Tiết lộ về đội quân đả hổ của Tập Cận Bình, 23% là phụ nữ
Đội quân đả hổ đập ruồi của ông Tập Cận Bình có khoảng 1000 người là thông tin mật lần đầu tiên được công bố cho báo chí.
Vương Kỳ Sơn, thường vụ Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, “đội trưởng đội đả hổ” của Tập Cận Bình.
Tờ Đa Chiều ngày 9/12 đưa tin, sau đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc chiến dịch chống tham nhũng thế như chẻ tre khiến Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương dưới quyền Vương Kỳ Sơn trở thành một cơ quan quyền lực được chú ý nhất Trung Quốc.
Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương nằm ở số 41 phố Bình An, Bắc Kinh, không có bảng tên đơn vị, không có băng rôn khẩu hiệu hay bất kỳ biểu tượng nào thường thấy như các cơ quan quyền lực nhà nước khác ở Trung Quốc càng làm cho nó trở nên bí hiểm, thu hút sự tò mò chú ý.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 4/9 vừa qua cơ quan đả hổ này đã mở cửa đón tiếp 50 học giả và cựu quan chức cấp cao đến từ 28 quốc gia trên thế giới đến thăm trụ sở của nó. Tất cả các nhân vật này đều là người có kiến thức về Trung Quốc và quan điểm chính trị thân Bắc Kinh.
Tờ Phoenix Weekly của Hồng Kông tường thuật lời Kerry Brown, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc từ đại học Sydney cho biết sau chuyến thăm: Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc có khoảng 1000 người, 23% là nữ. Với khối lượng công việc khổng lồ họ phải hoàn thành, người ta khó có thể tưởng tượng được đội quân đả hổ lại ít như vậy. Họ cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật các cấp.
Video đang HOT
Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, số 41 phố Bình An, Bắc Kinh.
Kerry Brown được Phoenix Weekly tường thuật cảm tưởng về trụ sở của cơ quan đả hổ Trung Quốc cho biết, điều ngạc nhiên nhất đối với học giả này là trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương lại…giản dị đến thế! Văn phòng làm việc, quy trình công tác không khác gì các cơ quan nhà nước khác ở Trung Quốc.
Cùng đưa tin về hoạt động này, tờ Đại Công Báo có quan điểm thân Bắc Kinh khẳng định đội quân đả hổ đập ruồi của ông Tập Cận Bình có khoảng 1000 người là thông tin mật lần đầu tiên được công bố cho báo chí. Trước đó vào năm 2008 có tin cho rằng biên chế của cơ quan này khoảng 800 người, như vậy từ khi ông Sơn lên nắm quyền cơ quan này chỉ tăng thêm 200 nhân viên.
Sau hai lần cải cách cơ cấu, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đã tăng số phòng Kiểm sát từ 8 lên 12, mỗi phòng biên chế 30 nhân viên. Số nhân viên trực tiếp làm nghiệp vụ kiểm sát khoảng 100 người, đội quân giám sát chấp hành án lên tới gần 700 người, chiếm gần 70%, trong đó hơn 1 nửa thuộc quân số của 12 phòng Kiểm sát.
Trong chiến dịch đả hổ đập ruồi tập trung vào các quan chức cỡ “bự” như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn, đội quân đả hổ phải làm thêm giờ đã trở thành chuyện cơm bữa. Thậm chí từ hôm 26/11 vừa qua các phòng Kiểm sát của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đã phải làm “công tác tâm lý” cho lực lượng “chiến sĩ đả hổ” của mình.
Theo Giáo Dục
Chống tham nhũng trong quân đội, ông Tập Cận Bình hứng rủi ro
Những thông tin gần đây về việc nhà điều tra thu giữ cả tấn tiền mặt, trang sức, đồ cổ và hàng xa xỉ tại biệt thự của tướng về hưu Từ Tài Hậu phần nào làm sáng tỏ thực tế tham nhũng trong quân đội TQ.
Từ Tài Hậu (phải) trong một phiên họp tháng 3/2012. Ảnh: AP
Từ Tài Hậu từng là phó chủ tịch quân ủy TQ (CMC), là quan chức cấp cao quân đội thứ hai bị cáo buộc tham nhũng trong vài năm gần đây.
Năm 2012, tướng Cốc Tuấn Sơn - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần TQ đã bị bắt giữ sau nhiều năm đồn đoán dính líu tới hàng loạt thỏa thuận ngầm liên quan đất đai do quân đội (PLA) kiểm soát. Hàng loạt tướng tá, sĩ quan cao cấp của PLA cũng bị bắt giữ.
Mặc dù không công khai, nhưng các bằng chứng cho thấy, PLA không lạ lẫm gì với tham nhũng. Dưới thời Mao Trạch Đông, sĩ quan và binh lính PLA được ưu tiên hơn trong tiếp cận thực phẩm và các nhu yếu phẩm, cùng với một số đặc quyền khác, khiến cho việc gia nhập quân đội trở thành mơ ước sự nghiệp.
