Tiến tới Vinh Quang Việt Nam lần thứ XII: Lớp học tình thương của bà giáo Thông
Cô Nguyễn Thị Thông với lớp học xoá mù nơi vùng biển nghèo. Ảnh: P.H
Cô Nguyễn Thị Thông (69 tuổi) ở xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) là nhà giáo vinh dự được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gửi thư khen. Thành tích của cô thật đặc biệt. Nghỉ hưu, cô vẫn tiếp tục với phấn trắng bảng đen mở lớp học tình thương, xóa mù chữ cho học trò vùng ven biển nghèo.
Dòng sự kiện Vinh quang Việt Nam
Video đang HOT
Không thể xa tình yêu với bảng đen, phấn trắng
Sau 35 năm làm giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục, năm 2002, cô Nguyễn Thị Thông về hưu. Không như nhiều người khác dành cho mình khoảng thời gian nhàn rỗi lúc tuổi già, cô Thông vẫn miệt mài với phấn trắng bảng đen. “Nhận quyết định về hưu, sức còn khoẻ, khi đó tôi nghĩ mình sẽ làm gì đây? Cũng suy nghĩ vài việc để làm kiếm thêm thu nhập, nhưng thấy việc mở lớp tình thương, xoá mù cho trẻ em nghèo bất hạnh, người lớn có hoàn cảnh khó khăn mà chưa biết chữ là việc có ý nghĩa nên làm” – cô Thông chia sẻ. Với lại “bao nhiêu năm đứng lớp rồi, giờ không được nhìn thấy bảng đen phấn trắng thì nhớ không chịu được”.
Nghĩ là làm, cô đi xin bàn ghế cũ, về nhờ người sửa sang lại làm bàn học. Lớp học đầu tiên của cô Thông được ở dưới gốc cây bàng trước cổng. 16 học sinh ban đầu bao gồm đủ các lứa tuổi khác nhau nhưng cùng chung cái nghèo và sự khát chữ.
Ngày mưa thì lớp chuyển vào trong căn phòng rộng 6m2 của cô. Từ năm 2010, lớp học chuyển qua trung tâm học tập cộng đồng ngay tại UBND xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho tới bây giờ.
Lớp học kéo dài từ 13-16h từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Hiện lớp có 7 học sinh, là những em có hoàn cảnh khó khăn không đủ sức đến trường, bị khuyết tật nhưng ham học. Các em được học hết lớp 5 theo chương trình đào tạo của Bộ GDĐT, sau đó cô giới thiệu, giúp đỡ các em vào học cùng các bạn ở trường THCS.
Ngoài lớp học tình thương của trẻ nhỏ, cô còn đứng lớp xóa mù chữ cho người trưởng thành trong độ tuổi từ 40-60 vào buổi tối, bổ túc chủ yếu vào ba tháng hè, giúp cho nhiều người ở xã Ngư Lộc
biết chữ.
Cho đến nay, cô Thông xóa mù chữ được cho 97 học sinh. Năm vừa rồi còn có em đi thi đại học, còn lại chủ yếu dừng ở mức xóa mù chữ để cuộc sống của các em sau này đỡ vất vả.
Dành cả đời cho tình yêu học trò
Lớp học tan, cô lại cặm cụi ngồi xem tài liệu về việc vận động khuyến học của xã. Từ năm 2002 đến nay, cô cùng với các ban, ngành, đoàn thể, dòng họ vận động gây quỹ khuyến học của xã lên đến 2,7 tỉ đồng. Hội Khuyến học xã Ngư Lộc từng 2 lần nhận được bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam. “Cô giáo Thông là một chất keo gắn kết đưa phong trào khuyến học vùng quê ven biển này đi lên” – ông Nguyễn Ngọc Diệp – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngư Lộc – cho hay. Thư khen của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hôm 30.11 được cô lồng trong khung kính, để trang trọng ở góc nhỏ bên cạnh chồng giấy khen, bằng khen…
Bộ bàn ghế nhỏ trong căn phòng rộng 6m2, là nơi hằng đêm cô ngồi soạn giáo án, chấm điểm cho học trò.
Đạt nhiều thành tích trong giáo dục nhưng nhiều năm qua, cô giáo Thông vẫn một mình lẻ bóng. Khi tuổi còn trẻ, nhiều người đến ngỏ lời với cô nhưng gia cảnh khó khăn, bố mẹ già yếu, các chị lấy chồng, thêm một người chị nữa mù lòa nên cô giáo cứ lần lữa đến hết cả tuổi xuân. Cô nhận nuôi một người con gái đến tuổi trưởng thành, lo lập gia đình cho con rồi cứ ở vậy. Bao nhiêu tình thương, cô dành hết cho học trò và chăm sóc cho những người xung quanh.
Với cô Thông, hạnh phúc là được cống hiến, được mang tình yêu thương của mình đến với những số phận bất hạnh. Với công việc tận tuỵ, cần mẫn bằng cả tình yêu và trách nhiệm, cô Thông là một người hạnh phúc!
Theo laodong.com.vn