TIẾP SỨC NGƯỜI THẦY: Người thầy có tài kể chuyện
“Mỗi ngày đi học rồi về nhà nghỉ ngơi, ôn bài vở và tối được ba mẹ đưa đi chơi, vậy các em có biết một ngày của những bạn nhỏ này như thế nào không? Sáng lót dạ bằng nửa ổ bánh mì không và trên tay là xấp báo phải bán trong ngày. Trưa các bạn ăn qua loa rồi lại đi đánh giày. Tối đến đi lượm bao nilông và trở về khu nhà trọ ổ chuột khi đêm đã khuya, ngủ trên nền gạch lạnh không mền gối…”
Giờ dạy môn giáo dục công dân của thầy Tuấn Anh bắt đầu với câu chuyện bằng hình ảnh. Ảnh: Tiến Vinh
Những tấm ảnh lần lượt được thầy dán lên bảng theo lời kể, kèm theo đó là tiếng nhạc đệm. Lớp học trở nên yên ắng, học sinh chăm chú theo dõi, không khí lắng xuống. Và giờ học giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên trường trung học cơ sở Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bắt đầu như thế.
Sức mạnh của câu chuyện bằng hình
Lớn lên trong một gia đình lao động bình thường, ba bán vé số, mẹ bán hàng nước nhỏ bên đường, câu chuyện tuổi thơ của thầy Tuấn Anh cũng không thiếu những khó nhọc. Khi đi dạy, thầy không ngại “đầu tư” thời gian và tiền bạc cho giờ dạy thêm sinh động. “Tôi bắt đầu sưu tập những câu chuyện và tranh ảnh từ ngày còn là sinh viên. Hiện nay tôi đã có hơn 800 tấm ảnh và khoảng 200 câu chuyện. Đó là cả “gia tài nhà giáo”. Ngày ấy, tôi thường tự chụp hoặc sưu tầm trên mạng vì niềm yêu thích và mong muốn chia sẻ nó cho những người thân”. Mang tranh ảnh lên lớp học cũng với mong muốn chia sẻ đó, nhưng thầy Tuấn Anh tự nhận: “Tôi đã đạt được hơn điều mình mong muốn rất nhiều”.
Sau những câu chuyện bằng hình ảnh thầy kể, nhiều em học sinh đã xúc động khóc rồi kể lại cho bạn bè, ba mẹ nghe. Nhiều bạn nghèo từ những câu chuyện của thầy đã vượt qua nỗi mặc cảm. Nhiều em đã biết yêu thương, chia sẻ với người kém may mắn. Tự nhận thức, dũng cảm nhận khuyết điểm và sửa sai là một điều vô cùng khó đối với mỗi con người, vậy mà câu chuyện thầy kể đã giúp các em học sinh làm được điều khó khăn đó. Đó là hôm người thầy trẻ kể về một người phụ nữ bán mì gõ, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng cả ngày. Nhưng hôm ấy, chị bị một nhóm thanh niên lừa bằng tờ một trăm ngàn giả. Thế là công sức cả ngày không có tiền lời, bữa cơm của mẹ con chị vốn đã đạm bạc nay lại thêm phần thiếu thốn. Thật bất ngờ sau buổi học, có một bạn đã đến khóc xin lỗi thầy và nhờ thầy trả lại chiếc máy tính bạn đã lỡ lấy của bạn mình. “Từ đó, mình bắt đầu nhận ra sức mạnh của câu chuyện từ cuộc sống, và mình đầu tư nhiều hơn vào tranh ảnh với những mong muốn cao hơn”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Tìm tòi phương pháp giảng dạy
Video đang HOT
Đã có được những giờ học xúc động, nhưng thầy kiên quyết không để giáo án của mình cũ. Mỗi ngày đến lớp, thầy mang theo chiếc cặp lỉnh kỉnh những vật dụng: nào tranh ảnh, máy nghe nhạc, nào máy ảnh, đôi lúc là cả bánh kẹo, sách truyện… Vì sau những giờ dạy, ngoài việc luôn cập nhật thông tin mới từ báo đài, thầy thường đi chụp ảnh và tìm thêm tư liệu cho bài giảng. Mái ấm Ánh Sáng (quận 3) cũng là nơi thầy thường lui tới, chia cho các em quà bánh, xem qua bài vở và trò chuyện với các em. Do luôn bám sát nhịp sống nên những câu chuyện của thầy luôn luôn được làm mới. Mỗi câu chuyện hình ảnh đã được kể sẽ được thầy khắc sâu hơn ở lần sau. Mỗi bài giảng đã được bổ sung những câu chuyện mới, “ nóng hổi” và xúc động hơn.
