Tiếng “ngoại” lấn át tiếng “nội”
Hiện nay, việc chêm vào những từ ngữ nước ngoài trong giao tiếp không còn quá xa lạ trong giới trẻ. Bên cạnh những tiện ích do nó mang lại, nhiều người cho rằng đây là hiện tượng lai tạp, tiếp thu thiếu chọn lọc ngôn ngữ “ngoại”…
Tây, ta lẫn lộn
Bác Nguyễn Tuấn Trung, một cán bộ hưu trí ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bực bội kể lại: “Do có công việc tại TP Hồ Chí Minh 1 tuần nên tôi đã gọi điện tới một khách sạn trong đó để đặt phòng. Trong khi tôi đang hỏi về giá cả, dịch vụ thì cô lễ tân nghe điện thoại tuôn ra một tràng: “Anh book (đặt) phòng ạ? Anh chọn single hay double room (phòng đơn hay phòng đôi). Anh sure (chắc chắn) rồi chứ? Anh có thể fix (cố định) lịch chính xác ngày đến được không? Trong trường hợp máy bay delay (hoãn chuyến) hoặc thay đổi kế hoạch anh phải confirm (xác nhận) lại cho em”. Tôi nghe mà không thể hiểu cô ta đang nói gì. Tôi hỏi lại thì cô nhân viên này lại tiếp tục với thứ ngôn ngữ nửa Tây nửa ta. Thật đáng buồn là ngay cả khi ở trên đất nước mình, nói chuyện với người mình mà còn chẳng thể hiểu nổi nhau”…
Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, nhiều người đã vô tình làm tối nghĩa tiếng Việt, thậm chí có những cuộc đàm thoại mà người thạo tiếng Anh cũng phải vừa nghe vừa đoán, kiểu như: “Cậu làm essays (bài tập) chưa. Mấy bài đó very difficult (rất khó). Mình đã try again (cố gắng) nhưng vẫn chưa ok (xong). Nếu cậu đã complete (hoàn thành) thì send (gửi) vào email (hộp thư điện tử) cho mình nhé, hoặc cho mình phone number (số điện thoại) của thầy giáo để mình contact (liên lạc). Thanks (cảm ơn)”! Trên một số diễn đàn, mạng xã hội hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bài viết, bài bình luận dùng thứ ngôn ngữ pha trộn chẳng giống ai. Trong giao tiếp, khi khen một cô gái hay chàng trai nào đó, các bạn trẻ thường nói cute (xinh) thế, hay hot (bốc lửa) thế và thay vì nói “tạm biệt”, họ sẽ nói “bye bye” hay khi xin lỗi chỉ là “sorry”. Ngoài ra, những thuật ngữ như load tài liệu, nghe playlist, nhận mail, search mạng… được giới trẻ sử dụng khá phổ biến…
Hiện tượng sính ngoại trong văn nói và văn viết đã làm méo mó, biến dạng ngôn ngữ Việt. Ngay cả trên một số phương tiện thông tin đại chúng, từ nước ngoài cũng được dùng với tần suất dày đặc như tuổi teen, hot girl, rất hot, catwalk, forum, game, fair play, “gây shock”, “ thời trang nude”. Thậm chí tên một số sản phẩm được sản xuất trong nước như áo phông, quần bò, giày dép cũng in những nhãn hiệu nước ngoài như James Bond, Victoria… Tình trạng này đã khiến nhiều từ tiếng Việt gần như bị quên lãng. Chẳng hạn, danh từ “người dẫn chương trình” hay “người điều khiển chương trình” hiện tại hầu như không xuất hiện mà chỉ có từ MC (Master of Ceremonies). Và với những MC này, khi tỏ thái độ ngạc nhiên, hay reo mừng thì thay vì reo lên “trời ơi” hay “ái chà chà” họ lại hét lên “wow! wow! wow”.
Không nên lạm dụng
Video đang HOT
Mặc dù sự lai căng của tiếng Việt đã trở lên đáng báo động song tại Việt Nam chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Ai cũng biết, cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất là thực hành càng nhiều càng tốt. Việc sử dụng một lúc nhiều ngôn ngữ đã góp phần giúp không ít bạn trẻ năng động, hiện đại hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, một số ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Anh còn có ưu điểm là có thể chuyển tải nghĩa một cách ngắn gọn và hiệu quả. Hơn nữa, vẫn có một số từ tiếng Anh không thể dịch sang tiếng Việt như “buzz”, hay những thuật ngữ kinh tế “marketing”, “logistic”… Anh Vũ Đức Kiên – sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Tôi không thích sử dụng ngôn từ nửa này nửa kia. Theo tôi đây là hiện tượng xấu, nó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Và trong một số trường hợp nó thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với tiếng mẹ đẻ, gây khó chịu cho người nghe và tạo ác cảm đối với người lớn tuổi”.
