Tiến sĩ 1 đô
Ba năm qua, hàng ngàn sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM được TS Nguyễn Bá Hải truyền cho niềm đam mê nghiên cứu, cách hoạch định kế hoạch cuộc đời qua các lớp học 1 đô.
Ở tuổi 30, Nguyễn Bá Hải là Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao thuộc trường. Nhưng nhiều sinh viên vẫn quen gọi anh là tiến sĩ 1 đô.
TS Nguyễn Bá Hải nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu lần 5 năm 2013 của Thành Đoàn TP.HCM.
Xin học bổng cao học từ năm thứ ba
Nguyễn Bá Hải quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, anh đã mê ô tô. Hết THPT, anh thi vào ngành Cơ khí động lực, ĐH Sư phạm Kỹ thuật để thỏa ước mơ với động cơ máy móc. Nhà nghèo nên thời sinh viên anh phải làm rất nhiều việc như bán sách báo cũ, dạy kèm, dịch thuật, hàn điện, phụ bàn, bán đồng hồ, bán mắt kính dạo… Sau 4 năm vừa học vừa đi làm thêm, anh tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa ngành Cơ khí động lực.
Tốt nghiệp đại học, anh nhận được học bổng đào tạo cao học của chính phủ Hàn Quốc, ngành Robot Sinh học. Học bổng này chỉ dành cho giảng viên nên khi tên anh được xướng lên, ai cũng ngỡ ngàng.
Hải nhớ lại: “Vì ước mơ được đi du học nên mình đã chuẩn bị hồ sơ xin học bổng cao học từ … năm thứ ba, dù chưa có bằng tốt nghiệp đại học hay bảng điểm. Thêm vào đó, mình còn có sự kết nối và tư vấn của các thầy cô trong trường với phía Hàn Quốc nên sớm có định hướng đúng đắn. Đặc biệt, trong các dịp giao lưu với sinh viên và giảng viên Hàn Quốc, mình làm MC kiêm thông dịch viên từ tiếng Anh sang Việt nên có mối quan hệ khá thân thiết với các thầy giáo người Hàn”.
Tại ĐH Công nghệ Giáo dục Hàn Quốc, khi vừa nhập học, Nguyễn Bá Hải đã muốn bỏ về Việt Nam vì mình thiếu quá nhiều kiến thức. Cố gắng không mệt mỏi trong một năm thì mọi thứ tốt hẳn lên: Anh bắt đầu thích thú với phòng thí nghiệm, làm các báo cáo chuyên đề về ô tô… Dần dần, anh có được những bài báo khoa học, những công trình nghiên cứu tạo được tiếng vang lớn.
Sau 2 năm cần cù, anh có 3 sáng chế được Văn phòng Bản quyền phát minh và sáng chế quốc tế Hàn Quốc công nhận cùng luận văn tốt nghiệp xuất sắc. Nhờ đó, anh nhận tiếp học bổng tiến sĩ trị giá 50.000 đô la Mỹ.
Thông thường, các nghiên cứu sinh phải mất từ 3-4 năm mới hoàn thành luận văn tốt nghiệp nhưng Hải chỉ cần đúng 2 năm. 27 tuổi, Nguyễn Bá Hải đã lấy bằng tiến sĩ tại Hàn Quốc và nhận chứng chỉ “Bằng tiến sĩ hay nhất trong năm của trường”.
Video đang HOT
Ngày nhận bằng, anh được các giáo sư người Hàn mời ở lại Hàn Quốc làm việc ở Viện Nghiên cứu quốc gia hàng đầu về ô tô KaTech, với mức lương 5000 đô la/tháng. Tuy nhiên, anh từ chối và trở về nước ngay sau ngày bảo vệ luận văn để bắt đầu một hành trình mới.
Lớp học 1 đô
Nguyễn Bá Hải tâm sự, quyết tâm trở về Việt Nam là tiếng gọi con tim. Trong thế giới phẳng hiện nay, bạn làm ở đâu không quan trọng bằng điều bạn thực sự đam mê cái gì, công việc đó có ích cho bản thân và xã hội như thế nào.
Về nước, Hải vấp phải khó khăn là mức lương khá thấp, gây khó khăn khi trang trải nghiên cứu. Anh vừa đi dạy, vừa tìm kiếm các dự án có liên quan lĩnh vực chuyên môn tại các doanh nghiệp, để kiếm thêm thu nhập. Trong quá trình dạy học, anh thấy sinh viên còn nhiều khiếm khuyết để hòa nhập với môi trường làm việc tại các doanh nghiệp. Ý tưởng lớp học 1 đô bắt đầu từ đó.
Vào cuối năm 2010, những lớp học 1 đô bắt đầu xuất hiện tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật rồi lan sang các trường ĐH Giao thông vận tải, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng…
Nguyễn Bá Hải cho biết: “Một đô la Mỹ là số tiền người học phải đóng tượng trưng để tránh tình trạng đăng ký tràn lan. Đối tượng theo học các lớp này là bất cứ ai có niềm đam mê kỹ thuật như học sinh, sinh viên hay kỹ sư hoặc những người lớn tuổi”.
1 đô để học khóa học ngắn hạn về sáng tạo kỹ thuật. 1 đô để học về những kiến thức cơ bản nhưng quan trọng của kỹ thuật như cảm biến, cơ cấu chấp hành, điều khiển tự động…
Nguyễn Phương Khanh (năm thứ ba, ngành Cơ khí ô tô, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Tham gia khóa học, tụi mình được thầy Hải chỉ cho cách nhận diện đam mê sáng tạo, kỹ năng lý giải vấn đề, thực hành thiết kế và lập trình robot… Bài giảng của thầy thể hiện thông qua video về các thiết bị, hệ thống trong kỹ thuật và tương tác tại phòng thí nghiệm, nhà máy thực tế. Sau khi tham gia khóa học, mình yêu ngành học của mình hơn, biết được con đường mình sẽ đi ra sao và về đâu”.
Từ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khóa học 1 đô đã được mở rộng qua các trường khác trong khắp cả nước, thu hút hàng ngàn người theo học. Nguyễn Bá Hải cho biết thêm: “Qua mỗi mùa tuyển sinh, mình nhận thấy, ngày càng ít thí sinh chọn khối ngành Kỹ thuật mà thích thi vào Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng… Mình muốn truyền lửa đam mê kỹ thuật cho các bạn và giúp sinh viên vững tin, nỗ lực hết mình với cái ngành mà mình đã chọn”.
Từ những khóa học 1 đô, nhiều sinh viên đã sáng tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao như: Xe năng lượng mặt trời cỡ nhỏ, thiết bị báo trộm, thiết bị tự bật đèn trong nhà hay xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, sống có mục tiêu và biến những khó khăn thành những thuận lợi trong học tập, phát triển bản thân…
Để mởi lớp học 1 đô, Nguyễn Bá Hải bỏ ra 40 triệu đồng trang bị các dụng cụ thí nghiệm, đồ dùng cần thiết. Những khóa học tại các tỉnh, anh cũng bỏ ra gần 3 triệu đồng để trả chi phí tổ chức, di chuyển thiết bị thực hành.
Tài và tâm của vị tiến sĩ mở lớp học 1 đô la
Tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải (28 tuổi) đã và đang mở lớp dạy học chỉ với 1 USD. Với hàng loạt sáng chế và hoạt động vì cộng đồng, anh vừa được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2012.
Theo VNE
Vụ mua doanh nghiệp giá 1 USD: Không lừa được thì... trả (!?)
Từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2012, sau khi đăng loạt bài điều tra quanh vụ "Chi 1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô", đông đảo bạn đọc cả nước và nạn nhân của Cty Trường Sa đã gửi e.mail, gọi điện thoại đến tòa soạn, cung cấp thêm thông tin.
Loạt bài của báo Lao Động đã phanh phui "kịch bản lừa đảo" giữa Công ty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa (TP.HCM) với nhóm Cty Thái Sơn của "đại gia" sắt thép Phạm Văn Thụ cùng một số DN khác ở đất cảng Hải Phòng.
Vạch mặt "ông trùm"
Vài ngày sau khi báo Lao Động phát hành loạt bài đầu tiên khẳng định "chiêu lừa đảo" của Cty Trường Sa, "nhân vật số 1" là Việt kiều Mỹ Nguyễn Hà Quảng đã "bay" về Việt Nam nhưng không xuống Hải Phòng. Và tất nhiên, Quảng không dám liên lạc với những cổ đông cũ ở 14 DN mà Cty Trường Sa vừa "sang tay". Dẫu vậy, giữa tháng 1/2013, tại sân bay Nội Bài, trong lúc đang làm thủ tục chuẩn bị lên máy bay, Nguyễn Hà Quảng đã bị nhóm cổ đông thuộc các công ty "mẹ - con" nhà Thái Sơn giữ lại và áp tải đến trụ sở đồn công an gần nhất!
Vi phạm pháp luật
Căn cứ hồ sơ tại Sở KHĐT TPHCM, ngày 7/4/2011 Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa (viết tắt là Cty Trường Sa) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, vốn điều lệ 4,9 tỉ đồng, do 4 cổ đông sáng lập là Nguyễn Hà Quảng, Ngô Quốc Hùng, Trần Thị Kim Dung, Trần Thị Thu Hiền do Ngô Quốc Hùng là người đại diện pháp luật và trụ sở ở nhà riêng ông Hùng (183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM). Chủ tịch HĐQT Cty Trường Sa là ông Nguyễn Hà Quảng (góp vốn 40%), sinh ngày 5.12.1971, CMND số 011461245, do CA Hà Nội cấp ngày 22.4.1998, hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại: Số nhà 225, tổ 9, P.Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo điều tra của PV, tại thời điểm nói trên, ông Nguyễn Hà Quảng đã là công dân Mỹ và đang định cư tại 1778 Bush Avenue, Saint Paul, MN 55106, USA. Luật pháp Mỹ không thừa nhận công dân mang 2 quốc tịch, đồng thời theo quy định của Luật Quốc tịch VN, Nguyễn Hà Quảng không thuộc diện công dân VN được mang 2 quốc tịch.