Đặc biệt, thầy Tuấn Anh đang ấp ủ phương pháp dạy học mới, đó là dùng “người thật việc thật”. Và thầy cũng đã triển khai dần cách dạy học đó. Điển hình như việc mời bác sĩ Nguyễn Vũ Xuân Trường, một tấm gương về ý chí và sự quyết tâm học tập đến lớp giao lưu với các em. Thầy cũng tổ chức cho học sinh thăm và chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật trong những giờ ngoại khoá. Đặc biệt, dù rất mất thời gian, công sức nhưng thầy đang kiên trì sưu tập những đoạn phim có cả âm thanh, hình ảnh, cảm xúc nhân vật để câu chuyện chân thực và thuyết phục nhất. Bằng tâm huyết với nghề và tinh thần luôn tìm tòi, sáng tạo, thầy Tuấn Anh đã biến giờ học thành lúc nghe kể chuyện, từ trang sách đi vào hình ảnh, đi vào tâm hồn và nuôi dưỡng trái tim các em.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Học sinh "lười" phát biểu là do giáo viên?
"Việc học sinh lười phát biểu nhiều khi không phải vì các em không hiểu bài hay thiếu sự mạnh dạn mà còn vì những lý do khác về tâm lý" - cô Vân Anh, giáo viên Văn Trường THPT Yên Phong I, tỉnh Bắc Ninh nhận định.
Cũng theo cô Vân Anh, hiện tượng các em lười phát biểu một phần là do chính suy nghĩ của các em. Các em quan niệm học sinh (HS) cấp THPT là lớn rồi và vì thế việc giơ tay xin phát biểu là rất trẻ con, các em nghĩ mình tự hiểu là được rồi. Bởi khi giáo viên gọi các em, các em vẫn trả lời được. Nhiều khi có một em hăng hái phát biểu còn bị các bạn khác cười, cho là thích "chơi trội".
Ảnh minh họa
Nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Vì sao HS không giơ tay phát biểu?", Trường THPT Chơn Thành (Bình Phước) đã có một cuộc thăm dò rộng dãi trên diễn đàn nhà trường. Kết quả thăm dò đã nhận được sự đóng góp ý kiến của đông đảo HS.
Theo quan điểm của các em thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc HS lười tham gia phát biểu. Chẳng hạn như, không biết nên không giơ tay; biết, nhưng quá dễ nên cũng không giơ tay; tâm lý "ngại giơ tay", "ngại phát biểu" trước đám đông; sợ bị cho là "chơi nổi"...
Tuy nhiên cũng có em thẳng thắn nhìn nhận, nếu lớp học mà thầy cô thân thiện với học trò, chắc chắn lớp học sẽ sôi nổi, HS sẽ tranh nhau mà giơ tay phát biểu ý kiến. Còn từ trước tới giờ hầu như tiết học nào cũng theo khuôn: Thầy đọc - trò nghe - chép, không tạo sự thân thiện giữa thầy và trò. Giáo viên ít tạo ra những câu hỏi gây nên sự hứng thú để học trò mạnh dạn giơ tay trả lời.
Minh chứng cho vấn đề này, một HS phân tích: "Thường thì thầy cô chỉ hỏi một vài câu có sẵn trong sách, ai mà chả trả lời được, thế nên cũng chẳng ai thèm giơ tay trả lời".
Là người đưa ra ý tưởng về cuộc thăm dò để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả, thầy Lê Trương Quang Dũng - phó hiệu trưởng Trường THPT Chơn Thành đã có những chia sẻ thực tế với chúng tôi. Theo thầy Dũng, sau một thời gian thăm dò và tìm hiểu thì cho thấy ngoài các yếu tố mà HS đưa ra thì phương pháp giảng dạy hiện tại, cách thức thi cử hiện nay và đặc biệt là học thêm, dạy thêm là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các em lười phát biểu.
"Việc một số môn kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm đã vô tình làm HS lười phát biểu. Với cách thi như vậy thì đã phần giáo viên giảng dạy theo hướng trắc nghiệm nên khó đào sâu bài giảng, bên cạnh đó cách đặt câu hỏi cũng không thể thú vị để lôi cuốn HS tham gia", thầy Dũng cho hay.
Là người nghiên cứu vấn đề HS "lười" phát biểu đã hơn 2 năm nay, thầy Dũng cũng nhận thấy vấn đề dạy thêm, học thêm có những tác động xấu trong việc lên lớp. Đa phần trong việc dạy thêm, học thêm thầy cô đều "chạy trước" chương trình dẫn đến tình trạng khi học chính khóa thì các em nhàm chán không muốn nghe và tham gia vào bài giảng.
