Tiếng Anh mầm non: Bộ nói dừng, trường vẫn dạy
Hai tháng sau khi Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ yêu cầu các trường mầm non phải dừng việc dạy học ngoại ngữ dưới bất kỳ hình thức nào, trên thực tế lệnh cấm này vẫn chưa được áp dụng triệt để.
Chưa được thẩm định, vẫn dạy
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, những trường mầm non tại Hà Nội và TP.HCM vốn đang dạy ngoại ngữ vẫn không có dấu hiệu dừng lại hoạt động này.
Tại Hà Nội, Trường mầm non 20.10 vẫn tổ chức dạy tiếng Anh bắt buộc với lớp chất lượng cao và tự nguyện cho những học sinh của lớp thường với mức học phí 450.000 đồng/tháng. Trường mầm non Lý Thường Kiệt cũng dạy tiếng Anh tự nguyện mỗi tuần 2 tiết với mức học phí 160.000 đồng/tháng.
Một phụ huynh cho biết nhóm trẻ gia đình “chất lượng cao” ở xóm chợ Ninh Hiệp, H.Gia Lâm, Hà Nội cũng đưa tiếng Anh vào giảng dạy từ hơn một năm nay. Theo phụ huynh này, chủ nhóm trẻ liên tục “khuyến khích” phụ huynh phải cho con học tiếng Anh từ năm 3 tuổi.
Các trường mầm non ngoài công lập vẫn công khai quảng bá chương trình song ngữ dù thực chất chỉ dạy tiếng Anh mỗi ngày khoảng 30 phút.
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay qua kiểm tra, rà soát, sở nhận thấy nhiều cơ sở giáo dục mầm non liên kết với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh nhưng chưa thực hiện đúng quy định quản lý cấp phép của Sở hoặc chưa được phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã thẩm định. Một số cơ sở giáo dục mầm non tổ chức hoạt động làm quen tiếng Anh trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên có trình độ tiếng Anh còn hạn chế và thực tế nhu cầu của cha mẹ trẻ chưa nhiều.
“Chưa có chỉ đạo”
Tương tự như vậy, hoạt động giảng dạy tiếng Anh trong trường mầm non ở TP.HCM vẫn tiến hành bình thường.
Phụ huynh một trường mầm non ở Q.7 nói, nhà trường vừa phát thông báo của Trung tâm ngoại ngữ POLY để phụ huynh đăng ký cho con em học khóa mới trong học kỳ 2. Hơn 100 học sinh lớp chồi và lá ở một trường của quận này vẫn theo học tiếng Anh đều đặn mỗi tuần 2 tiết.
Video đang HOT
Ở nhiều trường mầm non thuộc Q.3, Q.5, hằng tháng phụ huynh vẫn đóng học phí học tiếng Anh cho con em là 170.000 đồng và cũng không nhận bất cứ thông tin nào về việc ngừng chương trình tiếng Anh trong trường mầm non.
Ngoài chương trình tiếng Anh POLY, một số trường đang hợp tác với các đơn vị khác dạy tiếng Anh cho học sinh. Chẳng hạn một trường mầm non ở Q.Phú Nhuận thực hiện song song chương trình tiếng Anh với POLY và của trung tâm ngoại ngữ khác. Ở Q.11, hoạt động giảng dạy tiếng Anh vào các buổi chiều cũng tiếp tục diễn ra ở nhiều trường mầm non.
Lãnh đạo một số phòng giáo dục cho biết chúng tôi không thấy có văn bản nào chỉ đạo về việc ngưng chương trình này nên vẫn để các trường thực hiện. Thậm chí lãnh đạo một phòng giáo dục vẫn khẳng định: “Có văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình tiếng Anh POLY nên khi nào Sở có công văn kêu ngưng thì quận sẽ ngưng. Hiện tại chưa thấy thì các trường vẫn thực hiện như bình thường”.
Trao đổi điều này với Sở GD-ĐT TP.HCM, một lãnh đạo của phòng GD mầm non cho biết: “Chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể yêu cầu các trường ngưng việc dạy. Chúng tôi chỉ nhận văn bản yêu cầu báo cáo thì Sở đã báo cáo lên Bộ. Các trường chỉ ngừng chương trình khi nhận văn bản cụ thể từ phía Bộ”.
Trong khi đó, trước thực trạng các trường mầm non vẫn tiếp tục thực hiện dạy tiếng Anh, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD-ĐT rà soát, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập có tổ chức hoạt động ngoại khóa, đặc biệt việc liên kết tổ chức làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các đơn vị liên kết tại các cơ sở không thực hiện đúng quy định.
Các sở GD-ĐT phải có trách nhiệm xử lý
Sau loạt bài Thả nổi tiếng Anh mầm non đăng từ ngày 5.11.2013 trên Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ sẽ có chấn chỉnh, yêu cầu ngừng ngay việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non dưới mọi hình thức, kể cả chương trình ngoại khóa khi chưa có chỉ đạo của Bộ”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên vào đầu tuần này, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), thông tin: “Đến thời điểm này, sau khi có công văn yêu cầu các trường kiểm tra, rà soát, Bộ GD-ĐT đã nhận được văn bản báo cáo của các địa phương mà Báo Thanh Niên đã phản ánh trong loạt bài trước đó như Hà Nội, TP.HCM và cả những địa phương khác. Bộ đang tổng hợp những báo cáo này để đưa ra đánh giá chung và có những chỉ đạo cụ thể”.
Cũng theo ông Minh, nhìn chung các sở khi báo cáo với Bộ đều thống nhất quan điểm hiện nay hầu hết các trường mầm non đều chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đặc biệt là giáo viên để có thể dạy ngoại ngữ cho trẻ. Do vậy, những phụ huynh có nhu cầu tốt nhất nên tìm đến các trung tâm ngoại ngữ có uy tín để cho con mình học. Ông Minh cho biết thêm, riêng Hà Nội và TP.HCM có báo cáo Bộ cho phép một số cơ sở giáo dục “chất lượng cao” được dạy tiếng Anh theo nhu cầu tự nguyện của phụ huynh và sẽ có kiểm tra, giám sát chặt chẽ của sở. Tuy nhiên, Bộ chưa có quyết định chính thức về đề xuất trên. Ông Minh cho rằng ngoài những trường “chất lượng cao” mà Sở đang xin phép, những trường mầm non khác nếu vẫn tiếp tục dạy tiếng Anh cho học sinh thì các địa phương phải có trách nhiệm xử lý
Theo TNO
Giữ trẻ mầm non ngày giáp tết
Năm nay học sinh được nghỉ tết đến 16 ngày trong khi phụ huynh được nghỉ 9 ngày. Những gia đình có con trong độ tuổi mầm non tìm nơi giữ trẻ trước và sau tết là mối bận tâm lớn.
Nhiều cơ sở giáo dục mầm non vẫn giữ trẻ đến ngày cận tết - Ảnh: Tú Uyên
An toàn là trên hết
Anh Dương Thanh Hiếu (Q.5, TP.HCM) cho biết: "Vợ chồng tôi cùng làm việc đến hết ngày 28 tháng chạp và đi làm lại vào mùng 6 tết, trong khi cháu học hết ngày 24 thì nghỉ và đi học sau thời gian đi làm lại của ba mẹ một tuần. Vì thế, càng gần thời điểm nghỉ tết càng căng thẳng vì phải tìm cho được nơi gửi con. Năm trước, tôi có gửi cháu cho một nhóm trẻ gia đình nhưng năm nay băn khoăn quá. Trường cháu đang học mà mở lớp nhận trẻ ngày cận tết là hay nhất vì vừa quen trường, lớp vừa yên tâm".
Từ thực tế này, các phòng giáo dục của 24 quận, huyện tại TP.HCM cho phép các trường tổ chức giữ trẻ trước và sau tết. Bà Chung Bích Phượng, Phó phòng GD Q.Tân Phú, cho biết: "Các trường cho phụ huynh đăng ký, hiệu trưởng căn cứ vào số lượng thấy phù hợp để tổ chức thì thông báo rộng rãi với phụ huynh. Tuy nhiên, nếu thực hiện thì các trường phải có văn bản trình với phòng GD và tất cả các hoạt động bếp ăn, chăm sóc phải đảm bảo như những ngày học bình thường".
Do tâm lý phụ huynh nào cũng muốn gửi con tại trường trẻ đang học nên Phòng GD Q.Tân Bình động viên các trường nhận giữ trẻ thời gian này. Bà Phạm Thị Phước, Phó phòng GD Q.Tân Bình, cho biết các trường tính kinh phí tương tự như thời gian hè, tức là khoảng 50.000 đồng/ngày, chưa kể tiền ăn.
Do thời gian này không nằm trong chương trình của năm học nên Phòng GD Q.3 để cho các trường mầm non tự thỏa thuận mức thu với những phụ huynh có nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD Q.3, thông tin: "Phòng chỉ đạo các trường đã thực hiện thì phải nghiêm túc, đảm bảo an toàn cho trẻ, ban giám hiệu phải phân công lịch trực để quản lý".
Trường tư nhận trẻ ngoài trường
Theo thông tin từ Phòng GD Q.Tân Phú, hiện nay đã có 4 trường mầm non đăng ký giữ trẻ ngày cận tết là Trí Đức 1, Trí Đức 2, Tây Thạnh, Việt Mỹ. Lãnh đạo của Trường mầm non Trí Đức 1 cho hay: "Nhà trường đã bố trí giáo viên giữ trẻ đến hết ngày 28 và nhận lại vào mùng 6 tết".
Tương tự, Trường mầm non Hoàng Gia (Q.7) sẽ nhận giữ trẻ đến 12 giờ ngày 29 tết và nhận lại vào mùng 6. Bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: "Trường nhận trẻ từ 16 tháng tuổi trở lên".
Trường mầm non Bé Ngôi Sao (Q.Tân Bình) thông báo lịch nhận trẻ đến hết ngày 28 tết và nhận lại vào ngày đi làm của đa số phụ huynh với mức thu 120.000 đồng/ngày, bao gồm tiền ăn. Bà Trương Thị Huỳnh Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Phụ huynh ngoài trường, nếu có nhu cầu có thể đăng ký để giáo viên của trường chăm sóc và nuôi dưỡng".
Mức thu của một số trường (gồm cả học phí và tiền ăn)
- Trường mầm non Lan Anh (Q.8): Từ 50.000 - 60.000 đồng/ngày.
- Trường mầm non Bé Ngôi Sao (Q.Tân Bình): 120.000 đồng/ngày.
- Trường mầm non tư thục Vườn Thiên Thần (Q.Phú Nhuận): Học sinh trong trường 200.000 đồng/ngày, ngoài trường 250.000 đồng/ngày.
- Trường mầm non tư thục Mèo Con (Q.7): Học sinh trong trường 250.000 đồng/ngày, ngoài trường là 350.000 đồng/ngày.
Những lưu ý khi gửi con ngày tết
Bà Lê Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Mèo Con (Q.7), cho biết ngoài các trường mầm non công lập, tư thục còn có các nhóm trẻ gia đình, các cư dân sinh sống tại các khu dân cư, chung cư có nhận giữ trẻ để đáp ứng nhu cầu trên của phụ huynh. Theo bà Kim Vân, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về tính nết của giáo viên, thức ăn, cách chăm sóc trẻ của trường/nhóm trẻ trước khi gửi con em. Cũng theo bà Kim Vân, trong thời gian này ba mẹ nên đón trẻ đúng giờ chứ không nên để trẻ trông ngóng, chờ đợi trong khi bản thân đã thiệt thòi hơn nhiều bạn khác được nghỉ ở nhà với người thân.
Nếu phải gửi con vào các trường khác, phụ huynh nên tranh thủ đưa con đến làm quen trước, động viên để trẻ biết chỉ học tạm chứ không phải chuyển trường, xa bạn bè.
Về phía nhà trường, thời gian này giáo viên tăng cường các hoạt động vui chơi, lễ hội để trẻ không còn những cảm giác thiệt thòi, buồn bã.
Theo TNO
Sự đối lập khó hiểu trong vụ xử hai bảo mẫu hành hạ trẻ em Người dân phẫn nộ mang trứng thối, cà chua đến tòa rồi vỗ tay khi tòa tuyên án. Thế nhưng, nhiều ý kiến lại cho rằng mức xử 3 năm tù với mỗi bảo mẫu là quá nặng. Trong phiên xử ngày 20/1, TAND Q.Thủ Đức đã tuyên hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý cùng mức án...