Tiền tỷ thu hút tiến sĩ
Nhiều trường đại học, cao đẳng đưa ra chính sách ưu đãi lên đến hàng tỷ đồng để thu hút người có học hàm, học vị về trường mình, nhưng kết quả không như mong muốn.
Các ưu đãi bao gồm hỗ trợ tiền mặt lên đến hàng trăm triệu đồng, phụ cấp ưu đãi theo hệ số lương, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ mua nhà…
Tuy ưu đãi hấp dẫn nhưng số người về trường làm việc không nhiều, thậm chí có trường không thu hút được tiến sĩ nào. Trong khi đó, có trường tuy nhiều người về nhưng sau một thời gian đã dứt áo ra đi vì môi trường không phù hợp.
ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) thu hút được nhiều người về làm việc, nhưng không ít người đã ra đi vì môi trường làm việc chưa phù hợp – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Hỗ trợ tiền tỷ
Hiện có một số trường thực hiện chính sách này như ĐH Hạ Long, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Xây dựng Miền Tây, CĐ Cộng đồng Hậu Giang… Đây là những trường ĐH mới được nâng cấp từ các trường CĐ tại địa phương. Hầu hết trường này trực thuộc UBND tỉnh và được tỉnh hỗ trợ kinh phí, riêng ĐH Xây dựng Miền Tây tự bỏ kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi.
Trong số này, ĐH Hạ Long (Quảng Ninh) chi mạnh tay nhất. Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, từ nay đến năm 2017 trường cần tuyển 15 tiến sĩ và 27 thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài, phần lớn tập trung vào nhóm ngành ngoại ngữ.
Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện, người có học hàm giáo sư – tiến sĩ được hỗ trợ tiền mặt một lần 700 triệu đồng, phó giáo sư – tiến sĩ được 600 triệu đồng, tiến sĩ được 500 triệu đồng và thạc sĩ là 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, người về trường theo diện thu hút này còn được hỗ trợ 3-10 lần mức lương cơ sở hàng tháng.
Ngoài ra, những đối tượng này cũng được hỗ trợ nhà ở công vụ, hỗ trợ tiền tạo lập nhà ở 2,5 – 4,5 tỷ đồng tùy đối tượng. Ngoài việc hỗ trợ trên, người về trường làm việc còn được nhiều ưu đãi khác về việc bố trí công việc phù hợp, ưu tiên xem xét bổ nhiệm cán bộ quản lý, ưu tiên bố trí việc làm cho vợ (chồng) trên địa bàn tỉnh.
Tuy mức ưu đãi thấp hơn, nhưng số tiền ĐH Xây dựng Miền Tây hỗ trợ người về trường làm việc cũng rất lớn. Ngoài các ưu đãi về việc ưu tiên bố trí công việc, bố trí phòng ở, người về trường được hưởng phụ cấp tăng thêm 2-3 lần mức lương tối thiểu chung.
Video đang HOT
Người có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên còn được hỗ trợ một lần 500 triệu đồng đối với giáo sư – tiến sĩ, 450 triệu đồng đối với phó giáo sư – tiến sĩ và tiến sĩ là 400 triệu đồng. Với bằng cấp được đào tạo ở nước ngoài, mức hỗ trợ tăng thêm 100 triệu đồng.
Trong khi đó, tại ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), người có học vị tiến sĩ cam kết làm việc tại trường tối thiểu năm năm sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi được 100 triệu đồng, hỗ trợ mua nhà giá rẻ…
Ngoài ra, trường còn hỗ trợ về tiền thuê nhà ở, chi phí đi lại hằng tháng. Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang hỗ trợ người có bằng thạc sĩ 70 triệu đồng và tiến sĩ 100 triệu đồng.
Chỉ giải quyết tức thời
Mặc dù đưa ra những hỗ trợ và ưu đãi rất lớn, nhưng kết quả lại chưa như kỳ vọng của các trường. Tháng 3/2015, ĐH Hạ Long thông báo tuyển dụng 15 tiến sĩ và 27 thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về làm giảng viên theo chính sách thu hút của tỉnh.