Khi kinh tế TQ cất cánh những năm 1980, sức hút của binh nghiệp giảm dần, nhất là sau khi ông Đặng Tiểu Bình cắt giảm quy mô quân đội, chuyển hướng nguồn lực tài chính sang hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông vẫn cho phép quân đội sử dụng các khu liên hợp công nghiệp - quân sự để thu lợi nhuận có thể bổ sung vào kinh phí ngân sách và nâng cao phúc lợi xã hội cho quân đội. Các nhà máy mà PLA kiểm soát nhanh chóng chuyển sang sản xuất dân sự. Khoảng đầu những năm 1990, những khu liên hợp công nghiệp, các công ty do quân đội kiểm soát (PLA Inc) đã trỗi dậy.
Khi "PLA Inc." phát triển, thì rõ ràng lợi nhuận không chỉ được sử dụng để bổ sung ngân sách, mà còn chảy vào túi các sĩ quan kiểm soát công ty do PLA làm chủ. Thậm chí, một số công ty kiểu này còn bị tình nghi liên quan đến hoạt động buôn lậu bởi các đặc quyền dành riêng.
Năm 1998, Chủ tịch TQ khi đó là ông Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch truy quét buôn lậu và chỉ thị cho PLA chuyển đổi, tập trung vào các ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng. PLA chấp nhận và giảm đi các đế chế kinh doanh của họ. Không lâu sau đó, TQ ra nhập WTO và những khuyến khích tài chính tiếp tay cho buôn lậu giảm mạnh.
Tuy nhiên, tham nhũng vẫn tiếp tục dưới các hình thức khác nhau. Chính các PLA Inc. đã cung cấp cơ hội tham nhũng cho sĩ quan. Ví như sau năm 1998, các cơ hội kiểu này tập trung vào ba lĩnh vực: lại quả từ các hợp đồng mua sắm hậu cần, mua sắm khí tài mới và thuê đất do PLA kiểm soát. Kết quả là, các quan chức quân đội cấp cao đã có rất nhiều cơ hội để làm giàu.
Khi TQ tăng cường mua sắm vũ khí hiện đại và đắt đỏ, mức độ lại quả cũng gia tăng đáng kể. Đất đai cũng là nguồn sinh lời của "tiền bẩn". PLA từ lâu kiểm soát nhiều vùng "đất vàng" ở cả nông thôn và thành phố. Phần lớn đất đai dùng để xây nhà, cấp cho các sĩ quan nghỉ hưu hay đương chức. Quá trình đô thị hóa khiến PLA di dời nhiều căn cứ ở đô thị cũng như các khu nhà ở ra ngoại ô hay vùng nông thôn, và cho các nhà kinh doanh bất động sản sẵn sàng trả mức giá cao thuê lại.
Những quan chức có vị trí lớn được hưởng lợi khổng lồ từ chuyện này. Thu nhập trái phép từ các khoản lại quả, thuê đất, hợp đồng mua bán lớn tới mức họ sẵn sàng trả khoản tiền không nhỏ để sở hữu và đảm bảo vững vàng vị trí. Mua quan bán chức và thăng cấp phổ biến, tạo điều kiện để các quan tham kiểu như Từ Tài Hậu sở hữu cả khối tài sản khổng lồ mà nhà điều tra phát hiện ra trong tư dinh.
Về trường hợp của Cốc Tuấn Sơn. Sau thời gian sao nhãng nhiệm vụ, Cốc bị giáng cấp giữa những năm 1980 và đảm nhận một vị trí thấp ở công ty địa phương do PLA sở hữu tại Hà Nam. Nhưng Cốc nhanh chóng thăng tiến trở lại. Sử dụng lợi nhuận kiếm được từ chênh lệch mua bán, Cốc "đầu tư" trở lại với cấp trên để có được thứ hạng cao hơn.
Trong vòng một thập niên, Cốc tiến rất nhanh. Năm 2001, ông ta được thăng hàm thiếu tướng và phụ trách chương trình xây dựng cơ bản trị giá 375 triệu USD. Để đổi lại, Cốc đã hối lộ số tiền lớn cho những chỉ huy cao hơn. Thực tế này đặt ra lo ngại rằng, liệu các sĩ quan cao cấp của PLA hiện nay đặt ưu tiên vào lợi nhuận thu được hay nhiệm vụ quân sự?
Tuy nhiên, tấn công vào vấn nạn tham nhũng trong quân đội sẽ là rủi ro lớn: Nếu ông Tập Cận Bình mạnh tay, thì tinh thần và lòng trung thành trong quân đội có thể bị ảnh hưởn, ít nhất trong ngắn hạn. Cho đến nay, các tướng lĩnh PLA vẫn công khai cam kết trung thành và ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng. Nếu can thiệp quá sâu, ông Tập có thể bị ngáng trở. Dường như, ông có quá ít chọn lựa để giải quyết nạn tham nhũng trong PLA.
Theo Vietnamnet
Trung Quốc sắp xử thêm một gia tộc? Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hoàn toàn im lặng trước cuộc điều tra nhằm vào gia tộc của trợ lý lâu năm Lệnh Kế Hoạch. Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc đang siết chặt vòng vây quanh gia đình đầy quyền lực của ông Lệnh Kế Hoạch, một trong những cánh tay phải lâu năm của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm...