Tiềm năng ‘ngoại giao hóa thạch khủng long’ của Trung Quốc
Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng và gấu trúc đã đóng vai trò đại sứ quyền lực mềm quảng bá lịch sử và văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài.
Các chuyên gia đánh giá, khám phá về khủng long tại quốc gia tỷ dân cũng có tiềm năng to lớn tương tự.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện hóa thạch trứng khủng long siêu nhỏ ở tỉnh Giang Tây. Ảnh: THX/TTXVN
Hàng trăm triệu năm trước, rất lâu trước khi các siêu đô thị và tòa nhà chọc trời cao chót vót mọc lên, khủng long với đủ mọi hình dạng và kích cỡ đã lang thang khắp các khu vực là Trung Quốc ngày nay, thống trị đất liền, biển cả và bầu trời trước khi tuyệt chủng.
Từ Tứ Xuyên đến tỉnh Cam Túc, băng qua sa mạc Gobi, Trung Quốc là “kho báu kỷ Jura” dành cho các nhà cổ sinh vật học. Nhiều chuyên gia nhận định rằng số lượng lớn hóa thạch và các loài khủng long mới được phát hiện, cho thấy sự tiến bộ, lớn mạnh trong nghiên cứu khủng long của Trung Quốc.
Nhà cổ sinh vật học người Mỹ Thomas Stidham viết trong một bài bình luận trên tờ Global Times vào tháng 3 nhận định: “Hiện tại, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về phát hiện các loài khủng long tuyệt chủng mới”. Ông cũng đánh giá rằng lĩnh vực cổ sinh vật học của Trung Quốc đã phát triển đáng kinh ngạc trong vài thập niên qua.
Video đang HOT
Thành công bắt nguồn từ việc phát hiện hóa thạch “Người Bắc Kinh” vào năm 1927 tại một hang động cách thủ đô Trung Quốc khoảng 50km. Những năm sau đó, các nhà khoa học còn tìm thấy nhiều hộp sọ, răng, xương và công cụ bằng đá, cùng dấu tích hóa thạch động vật có vú tại địa điểm này. Ông Stidham cho rằng việc phát hiện hóa thạch “Người Bắc Kinh” đã giải đáp những câu hỏi cơ bản về quá trình tiến hóa của loài người.
Ông Stidham bổ sung rằng nghiên cứu và khám phá của Trung Quốc cũng có “tác động toàn cầu ngày càng tăng”. Có thể kể đến khám phá đáng chú ý gần đây về khủng long có lông vũ cũng như các công nghệ mới, chụp cắt lớp vi tính hóa thạch và phục hồi DNA cổ đại cùng các phân tử khác được bảo quản bên trong xương hóa thạch.
Đồng tình với quan điểm này là giáo sư David Goodman tại Đại học Sydney (Australia). Ông nhận xét rằng Trung Quốc ngày càng gia tăng tập trung vào nghiên cứu khủng long. Theo ông, có nhiều động lực khiến Trung Quốc có xu hướng này, chẳng hạn như công nghệ tiên tiến và quyền lực mềm.
Giáo sư Goodman phân tích rằng chính phủ và giới lãnh đạo Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh về một quốc gia quan tâm đến lịch sử và quá khứ.
Cho đến nay, hơn 300 loài khủng long đã được phát hiện và phân loại tại Trung Quốc, đứng đầu thế giới. Theo số liệu thống kê từ Viện Cổ sinh vật học có xương sống và cổ nhân loại học (IVPP) tại Bắc Kinh, tính đến tháng 12/2023, Trung Quốc đã xác định và đặt tên cho 343 loài khủng long.
Tương tự, theo Cục Công viên Quốc gia Mỹ (NPS), Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai quốc gia đã đặt tên cho nhiều loài khủng long nhất, với hơn 320 loài mỗi nước.
Nhưng các chuyên gia đánh giá lĩnh vực này của Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề chưa được giải quyết.
Trong một bài báo năm 2022, nhà cổ sinh vật học người Trung Quốc Zhou Zhonghe tại IVPP cho biết việc kẻ săn trộm thu thập trái phép hóa thạch quý hiếm vẫn là vấn đề nhức nhối chưa thể giải quyết. Ngoài ra, ông cũng lo lắng về tương lai của lĩnh vực này ở Trung Quốc, bởi sinh viên sẽ chọn theo đuổi ngành cổ sinh vật học vì họ coi đó là “nghề nghiệp có lợi” thay vì đam mê cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học Trung Quốc, bao gồm cả Đại học Bắc Kinh danh tiếng, cũng ghi nhận tỷ lệ tuyển sinh các khoa cổ sinh vật học giảm dần và có rất ít học sinh quan tâm đến việc theo đuổi ngành học này.
