Tiến sĩ Việt kiều “mổ xẻ” những bất cập ở bậc học Đại học
QĐND Online – “Giáo dục đại học là mảng cần có nhiều sự đổi mới ở Việt Nam và con đường tiến bộ cho giáo dục đại học đó chính là cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học…”. Đây là chia sẻ đáng chú ý của TS Trần Hải Linh, Trường Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) tại Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam vừa diễn ra hôm 7-6 tại Hà Nội, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước. Diễn đàn có chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Các trường đại học cần có quyền tự chủ
Đóng góp về vấn đề đổi mới giáo dục, TS Trần Hải Linh đã nêu ra một thực tế đó là, học sinh tốt nghiệp các trường Trung học phổ thông ở Việt Nam không thua kém trình độ học sinh trung học các nước. Nhưng sinh viên tốt nghiệp Đại học của ta có thể nói là phần nhiều còn thua kém so với người tốt nghiệp Đại học ở nước ngoài, nhất là về các mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc… Điều này thể hiện rõ qua thực tế, trong một khoảng thời gian khá dài, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp và tỷ lệ sinh viên phải làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Nhằm khắc phục, TS Trần Hải Linh cho rằng, các trường đại học nên có quyền tự chủ về tuyển sinh, về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về giảng dạy và nghiên cứu, tự chủ về tài chính, về chương trình học cho sinh viên… Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của quốc gia sẽ dần phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình.
TS Trần Hải Linh đã chỉ ra bất cập trong vấn đề lương của giảng viên và cán bộ Đại học. Mức độ lương theo hệ thống lương công chức không tương ứng với mức độ cống hiến và vị trí xã hội của họ. Cũng đã có nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục như có thêm thu nhập từ việc làm các đề tài nghiên cứu được bổ sung vào lương, nhưng đó chỉ là những giải pháp tình thế nhất thời. Việc trả lương thấp này là một sự bất công lớn với ngành Đại học so với nhiều ngành khác, chẳng hạn thu nhập của Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sĩ giảng dạy Đại học nhiều năm lại không bằng thu nhập của một số cử nhân, thạc sĩ, kỹ sư mới ra trường đang làm việc cho các tập đoàn, công ty. “Điều này tạo nên sự lãng phí vô cùng to lớn về tiềm năng công suất lao động của đội ngũ giảng viên, cán bộ Đại học Việt Nam vì thiếu điều kiện làm việc, rồi mất thời giờ lo chuyện cơm áo gạo tiền để bù đắp thêm cho khoản lương không đủ mức sinh sống cho gia đình”, TS Trần Hải Linh nhận định. Và chỉ khi có lương đủ sống, điều kiện nghiên cứu và làm việc đạt tiêu chuẩn, kèm theo các chính sách phù hợp với sự phát triển thì mới có thể đào tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển khoa học công nghệ, hướng đến công nghiệp, tạo đòn bẩy cho việc phát triển nền kinh tế quốc gia.
Tiến sĩ Trần Hải Linh dẫn chứng một số trường Đại học ở Việt Nam đã và đang thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, trả lương cao hơn cho các giảng viên, cán bộ so với các trường Đại học không tự chủ về tài chính. Thực tế cho thấy rõ, kết quả nghiên cứu, giảng dạy cũng như đầu ra của sinh viên ở các trường đó đã thay đổi và chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tốt.
TS Trần Hải Linh phát biểu tại Diễn đàn.
Việt Nam đang làm ngược thế giới?
Trong quá trình nghiên cứu vấn đề nhân sự của đa số các trường đại học Việt Nam hiện nay, TS Trần Hải Linh nhận thấy một bất cập nữa là Việt Nam đang làm trái ngược với bất kỳ trường đại học nào trên thế giới về quy trình tuyển chọn giảng viên. Cách thức mà các trường đại học Việt Nam thực hiện để xây dựng nhân sự cho trường mình là tạo nguồn tại chỗ, tức là lựa chọn những sinh viên giỏi nhất để bồi dưỡng, đào tạo họ trở thành nguồn cán bộ cho chính trường mình. Trên thế giới thì ngược lại bởi hầu hết các trường đại học đều có chính sách không tuyển sinh viên do mình đào tạo. Điều đó không có nghĩa là họ không tin chất lượng đào tạo hay tốt nghiệp của sinh viên trường họ mà họ làm như vậy để khuyến khích việc luân chuyển cán bộ, giảng viên từ trường nọ sang trường kia.
TS Trần Hải Linh đã đề xuất một số giải pháp có thể áp dụng ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc Đại học, trong đó đáng chú ý là đề xuất thành lập chương trình mang tầm chiến lược như chương trình Brain Korea 21 của Hàn Quốc đã thực hiện. Chương trình này sẽ giúp định hướng và liên kết giữa giáo dục đại học và các nhà nghiên cứu trẻ, nguồn nhân lực trình độ cao trong việc phát triển khoa học, công nghệ, tăng trưởng kinh tế quốc gia. Dự án Brain Korea 21 được coi là một thành công ngoạn mục và đưa giáo dục đại học Hàn Quốc lên một tầm cao hơn. Đây là dự án nhằm xây dựng cho Hàn Quốc những trường đại học đẳng cấp quốc tế qua các chương trình tài trợ đặc biệt cho nghiên cứu khoa học.
Việt Nam đang thực hiện chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức người Việt ở nước ngoài mang tri thức về đóng góp xây dựng quê hương. Về mặt chủ trương, nếu điều này được thực hiện có lộ trình rõ ràng và có cách phát triển đúng đắn thì sẽ mang lại những giá trị cao cho giáo dục đại học cũng như phát triển khoa học, công nghệ ở Việt Nam. “Tôi cho rằng đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với tiềm lực rất đáng kể và đều có mong muốn cống hiến cho đất nước nhưng vẫn còn bị những hạn chế vì một số lý do. Trong đó, bao gồm vấn đề thiếu thông tin, thiếu “cầu nối”, và phương thức thực hiện chính sách”, TS Trần Hải Linh chia sẻ.
TS Trần Hải Linh cũng cho biết, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài có gần 4,5 triệu người, trong đó có gần 400.000 người là chuyên gia, trí thức được học tập và đào tạo bài bản. Việt Nam sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tìm ra những cách thức phù hợp để kết hợp nguồn lực ngoài nước với các nguồn lực trong nước.
Theo QĐND