Trách nhiệm thuộc về người thầy?
Phân tích dưới góc độ tâm lý giáo dục, T.S Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn do động lực và ham muốn học của HS. Điều này được thể hiện rõ ở chỗ đối với các lớp chọn hay trường chuyên thì hiện tượng này rất ít nhưng đối với các trường đại trà nơi mà có nhiều HS yếu kém thì tình trạng này phổ biến hơn.
Bên cạnh đó, đa số HS hiện nay đều có phương pháp học thụ động kèm theo việc bị phân tán trong việc lên lớp nên dẫn đến tình trạng thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin cộng với kỹ năng giao tiếp chưa tốt dẫn đến "lười" tham gia phát biểu.
Cũng theo T.S Lâm thì dù ở góc độ nào đi chăng nữa thì người thầy vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Hiện nay người thầy chỉ lo về mặt kiến thức nhưng phương pháp dạy thì không phát huy được trí lực của HS, không tổ chức cho HS chiếm lĩnh kiến thức mà chỉ "tung, vãi" kiến thức ai nhặt được gì thì nhặt.
Nhằm làm rõ vấn đề này chúng tôi cũng đã thực tế tại một số trường THPT. Quá trình quan sát cho thấy, đa số giáo viên đều theo con đường diễn giải bằng cách đọc lại sách giáo khoa phân tích từ đầu đến cuối. Tích cực hơn một chút thì cho HS làm một số bài tập. Giáo viên ít quan tâm đến phương pháp nêu vấn đề, kỹ thuật đặt câu hỏi trong bài giảng thường không cao.
Theo quan điểm của cô Vân Anh, giáo viên trường THPT Yên Phong I, để một tiết học sôi nổi thì khả năng xây dựng bài giảng của giáo viên đóng vai trò rất quan trọng, một môn học không làm các em hứng thú thì đương nhiên là các em sẽ không muốn phát biểu. Cách đặt câu hỏi của giáo viên cũng rất quan trọng, khi câu hỏi thiếu sự hấp dẫn, hoặc dễ quá thì không thể khuyến khích sự xây dựng bài ở HS được.
Tuy nhiên dưới một góc nhìn rộng hơn, thầy Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học và Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), cho rằng: "Không có trò dốt mà chỉ có trò chưa giỏi và nhiệm vụ là của người thầy. Đối với những người thầy giỏi luôn biết cách tạo ra sự sôi nổi cho lớp học, còn những thầy mà yếu kém và kiến thức chưa sâu thì dạy sẽ nhàm chán ngay. Giảng dạy giống như hoạt động nghệ thuật của một nghệ sĩ đòi hỏi người thầy phải tìm tòi và sáng tạo".
Cũng theo thầy Lương, với thời đại Internet, nghĩa kiến thức toàn cầu cho nên giáo viên đừng có nghĩ chỉ cần một số quyển sách là đáp ứng được giảng dạy. Người thầy cần phải luôn tìm hiểu cập nhật những kiến thức mới để tạo ra sự hứng thú đối với HS.
Tham khảo một vài tiết học của những giáo viên khối chuyên, chúng tôi nhận thấy một sự khác biệt khá lớn đối với các trường THPT. Nếu như ở THPT thầy cô vào lớp là đi thẳng vào bài giảng thì ở khối chuyên, giáo viên bắt đầu từ những câu chuyện vui để dẫn dắt vào bài. Sự móc nối giữa những câu chuyện thực tế vào bài giảng đã tạo ra một cảm hứng rất mạnh mẽ đối với người học.
Việc tham gia phát biểu của HS chỉ là bề ngoài hình thức nhằm tạo ra sự sôi nổi của lớp học chứ không phải là yếu tố chính để đánh giá giờ học hiệu quả. Tuy nhiên dù thế nào thì yếu tố người thầy vẫn là khâu quyết định để chữa bệnh "lười" phát biểu của HS. Song có một thực tế, để cải thiện được điều này người thầy cũng chịu nhiều áp lực từ lỗi "hệ thống" và căn bệnh thành tích. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với bạn đọc trong bài viết tiếp theo Người thầy và những áp lực vô hình.
Nguyễn Hùng
Theo Dân Trí
Để trở thành sinh viên Đại học danh tiếng Melbourne Thành lập vào năm 1853, Đại học Melbourne có lịch sử hơn 150 năm và nổi tiếng thế giới về chất lượng đào tạo, thu hút nhiều sinh viên suất sắc từ khắp nơi trên thế giới đến học tập. Thành lập vào năm 1853, Đại học Melbourne có lịch sử hơn 150 năm và nổi tiếng thế giới về chất lượng đào...