Tiếp sức đến trường ở Cần Thơ: Trao niềm tin, siết tay tin cậy
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều học sinh, sinh viên khắp cả nước rơi vào hoàn cảnh khốn khó, khi bản thân và gia đình trở nên túng thiếu, mất việc làm.
Nhận học bổng, bà Trần Thị Phương Mai và cháu gái Nguyễn Thanh Tuyền vui mừng khôn xiết – Ảnh: Chí Công
Chia sẻ với cộng đồng và hỗ trợ các bạn trẻ, 150 suất học bổng Tiếp sức đến trường “hậu Covid-19″ đầu tiên đã đến với các em khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày 26-5.
1,5 triệu đồng với người giàu không là gì nhưng với bốn bà cháu là lớn lắm. - Bà Trần Thị Phương Mai
“Mong sau này tụi nhỏ không phải làm ôsin”
Từ tờ mờ sáng, bà Trần Thị Phương Mai, 65 tuổi, ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cùng cháu gái Nguyễn Thanh Tuyền đạp xe cọc cạch đến Trường đại học Nam Cần Thơ để nhận học bổng.
Trong hàng trăm học sinh, sinh viên và phụ huynh ở khán phòng, có lẽ bà Mai là người lớn tuổi nhất. Tóc bà pha sương, chân tay nổi gân, chai sạn vì lao động cực nhọc. Nhắc về cuộc sống của bốn bà cháu côi cút bữa đói bữa no, bà ngân ngấn lệ.
Để có chỗ trú thân, bà Mai cùng ba người cháu thuê một căn phòng trọ giá 1,6 triệu đồng trong nội đô. Vất vả là thế nhưng bà không để các cháu thất học. Cả ba cháu ngoại đều đến trường, hiện một cháu học lớp 1, cháu học lớp 10 và Thanh Tuyền đang học lớp 7.
“Ba mẹ Tuyền chia tay nhau sáu năm rồi. Cha lấy vợ khác. Mẹ nó đi bước nữa, dọn về Thốt Nốt ở. Cả cha lẫn mẹ ít ai đoái hoài đến con. Không có tiền, tôi phải bươn chải làm nhiều việc lắm, từ dọn nhà, rửa chén, cốt để nuôi ba đứa nó đi học. Tôi chỉ mong có sức khỏe để làm việc nuôi cháu, mong sau này tụi nhỏ không phải làm ôsin”.
Những lúc hè về, gác lại chuyện học hành, Thanh Tuyền xin ngoại đi học thêm nghề đan giỏ xách. “Em tập làm việc. Dù tiền kiếm ít thôi nhưng cũng phụ ngoại phần nào. Ngoại bệnh trong người mà cứ giả vờ không bệnh hoài à!” – mắt Tuyền đỏ hoe.
Khi cháu lên nhận học bổng, bà Mai dõi theo từng bước. “Đợt này về tui mua cái áo mới cho Tuyền đi học. Áo con bé cũ quá rồi!” – bà như tự nói với mình.
Video đang HOT
Rồi cả khán phòng lặng đi khi cậu sinh viên Nguyễn Tấn Lộc, lớp vật lý trị liệu Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, cất giọng trầm buồn hát bài Đứa bé. Từng câu, từng lời như vận vào chính hoàn cảnh của Lộc: “… Hãy lau khô cuộc đời em bằng lòng nhân ái của con người, và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”.
Từ nhỏ, Lộc và em trai đã sống ở cô nhi viện, thiếu vắng tình thương của mẹ cha. Đến tuổi trưởng thành, Lộc rời xa em, rời mái ấm để tự lập, mưu sinh. Chàng trai ôm thùng loa bán kẹo kéo, rong ruổi khắp ngả đường từ tỉnh này sang tỉnh khác để kiếm tiền đi học.
“Thời gian còn dài, em phải cố gắng gấp nhiều lần nữa để thay ba mẹ lo cho em trai. Đến thời điểm này em thấy quyết định đi học tiếp của mình thật đúng đắn” – Lộc tâm sự.
Không bỏ học dù hoàn cảnh khốn khó
Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bày tỏ như vậy tại buổi trao học bổng. Ông chia sẻ cuộc sống vốn đã rất nhiều khó khăn và càng khó hơn khi người lao động buôn gánh bán bưng, làm thuê làm mướn không thể có việc làm trong mùa dịch, kéo theo con em họ cũng bị ảnh hưởng, gánh nặng càng chồng chất.
“Đó là lý do mà những suất học bổng đặc biệt này ra đời đúng thời điểm và trao đúng người. Đây sẽ là những phần quà trợ lực để các bạn vững bước đến trường, giá trị hơn nữa là sự tin yêu, cái siết tay tin cậy để các bạn tự tin bước đi trên đường đời vốn dĩ không bằng phẳng” – ông Chữ nhấn mạnh.
