Thủy điện Hố Hô: Dự án đi ngược lợi ích cộng đồng, treo án tử trên đầu hàng nghìn người dân vì sao được phép tồn tại?
Thông tin nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ “đúng quy trình” từ ngày 13/10/2016 đẩy 5.000 hộ dân huyện Hương Khê vào cảnh tận cùng đau thương và khốn khó đã gây nhiều bức xúc cho nhân dân cả nước. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên thủy điện Hố Hô treo “án tử” trên đầu dân mà sự việc này đã lặp đi lặp lại không dưới 3 lần. Thậm chí, tại thời điểm dự án thủy điện Hố Hô đi vào giai đoạn nghiệm thu, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng không biết gì về dự án này?
Phải khẳng định rằng, việc nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ trong tháng 10-2016 đẩy 5.000 hộ dân ở huyện Hương Khê vào ngõ cụt chỉ là bề nổi mà người dân khắp đất nước Việt Nam có thể thấy, cảm nhận được vì lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô không có “bàn tay trời” để che đậy. Còn đằng sau đó, hàng loạt sai trái mà “người ta” đang cố tình che đậy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá hoại, uy hiếp tính mạng người dân còn khủng khiếp hơn nữa.
Hình ảnh cụ ông Nguyễn Xuân Đường, 84 tuổi ôm chặt thùng mì vừa được cứu trợ ám ảnh người ta đến ray rức, nao lòng
Nhà máy Thủy điện Hố Hô có công suất 13MW (với 2 tổ máy) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 1 làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ ngày 30/11/2005, đưa vào vận hành, phát điện hòa lưới điện Quốc gia vào tháng 4/2010. Đây là một dự án gây tranh cãi về tính phản khoa học và trái với lòng dân. Ngay khi có thông tin về xây dựng dự án nhà máy thủy điện Hố Hô, người dân ở huyện Hương Khê đã ra sức phản đối, tuy nhiên đâu vẫn vào đó – công trình vẫn được “tồn tại”?
Từ khi nhà máy thủy điện Hố Hô chưa được khánh thành, nghịch lý thủy điện Hố Hô đã đem đến cho bà con nơi đây không biết bao nhiêu tang thương, khó nhọc. Đầu tiên là vào mùa lũ năm 2007, mưa lũ dồn nước từ thượng nguồn đổ về khiến đập chứa nước thủy điện tràn ra, biến huyện Hương Khê thành một biển hồ mênh mông sóng dữ. Sức nước mạnh đến mức đẩy cả chiếc máy cẩu nặng hàng chục tấn sắt xuống dòng ngàn sâu ra xa tới hàng chục km, khiến nhiều người dân phải chết oan, bởi chưa bao giờ họ phải đón nhận cơn lũ trái quy luật và lên nhanh bất thường đến thế!
Khi mà tiếng kêu ai oán của những sinh mạng con người đầu tiên phải trả giá cho dự án thủy điện Hố Hô vẫn còn văng vẳng đâu đó khắp đôi bờ Ngàn Sâu, thì năm 2010, một lần nữa mưa lũ lại đến, và thủy điện Hố Hô lại trở thành kẻ tội đồ mà lần đầu tiên người dân Hương Khê được nghe tới cái tên lạ hoắc là “lũ chồng lũ”, đẩy hàng nghìn người dân vô tội đến cơn đại họa vô cùng khủng khiếp! Những vành khăn tang trên mái đầu của những đứa trẻ thơ khóc mẹ, khóc cha; tiếng kêu gào thảm thiết của những người cha, người mẹ mất con lại dậy trời, dậy đất!
Bà Nguyễn Thị Lan, 79 tuổi cặm cụi soi đèn dầu để kiểm tra sức khỏe của con bê duy nhất trong gia đình. Hình ảnh khắc khổ, nghèo khó của bà cụ khiến người xem khắc khoải mãi không thôi.
