Hệ thống tiêm chủng sẽ liên thông quốc tế, trở thành hộ chiếu vaccine
“Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine , quản lý toàn bộ bằng QR code”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Sáng 6/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu về việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam .
Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 sắp tới tại Việt Nam , để quản lý thông suốt và đồng bộ, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.
Để thực hiện việc này, Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khoẻ. Việc này vừa giúp ngành y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.
“Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine , quản lý toàn bộ bằng QR code”, ông Long nói.
Quang cảnh Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu về việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 tại việt Nam diễn ra sáng nay 6/3.
Người đứng đầu ngành y tế cũng thông tin, trước khi tiêm vaccine tại Việt Nam, người dân sẽ được khám sàng lọc sức khoẻ để đảm bảo độ an toàn.
Tuy việc này sẽ tốn nhiều thời gian hơn nhưng nhờ vậy mới đảm bảo an toàn nhất cho người dân. Bộ Y tế sẽ thiết kế công tác sàng lọc tối giản trên phần mềm sao cho dễ sử dụng và nhanh chóng nhất có thể.
Cuối cùng, theo ông Long, tuy được tiêm vaccine phòng bệnh, nhưng người dân cũng không thể bỏ qua các biện pháp phòng bệnh. Song song với tiêm chủng, mọi người cần tiếp tục thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống dịch “vaccine phải kết hợp với 5K”.
Cùng với đó, đội ngũ y tế, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền thêm đễ người dân có niềm tin với vaccine. “Như vậy, cuộc chiến chống COVID-19 của chúng ta mới thành công được” , ông Long nhấn mạnh.
Vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 đầu tiên về Việt Nam trong ngày hôm nay
Sáng nay, ngay sau khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành các thủ tục thông quan, lô vắc xin sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, với hệ thống bảo quản nghiêm ngặt theo khuyến cáo của nhà sản xuất và nhập kho lạnh bảo quản tại TP.HCM.
Theo nguồn tin, 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca về đến sân bay Tân Sơn Nhất, phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách hiện nay trong ngày 24/2. Đây là loại vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép, do Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập khẩu. Chuyến bay chở lô vaccine Covid-19 đầu tiên này hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất lúc 10h45 ngày 24/2. Đây là lô vắc xin thuộc 240.000 liều đầu tiên về Việt Nam, được Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu trong tháng 2. vaccine được Bộ Y tế tạo điều kiện nhập khẩn cấp, trong bối cảnh Covid-19 đang lây nhiễm 13 tỉnh thành 27 ngày qua.
Theo VNVC, lô vắc xin đầu tiên đã về sớm hơn dự kiến ban đầu, do đó, kế hoạch triển khai tiêm vắc xin chống dịch cho các nhóm ưu tiên cũng được thực hiện ngay trong tháng 3 tới. Việc tiếp nhận đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 từ người dân tiêm dịch vụ đã tạm dừng, chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế.
"VNVC đã sẵn sàng đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất để có thể đáp ứng phục vụ đến 4 triệu liều vắc xin Covid-19 cho mỗi tháng và đảm bảo các mũi tiêm an toàn", ông Bùi Kim Khánh, Giám đốc toàn quốc Hệ thống VNVC, cho biết.
Sau lô vắc xin đầu tiên, trong nửa đầu năm 2021, VNVC sẽ đưa về Việt Nam 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Các nhóm ưu tiên và người dân trong nước sẽ chính thức được tiêm vắc xin Covid-19 chất lượng cao, như tại châu Âu và nhiều quốc gia lớn trên thế giới góp phần khóng chế đại dịch.
Vaccine của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vaccine sử dụng vector virus mất khả năng sao chép, được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.
Dữ liệu an toàn được công bố từ hơn 20.000 người tham gia trong 4 thử nghiệm lâm sàng ở Anh, Brazil và Nam Phi trên Tạp chí The Lancet cho thấy vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca được dung nạp tốt và không có biến cố bất lợi nghiêm trọng. Đối tượng tham gia nghiên cứu đa dạng về vùng địa lý và chủng tộc, khỏe mạnh hoặc có tình trạng bệnh lý nền ổn định.
Tại mỗi kho lạnh âm sâu đều có một kho rã đông được kiểm soát nhiệt độ luôn dưới 80 độ C để đảm bảo vaccine được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Ngày 1/2, Bộ Y tế chính thức cấp phép có điều kiện vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch.
Đến ngày 17/2, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ký công văn (số 1215/QLD-KD) đồng ý để Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine.
Ngày 27/2, Bộ Y tế công bố 11 nhóm người được tiêm vaccine Covid-19 trước theo mức độ ưu tiên tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế hiện nay. Trong đó, nhân viên y tế và nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...) được ưu tiên hàng đầu.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm. Có hai liệu trình vaccine khác nhau trong thử nghiệm. Ở phác đồ một, tình nguyện viên nhận một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70%.
ChAdOx là một trong các ứng viên vaccine cho kết quả khả quan trong thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn. Dù không đạt mức độ hiệu quả như sản phẩm của hai đối thủ là Moderna và Pfizer, bù lại vaccine Oxford có giá thấp, dễ vận chuyển và bảo quản hơn.
Khoảng 600.000 người sắp được tiêm vaccine Covid-19 Hai nhóm được tiêm vaccine đầu tiên trong quý I/2021 là nhân viên y tế và lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Theo quyết định phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, lộ trình dự kiến sử dụng vaccine được...