Tiêm vaccine cho người dân khu phong toả
Trong chiến dịch tiêm 930.000 liều vaccine đợt thứ 5, người dân ở các khu phong toả, cách ly được nhân viên y tế tới tận nơi thực hiện tiêm chủng.
Sáng 2/8, ôtô 16 chỗ chở nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh rẽ vào con hẻm rộng 6 m, đường số 7, phường Phước Bình, TP Thủ Đức. Bên đường, 8 chiếc bàn được bố trí thành 4 khu vực để hướng dẫn người dân làm các thủ tục tiêm vaccine. Người dân xếp thành hàng dài, giãn cách 2 m chờ tới lượt. Họ được nhân viên y tế khám sàng lọc, hỏi tiền sử bệnh lý nền, dị ứng… sau đó qua bàn đo huyết áp, thân nhiệt trước khi tiêm.
Bà Đặng Thị Phương Thảo được nhân viên y tế tiêm vaccine, sáng 2/8. Ảnh: Hà An.
Hẻm ở đường số 7 là khu vực bị phong tỏa từ hơn một tuần trước do có ca Covid-19. Hôm 1/8, sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính cho toàn bộ 40 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, chính quyền phường Phước Bình phối hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh tổ chức tiêm vaccine theo hình thức lưu động cho người dân từ 18 đến dưới 65 tuổi ở đây.
Là người đầu tiên được tiêm, bà Đặng Thị Phương Thảo, 53 tuổi, cho biết trong một tuần hẻm bị phong tỏa, bà và người thân ở trong nhà. Nhu yếu phẩm dùng hàng ngày phải nhờ người thân tiếp tế hoặc đặt mua online. “Mấy hôm trước, tôi đăng ký tiêm cho cả gia đình khi khu phố gửi phiếu. Hôm nay được tiêm mũi đầu tiên, tôi cũng phần nào an tâm”, bà Thảo nói và cho biết sau khi tiêm xong bà được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine.
Chị Kiều Thanh Trang, 30 tuổi, sống cùng hẻm chia sẻ việc chính quyền địa phương tổ chức tiêm lưu động giúp người dân không phải đi lại, quá trình từ đăng ký đến tiêm diễn ra nhanh hơn, không phải chờ đợi lâu. Hơn một tháng phải làm việc online tại nhà, chị Trang mong được sớm tiêm vaccine để giúp miễn dịch cộng đồng, cuộc sống trở lại bình thường, có thể đến công ty làm việc.
Điểm tiêm tại đường số 7 là khu vực thứ hai mà phường Phước Bình tổ chức tiêm chủng cho người dân. Cách đây hai hôm, phường đã triển khai tiêm cho khoảng 90 người ở khu vực bị phong toả ở đường số 11 cũng với hình thức lưu động. Dự kiến 9 địa điểm bị phong tỏa của phường với khoảng 700 dân sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trong những ngày tới.
Theo ông Trần Vũ Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Phước Bình, ngoài các điểm tiêm lưu động, địa phương còn có một điểm tiêm cố định cho người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2. Việc tiêm lưu động giúp tiếp cận người dân dễ dàng hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm cho các hộ dân.
Người dân ở hẻm số 7 được khám sàng lọc, tư vấn thông tin trước khi tiêm. Ảnh: Hà An.
Video đang HOT
Cũng là khu phong tỏa, hẻm 1147 khu phố 4, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, hôm 1/8 đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 140 người. Đây là hẻm bị phong tỏa đầu tiên của phường triển khai tiêm vaccine cho người dân. Sau khi người dân được tiêm vaccine cùng với có kết quả xét nghiệm âm tính, hẻm sẽ được gỡ phong toả, đặt bảng bảo vệ vùng xanh không có Covid-19 và giao cho người dân tự quản.
Theo Ban chỉ đạo chống dịch phường Linh Trung, việc tổ chức tiêm vaccine ở những nơi phong tỏa nhằm biến khu vực nguy cơ nhiễm dịch rất cao (màu đỏ) thành nơi bình thường (vùng xanh) trên bản đồ phòng chống Covid-19 TP HCM. Điều này giúp cuộc sống người dân dần trở về trạng thái sinh hoạt bình thường. Hiện, phường Linh Trung có 60 khu vực vùng xanh và tiếp tục mở rộng.
Cách phường Linh Trung hơn 15 km , trong sáng 2/8 phường Tân Định, quận 1, cũng tổ chức đội lưu động tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 550 người ở khu phong tỏa cạnh chợ Tân Định. Trước đó, họ được cảnh sát khu vực gọi điện thông báo thời gian, địa điểm tiêm cũng như làm xét nghiệm kết quả âm tính, ký tên đồng ý tiêm chủng.
Theo bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Tân Định, các khu vực phong tỏa là nơi nguy cơ cao nên được ưu tiên tiêm trước cho người từ 18 tuổi trở lên. “Người dân trên địa bàn đều ủng hộ chủ trương của phường. Sắp tới chúng tôi tổ chức tiêm cho hơn 30 khu phong tỏa, hầu hết là nơi nguy cơ cao”, bà Hà nói.
Nhân viên y tế tiêm vaccine tại khu cách ly ở ký túc xá Đại học Văn Hóa (phường Phước Long A, TP Thủ Đức), ngày 1/8. Ảnh: Quỳnh Trần.
Động thái tiêm vaccine cho người dân khu phong toả thực hiện theo yêu cầu của chính quyền TP HCM, nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19. “Ngay sau khi được gỡ phong toả, người dân ở đây sẽ được tiêm vaccine”, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức nói khi triển khai đợt tiêm 930.000 liều đợt 5 và yêu cầu các địa phương sớm thông tin cho người dân khu phong toả nắm, để họ không sốt ruột, nghĩ rằng bị mất quyền lợi.
Ở đợt tiêm thứ 5, chính quyền TP HCM cũng thay đổi chiến lược nhằm tăng độ phủ vaccine cao nhất. Thành phố nâng tổng số đội tiêm lên con số 1.200, gần gấp đôi so với kế hoạch ban đầu, tổ chức nhiều đội tiêm lưu động, không giới hạn số người tiêm trong một buổi. Ngoài ưu tiên cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền, việc tiêm vaccine thực hiện cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên; tổ chức tiêm vào buổi tối…
TP HCM cũng đề xuất Bộ Y tế tinh giản một số thủ tục trước và sau tiêm vaccine, như đơn giản khâu khám sàng lọc cho những người dưới 65 tuổi và không có bệnh nền; giảm thời gian theo dõi sau tiêm 30 phút xuống còn 15 phút với người khoẻ mạnh, không có bệnh nền.
Theo phân tích của Sở Y tế thành phố, khi những thủ tục trên được rút ngắn, các nhân lực sẽ được huy động để mở thêm các điểm tiêm chủng mới. Đồng thời, thời gian người chờ tiêm, theo dõi sau tiêm ít hơn, giúp tăng số lượng tiêm chủng tại mỗi điểm.
Hôm qua, UBND TP HCM cho biết qua các đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế, thành phố đã tiêm được hơn 1,7 triệu liều (riêng đợt 5 tiêm gần 800.000 liều) cho các nhóm ưu tiên. Trong tháng 8, thành phố dự kiến tiêm hơn 4 triệu liều vaccine. Do đó TP HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét phân bổ vaccine liên tục để đạt mục tiêu cuối tháng này có hơn 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine.
Có phải trả phí khi tiêm vaccine Covid-19?
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, tôi có nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 thì có được tự trả chi phí cho việc này hay không? (Thanh Lâm)
Nhân viên y tế giới thiệu vaccine trước khi tiêm ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Luật sư tư vấn
Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, kinh phí tiêm vaccine được lấy từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine xin tự nguyện chi trả.
Vaccine phòng Covid-19 thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch được ngân sách nhà nước đảm bảo nên người dân không phải trả chi phí.
Hiện nay, pháp luật chưa cho phép người dân được tự bỏ tiền mua vaccine phòng Covid-19 và tự sử dụng. Vaccine này cũng không thuộc loại tiêm dịch vụ theo nhu cầu chủ động, do đó các cơ sở tiêm chủng không được thu phí. Người dân cần cảnh giác khi một số cá nhân, tổ chức mời gọi, nhắn tin hoặc gửi email hứa hẹn sẽ được tiêm vaccine theo diện trả phí.
Ai làm việc này là trái với quy định của pháp luật, có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm g, điểm h khoản 3 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền tối đa 40 triệu đồng đối với cá nhân, 80 triệu đồng đối với tổ chức.
Việc quản lý và thực hiện tiêm chủng vaccine đã được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP, đồng thời Bộ Y tế cũng đã có những hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 34/2018/TT-BYT và các Quyết định 3355/QĐ-BYT. Theo đó, việc cung ứng, tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine, các điều kiện về cơ sở tiêm chủng cố định, cơ sở tiêm chủng lưu động, việc quản lý đối tượng tiêm chủng, quy trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình do Bộ Y tế quy định.
Chính phủ cũng đã quy định rõ các đối tượng, địa bàn được ưu tiên tiêm vaccin phòng Covid-19 đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác và đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine, bao gồm:
- Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch;
- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...;
- Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;
- Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi;
- Người sinh sống tại các vùng có dịch;
- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;
- Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
- Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Hoạt động tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng thường xuyên được thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định tại điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử lý Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế với mức phạt tiền tối đa 40.000.000 đồng đối với cá nhân, 80.000.000 đồng đối với tổ chức và các hình phạt bổ sung khác như đình chỉ hoạt động của cơ sở, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề....
Luật sư Lưu Thị Kiều Trang
Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và cộng sự
Anh và Cộng hòa Czech viện trợ vaccine cho Việt Nam Anh và Cộng hòa Czech công bố viện trợ tổng cộng hơn 660.000 liều vaccine để giúp Việt Nam kiểm soát Covid-19. Theo Bộ Ngoại giao, Anh ngày 28/7 công bố viện trợ 415.000 liều vaccine cho Việt Nam. Trước đó, ngày 26/7, Cộng hòa Czech cũng công bố viện trợ cho Việt Nam 250.000 liều vaccine. Đây là sự hỗ trợ rất...