Đáng lưu tâm nhất ở đây là, vào thời điểm dự án thủy điện Hố Hô vừa đi vào hoạt động, khi báo chí gặp gỡ ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Lê Trần Sáng và ông Phạm Duy Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê thời kì đó để tìm hiểu về công tác bồi thường tái định cư đối với dân vùng lòng hồ bị ảnh hưởng dự án. Ngạc nhiên là, các vị lãnh đạo huyện Hương Khê đều trả lời: “Không hề được biết dự án đầu tư, ký kết như thế nào”?
Và ngày hôm nay, tháng 10-2016, khi nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ “đúng quy trình” dìm 5.000 hộ dân vào biển nước thì từ chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, đến chủ tịch huyện Hương Khê và bà con vùng rốn lũ đều chung một lời khẳng định: “Việc thủy điện xả lũ ở đập Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh) là quá bất ngờ, không nhận được bất kỳ thông báo nào của nhà máy thủy điện Hố Hô trước khi xả lũ”.
Video đang HOT
Phải chăng là vì ngay từ những ngày đầu nhóm nhen dự án thủy điện Hố Hô, chủ đầu tư đã coi trời bằng vung, coi chính quyền địa phương là “đồ bỏ” và coi mạng sống dân như không hiện hữu? Nên ngày nay mới có việc ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô dõng dạc đứng trên nổi khổ của 5.000 hộ dân tuyên bố, rằng: “Chúng tôi có thông báo tới ban phòng chống bão lụt các cấp như trong phương án phòng chống lũ lụt nhà máy thuỷ điện đã được tỉnh phê duyệt, không có trách nhiệm thông báo tới chủ tịch UBND huyện”.
Thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ “đúng quy trình” đẩy 5.000 hộ dân huyện Hương Khê vào cảnh tận cùng đau thương và khốn khó
Chưa bao giờ thấy một quốc gia nào dám xả lũ mà không thông báo và có kế hoạch di dời dân như tại Việt Nam. Đáng lẽ ra, trước khi vận hành mở cửa van xả nước đón lũ, nhà máy thủy điện Hố Hô sẽ phải thông báo bằng văn bản trước 2 ngày đến cho UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh, UBND huyện Hương Khê và các xã có liên quan. Đằng này, lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô lại điều hành xả lũ hết sức tùy tiện, thiên về chức năng sản xuất điện, xả lũ với công suất lớn, không thông báo và canh lúc ban đêm mà xả, coi thường tính mạng hàng nghìn người dân. Đừng nói gì người dân, ông trời cũng trở tay không kịp!
Tính từ khi xuất hiện dự án Thủy điện Hố Hô đến nay, người dân Hương Khê đã gánh chịu không dưới 3 lần “lũ chồng lũ”. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Phòng NN&TTNT huyện Hương Khê, từ đó tới nay ít nhất đã có gần 20 người dân bị chết và mất tích do lũ lụt;thiệt hại về tài sản thì vô cùng lớn. Một dự án có mức ảnh hưởng về tác động môi trường quá lớn, đi ngược lại lợi ích cộng đồng vì sao cơ quan chức năng, các cấp thẩm quyền sở tại lại không biết?
Thương em, chui lên tận nóc nhà “trốn lũ” và chờ đợi những phần quà cứu trợ từ phía xa xăm…
Tại sao công tác, điều hành nhà máy thủy điện Hố Hô theo kiểu coi thường tính mạng người dân nguy hại như thế này mà không một hồi chuông nào được gióng lên? Bức tử 1 người chết đã truy tố hình sự vậy mà hàng chục người chết vì sự điều hành của giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn im ỉm trôi đi! Rất nhiều câu hỏi đặt ra đằng sau tính mạng người dân đã chết oan vì nhà máy thủy điện Hố Hô này và chắc chắn, còn rất nhiều các sai phạm của nhà máy thủy điện Hố Hô đã và đang được “người ta” cố tình chôn vùi hoặc là bị cuốn trôi theo dòng nước lũ?!
