Tiền lì xì của con sao phải đưa mẹ?
Những năm con trai còn ở lứa tuổi mầm non, vợ chồng tôi thường dặn con mỗi khi tết đến: “Có ai lì xì cho con thì đưa mẹ giữ giùm chứ không là con làm rơi mất đấy!”.
3 tuổi, 4 tuổi rồi đến 5 tuổi, cháu đều làm đúng như lời mẹ dặn. Nhưng từ khi vào lớp 1, bạn ấy bắt đầu thắc mắc: “Mọi người lì xì cho con tức là tiền của con. Thế thì con phải giữ chứ sao lại phải đưa cho mẹ?”. Tôi có giải thích: “Mẹ chỉ giữ giùm con thôi chứ không tiêu tiền lì xì của con. Mẹ sợ con giữ thì sẽ làm mất. Nếu con làm rơi, làm mất sẽ rất xui xẻo”.
Năm ấy con chấp nhận đưa tiền lì xì cho tôi với điều kiện: “Tiền của con thì con phải được toàn quyền sử dụng đấy nhé”. Tôi hỏi con muốn tiêu như thế nào, không cần suy nghĩ, anh chàng đọc một lô một lốc tên các loại đồ chơi: nào là siêu nhân, nào là robot, máy bay điều khiển… rồi phần còn lại thì để đi ăn ở căngtin trường.
Bao lì xì là niềm vui của trẻ em trong dịp Tết. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tôi giải thích: “Các loại đồ chơi đó rất mắc, tiền lì xì đâu có đủ để mua! Vả lại ông bà, các bác, các cô chú lì xì cho con đâu phải chỉ để mua đồ chơi”.
Tôi hướng cháu đến nhiều nội dung khác như chỉ mua một món đồ chơi với số tiền vừa phải thôi, còn lại để dành mua sách, quần áo, giày dép… Nhưng cháu phản ứng kịch liệt, bảo chỉ thích mua đồ chơi thôi: “Những năm trước không có tiền lì xì thì mẹ vẫn sắm quần áo cho con được”.
“Đúng là như vậy! Nhưng nếu có tiền lì xì của con thì ba mẹ đỡ phải lo lắng nhiều cho việc kiếm tiền để mua áo mới cho con”.
Tưởng như thế là ổn, không ngờ mùng 1 tết năm ấy con trai đã làm tôi bẽ mặt với đại gia đình bên chồng. Sau khi nhận khá nhiều phong bao đỏ tươi từ ông bà nội, cô, chú, bác, anh, chị, cháu chạy thẳng đến chỗ tôi nói với giọng ấm ức: “Đây! Cống nạp hết cho mẹ đấy”.
Cả nhà cười ồ, hỏi sao con lại nói như vậy, bé trả lời: “Mẹ bắt con phải cống nạp hết cho mẹ chứ không được giữ”. (Cũng may hôm ấy toàn người trong gia đình chứ không thì tôi chẳng biết trốn vào đâu!).
Tết năm bé học lớp 2, tôi có thỏa thuận với con là mẹ chỉ giữ giùm, khi hết tết chúng ta cùng đếm xem tổng cộng có bao nhiêu (lúc này bạn ấy đã làm phép cộng rất giỏi, biết tiêu tiền và biết giá trị từng tờ tiền). Từ đó chúng ta sẽ bàn đến việc tiêu như thế nào.
Video đang HOT
Cứ tưởng mấy ngày tết trôi đi một cách êm ả. Nhưng không, cũng lại vào ngày mùng 1 tết, sau khi nhận phong bao đỏ là bé mở ra xem ngay: “Mẹ ơi, ông bà nội lì xì cho con 50.000 đồng lận!”. Vợ chồng tôi cùng yêu cầu bé không được làm như vậy trước mặt mọi người, rất kỳ cục. Nhưng bé nghe lời bằng cách vô nhà vệ sinh xem rồi đi ra thì thầm với mẹ: “Chú út thật là ki bo mẹ ạ, lì xì cho con có 20.000 đồng”.
Tôi giải thích hết lời: “Tục lệ lì xì có ý nghĩa là mừng tuổi cho trẻ em, để trẻ em gặp được điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà người lớn sẽ quyết định số tiền lì xì cho trẻ em. Nó thể hiện tấm lòng của người lì xì là mong muốn điều tốt lành đến với người được cho chứ không phải nhiều tiền hay ít tiền”. Nhưng con tôi vẫn không đồng ý: “Nhưng nhà chú út to hơn, đẹp hơn nhà ông nội mà. Sao chú lì xì cho con ít hơn ông nội?”.
… Sau ngày đầu tiên trở lại trường học, về nhà bé thắc mắc: “Sao bạn Anh Khôi được lì xì 16 triệu mà con chỉ có 3.700.000 đồng?”. Rồi bé than: “Con rất buồn. Các bạn trong lớp ai cũng có nhiều tiền lì xì hơn con”. Và bé còn kết luận: “Con thật xui xẻo! Toàn gặp những người ki bo nên mới lì xì ít thế”. Đến đây tôi đành phải nhờ cô giáo chủ nhiệm giảng cho tất cả các bé trong lớp một bài học về tiền lì xì và cách tiêu tiền lì xì.
Ước được ăn thoải mái ở căng-tin
Sau buổi sum họp gia đình, ba chồng tôi gọi cháu vào phòng riêng tâm sự, thì ra anh chàng ước ao có tiền để đi ăn ở căngtin trường một cách thoải mái (tôi không cho con tiền mang đi học, chỉ thỉnh thoảng dẫn cháu vào căngtin ăn dưới sự kiểm soát của mẹ thôi), ước ao có máy bay điều khiển từ xa và mang đến lớp chơi để các bạn thèm thuồng. Món này bé nói thích từ đầu năm học.
Tôi thường không chiều ý con một cách dễ dãi. Tôi bảo con phải cố gắng học giỏi thì đến ngày sinh nhật vào cuối năm học ba mẹ sẽ tặng. Thì ra ở lớp của con, một số bạn con nhà giàu thường mang những loại đồ chơi đắt tiền đến lớp chơi một mình chứ không cho bạn khác chơi chung
Theo Phương Lê/Tuổi Trẻ
Tết tự do đầu tiên của con
Một người mẹ quyết định năm nay cho con mình tự do ăn tết và hy vọng bé sẽ trưởng thành hơn từ chính cái tết tự do đầu tiên này.
Khi con trai ngỏ ý muốn tết này được tự do đúng nghĩa, được khám phá chứ không phải "một bước theo chân mẹ" như mọi năm, tôi không khỏi bất ngờ...
Quen cảm giác bấy lâu nay con luôn phụ thuộc bố mẹ từ chuyện học, chuyện ăn, chuyện đi chơi, thế nên khi con bày tỏ quan điểm của mình về việc muốn được chơi tết mà không phụ thuộc bố mẹ, ít nhiều tôi cũng có chút phân vân.
Bao nhiêu năm nay, hầu như tết nào con cũng tự giác ngồi vào bàn học mà không cần mẹ nhắc nhở. Đồng nghiệp, họ hàng đến chúc tết, thấy con trai tôi chăm chỉ ai cũng khen. Tôi từng tự hào về điều đó.
Nhưng nay con đã giúp tôi có cái nhìn khác hơn về chuyện học, chuyện chơi của con, rằng không phải cứ sát cánh bên con mọi lúc mọi nơi mới là tốt. Nếu không cho con khoảng thở, tự do bay nhảy, con sẽ mãi là đứa trẻ chỉ biết vâng lời nhưng không lớn lên được.
Tranh minh họa: Tuổi Trẻ.
Con muốn được đập con heo đất tiết kiệm của mình để mua sắm tết theo ý con chứ không phải theo ý mẹ như mọi năm nữa. Con còn muốn tự tay chọn những món quà nho nhỏ để đến "tết thầy cô" chứ không phải phong bì của mẹ. Con bảo không muốn để bố mẹ nhúng tay vào mối quan hệ thầy cô của con nữa.
Thú thật, tôi đã quen gò bó con từng đường đi nước bước. Cho đến cách ăn mặc của con như thế nào cũng đều trong tầm kiểm soát của mẹ.
Học cấp III rồi nhưng con trai vẫn phải lẽo đẽo theo ba mẹ đi chúc tết họ hàng, anh em nhưng chỉ ngồi một góc, ai hỏi gì thì trả lời nấy. Con cứ bé nhỏ như vậy khiến có lúc tôi cũng lo "con có lớn nhưng chẳng có khôn".
Mọi năm, tôi rất sợ mỗi khi con có ý định tham gia các cuộc đi chơi, du xuân cùng lớp với đủ các lý do. Tất nhiên nếu tôi không đồng ý, con chỉ biết cam chịu. Nhưng năm nay, khi con nói: "Con không còn nhỏ nữa nên tết năm nay ba mẹ hãy cho con được làm những gì con thích", vì con chưa từng rời xa vòng tay ba mẹ cho nên tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, khi con trình bày kế hoạch một cách rõ ràng, tôi yên tâm hơn đôi phần. Bởi con còn nói: "Con lên lớp 12 rồi mà mẹ vẫn muốn con lẽo đẽo đi chúc tết cùng để nhận lì xì như một đứa trẻ thì thật kỳ cục và khó coi lắm ạ". Ngẫm nghĩ lời con nói cũng đúng. Nhớ lại mấy năm trước, con tỏ ra ngại ngùng, xấu hổ khi vẫn được mừng tuổi dù đã lớn tướng.
"Con muốn được khám phá, điều mà bấy lâu nay tôi không cho phép con, không mở cửa cho con đi với trăm nghìn lý do của người mẹ yêu con mù quáng. Tôi đã nhận ra rằng o bế con trong vòng kiểm soát của mình chỉ khiến con trở nên non dại hơn mà thôi".
Tôi biết con đang muốn được tự khẳng định mình, muốn được tự lập, muốn được hưởng một cái tết đúng nghĩa chứ không phải gò bó theo ý mẹ.
Con bảo: "Tuổi trẻ muốn được khám phá, có thể sẽ không an toàn bằng bên ba mẹ nhưng chúng con sẽ trưởng thành hơn nên mẹ hãy cho con cơ hội. Con không muốn mẹ quản lý con mãi, mẹ có biết mỗi khi bạn bè gọi điện đến rủ, con lại phải nhìn mẹ, xin mẹ, năn nỉ mẹ để đi chơi hay không? Mẹ có biết con đã chán kiểu kỳ kèo thời gian của mẹ lắm rồi không? Bạn bè bảo con chẳng thể ra khỏi nhà nếu không nhận được cái gật đầu của mẹ...".
Nhưng tết năm nay sẽ khác, tôi sẽ cho con được tự do khám phá, sẽ không còn phải cặm cụi bên bàn học trong những ngày nghỉ tết nữa. Tôi biết khi không có ba mẹ bên cạnh, có những cái con sẽ lúng túng nhưng chắc chắn con sẽ trưởng thành hơn từ chính cái tết "tự do" đầu tiên này của con!
Làm sao khi con không muốn về quê ăn tết?
Trong khi vợ chồng tôi thu xếp, chuẩn bị hành lý để về quê nội ăn tết thì con trai vẫn thờ ơ. Khi tôi nhắc thì con trả lời lạnh lùng: "Ba mẹ và em cứ về đi, tết năm nay con phải đi chơi với bạn bè rồi, con không về quê đâu".
Nghĩ lại, đây không phải lần đầu con từ chối việc về quê ăn tết. Cũng tại tôi lâu nay quá đề cao chuyện học hành của con nên giờ con mới trở nên vô tâm như vậy. Mỗi khi nhà có việc, tôi không bao giờ kéo con vào làm cùng.
Mọi năm về quê vào dịp lễ tết, tôi thường cho con được tự do ở lại, khi thì đi du lịch, khi thì đi chơi, có năm thì con ở lại ôn thi học kỳ. Vậy nên dần dần con không có thói quen quan tâm đến người thân, không có hứng thú về quê, thường thì bị bắt buộc con mới chịu về cho có mặt.
Có lần ông nội bệnh, trong khi cả nhà cuống lên về quê, con vẫn thản nhiên cầm điện thoại lướt Facebook. Nhìn thái độ dửng dưng của con trai mà tôi thấy mình thất bại thảm hại vì đã giáo dục con chưa đến nơi đến chốn.
Tôi luôn đặt lên vai con nghĩa vụ phải học thật giỏi, còn mọi việc đã có bố mẹ lo. Ngay cả việc phải biết quan tâm đến người thân của mình, nhất là những lúc ốm đau, tôi cũng quên dạy con. Thất vọng vì sự vô tâm của con thì ít, mà tôi thấy thất vọng vì cách giáo dục con đầy sai sót của mình thì nhiều.
Nhìn thái độ miễn cưỡng, hậm hực của con khi buộc phải về quê ăn tết cùng bố mẹ và em, tôi thấy lỗi này phần lớn là do tôi. Học lớp 11 rồi nhưng con trai chưa từng biết mua cho mẹ tô cháo khi mẹ bệnh, chưa từng cùng mẹ dọn dẹp chén đũa khi nhà có khách, cũng chưa từng biết nói lời hỏi thăm mỗi khi ông bà đau ốm... Tất cả là do đâu?
Con từ chối về quê chỉ là một chuyện nhỏ. Sự vô tâm, hững hờ của con mới là vấn đề mà chính bậc phụ huynh như tôi phải nhìn nhận lại. Tôi ngộ ra rằng nhốt con bên đống sách vở, với những buổi học thêm chỉ tạo ra một đứa con học giỏi nhưng chưa hun đúc nên một đứa con ngoan, biết yêu thương, biết cho đi và nhận lại.
Giờ tôi phải làm sao khi con không muốn về quê ăn tết?
L.N.
Theo Nguyễn Thị Hải Phinh/Tuổi Trẻ
Tôi sẽ tát vợ nếu Tết này cô ấy lại mừng tuổi bố mẹ chồng 50 ngàn Tết 2 năm nay, vợ tôi chỉ đặt vào phong bao lì xì bố mẹ chồng duy nhất 1 tờ 50 ngàn. Tôi vốn không hề biết chuyện này, mãi ra Tết 2-3 tháng nghe em dâu nói tôi mới ngã ngửa. Đừng ai vội mắng tôi vũ phu mà hãy nhìn vấn đề theo quan điểm của tôi. Cách đây 3 năm,...