Tích hợp 1 sách 3 thầy là một bước thụt lùi của chương trình mới
Việc ghép cơ học 2 hay 3 môn vào một môn học mới là điều không nên thậm chí phản khoa học trong khi thực tế chưa cho phép.
Vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục luôn là vấn đề cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất người học”.
Việc thay đổi căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã được chỉ đạo cụ thể ở Nghị quyết số 29 – Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, cả hệ thống chính trị cũng làm với tinh thần trách nhiệm cao.
Đây là chính sách rất lớn nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị, giáo viên, đồng bào và nhân dân cả nước.
Việc “ tích hợp” môn Lịch sử từng gây xôn xao dư luận, ảnh minh họa: VTV.vn.
Giáo dục là quốc sách ảnh hưởng rất lớn không chỉ thầy, cô giáo trong cả nước, còn ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh cả nước, tầng lớp phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.
Mỗi lần thay đổi phải được làm cẩn thận, chính xác, khoa học và phải đảm bảo thành công.
Sản phẩm giáo dục là đào tạo nên con người học giỏi, có ích cho xã hội, tạo nên thế hệ tương lai cho đất nước, không thể tạo ra sản phẩm lỗi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều cố gắng, nhưng chương trình mới ra đời và được thông qua nhận được rất nhiều tranh luận trái chiều.
Dư luận rất hoan nghênh việc Quốc hội cho lùi việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm có thêm thời gian xây dựng cụ thể hơn, chi tiết hơn và nhận được nhiều sự đóng góp của cả nước hơn.
Vì giáo dục không thể thất bại!
Đã có rất nhiều đóng góp cho chương trình phổ thông mới, theo tôi có hai luồng ý kiến.
Đa số ý kiến đồng tình với chương trình nằm ở Tổng chủ biên và những nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa.
Còn lại ý kiến các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu, giáo viên và nhân dân cả nước và bản thân tôi thì còn rất nhiều băn khoăn với chương trình phổ thông mới như sau:
Thứ nhất, về các môn học trong chương trình phổ thông mới
Tôi thấy xuất hiện nhiều môn mới trong chương trình nhưng giáo viên hiện tại không thể đáp ứng trong thời gian trong 10 năm tới chứ đừng nói năm học 2020 – 2021.
Cụ thể ở bậc tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) có thêm môn Anh văn (từ lớp 3 đến lớp 5 là 4 tiết/tuần), Hoạt động trải nghiệm (3 tiết/tuần).
Bên cạnh đó, Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số (không có giáo viên dạy) hoặc Ngoại ngữ 1,…
Việc học sinh tiểu học học quá nhiều môn, học sinh lớp 1 chỉ bắt đầu học nhưng chưa chú trọng vào 2 môn quan trọng là Toán và Tiếng Việt nhằm hình thành kỹ năng đọc, viết, làm quen với các chữ số.
Cấp trung học cơ sở (lớp 6 đến lớp 9) xuất hiện môn mới là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2 đều không có giáo viên dạy.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện 2 môn học “tích hợp” là Khoa học tự nhiên (Gộp 3 môn: Lý – Hóa – Sinh), Lịch sử và Địa lý là đề tài gây tranh cãi nhiều nhất (tôi sẽ phân tích thêm ở phần sau).
Cấp trung học phổ thông (lớp 10 đến 12) cũng xuất hiện một số môn mới trong các môn học tự chọn và bắt buộc như:
Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 cũng chưa có giáo viên đáp ứng.
Bên cạnh đó việc học sinh được chọn các môn học khác nhau sẽ dẫn đến thừa, thiếu cục bộ rất khó cho trường trong việc chủ động nguồn nhân lực, lực lượng giáo viên,…
Thứ hai, về sách giáo khoa
Chương trình mới tuy đã được thông qua nhưng vấn đề quan trọng nhất, ảnh hưởng lớn nhất chính là sách giáo khoa.
Video đang HOT
Theo lộ trình nếu dạy theo hình thức cuốn chiếu sẽ không phù hợp, khi đó nếu sách giáo khoa có sai thì sẽ không chỉnh sửa kịp.
Tôi đề nghị trước khi thực hiện chương trình phải có toàn bộ bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 sau đó thành lập hội đồng phản biện, đóng góp của giáo viên và nhân dân cả nước.
Có như vậy tuy có thể chậm nhưng chắc chắn sẽ thành công. Không thể làm ẩu, làm nhanh rồi thất bại.
Vì đổi mới phải đảm bảo chắc chắn thành công, không thể lấy giáo viên, học sinh làm “chuột bạch” để thử nghiệm.
Lực lượng giáo viên đứng lớp là lực lượng rất quan trọng, họ sẽ biết chương trình, sách giáo khoa như thế nào là hợp lý, nên lấy rộng rãi ý kiến giáo viên cả nước khi đã có sách giáo khoa.
Khi đó sẽ thực hiện đồng loạt trong cả nước sau khi tập huấn cho giáo viên.
Thứ ba, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới
Khi thực hiện theo chương trình mới muốn đáp ứng thì phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, kể cả đồ dùng, sân chơi cho việc học tập hoạt động trải nghiệm, sáng tạo,… đảm bảo dạy 2 buổi/ ngày đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở.
Nhưng hiện nay theo tôi nghĩ chỉ 20% đến 30% trường học trên cả nước đáp ứng điều kiện trên.
Như vậy khi triển khai chương trình mới sẽ không thực hiện được, không thể để trường hợp trường nào có điều kiện thì thực hiện, nơi nào chưa đáp ứng thì chưa thực hiện.
Phải xây dựng trường, lớp, cơ sở vật chất đáp ứng trước mới thực hiện đổi mới.
Hiện nay, cấp học tiểu học không đồng đều có nơi dạy theo phương pháp, chương trình mới như VNEN, công nghệ giáo dục,… có nơi học sinh được học cả ngày (có bộ môn Anh văn, Tin học), có nơi do điều kiện chưa đáp ứng nên vẫn dạy theo phương pháp truyền thống học theo buổi (không có Anh văn, Tin học).
Vậy nên khi học sinh bước vào lớp 6 thì trình độ, nhận thức, kỹ năng rất không đồng đều giữa các học sinh nhất là trình độ Anh văn, Tin học nên giáo viên lớp 6 rất khó dạy và triển khai phương pháp mới cho cả lớp.
Vô hình trung khi vào lớp 6 trình độ học sinh khá chênh lệch, mức độ tiếp thu khác nhau tạo một sự bất công trong giáo dục, một số em không theo kịp chương trình mới chán nản, bỏ học, tự ti,…
Bên cạnh đó, học sinh trung học cơ sở cũng có nơi dạy ngày, nơi dạy buổi nên khi thi vào lớp 10 cũng có sự bất công không nhỏ.
Theo tôi,khi triển khai chương trình mới Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định thống nhất việc thực hiện chương trình trong cả nước.
Cố gắng tăng cường mở rộng trường, lớp để có thể dạy ngày trong cả nước không để tùy địa phương thực hiện.
Thứ tư, việc đưa vào chương trình 2 môn tích hợp là bước lùi
Theo tôi việc ghép cơ học 2 hay 3 môn vào một môn học mới là điều không nên thậm chí phản khoa học trong khi thực tế chưa cho phép.
Một số nước có nền giáo dục tiên tiến người ta chú trọng chuyên sâu như môn Hóa có nhiều giáo viên dạy Hóa vô cơ, hữu cơ; Vật lý có nhiều giáo viên chỉ dạy phần cơ, nhiệt, điện,…
Chương trình mới tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh thành Khoa học tự nhiên theo tôi là bước lùi, không phù hợp xu thế phát triển của thế giới và tình hình giáo dục tai Việt Nam.