Từ đó đến nay, Việt kiều Nguyễn Hà Quảng thường xuyên sử dụng CMND, hộ khẩu, hộ tịch VN để thực hiện trót lọt các giao dịch ký kết chuyển nhượng cổ phần tại Hải Phòng. Sau gần 2 năm hoạt động, Cty Trường Sa chưa 1 lần đại hội cổ đông và không có biên bản thể hiện việc góp vốn, cũng như vốn góp của các sáng lập viên. Dưới góc nhìn của giới chuyên môn, thành lập DN mà không bỏ ra 1 xu và không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, chứng tỏ nhóm sáng lập viên Cty Trường Sa cố tình vi phạm pháp luật.
Hậu quả
Tính đến tháng 7/2012, Cty Trường Sa và một số "sáng lập viên" của Cty này đã ký hợp đồng (tái cấu trúc) với 16 DN trong cả nước. Tại Hải Phòng, dưới danh nghĩa Cty Trường Sa và với tư cách cá nhân, Nguyễn Hà Quảng, Ngô Quốc Hùng, Nguyễn Văn Quang đã kịp hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh trên cơ sở chuyển nhượng hầu hết cổ phần của 14 DN - tổng số vốn điều lệ đăng ký gần 1.400 tỉ đồng, tổng số vốn góp (trên giấy) hơn 1.250 tỉ đồng. Sau khi "sang tay" trọn gói các DN tại Hải Phòng, phía Trường Sa không đếm xỉa đến cái gọi là "tái cấu trúc" mà chỉ lo thâu tóm con dấu, xe hơi với những tài liệu liên quan đến tài chính DN và tìm cách hù dọa cổ đông cũ để xù nợ hoặc tống tiền!
Tháng 8/2012, Cty Trường Sa bị 1 DN ở TPHCM khởi kiện yêu cầu bồi thường và thanh toán các khoản nợ gần 6,7 tỉ đồng. Từ tháng 9 đến tháng 11/2012, Cty Trường Sa đã bị đại diện 9 nhóm cổ đông ở Cty KD kim khí Hải Phòng đã bán 97,5% cổ phần, liên tục gửi văn bản đòi nợ (gần 16,4 tỉ đồng) và gửi đơn tố cáo đến CA TP.Hải Phòng.
Ông Phạm Văn Thưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT Cty KD kim khí Hải Phòng - cho biết: "Sau 10 tháng ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, không những công nhân lao động mất tiền lương (hơn 200 triệu đồng) mà còn phát sinh thêm 25 tỉ đồng nợ lãi trên các khoản vay cũ!"
Chưa hết, ngày 20/11/2012, CN Ngân hàng Phát triển Gia Lai gửi công văn yêu cầu ông Ngô Quốc Hùng trả nợ tổng cộng 6,3 tỉ đồng. Tháng 12/2012 và nửa đầu tháng 1/2013, UBND huyện Thủy Nguyên, Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec và các sở, ban, ngành liên quan của Hải Phòng đã gửi nhiều văn bản mời đích danh Nguyễn Hà Quảng, Ngô Quốc Hùng, Nguyễn Văn Quang (đại diện Cty Trường Sa) đến Hải Phòng giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, "bộ sậu" Trường Sa đã tìm cách tháo chạy.
Quá bức xúc nên liều "tự cứu mình", nửa đêm 15/1/2013, nhóm cổ đông của 11 Cty "mẹ - con" nhà đại gia sắt thép Phạm Văn Thụ đã "phục kích" tại sân bay Nội Bài, "áp tải" Hà Quảng về cơ quan CA, sau đó gửi đơn tố cáo "Cty Trường Sa lừa đảo" lên cơ quan chức năng của TP.Hải Phòng.
Những DN do Việt kiều Nguyễn Hà Quảng làm Chủ tịch HĐTV, với tỉ lệ vốn góp (trên giấy) từ 35-90%:
1. Cty TNHH công nghiệp Thái Sơn, MSDN:0200441844, vốn điều lệ: 600 tỉ đồng, địa chỉ: Km8 QL 5 (mới), Nam Sơn, An Dương, Hải Phòng.
2. Cty TNHH Vĩnh Phát, MSDN: 0200273558, vốn điều lệ: 100 tỉ đồng, địa chỉ: 168 đường Thiên Lôi, Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng.
3. Cty TNHH thương mại Hoàng Nam, MSDN:0200762502, vốn điều lệ: 20 tỉ đồng, địa chỉ: Km97, QL5, thôn Cách Thượng, Nam Sơn, An Dương, Hải Phòng.
4. Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec, MSDN: 0200445567, vốn điều lệ: 50 tỉ đồng, địa chỉ: Khu CN Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Theo Dantri