Tiến sĩ Văn học hướng dẫn sĩ tử cách làm bài đọc hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp
Để làm tốt kiểu bài đọc hiểu, học sinh cần xác định chính xác từng loại câu hỏi theo mức độ để tránh trả lời thừa hoặc thiếu.
Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết – giáo viên giảng dạy Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, việc nắm bắt chính xác đặc điểm dạng bài đọc hiểu không chỉ giúp học sinh thực hiện tốt nhất yêu cầu của các câu hỏi đọc hiểu, đạt điểm số cao nhất mà còn giúp các em luyện kĩ năng nghe hiểu, đọc hiểu cho mọi hoạt động thực tiễn.
Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết về kỹ năng nhận biết và xử lí các dạng bài đọc hiểu trước thềm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.
Đặc điểm nhận biết dạng bài đọc hiểu
Sự xuất hiện của dạng bài đọc hiểu trong đề thi từ năm 2014 khiến dạng bài này trở nên quan trọng trong quá trình dạy học và ôn luyện ở các trường phổ thông.
Kiểu bài tập này thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế của các hoạt động học tập, làm việc, hợp tác và giao tiếp trong cuộc sống khi khả năng đọc – hiểu, nghe – hiểu, xem – hiểu… từ văn bản viết tới văn bản nói ngày càng có nhiều độ chênh sai.
Sau nhiều thay đổi, chỉnh sửa, mô hình bài đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn tới nay đã có những thống nhất tương đối.
Trong cấu trúc bài đọc hiểu luôn có hai phần, phần thứ nhất là ngữ liệu đọc hiểu.
Sau nhiều thay đổi, tới nay ngữ liệu đọc hiểu là một văn bản ở ngoài chương trình sách giáo khoa. Đó là một văn bản trọn vẹn hoặc trích đoạn và có thể thuộc bất kì một phong cách ngôn ngữ nào, từ báo chí, chính luận, nghệ thuật, khoa học, sinh hoạt cho đến hành chính công vụ. Ngữ liệu ấy có thể là một đoạn văn xuôi khoảng 200 tới 300 chữ hoặc một đoạn thơ khoảng 15 tới 20 câu…
Ngữ liệu đọc hiểu thường bao gồm cả trích đoạn và xuất xứ văn bản, phần xuất xứ này cũng giữ vai trò quan trọng trong việc gợi ý cho học sinh có thể hiểu hơn về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt hoặc chủ đề văn bản.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (ảnh: NVCC)
Cụ thể, học sinh có thể quan sát đặc điểm dạng bài đọc hiểu qua một số đề chính thức và đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra trong những năm gần đây:
Đề thi trung học phổ thông quốc gia 2018: Đoạn thơ Đánh thức tiềm lực ( tác giả Nguyễn Duy):
1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
2.Trong đoạn trích, tác giả nhắc tới những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?
3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích?
4.Theo anh/ chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ “ Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực- tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?
Video đang HOT
Đề thi trung học phổ thông quốc gia 2019: Đoạn thơ Trước biển ( tác giả Vũ Quần Phương):
1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
2. Anh/ Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào: Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm?
3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau: C ái hào hiệp ngang tàng của gió – Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ – Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời – Cái giản đơn sâu sắc như đời?
4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Đề minh họa lần 1, năm 2020: Đoạn trích “Đánh thức con người phi thường trong bạn”:
1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
2. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng anh hùng là người có thái độ nhứ thế nào trước khó khăn nghịch cảnh?
3. Anh, chị hiểu như thế nào về câu: Anh hùng không phải mẫu người hoàn hảo vì chẳng có ai hoàn hảo?
4. Anh, chị có đồng tình với quan niệm: Chúng ta đều mắc sai lầm nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong cuộc đời? Vì sao?
Đề tham khảo Tốt nghiệp trung học phổ thông 2020: Đoạn trích “Tất cả chỉ là chuyện nhỏ”:
1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
2. Theo đoạn trích, người có thói quen hay phản đối người khác thường nhận được phản ứng như thế nào?
3. Dựa vào đoạn trích, anh, chị hãy cho biết thế nào là “thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã”?
4. Lời khuyên “ Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh, chị?
Quan sát hệ thống đề trên, cô Tuyết cho rằng, có thể thấy sau ngữ liệu đọc hiểu là 4 câu hỏi được phân bổ theo các mức độ nhận thức từ thấp tới cao: nhận biết, thông hiểu, vận dụng/ vận dụng cao.
Với từng mức độ câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần biết phân biệt kiểu dạng, tín hiệu nhận biết và yêu cầu trả lời phù hợp.