Để tích hợp được phải trả lời các câu hỏi sau:
- Việc tích hợp 3 môn Lý, Hoá, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên mà vẫn do 3 giáo viên dạy;
Môn Sử, Địa thành môn Sử và Địa do 2 giáo viên dạy.
Nó chỉ có điểm khác là có một quyển sách do nhiều giáo viên dạy thì sao gọi là tích hợp?
Có nước nào trên thế giới tích hợp “lạ lùng” như trên không? Khi nào mới cho ra đời giáo viên “tích hợp”?
- Ba giáo viên dạy cùng một quyển sách, cùng một môn như Khoa học tự nhiên có 3 phần Lý, Hoá, Sinh vậy khi kiểm tra miệng, 15 phút hay 1 tiết, học kỳ thì 3 bài riêng hay 3 môn vô một bài?
Ai chịu trách nhiệm ra đề, đánh giá đề? Ai chịu trách nhiệm về chất lượng học sinh?
Ai vào điểm phần mềm? Ai vào học bạ? Rồi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề do ai phụ trách,…?
- Tại sao khi biên soạn chương trình và sách giáo khoa không giữ các bộ môn như cũ: Lý, Hoá, Sử,… nội dung nào tích hợp thì soạn trong sách giáo khoa môn đó.
Nó vừa đảm bảo nội dung tích hợp, vừa đảm bảo tính liên thông, vừa đảm bảo chuyên môn hoá, chuyên ngành, chuyên sâu, đơn giản và tiết kiệm (một giáo viên mang một quyển sách có 3 phần nhưng chỉ dạy một phần, rồi chi phí tập huấn, bồi dưỡng,…).
Khi cấp trung học phổ thông không có môn “tích hợp” thì tại sao lại tích hợp ở cấp trung học cơ sở?
Việc tích hợp khi giảng dạy tại trường trung học cơ sở sẽ diễn ra rất rối rắm.
Các phân tích của ông Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và ông Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Trưởng nhóm chương trình khoa học tự nhiên không thỏa mãn được đông đảo hay nói rõ hơn là có rất nhiều phản đối của giáo viên và nhân dân cả nước.
Không thể giao cho các trường chủ động sắp xếp kế hoạch tích hợp, nếu thực hiện không khéo có nguy cơ “vỡ trận”, nếu tích hợp thì phải có kế hoạch đào tạo giáo viên mới trong khoảng ít nhất 10 năm nữa
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà giáo; nếu Bộ thận trọng, kỹ lưỡng, tôi tin rằng công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục sẽ thành công, sánh vai với cường quốc năm châu – như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.
Theo GDVN
Phương pháp dạy học mới thay đổi ở vỹ mô, chưa thấm sâu vào trường học
Ông Tạ Quang Sum: "Việc tiếp cận chương trình mới không chờ đến thời điểm thực hiện mà ngay từ năm học này cần tổ chức giới thiệu đến giáo viên và học sinh".
Tại Hội thảo Giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức 22/9, ông Tạ Quang Sum (Nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo, thành phố Cam Ranh) đã gửi tới tham luận, "Chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam những vấn đề quan tâm".
Trong đó, ông Tạ Quang Sum đã chỉ ra nhiều điểm bất cập và đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm thay đổi để giáo dục phổ thông phát triển hơn trong thời gian tới.
Vấn đề mà chuyên gia này dành tâm huyết lớn đó là đổi mới phương pháp dạy và học tại các trường phổ thông hiện nay.
Theo ông Sum: "Hoạt động chủ yếu của mọi nhà trường là dạy và học, triển khai công việc có tính sự nghiệp ấy đòi hỏi phải có phương pháp phù hợp thời thế.
Cho đến hiện nay phương pháp dạy và học trong các nhà trường đã rất lạc hậu, nhưng khó thay đổi vì chưa có những giải pháp khả thi nhằm thay đổi cả một hệ thống tập quán bị nhân danh là truyền thống.
Cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẻ tạo ra sức ì ngăn cản đổi mới, vì đích đến của họ chỉ là kết quả các kỳ thi".
Theo ông Tạ Quang Sum phương pháp dạy học hiện nay ở các trường phổ thông cần đổi mới (ảnh nguồn giaoduc.net).
Liên quan đến phương pháp dạy học phổ thông hiện nay, ông Tạ Quang Sum cho rằng còn nhiều tồn tại như việc:
"Thầy cô giáo trong quá trình dạy học hầu như phải và chỉ cần nói lại đầy đủ những gì đã được viết trong sách giáo khoa, phải tuân thủ trình tự lên lớp.
Tính sáng tạo và nghệ thuật dạy học chưa trở nên cấp thiết để vinh thăng nghề dạy học.
Những tiết thao giảng, dự giờ diễn ra chưa thực chất, khó phản ánh được chất lượng của giáo viên và học sinh.
Việc thay đổi hầu như chỉ dừng ngang ở những quyết định vỹ mô, chưa thấm sâu vào các cơ sở trường học.
Cả cán bộ quản lý lẫn giáo viên đều không dễ dàng từ bỏ nhiều cách làm cố hữu bởi quan điểm dạy học chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học mà không có điều tiếng gì".
Từ những tồn tại đó, vị chuyên gia này cho rằng cần phải thay đổi phương pháp dạy học, trong đó việc thay đổi phương pháp dạy và học không có nghĩa là loại bỏ những phương pháp truyền thống như :
Thuyết trình - đàm thoại - luyện tập - đọc chép - ghi chép..... mà trong giai đoạn chuyển tiếp cần cải tiến những phương pháp này để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm.
Người dạy có thể chọn hoặc kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học, phương pháp được chọn phải phù hợp với đối tượng - môi trường - yêu cầu thiết kế và mục tiêu giải quyết công việc được giao trong phạm vi chương trình giáo dục, và hiệu quả được đo bằng chất lượng học sinh.
"Trong tất cả các trường hợp thì việc tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và tận dụng tiện ích từ công nghệ thông tin - bồi dưỡng phương pháp tự học cho học sinh - đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phải được đặt vào vị trí ưu tiên.
Để việc thay đổi phương pháp dạy học hiệu quả, cần thiết phải bắt đầu đào tạo những thế hệ giáo viên theo quy chuẩn mới.
Thành lập các trường kiểu mẫu hoàn toàn áp dụng phương pháp dạy học mới, xem đó là hình mẫu để nhân lên đại trà.
Tổ chức các lớp học chính quy tập trung để tái đào tạo giáo viên hiện hành với kế hoạch - chương trình rõ ràng.
Trao quyền tự chủ cho người dạy trên cơ sở toàn khối chương trình và thời gian hoàn thành. Cho phép người dạy chủ động điều phối chương trình theo với mặt bằng tiếp thu của người học.
Như vậy thay đổi phương pháp dạy học cũng đồng nghĩa với việc thiết lập một nền giáo dục khai phóng" - Vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Một vấn đề mà nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo, thành phố Cam Ranh đề xuất cần thay đổi nữa là cách dạy ngoại ngữ hiện nay.
Theo ông Tạ Quang Sum: "Việc dạy ngọai ngữ lâu nay quá chú trọng vào lĩnh vực hàn lâm, dạy và học ngoại ngữ chủ yếu để đi thi.
Do đó, cả thầy và trò đều dành phần lớn thời gian tập trung vào việc giải những đề thi, quanh quẩn với những chủ điểm - vấn đề thường ra thi... mà quên mất đặt ra yêu cầu trang bị cho học sinh phương tiện phục vụ giao tiếp.
Hệ quả là trình độ ngoại ngữ của học sinh thấp mặc dù chương trình học khá nhiều nội dung.
Về chuyên môn và cơ sở vật chất thì còn có một số tồn tại như: năng lực của giáo viên còn hạn chế (đặc biệt việc phát âm chưa đúng), thiếu thiết bị hỗ trợ dạy học nên học sinh khó tiếp thu, có lúc học bị sai.