Giới trẻ ngày nay được khuyến khích thể hiện cái tôi của mình và việc sử dụng song ngữ trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày đã trở thành một trào lưu. Có thể khắt khe khi cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ lai căng là sự sính ngoại thái quá, bởi trên một phương diện nào đó, việc dùng song ngữ đúng lúc, đúng chỗ vẫn có thể được chấp nhận. Bà Nguyễn Bích Hạnh – nguyên giảng viên ngành ngôn ngữ học, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: “Thực hành thường xuyên là một cách học ngoại ngữ hiệu quả, nhưng nếu ngoại hóa tiếng Việt để thể hiện rằng mình biết ngoại ngữ lại là điều không nên vì đến một lúc nào đó bạn sẽ dần đánh mất văn phong của ngôn ngữ tiếng Việt.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, chúng ta vẫn phải chấp nhận một số từ của nước ngoài song điều quan trọng là không được vay mượn tiếng nước ngoài một cách bừa bãi. Việc lạm dụng ngoại ngữ, sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ đã và đang làm mất đi tính thuần khiết vốn có của tiếng Việt… Nực cười ở chỗ trong khi chúng ta ra sức trau dồi và cố nói được tiếng nước ngoài đúng theo giọng chuẩn, xấu hổ khi nói sai từ, sai ngữ pháp nhưng lại thản nhiên khi nói ngọng, nói lắp tiếng mẹ đẻ của mình… Đây là hiện tượng tiếp thu thiếu chọn lọc, là dấu hiệu thể hiện sự xuống cấp trong việc sử dụng tiếng Việt của một bộ phận người dân Việt Nam”.
Theo ANTĐ
Học trường quốc tế, đuối... tiếng Việt
Các chuyên gia về ngôn ngữ đều khuyên rằng nên cho trẻ tiếp cận ngoại ngữ sớm để giúp trẻ dễ dàng phát huy khả năng ngôn ngữ thứ hai của mình. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến không ít học sinh xem nhẹ môn tiếng Việt.
Một học sinh lớp 10 có thể nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh sành sỏi là niềm tự hào của bố mẹ và nhà trường và chắc chắn tương lai của em cũng mở ra nhiều cơ hội như: tự tin trong giao tiếp với người nước ngoài, khả năng ngoại ngữ cho môi trường du học hoàn hảo, dễ dàng tiếp cận những tiến bộ của thời đại về mọi mặt vì có thể đọc hiểu và nghiên cứu tài liệu tốt... Nhưng nếu em không thể viết lưu loát một bài văn hoặc thậm chí một câu văn tiếng Việt hoàn chỉnh thì sẽ là điều đáng báo động.
Muốn viết lời nhắn cho bố mẹ phải nhờ... Google dịch!
Chị Nghiêm Thị Lan (phường 4, quận Tân Bình, TPHCM) rất tự hào về hai cậu con trai. Cả hai đều học trường quốc tế, tiếng Anh nói và viết làu làu. Ngoài ra, các cháu còn tham dự nhiều chương trình ngoại khóa như hướng đạo, âm nhạc... Nói chung là hai cậu con trai phát triển tuyệt vời cả về trí lực, thể lực và hòa mình vào các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, trong câu chuyện mới đây với chúng tôi, cả hai vợ chồng chị thoáng lo âu khi kể về... khả năng tiếng Việt của cậu trai cả năm nay học lớp 10. Chị cho biết toàn bộ chuyện ghi chép cháu đều sử dụng tiếng Anh. Do vậy, khi có việc gì phải ghi bằng tiếng Việt như viết vài dòng nhắn lại cho bố mẹ thì cậu tắc tị. Có lần cậu nảy ra sáng kiến lấy máy tính gõ bằng tiếng Anh rồi copy vào Google dịch!
Về khả năng nói thì cậu vẫn giao tiếp bình thường nhưng sử dụng ngôn ngữ không được tinh tế cho lắm. Chị Lan chia sẻ: "Cháu nói tiếng Việt tạm ổn nhưng những điều cơ bản như gà trống hay gà đực cháu không phân biệt được để sử dụng chính xác...".
Theo chị Lan, ở trường mà con chị đang theo học, tiếng Việt là môn tự chọn. Ý thức được chuyện cần thiết phải luyện tiếng Việt cho con, chị đã đăng ký cho cháu học môn tiếng Việt. Thế nhưng vì môn tiếng Việt của con chị quá yếu nên nó đã kéo điểm trung bình của các môn xuống theo. Con chị đang năn nỉ mẹ xin trường cho thôi học môn tiếng Việt để... bảo toàn thành tích.
Rút kinh nghiệm từ đứa con trai đầu, đến đứa thứ hai chị không cho học trường quốc tế ngay từ lớp 1 mà chị chờ cho đến lớp 4 mới cho vào trường quốc tế. Đúng như tính toán của gia đình, khả năng tiếng Việt của cậu em không đáng lo ngại như đứa anh.