Thế nhưng theo số liệu của phòng tổ chức cán bộ ĐH Hạ Long, tính đến thời điểm tháng 8/2015, trường này mới chỉ tuyển được hai người có học vị tiến sĩ, trong đó có một tiến sĩ ngôn ngữ Anh và một tiến sĩ ngôn ngữ Trung Quốc.
Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Xuân – Phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng Miền Tây – cho biết, đến nay, trường vẫn chưa tuyển được ứng viên nào theo diện thu hút này. “Có một người nộp hồ sơ, trường liên lạc mời về, nhưng cuối cùng họ không về.
Trường có tiềm lực, nhưng đặc thù đào tạo các ngành kỹ thuật nên chỉ thu hút tiến sĩ nhóm ngành này, không tuyển tiến sĩ khối kinh tế và nhóm ngành khác. Hơn nữa, trường nằm ở tỉnh nên cũng hạn chế sự quan tâm của người muốn về trường” – ông Xuân lý giải về việc chính sách thu hút chưa đạt kết quả như mong muốn.
Cũng theo ông Xuân, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong khi chính sách thu hút chưa hiệu quả, trường phải tự đưa người đi đào tạo. “Năm nay trường có 10 người trúng tuyển nghiên cứu sinh. Dự kiến mỗi năm trường sẽ đưa 8-10 người làm nghiên cứu sinh, phấn đấu đến năm 2020 trường có 25 giảng viên, cán bộ quản lý có học vị tiến sĩ” – ông Xuân nói thêm.
Tại ĐH Thủ Dầu Một, chính sách thu hút này đã giúp trường tuyển được một lượng lớn người có học hàm, học vị khi trường vừa được nâng cấp lên ĐH. Tuy vậy sau thời gian năm năm, nhiều người đã dứt áo ra đi.
Một tiến sĩ về ĐH Thủ Dầu Một theo chính sách này, hiện đã rời trường, cho biết chính sách này thật sự rất tốt cho địa phương nói chung và ĐH Thủ Dầu Một nói riêng. Lúc mới về công tác, môi trường làm việc rất tốt, đội ngũ này đã xây dựng chương trình vững, mở nhiều ngành đào tạo, kể cả bậc thạc sĩ.
Tuy nhiên, thời gian sau này môi trường làm việc không còn như lúc đầu, giảng viên không còn được tự do làm chuyên môn, mà tất cả phụ thuộc vào phòng đào tạo, phòng tổ chức. Chính sách tốt nhưng cách thực hiện nửa vời – chỉ phục vụ việc mở ngành của trường – nên không giữ chân người về trường.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp – Hiệu trưởng ĐH Thủ Dầu Một – cho hay, giai đoạn 2009-2014, có 3 phó giáo sư, 52 tiến sĩ và 338 thạc sĩ về trường theo diện thu hút. Gần 34 tỉ đồng đã được giải ngân cho người về trường.
Thế nhưng hết thời hạn năm năm, 20 người đã ra đi. “Nhờ chính sách này mà đội ngũ giảng viên của trường được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, chính sách này chỉ giải quyết được vấn đề tức thời, về chiều sâu và lâu dài thì không ổn định.
Nhiều người đến với trường nhưng lại không gắn bó. Do vậy trường phải đẩy mạnh việc đào tạo, đưa người của trường đi học thạc sĩ, tiến sĩ để đảm bảo đội ngũ cũng như sự gắn bó lâu dài. Hiện có 61 người đang làm nghiên cứu sinh” – ông Hiệp cho biết.
Cần nhất là môi trường làm việc
Tiến sĩ Phạm Thị Ly – ĐH Quốc gia TP HCM – cho rằng, những chính sách khích lệ về tiền lương, nhà ở, chi phí đi lại… nhằm thu hút người có trình độ cao về các tỉnh làm việc là điều rất cần nhưng không đủ.
Quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc. Môi trường làm việc bao gồm thiết chế quản trị nội bộ (những quy tắc về việc cung cấp kinh phí, sử dụng con người, đánh giá kết quả làm việc); hạ tầng cơ sở; chất lượng lao động, học tập nói chung của đồng nghiệp và của sinh viên; uy tín của nhà trường đối với xã hội…
Chính những điều kiện đủ này mới tạo ra tính chất bền vững của chính sách thu hút người tài.
Chừng nào các trường chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp những điều kiện cần mà không tạo ra điều kiện đủ, các chính sách ấy mới chỉ là những giải pháp ngắn hạn và không lâu bền. Không phải các trường không biết điều này, nhưng họ vẫn nhằm vào những mục tiêu ngắn hạn và hình thức.
Nếu cứ tiếp tục cách tư duy đó thì thật khó lòng nói tới đổi mới chất lượng, và khoảng cách của chúng ta với thế giới sẽ càng thêm giãn rộng.
Theo Minh Giảng/Tuổi Trẻ
Thứ trưởng Bộ Nội vụ: 'Hai con tôi du học cũng không về'
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, chính sách thu hút nhân tài hiện nay chưa bền vững và phần lớn du học sinh không về nước làm việc.
Sáng 29/12, tại phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật thanh niên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đề cập vấn đề thu hút nhân tài, trong đó có du học sinh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại phiên giải trình sáng 29/12 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Trường.
Ông Thăng cho biết: "Chính sách thu hút nhân tài chưa bền vững. Thời gian qua, phong trào 'trải thảm đỏ' thu hút được nhiều người, với những khuyến khích về lương, phụ cấp, chính sách vay vốn... Sau đó, chính sách sử dụng phải theo Luật công chức, viên chức; thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng giao cho bộ trưởng các bộ và chủ tịch UBND tỉnh. Việc thu hút, sử dụng ra sao, môi trường làm việc thế nào là một vấn đề".
Đề cập ví dụ của đại biểu Quốc hội về trường hợp 12/13 nhà vô địch Olympia không về nước sau khi du học, ông Thăng nói, phần lớn học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập đều không trở về. Vị thứ trưởng cũng thừa nhận hai con mình du học cũng không về.
"Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về. Ví dụ như thế thì thấy khó thật. Bây giờ tạo việc làm thế nào, thu hút làm sao, chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ để xem lại chính sách", ông Thăng nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, quan điểm cá nhân của ông là phải có tư duy thoáng hơn. Không phải du học sinh không về nước là không yêu nước và không đóng góp cho Tổ quốc. Đây là sự cống hiến chung cho nhân loại. Có những trường hợp đưa hình ảnh Việt Nam lên rất cao, ví dụ như giáo sư Ngô Bảo Châu.
Chuyện du học sinh ở hay về không phải chủ đề mới. Tuy nhiên, vấn đề được hâm nóng dịp cuối năm qua câu chuyện của TS Doãn Minh Đăng - người từng thi Đường lên đỉnh Olympia - có nguy cơ bị ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ buộc thôi việc sau khi nói xấu trường trên Facebook.
Sau đó, Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên Nguyễn Thành Vinh cho rằng, về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người tài phát triển. Nhiều du học sinh khác chia sẻ quan điểm này khi cho rằng ở đâu cũng tốt nếu có đóng góp cho quê hương.
Tuy nhiên, luồng ý kiến tranh luận đặt vấn đề, nếu ai cũng không về thì làm sao đất nước hơn? Du học sinh giỏi thì nên trở về thay đổi những bất cập, trực tiếp đóng góp cho đất nước.
Theo Zing
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vì sao 'chảy máu' nhân tài? Đất nước muốn phát triển, phải trông vào các tài năng và những người thật sự có năng lực. Vì thế, chúng ta phải tạo môi trường minh bạch, trong sạch để thu hút nhân tài. Tâm điểm trên các kênh truyền thông, trang mạng xã hội và cả báo giấy, báo hình, báo điện tử trong suốt mấy tuần qua là chuyện...