Tiêu chảy do vi rút
Thời tiết giao mùa cũng là thời điểm gia tăng các ca mắc tiêu chảy do vi rút ở trẻ nhỏ. Là bệnh thông thường và rất sẵn các thuốc điều trị nhưng trẻ vẫn có thể tử vong nếu không được xử trí đúng, kịp thời.
Tiêu chảy ồ ạt
Chăm sóc bệnh nhi bị tiêu chảy tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: Thúy Anh
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tiêu chảy cấp do vi rút rota thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 đến 24 tháng tuổi. “Thông thường bé sẽ nôn trước, sau khoảng 1 – 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Bé có thể ho, sốt nên cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, thậm chí nghĩ rằng bé ho, sốt vì mọc răng”, TS Dũng lưu ý.
Tại phòng khám cấp cứu của khoa nhi, mẹ của một bé gái 13 tháng cho biết trước khi đến khám 2 ngày bé có sốt, nôn và sau đó bị tiêu chảy. Theo bác sĩ khám, cháu bé cần được bù dịch vì mất nước nhiều do nôn, tiêu chảy liên tục.
Mới đây, một em bé 20 tháng tuổi vào cấp cứu tại khoa nhi trong tình trạng hôn mê sâu. Mặc dù được khẩn trương cấp cứu nhưng bé đã tử vong sau nhập viện vài giờ. 2 ngày trước khi nhập viện, bé bị tiêu chảy. Trước đó bé nôn nhiều và sốt. Khi bé tiêu chảy, gia đình cho bé uống thuốc và mời bác sĩ đến khám tại nhà nhưng sau đó bé vẫn tiêu chảy ồ ạt đến 20 – 30 lần trong ngày. Bé được gia đình đưa vào cấp cứu với đầy đủ các biểu hiện của biến chứng nặng do tiêu chảy: li bì, co giật sốc trụy mạch.
Các bác sĩ cho biết, đây là ca tử vong do tiêu chảy hiếm gặp trong thời gian gần đây vì hiện nay điều kiện thuốc, bù dịch chống mất nước đã sẵn có tại các cơ sở y tế và việc xử trí không quá phức tạp. Tiêu chảy ở trẻ nhỏ, việc xử trí phải rất khẩn trương với bệnh nhân tiêu chảy nhiều, tốc độ mất nước nhanh. Cần lưu ý, nhiều trẻ vào viện vẫn mất nước nặng dù gia đình đã cho uống bù nước điện giải oresol. Nguyên nhân do bù nước nhưng không đạt hiệu quả vì bé nôn nhiều.
Video đang HOT
Bù nước
“Trong mọi trường hợp bị tiêu chảy, ưu tiên trước nhất là bù nước (oresol) để tránh rối loạn điện giải, rất quan trọng với bệnh nhân tiêu chảy”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.
“Tại gia đình, bù nước cho trẻ bằng đường uống (cho trẻ uống chậm). Ví dụ, với trẻ dưới 1 tuổi: 1 – 2 phút uống 1 thìa oresol. Nếu trẻ bị nôn ra, sau 10 – 15 phút cho uống lại. Với trẻ trên 1 tuổi cũng áp dụng như vậy, nhưng cho trẻ uống từng ngụm nhỏ”, bác sĩ Vũ Hữu Thời (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) hướng dẫn.
Người chăm sóc em bé phải chắc chắn là bù nước hiệu quả. Nếu bù nước không thành công (uống vào nôn ra), bị tiêu chảy ồ ạt, tốc độ mất nước nhanh… thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nguy hiểm của mất nước khi tiêu chảy là làm giảm khối lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, co giật, sốc, hôn mê, dẫn đến tử vong do trụy tim mạch.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý thêm: “Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy, vì các thuốc đó không có tác dụng tiêu diệt vi rút mà còn làm giảm nhu động ruột khiến phân không được thải ra ngoài, dẫn đến tình trạng đầy trướng bụng, nguy hiểm cho trẻ”.
Theo TNO
Những sự thật về sức khỏe
Bệnh do vi rút không thể chữa trị
Rất nhiều người đau đớn, khổ sở vì những căn bệnh do vi rút gây ra, nên đã vội vã đi mua rất nhiều những loại thuốc kháng sinh mà không biết rằng thuốc kháng sinh chỉ có thể ngăn chặn hoặc chữa trị những căn bệnh do vi khuẩn gây ra chứ không phải vi rút. Bệnh do vi rút gây ra chỉ có thể ngăn ngừa bằng nhiều cách như tiêm chủng, xây dựng tốt hệ thống chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, khử trùng và thường xuyên tẩy uế và nhiều những biện pháp chữa trị khác. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh của nhiều người đã gây ra tình trạng kháng thuốc ở các loại vi trùng, vi khuẩn.