Kĩ năng xác định và xử lí các mức độ câu hỏi đọc hiểu
Thứ nhất, với câu hỏi nhận biết, kiểu câu hỏi này thường yêu cầu xác định một đặc điểm của hình thức văn bản như: thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt…( thường có cụm từ ” Xác định… / Chỉ ra… phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính/ cơ bản…).
Câu hỏi nhận biết còn có thể yêu cầu tìm những chi tiết thuộc về nội dung văn bản phù hợp với nội dung định hướng trong câu lệnh (thường có cụm từ cho thấy dấu hiệu nhận biết: “ Theo tác giả/ Theo đoạn trích/ trong đoạn trích/ dựa vào đoạn trích…“).
Với câu hỏi nhận biết, học sinh có thể sử dụng kiến thức tiếng Việt, kiến thức văn học… để trả lời những yêu cầu xác định một đặc điểm của hình thức văn bản hoặc đọc văn bản và tìm nội dung phù hợp với yêu cầu câu hỏi.
Ví dụ: Theo đoạn trích, người có thói quen hay phản đối người khác thường nhận được phản ứng như thế nào? (Đề tham khảo Tốt nghiệp trung học phổ thông 2020). Dạng câu hỏi này, học sinh không cần phân tích, diễn giải.
Thứ hai, với câu hỏi thông hiểu, câu hỏi này thường yêu cầu giải thích cách hiểu nội dung một khái niệm/ nhận định/câu văn/ câu thơ…trong văn bản.
Ví dụ: Anh/ Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào “ Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm” ? – Đề thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019.
Với câu hỏi này, học sinh cần giải thích nghĩa đen/ nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, biểu tượng (nếu có) của khái niệm/ hay quan niệm trong nhận định
Thứ ba là câu hỏi vận dụng, câu hỏi này thường yêu cầu xác định và phân tích giá trị của biện pháp tu từ / tác dụng của việc sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, sử dụng từ ngữ … trong văn bản.trong câu/ đoạn văn bản.
Ví dụ: Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau: Cái hào hiệp ngang tàng của gió – Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ – Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời – Cái giản đơn sâu sắc như đời” ? – Đề thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019.
Kiểu câu hỏi này, học sinh cần vận dụng kiến thức tiếng Việt, kiến thức tu từ học, kiến thức văn học, kiến thức cuộc sống… để xác định đúng và phân tích giá trị biểu đạt ( diễn đạt nội dung gì?) và biểu cảm ( đưa tới cảm xúc gì?).
Cuối cùng là dạng câu hỏi vận dụng cao, câu hỏi này thường yêu cầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thái độ và nhất là quan điểm cá nhân trước một nhận định/ thông điệp/ vấn đề đặt ra trong văn bản đọc hiểu.
Có thể có những dạng câu hỏi cụ thể như sau:
Theo anh/ chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực- tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao? (Đề thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018)
Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì? (Đề thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019)
Anh, chị có đồng tình với quan niệm: Chúng ta đều mắc sai lầm nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong cuộc đời? Vì sao? (Đề tham khảo lần 1/2020)
Lời khuyên “Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh, chị? (Đề tham khảo lần 2/2020).
Với dạng câu hỏi vận dụng cao, học sinh cần trả lời ngắn gọn, chân thành, trung thực những suy nghĩ, xúc cảm cá nhân, tránh khuôn mẫu, sáo rỗng, hô khẩu hiệu…
Mức độ vận dụng cao này hay xuất hiện dạng câu hỏi “Anh/chị có đồng tình…?/ Vì sao”, yêu cầu này đòi hỏi học sinh cần xác định đúng suy nghĩ, nhận thức của mình để luận bàn cho thấu đáo, chặt chẽ.
Hoàn toàn có thể xuất hiện nhiều phương án: đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình nhưng có giới hạn, điều kiện, ngoại lệ…. Phần quan trọng nhất là trả lời câu hỏi “Vì sao?” đòi hỏi thể hiện quan niệm cá nhân với lập luận chặt chẽ, trung thực, thuyết phục.
Tóm lại, để làm tốt kiểu bài đọc hiểu, học sinh cần xác định chính xác từng loại câu hỏi theo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng/ vận dụng cao để tránh trả lời thừa hoặc thiếu.
Ví dụ, với câu hỏi nhận biết, chỉ xác định đúng đặc điểm hình thức văn bản hoặc chi tiết nội dung văn bản, không phân tích diễn giải; với câu hỏi thông hiểu, cần giải thích bản thân khái niệm, nhận định…;
Câu hỏi vận dụng, chú ý vận dụng những kiến thức phù hợp để trả lời đúng và đủ yêu cầu của câu hỏi; với câu hỏi vận dụng cao, đặc biệt lưu ý thể hiện xúc cảm, suy nghĩ, quan điểm cá nhân.
Nội dung cần viết đúng, trúng, ngắn gọn và mạch lạc, tránh dài dòng, lan man, rối ý. Nếu câu hỏi có từ hai ý trở lên, có thể tách riêng từng ý với hình thức gạch đầu dòng; còn nếu câu hỏi chỉ có một ý, nhất là dạng câu hỏi vận dụng cao, nên viết liền đoạn, chặt chẽ và hàm súc.
Lộ trình ôn luyện cho học sinh lớp 11
Học sinh lớp 11 nên xây dựng lộ trình ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 ngay từ tháng sáu.
Thông tin được chia sẻ bởi Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An tại chương trình "Ra mắt giải pháp ôn thi đại học dành riêng cho học sinh 2003" vừa qua do Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức.
Học sinh nên xây dựng lộ trình ôn luyện từ tháng 6
Theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 mang lại một số lợi thế cho học sinh lớp 11: Các em có thể quan sát, căn cứ vào đề thi tốt nghiệp THPT 2020, đề thi riêng của một số trường đại học, cao đẳng trong kỳ thi sắp tới. Từ đó, các em có thể rút ra các kinh nghiệm về phương thức thi tuyển, xét tuyển, kiểu và dạng đề của trường mình chọn.
Cô Trịnh Thu Tuyết - Nguyên giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An.
Đây được xem là bước tập dượt đầu tiên cho học sinh từ khóa 2003 để các em quan sát, rút kinh nghiệm, chủ động lên kế hoạch và định hướng ôn luyện cho cả năm học sắp tới. Để đạt hiệu quả tốt nhất, ngay từ tháng sáu, học sinh lớp 11 nên bắt tay ngay vào việc xây dựng lộ trình ôn luyện cho kỳ thi THPT, đại học và cao đẳng 2021.
Hai lưu ý khi xây dựng lộ trình ôn luyện
Năm học 2019 - 2020 sắp kết thúc, đây là thời điểm "nước rút" của học sinh lớp 12, nhưng đối với học sinh lớp 11 đây lại là thời điểm "vàng" để các em bước vào lộ trình ôn luyện tối ưu. Để không bị chệch khỏi lộ trình, học sinh cần lưu ý hai điểm sau:
Trước hết, lộ trình học sinh đặt ra phải phù hợp năng lực, sở thích điều kiện và hoàn cảnh bản thân. Phân chia lộ trình phù hợp theo từng giai đoạn ứng với các mốc thời gian, cụ thể:
Giai đoạn một, nên bắt đầu từ bây giờ, học sinh cần rà soát lại toàn bộ kiến thức, kỹ năng trong chương trình lớp 12 (bao gồm cả phần giảm tải). Giai đoạn hai, bắt đầu từ tháng 12, học sinh cần trang bị phương pháp, kỹ năng nhận diện cũng như giải quyết mọi dạng bài có thể xuất hiện trong đề thi của các kỳ thi thông qua việc luyện đề.
Giai đoạn ba, bắt đầu từ tháng 4/2021, học sinh nên tổng ôn chọn lọc, khoanh vùng kiến thức trọng tâm để luyện tập, đồng thời nắm được các thủ thuật, kỹ năng giải bài nhanh, chính xác để rút ngắn thời gian làm bài thi và đạt tối đa điểm số theo năng lực cá nhân. Một lộ trình học tập phù hợp là điều kiện tiên quyết để các em đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình ôn luyện.
Thứ hai, một khi đã xác định lộ trình học chuẩn xác, phù hợp với bản thân, học sinh phải giữ vững sự tập trung, kiên trì theo lộ trình để đạt mục tiêu điểm số. "Các em cần quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn, tránh sự cám dỗ của lười biếng, trì trệ để có thể thực hiện tốt nhất từng chặng cũng như cả lộ trình ôn luyện, hướng tới chiến thắng cuối cùng", cô Trịnh Thu Tuyết cho biết.
Tranh cãi đề thi chuyên Văn lớp 10 về nhan sắc và đức hạnh của người phụ nữ: Giáo viên và học sinh nói gì? Sáng 13/7, thí sinh dự thi vào trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thi môn Ngữ văn. Tuy nhiên, một câu hỏi trong phần thi Nghị luận văn học đã gây nhiều tranh cãi. Cụ thể đề như sau: "Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: "Thơ đối với cuộc sống ví như...