Tiếng Nga lại được ưa chuộng
Trong hai năm liên tiếp, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng không mở được lớp tiếng Nga vì số thí sinh trúng tuyển quá ít. Trường sắp buộc phải mất mã ngành tuyển sinh khoa tiếng Nga thì bất ngờ mùa thi năm 2012, thí sinh lại mặn mà với tiếng Nga.
SV Khoa tiếng Nga- trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại Đà Nẵng.
“Tăng nhiệt” từ nhu cầu nguồn lực thực tế
Trong khi nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường khó kiếm được việc làm vì “cung vượt quá cầu”, thì PGS.TS Phan Văn Hòa – Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng lại chia sẻ một thực tế đáng tiếc: “Các doanh nghiệp thường xuyên đến trường “đặt hàng” SV tốt nghiệp khoa tiếng Nga nhưng trường không có “nguồn”. Liền hai năm trước, nhà trường phải tạm dừng mở lớp tiếng Nga do số lượng SV nhập học quá ít”.
Trong hơn 30 năm hoạt động giảng dạy, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng chính thức thành lập khoa tiếng Nga được gần 30 năm, có hàng ngàn lượt SV đã tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm ổn định và thành công. Thế nhưng, tuyển sinh cho khoa tiếng Nga trải qua không ít thăng trầm từ vị trí gần như độc tôn trong giảng dạy ngoại ngữ ở các trường học.
Đầu những năm 2000, thông tin về việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi với sự tham gia của Liên bang Nga đã làm hồi sinh nhu cầu học ngoại ngữ này ở miền Trung, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Số lượng SV của khoa bắt đầu tăng nhanh, đỉnh cao lànăm 2002 -2003.Nhưng sau đó cùng với việc LB Nga rút khỏi dự án nhà máy lọc dầu, số lượng SV vào khoa lại bắt đầu giảm mạnh. Số SV nhập học “mỏng” đến mức trường không mở được lớp, trong khi nhu cầu về nguồn nhân lực tiếng Nga đang khởi sắc trở lại.
Video đang HOT
Hiện nhu cầu nguồn nhân lực giỏi tiếng Nga trong khu vực miền Trung rất lớn, một phần là nhu cầu từ khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), một phần khác rất lớn chính từ nhu cầu nhân lực của ngành du lịch. Mới đây nhất là sự kiện đoàn Famtrip gồm 20 hãng lữ hành và báo chí từ các thành phố của Nga đến Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận khảo sát tiềm năng du lịch ở miền Trung. Riêng từ tháng 5 tới tháng 10 năm nay, có ít nhất 1.200 du khách Nga đến các tỉnh miền Trung. Nắm được những thông tin thực tế từ nhu cầu nguồn nhân lực, mùa tuyển sinh vừa qua trường đã có những tư vấn thông tin chi tiết đến thí sinh. Kết quả, từ chỗ không mở được lớp, sắp phải đóng mã ngành, năm nay, trường tuyển mới được hơn 70 SV cho khoa tiếng Nga. Việc thí sinh lại mặn mà với ngành học này xuất phát chính từ nhu cầu nguồn lực thực sự của xã hội.
Truyền lửa đam mê từ “ Thế giới Nga”
PGS.TS Phan Văn Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nói chắc: “Chúng tôi không lo ngại về đầu ra của SV khoa tiếng Nga bởi nhu cầu về nguồn nhân lực giỏi tiếng Nga là có thật. Vấn đề còn lại là tạo cho SV có thái độ, động cơ học tập tốt để nâng cao chất lượng đào tạo”.
Cùng với việc đổi mới phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng đào tạo, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng Phòng đọc Thế giới Nga từ gần một năm nay. Đây là phòng đọc Thế giới Nga thứ hai ở Việt Nam do Quỹ “Thế giới Nga” tài trợ (còn một phòng đọc khác ở Hà Nội). Tại đây được trang bị hơn 500 đầu sách gồm các từ điển, giáo trình tiếng Nga, các sách văn học, sách nghiên cứu về văn hóa, đất nước học… Từ phòng đọc này còn mở ra một thế giới Nga sinh động từ các máy vi tính nối mạng, Ti vi, DVD. Đây thực sự là nguồn học liệu quý đối với các giảng viên, SV khoa tiếng Nga. Hơn nữa, còn là địa chỉ chung cho những người yêu tiếng Nga, yêu đất nước, con người, nền văn hóa… của xứ sở Bạch Dương ở Đà Nẵng.
Khánh Hiền
Theo dân trí
"Cao thủ tiếng Nga" háo hức trước ngày du học
"Tiếng Nga dù khó nhưng càng học em càng thấy hấp dẫn, hiểu thêm nhiều điều lý thú về lịch sử, văn hóa, con người Nga..."- chủ nhân giải Nhất Olympic tiếng Nga Võ Đức Anh (lớp 12 C6, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) chia sẻ trước khi sang Nga du học.
Võ Đức Anh (lớp 12 C6, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) giành giải Nhất Olympic tiếng Nga và giành học bổng toàn phần du học tại Nga do Bộ GD-ĐT cấp.
Sinh ra trong một gia đình khoa học, bố và mẹ đều là giảng viên khoa Lý và Luật tại Trường ĐH Vinh nhưng Võ Đức Anh lại chọn cho mình ngành tiếng Nga khi đăng ký thi vào trường THPT Chuyên Phan Bội Châu.
Chia sẻ về quyết định bất ngờ này, Đức Anh cho biết: "Tiếng Nga rất khó và các cấp học dưới em đều chưa được học. Khi em chọn học lớp chuyên Nga, mọi người trong gia đình đều cảm thấy lo lắng sợ em không theo được. Nhưng rồi qua năm học đầu tiên, em đã bắt nhịp được và cảm thấy học tiếng Nga không phải là quá khó như mọi người nghĩ".
Ngay năm lớp 10, Đức Anh đã đạt thành tích đáng nể khi kết thúc năm học với tổng điểm trên 9,2 môn tiếng Nga, xếp cao nhất cả lớp. Đức Anh cũng dẫn đầu trong kỳ thi Khảo sát chuyên môn với tổng điểm 9,8 điểm. Bước sang năm lớp 11, Đức Anh được chọn vào đội tuyển khối 12 tham dự kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Nga và đã "rinh" về giải Nhì cho trường. Năm 12, Đức Anh tiếp tục tham dự kỳ thi này và đạt giải Ba toàn quốc.
Năm học 2011-2012 cũng là một năm nhiều niềm vui với cậu học trò Võ Đức Anh. Bên cạnh giải Ba toàn quốc môn tiếng Nga, Đức Anh còn giành giành thêm giải ba đọc thơ của Mikhail Yuryevich Lermontov do Trung tâm khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức.
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi Võ Đức Anh tiếp tục giành giải Nhất cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc do Trung tâm văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức, qua đó giúp em giành được học bổng toàn phần du học tại Nga do Bộ GD-ĐT cấp.
Đức Anh và cô giáo dạy tiếng Nga Trần Thị Minh Huyền.
Khi được hỏi về "bí kíp" giúp mình trở thành "cao thủ" tiếng Nga, Đức Anh vui vẻ cho biết: "Tiếng Nga học khó hơn một số ngoại ngữ khác, đặc biệt là kỹ năng viết. Phương pháp của em là phải cố gắng tranh thủ nghe cô giáo giảng trên lớp, về nhà làm lại các bài tập. Phải học kỹ từ mới trước khi lên lớp, muốn nhớ kỹ từ vựng và ngữ pháp thì phải luôn luôn tư duy bằng tiếng Nga, luôn đặt ra nhiều câu hỏi và câu trả lời bằng tiếng Nga trước những tình huống mình bắt gặp".
Trao đổi với PV Dân trí, cô Trần Thị Minh Huyền - giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy bộ môn tiếng Nga của lớp 12C6 không giấu được niềm vui và tự hào về học trò của mình. Cô tâm sự: "Bình thường trên lớp, Đức Anh luôn là một học sinh ngoan ngoãn và gương mẫu. Dù học giỏi nhưng em luôn khiêm tốn và chăm chỉ, tập trung nghe giảng và làm hết bài tập".
Cô Huyền cho biết thêm do thời gian học trên lớp rất ít, mặt khác toàn trường cũng chỉ có 2 giáo viên tiếng Nga nên đòi hỏi các em phải tự học, tự trau dồi ở nhà. "Học tiếng Nga không chỉ học về ngôn ngữ, mà còn học về lịch sử, địa lý, văn hóa và phong tục tập quán dân tộc Nga, do đó yêu cầu học sinh phải tự học nhiều, trau dồi kiến thức thật toàn diện" - cô Minh Huyền chia sẻ.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới, Đức Anh sẽ sang Nga du học. Đức Anh tâm sự: "Em yêu đất nước Nga, từ lâu em đã có ước mơ được học tập ở Nga. Đây sẽ cơ hội tốt để em thực hiện mơ ước của mình".
Nguyễn Duy - Cao Văn
Theo dân trí
Vật lý có thể thay thế Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 Bộ GD-ĐT vừa công bố lịch thi các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo đó kì thi này diễn ra trong các ngày 2, 3 và 4/6/2012. Đối với thí sinh có khó khăn về điều kiện học môn Ngoại ngữ sẽ được xem xét thi thay thế bằng môn Vật lý. Năm nay hệ giáo dục trung học phổ thông...