GS.TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, thông tin dù có nhiều hỗ trợ cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nguồn lực có hạn. Chính những suất học bổng như thế này thật đáng trân quý.
“Tôi mong hành trang các em mang vào đời là vốn ngoại ngữ thật giỏi, tin học thật tốt. Khi đã trang bị cho mình thật kỹ hai bửu bối đó, tôi tin các em sẽ hòa nhập và làm việc tốt ở bất cứ nơi đâu” – GS Võ Tòng Xuân nhắn nhủ.
Sau lễ trao tại Cần Thơ, chương trình tiếp tục đến với 550 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tại các khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc đến ngày 7-6-2020.
Tổng kinh phí học bổng khoảng 2,2 tỉ đồng, được trích từ chương trình “Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19″ do báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động. Học bổng dành cho học sinh THCS, THPT trị giá 1,5 triệu đồng/suất và sinh viên là 3 triệu đồng/suất cùng quà tặng.
'Nhận số tiền này tui sẽ mua cho con cái bàn để ngồi học'
Hay tin mình nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" đặc biệt mùa COVID-19, em Võ Ngọc Băng Tâm và em Đàm Đăng Khoa đều rướm nước mắt vì quá đỗi vui mừng.
Sáng nào Băng Tâm cũng phụ mẹ bán bún kiếm tiền đi học - Ảnh: CHÍ CÔNG
Băng Tâm là học sinh lớp 10A10 Trường THPT Vĩnh Thạnh, còn Đàm Đăng Khoa là học sinh 10C2 Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Con đường dẫn lối vào nhà của Tâm và Khoa là những cung đường nội đồng quanh co và khúc khuỷu giống hệt như con đường cắp sách đến trường của hai em.
Tô bún của mẹ là con chữ của con
Quán bún của bà Lê Thị Kim Loan (mẹ của Băng Tâm) nằm ngay dưới dốc cầu Sáu Bọng (đoạn đường từ Cờ Đỏ về huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ). Đó là sinh kế duy nhất của người mẹ góa, con côi như bà Loan. Nhưng hôm chúng tôi đến quán ế, không một bóng khách ngồi ăn.
Chia sẻ về nỗi gian truân của mình và sự cố gắng học tập của Tâm, bà Loan cho biết: "Nó cũng có ý định nghỉ học để phụ tui kiếm tiền. Nhưng nhà nghèo quá mà thấy con ham học, tui cầm lòng không được. Bấm bụng tui thuê nhờ mái hiên trước của người em, tui bán bún kiếm ít đồng cho Tâm tiếp tục đến trường"
Gián đoạn một tuần. Tâm bắt đầu trở lại trường học bằng quán bún nhỏ xíu bên đường của mẹ. Tâm thương mẹ lắm. Càng thương mẹ thì Tâm càng phấn đấu trong việc học tập rất nhiều. Bởi vì Tâm nghĩ: "Cha mất. Nghĩ đến mẹ vất vả sớm tối nên em phải cố gắng học, chỉ có học em mới có nghề lo cho mẹ em sau này".
Nghèo bao cái "eo" đeo lấy. Nhiều lúc học ở nhà Tâm không có bàn ngồi học như bao bạn khác. Nhưng em ý thức được hoàn cảnh nên chẳng bao giờ than phiền. Đổi lại, mỗi ngày, đi học về Tâm thường phụ mẹ việc nhà, rửa tô, rửa chén... đêm xuống, em ngồi học bài đến tận khuya. Còn trời vừa hừng sáng, Tâm lại thức sớm lui cui phụ mẹ dọn bàn, dọn ghế, dọn tô... và chạy xe ra chợ mua bún về cho mẹ bán. mỗi ngày, bà Loan bán không quá 20 tô bún, mỗi tô bà bán chỉ ở mức giá 15.000 đồng. Vì thế, đồng lời bà có được chẳng đáng là bao.
Ở nhà không bàn ngồi học, Tâm học tạm trên ghế bàn bán bún của mẹ - Ảnh: CHÍ CÔNG
"Bán ế, tui ngồi ôm cả nồi bún khóc hoài à. Con nó ham học, tui cũng ráng. Ngày nào hay ngày đó. Con nó thiếu thốn, tui cũng buồn lắm. Nhưng sức khỏe tui yếu, bữa bán, bữa nghỉ thì tui biết mần sao hơn. Giờ đây nghe nó nhận được học bổng tui và con mừng lắm mừng. Có số tiền đó, tui sẽ mua cho con cái bàn ngồi học... tui nghĩ nó sẽ vui lắm" - xúc động bà Loan nói với giọng nghẹn ngào.
