Tiết lộ cách ông Trump có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine
Với các đề xuất như đóng băng xung đột, tái thiết Ukraine và nới lỏng trừng phạt Nga, ông Trump được kỳ vọng sẽ mang đến một giải pháp toàn mới.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các kế hoạch này đòi hỏi sự phối hợp mạnh mẽ từ cả Mỹ, châu Âu và Nga, trong bối cảnh những thách thức địa chính trị vẫn còn hiện hữu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa có hồi kết, tạp chí Mỹ The Atlantic đã tiết lộ những phương án mà Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể áp dụng để chấm dứt cuộc chiến. Những đề xuất này được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi quan trọng trong cục diện chiến sự.
Khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, Ukraine từng có cơ hội thực tế để giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát dựa trên vào sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, theo The Atlantic, sự thiếu quyết đoán của chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt là việc chậm trễ cung cấp các loại vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay và hệ thống tên lửa, đã trở thành một sai lầm chiến lược.
Sự chậm trễ này khiến Ukraine rơi vào thế bị động, khi mà triển vọng của quốc gia này giờ đây phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của phương Tây và những biến chuyển chính trị trên toàn cầu, đặc biệt là sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump.
Phương án hòa bình của ông Trump
Video đang HOT
Việc ông Trump chuẩn bị trở lại nắm quyền gây ra những dự báo mơ hồ. Những người hoài nghi chỉ ra quan điểm theo chủ nghĩa biệt lập, thiện cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và coi thường các đồng minh châu Âu của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để lạc quan một cách thận trọng.
Những kế hoạch do đội ngũ cố vấn thân cận của ông Trump đề xuất tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, đóng băng xung đột và hỗ trợ tái thiết. Các điểm chính bao gồm đảm bảo an ninh cho Ukraine, hỗ trợ tái thiết bằng nguồn tài trợ quốc tế, và nới lỏng một phần các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhằm khuyến khích đàm phán.
Ông Trump được cho là muốn để lại dấu ấn lịch sử với tư cách “nhà môi giới hòa bình vĩ đại”. Quan điểm của ông đã trở nên thực tế hơn, đặc biệt khi Nga không còn giữ được ưu thế vượt trội do tổn thất quân sự, tác động kinh tế và suy giảm ảnh hưởng chiến lược.
Trên cơ sở đó, tình hình hiện tại đòi hỏi một chiến lược đa phương toàn diện. Một trong những giải pháp được đề xuất là tạm hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine, coi đây là một thỏa hiệp tạm thời để mở đường cho các cuộc đàm phán. Đồng thời, cần đảm bảo rằng Nga không còn khả năng can thiệp vào chính trị và xã hội Ukraine, qua đó bảo vệ tính độc lập của quốc gia này.
Cùng với đó, kế hoạch nhấn mạnh vai trò của tái thiết quy mô lớn, với các nguồn tài trợ chính có thể đến từ tài sản Nga bị đóng băng. Việc tăng cường an ninh thông qua sự hiện diện của các lực lượng châu Âu tại Ukraine cũng là yếu tố đang được bàn thảo. Điều này có thể bao gồm sự tham gia của các đơn vị quân sự từ Ba Lan, Anh, Pháp, và các quốc gia khác trên lãnh thổ Ukraine.
Dù vậy, triển vọng đạt được hòa bình vẫn gặp nhiều thách thức khi đòi hỏi sự phối hợp quyết liệt từ Mỹ, châu Âu và cả Nga. Đối với Moskva, việc chấp nhận thất bại chiến lược mà vẫn giữ thể diện là một bài toán khó. Tuy nhiên, áp lực kinh tế từ các lệnh trừng phạt, cùng với tình trạng suy giảm của đồng rúp và lạm phát gia tăng, có thể khiến Điện Kremlin cần phải cân nhắc.
Theo thông tin gần đây từ tờ Wall Street Journal, Ukraine đã bắt đầu các cuộc đàm phán không chính thức với đội ngũ của ông Trump về khả năng chấm dứt xung đột. Tờ báo này cho rằng Kiev đang cố gắng giải quyết những khác biệt về vấn đề đàm phán hòa bình trước khi ông Trump nhậm chức. Điều này cho thấy cả hai bên đều nhận thức được sự cần thiết của các giải pháp thực tế.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã khuyến cáo Ukraine nên thận trọng trong các cuộc đàm phán với Nga, chờ đến khi họ cảm thấy đủ mạnh để đối thoại từ thế chủ động.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmytro Peskov cho biết Nga đã “xem xét kỹ” tuyên bố của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump rằng cần phải bắt đầu đàm phán về việc chấm dứt giao tranh ở Ukraine. Ông Peskov lưu ý rằng Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng Liên bang Nga “sẵn sàng đàm phán về ngừng bắn ở Ukraine và hoan nghênh các sáng kiến hòa bình”.
Tóm lại, các đề xuất và kế hoạch mà đội ngũ của ông Trump đưa ra, nếu được triển khai, có thể định hình lại cục diện xung đột ở Ukraine. Dẫu vậy, thành công của bất kỳ giải pháp nào sẽ phụ thuộc lớn vào sự phối hợp giữa các bên liên quan và khả năng thích nghi với những điều kiện phức tạp của tình hình địa chính trị toàn cầu.
Vấn đề làm lu mờ chương trình tái thiết trị giá hàng tỷ USD của Ukraine
Chương trình tái thiết Ukraine trị giá hàng tỷ USD đang gặp thách thức lớn từ nạn tham nhũng. Mặc dù Ukraine đã triển khai các biện pháp chống tham nhũng nhằm gia nhập EU, vấn đề này vẫn diễn biến phức tạp và gây khó khăn cho các dự án tái thiết.
Cảnh tàn phá do xung đột tại Izyum thuộc vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 20/2/2023. AFP/TTXVN
Vấn đề tham nhũng đang trở thành một thách thức lớn đối với chương trình tái thiết Ukraine, như được minh họa qua câu chuyện của Bart Gruyaert và công ty Pháp Neo-Eco. Theo hãng tin AFP, khi đồng ý tham gia xây dựng lại các khu chung cư bị phá hủy ở thị trấn Gostomel ngoại ô Kiev, ông Gruyaert không ngờ rằng mình sẽ gặp phải những yêu cầu bất thường từ chính quyền địa phương.
Theo chia sẻ của ông Gruyaert, chính quyền địa phương đã yêu cầu công ty Neo-Eco chuyển toàn bộ số tiền dự án trị giá hàng triệu USD vào tài khoản của họ, với lý do sẽ trực tiếp điều hành dự án. Khi Neo-Eco từ chối yêu cầu này, họ bắt đầu gặp nhiều trở ngại: thời gian làm thủ tục kéo dài, thêm các điều khoản mới vào hợp đồng và gợi ý về việc "trao phong bì" cho những người có thẩm quyền.
Hệ quả là vào tháng 9/2023, Neo-Eco đã phải từ bỏ dự án vốn nhận được 20 triệu euro tài trợ tư nhân. Sau đó, các nhà điều tra Ukraine phát hiện một hệ thống "tham ô" trong chính quyền địa phương ở Gostomel, với cáo buộc người đứng đầu thị trấn Sergiy Borysiuk đã chiếm đoạt khoảng 21 triệu hryvnia (470.000 USD) từ quỹ tái thiết nhà ở và căn hộ.
Mặc dù Ukraine đã tích cực thúc đẩy các biện pháp chống tham nhũng trong thập kỷ qua để hướng tới mục tiêu gia nhập EU, tình trạng này vẫn còn phổ biến. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Ukraine hiện xếp hạng 104 trong số 180 quốc gia về "chỉ số nhận thức tham nhũng", tuy đã cải thiện từ vị trí 144 vào năm 2013.
Cuộc xung đột với Nga dường như đã tạo ra những cơ hội mới cho một số quan chức tham nhũng. Nhiều vụ án về biển thủ quỹ tái thiết và bán giấy chứng nhận miễn trừ nghĩa vụ quân sự đã được phát hiện trong thời gian có giao tranh.
Theo nghiên cứu chung của Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc, EU và Chính phủ Ukraine, tổng chi phí tái thiết Ukraine ước tính lên tới 486 tỷ USD. Con số khổng lồ này đặt ra những lo ngại về việc tham nhũng có thể cản trở các đối tác quốc tế cung cấp vốn.
Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế Ukraine Andriy Borovyk cho rằng việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng cho thấy vấn đề này không bị "lãng quên". Viktor Pavlushchyk, người đứng đầu Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine, cho biết năm nay đã có khoảng 500 vụ án tham nhũng được khởi tố và 60 bản án đã được kết án.
Ukraine cũng đang nỗ lực cải thiện tình hình bằng cách triển khai nền tảng "DREAM", liệt kê tất cả các dự án đang mở để tăng tính minh bạch. Theo Viktor Nestulia, người đứng đầu dự án triển khai "DREAM", nền tảng này cho phép các nhà đầu tư, nhà báo và người dân Ukraine theo dõi tiến độ của các dự án xây dựng.
Mustafa Nayyem, cựu lãnh đạo cơ quan tái thiết Ukraine, nhấn mạnh rằng cam kết về sự minh bạch sẽ là chìa khóa để trấn an các nhà đầu tư nước ngoài. Ông khẳng định "xung đột không thể là cái cớ để không chống tham nhũng, và tham nhũng không phải là điều cố hữu trong DNA của người Ukraine, mà chỉ đơn giản là vấn đề ý chí".
Ukraine mời ông Vương Nghị thăm Kiev Bộ Ngoại giao Ukraine mời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sang thăm Kiev nhằm thúc đẩy một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngày 30-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine - ông Heorhii Tykhyi cho biết Kiev đã ngỏ lời mời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc...