Tiến sĩ đầu tiên của cộng đồng dân tộc Cơ Tu
Alăng Thớ lớn lên trong một gia đình làm nông nghèo khó tại xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Anh khiến cho đồng bào của mình vô cùng tự hào khi trở thành vị tiến sĩ đầu tiên trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu ở độ tuổi 34.
Tiến sĩ Alăng Thớ trong ngày tốt nghiệp – Ảnh: ANH THƠ
Hành trình trở thành tiến sĩ tại Đại học RMIT của Alăng Thớ bắt đầu khi anh nhận học bổng do Chính phủ Úc trao tặng năm 2013.
Trong quãng thời gian học tiến sĩ, anh Thớ theo đuổi đề tài nghiên cứu về sự bình đẳng và quyền lợi của người lao động dân tộc thiểu số nhằm mang lại nhiều đóng góp tích cực cho họ (người lao động) và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một môi trường công sở bình đẳng, thông qua việc thiết lập các chính sách công.
Alăng Thớ chia sẻ với Tuổi Trẻ.
*Anh đã tham gia nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế và báo cáo bằng chính đề tài nghiên cứu của mình?
- Tôi đã tham gia báo cáo hai lần tại ANZAM (viết tắt của Viện hàn lâm Khoa học quản trị New Zealand và Úc) tổ chức tại thành phố Melbourne (Úc) năm 2017, và thành phố Auckland (New Zealand) năm 2018, báo cáo hai lần tại hội nghị của tổ chức SASE (Hiệp hội Quốc tế vì sự tiến bộ kinh tế – xã hội) tổ chức tại thành phố Kyoto (Nhật Bản) năm 2018, và thành phố New York (Mỹ) năm 2019, tham gia seminar tại Đại học Griffith (Úc) năm 2017.
Tôi cũng tham gia báo cáo tại hội thảo của Tổ chức ILERA (Hiệp hội Quốc tế về quan hệ lao động và quan hệ việc làm) tại Canada…
* Khi học phổ thông, anh đã gặp nhiều khó khăn, anh có thể chia sẻ về những ngày tháng đấy?
Video đang HOT
- Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó ở một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Thời tiểu học, nhà cách trường khoảng 5km, tôi phải vượt sông suối đến trung tâm xã để học. Trong khi nhiều người đã bỏ học thì tôi vẫn phấn đấu học xong, những lúc bị đau ốm tôi vẫn đi học. Năm 2000, quê tôi mới có điện (nói chung nhiều khó khăn lắm, kể chắc phải đóng thành sách à).
Thật ra, lý do để tôi vượt qua khó khăn này chính là ước mơ làm cán bộ. Tôi chưa lúc nào chấm dứt ước mơ của mình. Dù những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn ước mơ cái tốt đẹp trong tương lai. Chính điều này làm tôi chưa bao giờ suy nghĩ sẽ bỏ học. Hơn nữa, mỗi lần đi học tôi tìm thấy niềm vui, tìm thấy cái mới để khám phá. Nên dù mưa gió tôi vẫn đi học vì sợ ngày đó có những cái hay thầy cô giảng dạy mà mình không biết.
* Chia sẻ với những bạn trẻ nói chung và là người dân tộc thiểu số nói riêng, anh sẽ nói gì với họ?
- Chia sẻ với những bạn học sinh, tôi nghĩ các bạn hãy có ước mơ và dám ước mơ (không ai đánh thuế ước mơ cả). Nhưng có ước mơ chưa đủ, phải tìm cách biến ước mơ thành sự thật. Học tập là con đường duy nhất để thực hiện được giấc mơ. Học sinh người dân tộc thiểu số lại càng phải cố gắng hơn nhiều.
Còn đối với các bạn trẻ cán bộ người dân tộc thiểu số, để xóa bỏ các rào cản như sự tự ti của bản thân, định kiến của xã hội, các bạn phải làm việc thật tốt, nếu không làm được hãy học hỏi đồng nghiệp, lãnh đạo. Phải yêu công việc mình đang làm.
Khi nào các bạn làm tốt công việc được giao, thật sự dấn thân vào công việc, các bạn sẽ nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp. Khi đó, cái mác “dân tộc” lại trở thành lợi thế của các bạn.
Tại Việt Nam, cộng đồng người Cơ Tu khoảng 100.000 người sống tập trung tại Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. A Lăng Thớ (sinh năm 1985) từ cấp II đã phải lên trung tâm huyện học ở Trường nội trú huyện, cấp III mới xuống Trường nội trú Quảng Nam (ở Hội An) để học. Sau đó Thớ học Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng và được giới thiệu công tác vào Đại học Đà Nẵng, phân hiệu tại Kon Tum.
Mới đây, anh nhận bằng tiến sĩ danh giá bằng học bổng do Chính phủ Úc trao tặng sau những nỗ lực của mình.
Hai suất học bổng cùng đến một lần
“Tôi nhận được học bổng Chính phủ Úc (AAS) vào năm 2013. Cùng lúc này, tôi cũng nhận được học bổng của Chính phủ Việt Nam (Đề án 911) học ở New Zealand. Tôi chọn học ở Úc.
Thật ra đề tài của tôi là “Tiếng nói và sự hòa nhập của người cán bộ dân tộc thiểu số tại nơi làm việc”. Đề tài này đã xác định các vấn đề liên quan đến rào cản làm hạn chế tiếng nói của cán bộ người dân tộc tại nơi làm việc. Đề tài cũng đề xuất các chính sách liên quan để khuyến khích sự hòa nhập và sự tham gia vào việc xây dựng chính sách của cán bộ người dân tộc thiểu số tại nơi làm việc” – Alăng Thớ nói.
Theo Tuổi trẻ
Trường ĐH Việt Nhật triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao
Ngày 18/2, Trường ĐH Việt Nhật (ĐHQGHN) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã ký biên bản triển khai dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị ĐH tại trường (TC2).
Dự án TC2 là dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học tại Trường ĐH Việt Nhật giai đoạn 2.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2025.
Mục tiêu của dự án là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả 3 cấp độ đại học, cao học, tiến sĩ; nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị tại Trường ĐH Việt Nhật để trường phát triển thành một trường đại học nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và theo hướng dần tự chủ, bền vững.
Trường ĐH Việt Nhật triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao.
Theo đó, TC2 dự kiến sẽ thực hiện các hoạt động chính như xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ theo các các tiêu chí chất lượng cao với các ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội liên ngành, khoa học bền vững, công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học sự sống.
Cùng đó, hỗ trợ ban đầu cho các nhà khoa học trình độ cao theo các tiêu chí có khả năng huy động tài trợ nghiên cứu, khởi tạo nhóm nghiên cứu độc lập sau 2-3 năm, đề xuất và triển khai học phần /chương trình đào tạo mới.
Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý đại học nghiên cứu theo hướng tự chủ cao và theo kinh nghiệm của các đại học nghiên cứu Nhật Bản; phát triển quan hệ hợp tác với các đại học và doanh nghiệp Nhật Bản.
Hỗ trợ chi phí tại địa phương để tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị thực hành cho các chương trình đào tạo và trang thiết bị nghiên cứu cho một số hướng nghiên cứu trọng điểm và hỗ trợ chi phí vận hành cơ sở vật chất tại Hà Nội theo chuẩn Nhật Bản.
Chuyển giao các sản phẩm nhằm hỗ trợ Trường ĐH Việt Nhật mở rộng quy mô đào tạo và phát triển nhanh theo hướng bền vững từ năm 2025.
Lễ ký kết giữa Trường ĐH Việt Nhật - ĐHQGHN và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.
TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật cho hay: "Nhà trường sẽ tận dụng tối ưu thế mạnh về chuyên gia và kỹ thuật của Nhật Bản và các kiến thức khoa học ứng dụng của Việt Nam trong đào tạo và nghiên cứu, nhằm cung cấp cho thị trường lao động Việt Nam, Nhật Bản và khu vực những nhà khoa học, lãnh đạo, quản trị có tay nghề, kinh nghiệm và chất lượng cao".
Sau 5 năm thực hiện Dự án TC1, Trường ĐH Việt Nhật hiện đang đào tạo 8 chuyên ngành thạc sỹ gồm: Khu vực học, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật hạ tầng, Biến đổi khí hậu và phát triển, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Nano, Chính sách công, Lãnh đạo toàn cầu.
Từ năm 2020, nhà trường sẽ tuyển sinh chương trình đào tạo cử nhân Chất lượng cao ngành Nhật Bản học.
Hải Nguyên
Theo vietnamnet
Đại học RMIT sẽ trao 47 tỉ đồng trong chương trình học bổng năm 2020 Đại học RMIT Việt Nam sẽ trao 108 suất học bổng với tổng trị giá khoảng 47 tỉ đồng (tương đương 2 triệu đô la Mỹ) cho sinh viên hiện đang theo học tại trường hoặc sinh viên tương lai trong năm 2020. Các suất học bổng, trị giá từ 25 đến 100% học phí, sẽ phân bổ theo 8 hạng mục gồm:...