Cô Nguyễn Thị Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp học hiện tại của Tâm, cho biết: "Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng Tâm nổ lực học tốt. Đi học đều. Em ấy hòa đồng với bạn bè. Tâm ngoan, thầy cô trong trường ai cũng thương. Nếu được bổng này, tui nghĩ em ấy có thêm điều kiện để tiếp tục theo đuổi ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch của mình".
Đăng Khoa - người cháu hiếu thảo
2 giờ chiều. Nắng nóng oi bức. Chúng tôi chạy dọc theo đường làng về xã Trung An ( Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) để tìm đến nhà Đàm Đăng Khoa - cậu học sinh không chỉ học giỏi mà còn là người cháu ngoan, hiếu thảo với ông bà, cô chú xóm giềng ai thấy cũng mến, cũng thương.
Như đã hẹn trước, em ngồi ở nhà đợi chúng tôi đến. Nhà em ở rất nhỏ. Bên trong không gì quý giá ngoài cái tủ thờ gia tiên đã cũ. Ở nhà em sống với cô Đàm Thị Đẹp (cô hai) và bà nội Nguyễn Thị Lịch, 80 tuổi, ở xã Trung Thạnh (Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) - ba chiếc bóng đơn côi bên đời nhưng ngập tràn yêu thương.
Đi học về Khoa đúc nội uống từng ly nước "yêu thương" - Ảnh: CHÍ CÔNG
Cô Đẹp cho biết: Năm Khoa lên 2 tuổi, cha em ấy chẳng may qua đời vì bệnh. Nhà nghèo. Ở quê, ít công ăn chuyện mần, bà Huỳnh Thị Thấm (mẹ Khoa) đành rứt ruột để Khoa ở nhà rồi lên Bình Dương mần thuê kiếm tiền cho con ăn học. Làm công nhân may mặc ở Bình Dương, đồng lương ít ỏi, dè sẻn nhịn ăn, bà Thấm cố lắm cũng chỉ gửi về nhà được 1.5 triệu đồng/tháng. Số tiền đó không nhiều nhưng nghĩ đến mẹ khổ cực là Khoa có thêm động lực để học.
"Mẹ Khoa phụ một tí. Ở đây, ai mướn gì tui mần đó, ngày có 50.000 - 70.000 đồng, thằng Khoa đi học thiếu thốn lắm. Nó đạp xe gần 10 cây số đến trường, đi đi về về. Vậy đã đành, có khi nó đi học hổng có tiền trong túi nữa chứ... nhiều lúc nó về mặt nó tái nhợt vì đói" - cô Đẹp trải lòng.
Khoa cao, thiếu ăn nên ốm. Đôi mắt Khoa đượm buồn nhưng ẩn sâu bên trong nó là ý chí học tập vô cùng mạnh mẽ. "Không tiền em ăn cơm nguội, uống nước lạnh đi học cũng được. Giá nào em cũng đi học. Em học để sau này em làm bác sĩ. Đó là ước mơ của em" - Khoa khẳng định.
Ở tuổi 16, Khoa đã sớm ý thức được cuộc sống khó nghèo. Nhất là Khoa cảm nhận được sự thiếu thốn yêu thương khi mất cha và xa mẹ. Vì thế, ngoài việc học ở trường, ở nhà Khoa luôn chăm sóc bà nội rất chu đáo. Khoa pha sữa. Khoa dẫn nội ra sau hè hóng mát... Khoa đút nội từng muỗng cơm, ly nước "yêu thương" mỗi ngày.
Rảnh rỗi, Khoa phụ cô Hai Đẹp làm bầu dưa hấu kiếm tiền ăn học - Ảnh: CHÍ CÔNG
"Nội yếu rồi, em thương nội lắm. Học thì em vẫn học. Buổi tối em học đến khuya, sáng em chịu khó dậy sớm, dò bài một chút rồi đến trường học vẫn được" - vừa đút nội uống nước, Khoa vừa chia sẻ.
"Khoa nó học giỏi. Đi dọn nhà, rửa chén, tui cũng lo nó học. Đâu để nó nghỉ học được. Hôm trước, tui nghe thằng Khoa nói thầy, cô trong trường xin học bổng cho nó, tui vui, tối đêm hôm đó khó lòng mà tui ngủ. Chỉ cần nó cố gắng, học tốt thì tui nghĩ xã hội sẽ thương lấy nó. Nghĩ vậy, tui lúc nào cũng động viên cho nó học" - nói xong, cô Đẹp nhìn theo bóng Khoa đi học dần khuất sau cầu Mương Đào như bà kỳ vọng rồi ngày mai đây cuộc sống em ấy sẽ tốt hơn.
150 suất học bổng 'Tiếp sức đến trường' đặc biệt đầu tiên mùa COVID-19 Sáng 26-5, báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn Cần Thơ đã tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 150 HS-SV khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và bà Lê Thị Sương Mai, phó trưởng ban tuyên giáo...