Tiền Giang: Triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19
Nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh biến chủng BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Tiền Giang nói riêng, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Sở Y tế triển khai quyết liệt đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 trong tháng 8.
Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 5/8, toàn tỉnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi mũi 1 đạt trên 76,1%, mũi 2 đạt gần 55,3%. Trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt trên 96,5% và mũi 3 đạt 55,6%. Đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt 100,9%, mũi 2 đạt 98,4%, mũi 3 (mũi bổ sung) đạt 74,0%, mũi 4 đạt 13,4%.
Vào chiều 4/8, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho tỉnh Tiền Giang với số lượng 119.340 liều vaccine Pfizer, được sử dụng để tổ chức tiêm liều cơ bản, liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết: Ngành Y tế tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 trong tháng 8/2022 để hoàn thành các chỉ tiêu tiêm cho các nhóm tuổi theo hướng dẫn và tiến độ phân bổ vaccine của Bộ Y tế. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh rà soát, thống kê số liệu các đối tượng đăng ký vaccine, không để trường hợp người dân đến tiêm mà thiếu vaccine; cần khẩn trương, cấp bách, tập trung cao cho công tác tiêm chủng mũi 3, 4 cho các nhóm từ 12 tuổi trở lên.
Mỗi địa phương phải lập kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 theo các quy định hiện hành về tiêm chủng; thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng được phân bổ vaccine; đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, trong tuần từ ngày 28/7 đến 3/8 số ca nhiễm phát hiện bằng test nhanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 109 ca, tăng 30 ca (38%) so với tuần trước. Tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn đang được kiểm soát tương đối tốt, nhưng trong thời gian gần đây số ca nhiễm có xu hướng tăng, kháng thể của người dân đang giảm dần theo thời gian, khả năng bùng dịch vẫn rất cao, vì vậy không được chủ quan lơ là mà vẫn phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là khi biến chủng BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận tại Việt Nam.
Video đang HOT
Biến chủng BA.5 sẽ làm COVID-19 lây lan nhanh hơn?
Chủng phụ BA.5 thuộc biến chủng Omicron vừa ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam, mang "đặc sản" của Omicron là lây lan nhanh, tuy nhiên số nhập viện và tử vong ít hơn nhiều so với nhóm nhiễm biến chủng Delta.
Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Đây là nhận định của PGS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM, về biến chủng phụ BA.5 vừa xâm nhập vào Việt Nam.
BA.5 có thể tạo thành làn sóng dịch mới?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Đỗ Văn Dũng cho biết BA.5 có thể nhiễm ở người đã từng nhiễm các biến chủng Omicron trước đó, vì vậy vẫn có thể gây tăng số ca bệnh ở các quốc gia hay cộng đồng đã trải qua bùng phát dịch do BA.1 hay BA.2.
Các nhà khoa học ước lượng rằng khi có sự xâm nhập của biến chủng phụ BA.5, nó sẽ gây nhiễm cho khoảng 5% - 30% dân số tùy theo tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19. Hiện Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc xin cao nên ước lượng tỉ lệ nhiễm biến chủng phụ này sẽ thấp hơn 5%.
"Như vậy, BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc và sẽ tạo ra làn sóng dịch (nhưng chưa phải là bùng phát dịch), làn sóng dịch này nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây" - PGS Dũng nhận định.
Về số ca nhiễm có dấu hiệu tăng ở một số tỉnh thành những ngày gần đây có liên quan đến BA.5 hay không, PGS Dũng cho biết hiện nay còn chưa rõ vì ở Việt Nam chưa giải trình tự tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 mới.
Tuy nhiên, có nhiều khả năng là BA.5 đã xuất hiện và chiếm phần lớn các trường hợp trong các ca COVID-19 mới phát hiện. Vì ngay cả nhiều quốc gia phát triển người ta vẫn ghi nhận nhầm BA.5 là BA.2 nên việc phát hiện chậm trễ BA.5 là hoàn toàn có thể.
Ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thông tin thêm một số nghiên cứu, đánh giá nhỏ cho thấy biến chủng phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến chủng phụ cũ cùng liên quan đến Omicron (BA.2, BA.1), song chưa có bằng chứng về tỉ lệ trở nặng ở biến chủng mới.
"Bộ Y tế tiếp tục theo dõi biến chủng mới và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đó điều chỉnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện chúng ta vẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để thích nghi với tình hình mới", ông Lân cho hay.
Vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả với biến chủng phụ BA.5?
Với việc biến chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu vắc xin phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả như thế nào?
PGS Dũng cho biết: "Cũng tương tự như các biến chủng phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng né tránh vắc xin một phần. Nhưng vắc xin vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn tiến nặng và tử vong đối với BA.5.
Vì vậy người dân cần đi tiêm chủng khi có chỉ định tiêm chủng. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) khi đã qua 4 tháng kể từ lúc tiêm mũi 3".
Theo PGS Dũng, hiện nhiều người có suy nghĩ là nếu đã nhiễm Omicron rồi thì sẽ có miễn dịch tốt hơn nên không cần tiêm mũi 4. Điều này là không đúng vì các nghiên cứu cho thấy nếu nhiễm Omicronn BA.1 và chưa tiêm chủng thì lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém.
Nếu đã nhiễm Omicron BA.1 sau khi đã tiêm chủng thì kháng thể sẽ bảo vệ chống lại biến chủng Delta và Omicron BA.1, nhưng kháng thể đã có không bảo vệ với Omicron BA.4 và BA.5. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm các mũi nhắc lại của vắc xin COVID-19 để đối phó với làn sóng dịch này do BA.5.
"Người dân cần cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng với biến chủng phụ này. Và nhớ rằng BA.5 không phải là biến chủng cuối cùng, vì vậy người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với hoàn cảnh và sinh hoạt, cũng như tiêm chủng vắc xin theo lịch tiêm được ngành y tế khuyến cáo", PGS Dũng nhấn mạnh.
Theo TS Vương Ánh Dương, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của vắc xin để phòng mắc COVID-19 là trên 50%.
Ông Dương dẫn chứng: "Nghiên cứu gần đây do tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh. Cụ thể, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 là 52%; hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc COVID-19 là 72%; hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc COVID-19 là 76%.
Vắc xin vẫn là lá chắn bảo vệ để phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, người dân cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế", ông Dương nhấn mạnh.
Đã đến lúc coi COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa? Việt Nam đã mở cửa trở lại các hoạt động, đón khách du lịch và các chuyến bay thương mại. Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục giảm mạnh, còn hơn 8.000 F0/ngày; ca bệnh nặng và tử vong tiếp tục giảm sâu, cả nước chỉ còn hơn 500 bệnh nhân nặng đang điều trị, đặc biệt ngày 29/4 chỉ...