* Bác sĩ có thể mắc sai lầm
Hầu hết chúng ta đều tin quá nhanh vào những gì bác sĩ đã nói và đều cho rằng những thông tin y học này quá khó và phức tạp để có thể hiểu thấu đáo. Bạn đừng do dự khi tìm kiếm ý kiến của các bác sĩ khác. Dĩ nhiên, nếu được đào tạo tốt, bác sĩ sẽ ít mắc sai lầm trong việc chuẩn đoán bệnh hơn. Trong phần lớn các trường hợp, sự chuẩn đoán luôn dựa trên những triệu chứng hiện có và quan điểm của người thầy thuốc. Tuy nhiên, đừng quá hoảng sợ khi được nghe những thông tin không khả quan. Phải luôn tìm kiếm những thông tin về tình trạng của chính mình từ những bác sĩ khác hoặc ngay cả sử dụng Google, một công cụ tìm kiếm thông tin hữu hiệu trên internet.
* Tinh thần mạnh hơn cơ thể
Ý chí được sống và chiến thắng cái chết có thể thay đổi được định mệnh của bạn. Một vài bác sĩ biết rõ rằng họ có thể giết chết bệnh nhân của mình bằng những ý kiến đơn giản như: chỉ có thể sống được sáu tháng hay sáu tuần. Nhưng một số bệnh nhân, những người đã có niềm tin với một ý chí mạnh mẽ, đã sống được tới 10 năm, 20 năm sau. Đó là những điều có thật mà chúng ta từng được nghe, được thấy. Tinh thần mạnh mẽ hơn cơ thể và có thể quyết định việc chúng ta sống hay chết.
* Phòng hơn chữa
Đây là khuyến cáo đã nhiều lần được sử dụng và thường xuyên được lặp lại nhưng lại không nhận được sự quan tâm đúng mức của cả mỗi công dân và chính phủ. Chính phủ các nước, đặc biệt là ở những nước thuộc thế giới thứ ba đã gặp phải rất nhiều bệnh tật mà nếu được phòng ngừa tốt thì sẽ không gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn. Mỗi công dân vẫn tiếp tục tập trung vào các loại thuốc chữa bệnh thay vì dành chi phí cho việc phòng bệnh. Phần lớn chúng ta chấp nhận uống thuốc giảm cân thay vì chịu khó bỏ ra vài phút mỗi ngày để đi dạo nhằm giảm được vài kg. Phần lớn chúng ta thà chịu đựng liposuction hơn là tập trung vào một chế độ ăn uống lành mạnh.
* Thuốc rẻ ít hiệu nghiệm?
Khi một nhãn dược được dược sĩ kê đơn, nhiều bệnh nhân không nghĩ đến việc tìm kiếm một loại thuốc khác tương tự với giá thành rẻ hơn để thay thế. Bạn nên tiết kiệm tiền và mua thuốc cùng loại với giá rẻ hơn, chất lượng của chúng cũng tốt tương đương với những nhãn hiệu đắt tiền mà thành phần cấu tạo thì chẳng có gì khác biệt.
* Kiêng tuyệt đối cholesterol
Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Cholesterol là một loại chất béo rất cần thiết cho sự tổng hợp tất cả những hormone như progesterone (hormone nữ giúp duy trì thai), estrogen (kích thích tố sinh dục nữ), testosterone (kích thích tố sinh dục nam) và aldosterone. Những căn bệnh có liên quan đến loại chất béo này có liên quan nhiều đến gen hơn là do chế độ ăn uống. Cho dù bạn có bổ sung chúng vào trong chế độ ăn uống hay không thì cơ thể vẫn sẽ tổng hợp chất béo này để phục vụ cho nhu cầu cần thiết của chúng.
* Bác sĩ chữa lành mọi bệnh?
Lĩnh vực y học khá phức tạp. Có khoảng 30.000 căn bệnh khác nhau nhưng chỉ có 10.000 bệnh được ghi chép trong các tài liệu y học. Tức là chỉ có khoảng 30% căn bệnh có phương pháp điều trị. Thậm chí đối với những bệnh đã có cách điều trị, các bác sĩ vẫn phải thử nghiệm và có những sai sót nhất định trong quá trình điều trị. Một số trường hợp khác thì chủ yếu vẫn được điều trị theo triệu chứng. Tuy nhiên, nếu các bác sĩ được đào tạo tốt, có trách nhiệm với nghề sẽ nêu cao y đức và không thể nắm được hoàn toàn kiến thức về tất cả các loại bệnh có liên quan đến cơ thể con người.
* Phải có trách nhiệm với sức khỏe
Bạn không nên đổ lỗi cho cha mẹ hay cho xã hội khi phải đối đầu với bệnh tật. Hãy tự gánh chịu lấy trách nhiệm với sức khỏe của chính mình. Hãy làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân: tập thể dục, ăn những thức ăn lành mạnh, uống nhiều nước.
Theo PNO
Quai bị có gây vô sinh ở nữ giới Quai bị có thể khiến nam giới bị vô sinh, liệu nữ giới có bị ảnh hưởng như vậy? Quai bị có thể gây biến chứng viêm tinh hoàn dẫn đến vô sinh ở nam giới. Còn ở nữ giới thì sao, bệnh có ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản và gây ra vô sinh hay không? Theo Thạc sĩ, Bác...