Bên cạnh đó, rất nhiều học sinh chưa nắm vững ngữ pháp tiếng Việt, nên không thể hiểu, tiếp thu, sử dụng ngữ pháp tiếng nước ngoài".
Từ những tồn tại được chỉ ra, ông Sum cho rằng: "Không nên bê nguyên chương trình và phương pháp dạy ngọai ngữ của nước ngoài đặt lên bàn học sinh Việt Nam.
Cần khảo sát trên các bộ môn khác mà mỗi cấp - khối lớp đang học, chiết xuất được phần đặc trưng.
Để cấu trúc lại chương trình và viết lại nội dung giảng dạy ngọai ngữ cho người Việt, trên cơ sở của sự liên thông giữa Việt văn và Ngọai văn, sao cho tạo ra được nhiều sự trùng lặp chủ đề qua song ngữ.
Ví dụ: ở bộ môn Văn học lớp 12 có bài Tuyên ngôn độc lập, thì liền kế đó ở bộ môn Ngoại ngữ nên cho học sinh gặp lại nội dung trên, chính điều này sẽ làm hưng phấn và tạo ra thích thú cho học sinh học ngọai ngữ".
Ông Tạ Quang Sum nhấn mạnh: "Giáo viên dạy ngoại ngữ phải được đào tạo đúng chuẩn quốc tế, thường xuyên được tu nghiệp trong và ngoài nước ở những quốc gia có ngôn ngữ thứ 2.
Đặc biệt phải triệt tiêu được quan niệm và mục đích: chỉ học để thi, mới xác lập được cơ sở vững bền cho việc dạy ngọai ngữ trong trường phổ thông".
Bên cạnh những tồn tại cách dạy học hiện nay, ông Tạ Quang Sum rất trăn trở làm sao để thầy và trò tiếp cận được chương trình phổ thông mới. Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng: "Việc tiếp cận chương trình mới này không thể chờ đến thời điểm thực hiện, mà ngay từ năm học này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dành nhiều thời gian để tổ chức giới thiệu đến giáo viên và học sinh.
Cần lập nên nhiều diễn đàn cho giáo viên tiếp cận với tất cả nội dung, những cuộc hội thảo trong trường hoặc liên trường rất bổ ích cho lực lượng con người sẽ thực hiện các chương trình.
Đài truyền hình quốc gia nên dành hẳn kênh thông tin cho giáo viên, hàng ngày phát các thông tin liên quan về giáo dục cả nước, bài giảng về Anh ngữ thực dụng, kể cả những chương trình tập huấn cho cha mẹ học sinh tham gia giáo dục con cái ngoài nhà trường.
Đó chính là điều kiện rộng rãi và hoàn cảnh tích cực để toàn xã hội thực hiện chiến lược giáo dục quốc gia".
Ngoài ra, chuyên gia này còn cho rằng: "Các bậc học - các nhà trường cần phải được định hướng bằng những chủ trương giáo dục cụ thể và hiện thực như thế nào!
Cần được trang bị về mặt lý luận dạy học, phương pháp dạy học, tổ chức dạy học như thế nào trong điều kiện phát triển của Việt Nam thời hội nhập!
Đặc biệt lực lượng nhân sự phục vụ sự nghiệp giáo dục quốc gia phải được đào tạo chính quy và chính thống.
Để mỗi thầy - cô giáo là một tấm gương đạo đức - văn hóa - khoa học - sáng tạo, cho học sinh ngưỡng mộ mà noi theo.
Giáo dục Việt Nam phải giao đến tận cơ sở trường học nhiệm vụ hiện thực và cung ứng giải pháp khả thi trong tổng thể chiến lược trồng người
Theo GDVN
Chương trình phổ thông mới: Triển khai nóng vội? Nhiều chuyên gia lo ngại chương trình phổ thông mới khó khả thi vì ôm đồm, quá tải. Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông và chương trình từng môn học dự kiến sẽ được ký chính thức vào tháng 9. Quá tải với học sinh tiểu học Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay cùng với...