, các trường Y thường đều có khoa Dược (trừ Đại học Y Hà Nội là không đào tạo ngành Dược). Có nhiều trường đã đào tạo Dược bằng khối B”.
Liên quan đến câu hỏi về học phí năm học này của trường Đại học Y Hà Nội là bao nhiêu, Hiệu phó nhà trường cho hay, học phí năm nay như những năm trước nhưng tăng thêm 10%, trường chưa có thay đổi lớn về học phí.
'Chiến lược' xếp thứ tự nguyện vọng xét tuyển đại học thông minh
Theo các chuyên gia tuyển sinh, "bài toán" chọn trường để điền vào danh sách các nguyện vọng xét tuyển đòi hỏi thí sinh phải có một "chiến lược" thông minh.
Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnamplus)
Thí sinh có hai tuần, từ nay đến 30/6, để hoàn tất hồ sơ đăng ký dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng; trong đó, ở mục 21 của Phiếu đăng ký dự thi, thí sinh sẽ phải điền danh sách các ngành, trường đại học, cao đẳng mà mình muốn xét tuyển. Theo các chuyên gia tuyển sinh, "bài toán" đăng ký nguyện vọng để điền vào danh sách ở mục này đòi hỏi thí sinh cần phải có một "chiến lược" thông minh.
Theo đó, các em nên ưu tiên ngành học, trường học yêu thích nhất, có điểm đầu vào cao hơn ở những vị trí đầu tiên và giảm dần mức độ yêu thích cho các vị trí sau.
Lập danh sách trường
Theo thầy Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Phó Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), để chọn trường, trước tiên thí sinh phải xác định được lĩnh vực, ngành học mà mình yêu thích và phù hợp với năng lực, tính cách cũng như hoàn cảnh bản thân.
Bước thứ hai là tìm hiểu để đưa ra được một danh sách các trường đào tạo những ngành học mình muốn theo đuổi, vì cùng một ngành học nhưng có rất nhiều trường tham gia đào tạo. Mỗi trường lại khác nhau ở nhiều phương diện, từ điều kiện xét tuyển, chương trình, định hướng đào tạo, học phí, điểm đầu vào đến vị trí địa lý.
Trong số đó, điểm đầu vào là yếu tố quan trọng nhất vì sẽ quyết định đến sự đỗ, trượt của thí sinh. Thí sinh nên tìm hiểu điểm đầu vào của các trường trong ba năm gần nhất. Điều này giúp thí sinh có thể xếp được thứ tự các ngành, trường theo điểm chuẩn hàng năm.
"Việc tìm hiểu kỹ càng, chi tiết về từng ngành, từng trường trên nhiều phương diện sẽ giúp thí sinh dễ dàng tìm được những trường phù hợp với mình," thầy Hà chia sẻ.
Thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnamplus)
Ba nấc thang nguyện vọng
Theo thạc sỹ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghệ thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, hiện các trường phổ thông đều có tổ chức các kỳ thi khảo sát, thi thử đại học. Đây là lợi thế để thí sinh có thể ước lượng được mức điểm, hiểu được năng lực của mình đến đâu.
Căn cứ vào lực học của mình, thí sinh chia các trường đã chọn thành ba nhóm: Trường yêu thích nhất và có điểm đầu vào hàng năm cao hơn so với năng lực, trường thường có điểm chuẩn tương đương và trường có điểm đầu vào hàng năm thấp hơn so với lực học bản thân.
Việc sắp xếp các thứ tự nguyện vọng thực hiện theo nguyên tắc giảm dần về độ yêu thích, độ phù hợp và mức điểm xét tuyển.
Theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 5/2020, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường, ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đã đăng ký.
Vì vậy, theo thầy Sơn, để tăng khả năng đỗ đại học nhưng vẫn không bỏ lỡ cơ hội "chạm tay" vào ngôi trường mơ ước, thí sinh nên mạnh dạn đưa lên đầu danh sách nguyện vọng một vài trường mình yêu thích nhưng có điểm đầu vào cao hơn một chút so với năng lực bản thân.
"Nếu may mắn và làm bài thi tốt, đạt điểm cao, các em sẽ có cơ hội đỗ. Nếu không đậu, các em vẫn được xét tuyển ở các nguyện vọng dưới," thầy Sơn phân tích.
Đây cũng là lời khuyên Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Thủy lợi Trần Khắc Thạc. Theo thầy Thạc, thí sinh nên đăng ký ký tối thiểu 6 nguyện vọng.
"Ví dụ em thích ngành A, hãy đăng ký để có ba cụm trường cho ngành A: Chọn ngành A của 2 trường nhóm đầu; chọn ngành A của 2 trường nhóm giữa; chọn ngành A của 2 trường nhóm dưới. Chỉ cần như vậy, chắc chắn các em sẽ đỗ ngành các em yêu thích và phù hợp với năng lực của mình," thầy Thạc tư vấn.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi có điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học một lần bằng Phiếu đăng ký xét tuyển. Thời gian điều chỉnh từ ngày 9/9 đến ngày 18/9. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, tăng cơ hội đỗ đại học, cao đẳng, để các em có thể chọn được trường học phù hợp với bản thân./.
Ghi chú các "chiêu" để chọn trường đại học vừa tầm trong đợt đăng ký nguyện vọng Năm 2020, các trường đại học trên cả nước áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Tuy nhiên, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chiếm phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh, kéo theo đó là vô vàn nỗi lo của thí sinh trước khi bước vào kỳ thi mang tính bước ngoặt này. Những "tuyệt chiêu"...