Cũng vì thực trạng này mà một số trường quốc tế hiện nay như Trường Quốc tế Á Châu đã chú trọng giảng dạy bằng tiếng Việt cho các môn học chính và dạy theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT vào một buổi trong ngày, buổi còn lại sẽ học tiếng Anh, dạy bằng tiếng Anh và những ngoại ngữ phụ khác. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng môn tiếng Việt tại các trường quốc tế chỉ được xem là ngoại ngữ phụ. Thậm chí học sinh có quyền chọn học tiếng Nhật hoặc tiếng Hoa thay cho tiếng Việt vì các môn này là môn ngoại ngữ tự chọn. Vì thế sẽ không tránh khỏi việc học sinh bỏ môn tiếng Việt nếu cảm thấy lười học hoặc cho rằng không cần thiết học vì các em vốn là người Việt.
Tại sao trẻ không giỏi tiếng mẹ đẻ?
Nhà ngôn ngữ học người Mỹ lừng danh Noam Chomsky cho rằng ngôn ngữ con người là một hệ thống phổ quát. Có mấy ngàn ngôn ngữ tự nhiên khác nhau. Con người thừa hưởng một năng lực bẩm sinh về ngôn ngữ được di truyền từ đời này qua đời khác. Trẻ em dùng cái năng lực bẩm sinh ngôn ngữ này để học những ngôn ngữ cụ thể. Ban đầu sẽ học nói, sau đó học viết, học các quy tắc từ vựng, ngữ pháp. Đứa trẻ hình thành một ngôn ngữ qua quá trình tiếp nhận, học tập, sáng tạo nhờ năng lực bẩm sinh ngôn ngữ. Các em bắt chước và lặp lại theo lời người lớn, tự ghép nối những từ rời theo những "quy tắc" các em cảm nhận được khi nghe người chung quanh nói và được điều chỉnh, rút kinh nghiệm theo sự chỉ bảo của người lớn cho đúng với tình huống dùng... Vì thế, một đứa bé dù là người Việt, gia đình người Việt nhưng nếu được tiếp xúc hằng ngày trong môi trường sử dụng ngoại ngữ, bé chắc chắn sẽ giỏi nói ngoại ngữ hơn là tiếng mẹ đẻ.
Điều này đúng với bé trai Anh Nguyên, năm tuổi, học mẫu giáo (quận Bình Tân, TP.HCM). Bé có chị học tại một trường quốc tế. Bé có khả năng đặc biệt về bắt chước ngôn ngữ và trí nhớ nên bé dường như nhớ tất cả lời thoại trong phim hoạt hình. Từ cách suy luận theo diễn biến phim và thuyết minh, bé tự hiểu và nói được tiếng Anh như người lớn. Bất ngờ hơn, khi chị của bé học tiếng Anh tại nhà, bé đều học theo và hiểu theo cách truyền đạt của chị. Sự thú vị khi tiếp nhận một ngôn ngữ mới từ chị và phim ảnh dù vô tình nhưng cũng khiến bé có thói quen nói linh hoạt tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Tuy nhiên, điều này phụ huynh của bé lại được cô giáo cảnh báo: "Bé có khả năng sẽ học yếu môn tiếng Việt hơn các bạn cùng tuổi khi vào lớp 1!".
"Học ngoại ngữ sớm trên nền tảng tiếng Việt vững chắc"
GS-TS Ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Có những đứa trẻ nói được hai thứ tiếng thành thạo như nhau. Thứ tiếng mà bố mẹ dùng trong gia đình chúng nghe từ bé và thứ tiếng của xã hội mà đứa trẻ học khi tới lớp mẫu giáo và lớn lên trong nhà trường. Vậy thì sau năm năm đầu đời các em đã vô thức tiếp nhận được cơ cấu tiếng Việt, năng lực bẩm sinh ngôn ngữ vẫn được các em dùng để tiếp nhận một ngoại ngữ khác. Nên tận dụng điều này cho trẻ em học ngoại ngữ từ rất sớm, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tới trung học mới học ngoại ngữ. Tuy nhiên, ở độ tuổi tiểu học, học sinh chỉ nên học ngoại ngữ theo cách vừa học vừa chơi, còn nền tảng tiếng Việt nhất định phải được đào tạo và học tập vững chắc...".
Như thế, nếu phụ huynh muốn con em có một môi trường giáo dục tốt và chất lượng thì việc chọn các trường quốc tế là không sai. Nhưng điều quan trọng là phải biết nên cho trẻ theo học từ khi nào là hợp lý nhằm chuẩn bị cho con em nền tảng tiếng Việt thật tốt. Vì bất cứ nền văn hóa hay môn ngoại ngữ nào khi các em tiếp nhận cũng đều phải cần dựa trên cái nôi ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Theo Thụy Lê
Pháp luật TPHCM
Nữ sinh Việt Nam hai năm liền đoạt giải văn học Czech Với Nguyen Thuy Linh - một cô gái Việt Nam viết văn bằng tiếng Czech không có gì lạ. Năm nay là lần thứ hai liên tiếp cô gái này là người chiến thắng trong một cuộc thi văn học. Linh năm nay 18 tuổi và đang học trường Gymnázium Ostrov. "Tôi sinh ra ở Czech nên nói tiếng Czech từ nhỏ," cô...