Hóa thạch khủng long Trung Quốc mang tiềm năng trở thành nguồn tự hào trong tương lai gần, nhưng sẽ còn khá lâu nữa trước khi chúng tạo được tác động như những khám phá khảo cổ khác trên trường quốc tế, ví dụ như đội quân đất nung. Ông Goodman cho rằng việc tìm thấy hóa thạch vẫn là hoạt động đang phát triển ở Trung Quốc tại thời điểm này. Ông kết luận: “Nó có thể phát triển lớn hơn nữa không? Có thể. Dưới lòng đất Trung Quốc vẫn còn vô số điều kỳ diệu chưa được khám phá”.
Bão Gaemi ảnh hưởng đến hơn 620.000 người ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc)
Giới chức tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, cho biết tính đến 6 giờ sáng 26/7 (giờ địa phương), bão Gaemi, cơn bão thứ ba trong năm nay, đã gây ảnh hưởng đến 628.600 người ở tỉnh này.
Sóng lớn xô vào bờ biển trước bão Gaemi tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 25/7. Ảnh: THX/TTXVN
Với sức gió mạnh nhất ở tâm bão lên tới 118,8 km/h, bão Gaemi đã đổ bộ vào huyện Tú Tự, thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến trong tối 25/7. Đến 6 giờ sáng 26/7, tâm bão ở huyện Vưu Khê, thành phố Tam Minh thuộc tỉnh này với sức gió vùng gần tâm bão đạt 100,8 km/h.
Dự kiến, bão Gaemi sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 km/h và yếu dần. Đến chiều muộn 26/7, bão Gaemi có thể di chuyển đến tỉnh Giang Tây.
Theo cơ quan khí tượng địa phương, do ảnh hưởng của bão, từ 6 giờ ngày 24/7 đến 6 giờ ngày 26/7, 72 thị trấn ở 15 địa phương cấp huyện thuộc tỉnh Phúc Kiến đã ghi nhận lượng mưa tích lũy trên 250 mm và 12 thị trấn ở 9 địa phương cấp huyện ghi nhận lượng mưa tích lũy trên 400 mm với lượng mưa cao nhất lên đến 512,8 mm. Trước đó, bão Gaemi đã quét qua vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) từ đêm 24/7 khiến 2 người thiệt mạng và 201 người bị thương.
Trong khi đó, tại tỉnh Cam Túc (Tây Bắc Trung Quốc), mưa lớn đã khiến 1 người thiệt mạng, 3 người khác mất tích và gây ảnh hưởng đến khoảng 192.500 người. Cơ quan khí tượng tỉnh Cam Túc cho biết từ ngày 22-24/7 vừa qua, tỉnh này đã hứng chịu lượng mưa cao nhất kể từ đầu năm đến nay và đây là đợt mưa lớn nghiêm trọng nhất kể từ năm 1961. Lượng mưa tích lũy cao nhất của tỉnh đạt 367,7 mm ghi nhận ở huyện Sùng Tín. Dự kiến, mưa lớn sẽ tiếp diễn trong tuần sau ở tỉnh Cam Túc.
Tại Nhật Bản, những trận mưa như trút cũng đã khiến hàng nghìn người ở nhiều khu vực miền Bắc nước này phải sơ tán do nước các con sông tràn bờ cuốn trôi nhiều cây cầu và phương tiện giao thông. Theo giới chức và truyền thông Nhật Bản, ít nhất 1 người đã thiệt mạng và 4 người mất tích sau các trận mưa lớn ở các tỉnh Yamagata và Akita trên đảo Honshu.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ngày 26/7 cho biết hai thành phố ở tỉnh Yamagata đã ghi nhận lượng mưa trong 24 giờ cao nhất kể từ khi dữ liệu được lưu trữ năm 1976 với Shinjo - 389 mm và Sakata - 289 mm. Giới chức các địa phương đã ban hành khuyến cáo sơ tán đối với hơn 200.000 người. Đài truyền hình NHK đưa tin ít nhất 4.000 người đã phải sơ tán đến nơi tránh trú an toàn. Khoảng 3.060 hộ gia đình bị mất điện và 1.100 hộ không có nước sạch.
Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết một số đường cao tốc trong khu vực đã bị đóng cửa và dịch vụ tàu cao tốc Shinkansen tại đây cũng đã tạm ngừng hoạt động. Quân đội đã được huy động đến Yamagata để hỗ trợ lực lượng cứu hộ và cảnh sát. JMA dự báo những trận mưa với lượng mưa từ 100-200 mm mỗi ngày sẽ tiếp diễn trong 3 ngày tới.
Star1 Robot hình người nhanh nhất thế giới Công ty Robot Era của Trung Quốc gần đây đã ra mắt Star1 - robot hai chân nhanh nhất thế giới, có khả năng đạt và duy trì tốc độ lên tới 12,98 km/giờ. Robot Star1. Ảnh: O.C Vào tháng trước, những bức ảnh và video robot đi giày thể thao chạy qua sa mạc Gobi đã lan truyền rộng rãi trên mạng...