5.000 hộ dân huyện Hương Khê chìm trong biển lũ, nguyên do có phải như lời xảo ngôn của ông Nguyễn Văn Thông, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô: “Việc nhà máy thủy điện Hố Hô mở hết các cửa xả lũ là bất khả kháng, do trời mưa quá lớn, là tại trời” hay là tại dân mình nghèo và yếu thế quá nên dù biết thủy điện Hố Hô treo án tử trên đầu, có phản đối thì nỗi lòng cũng không thấu tới “trời xanh” đang ngồi ở trên cao?
Thương người dân vùng rốn lũ, tai họa đổ lên đầu mà chẳng biết làm sao, chỉ biết ngửa mặt lên trời mà khóc than. Vì cái thủy điện này mà bao sinh mạng, của cải của mấy ngàn gia đình bỗng chốc trôi theo dòng lũ. Dân chúng trở về với tay trắng sau mấy chục năm nghèo khổ ki cóp. Để rồi niềm ước mong sau bao ngày đằng đẵng là một nồi cơm trắng thay những gói mì khô. Nhìn cảnh “các ông” lôi nhau ra kiểm tra, đổ vấy trách nhiệm, dân khổ chồng khổ – sao mà xót xa quá đỗi!
Người dân đu trên mái nhà để “trốn lũ” vì nước dâng cao, nhấn chìm gần như tất cả
Trong khi cả nước đang hướng về đồng bào miền Trung, đặc biệt là 5.000 hộ dân khắc khổ, tính mạng bị dòng nước lũ xả từ thủy điện Hố Hô uy hiếp trong từng hơi thở, vậy mà, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hố Hô ác tâm khẳng định: “Việc xả nước tại Thủy điện Hố Hô được báo trước và đảm bảo tuân thủy các quy định về an toàn kỹ thuật”. Phải chăng là, người đứng đầu doanh nghiệp thủy điện Hố Hô đang ngầm thách thức rằng: cho dù nước lũ xả từ Hố Hô có “lỡ” cuốn trôi tài sản và tính mạng của 5.000 hộ dân ở đây thì cũng là “đúng quy trình”?
Nổi khổ, niềm đau của 5.000 hộ dân vùng lũ huyện Hương Khê sau cơn bão khủng khiếp của tháng 10 này đây liệu có thấu, động “trời xanh” đang ngồi trên cao hay không?
Thanh Trúc
Theo NTD
"Việc hệ trọng sao chỉ nhắn tin báo xả lũ"
Chiều 18-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa huyện Hương Khê và tỉnh Quảng Bình) về quy trình xả lũ của nhà máy này.
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Bộ Công Thương (dẫn đầu đoàn công tác về làm việc với Nhà máy thủy điện Hố Hô ngày 17-10) đã báo cáo những thông tin liên quan đến việc xả lũ của nhà máy mà đoàn kiểm tra được.
Ông Đinh Hữu Tân, Bí thư Huyện ủy Hương Khê: Trời ơi, việc hệ trọng trọng liên quan đến tính mạng con người sao chỉ có thể nhắn tin như vậy được. Ảnh: Đ.Lam
Ông Quân phát biểu cho rằng phía Nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn còn nhiều thiếu sót trong công tác kiểm tra và phối hợp với địa phương trong việc thông báo xả lũ. Từ ngày 13 đến trưa 14-10 lũ về nhỏ. Nhưng từ chiều 14-10 đến tối thì lũ về nhanh và đột ngột. Chỉ năm tiếng đồng hồ lũ tăng gấp bốn lần. Giai đoạn đầu nhà máy đáp ứng được yêu cầu xả ít hơn nước về. Lúc 18 giờ 30 chiều 14-10, nhà máy xả tràn tự do là do xuất hiện sự cố bất ngờ khi trên vai phải đập bị một vết sạt trượt đất lớn.
Ông Quân nói: "Nếu không có tình huống bất ngờ sạt trượt đất trên thì có thể mở cửa van từ từ và giảm bớt được lũ.
Nhưng trong tình huống đặc biệt thì mở hết cửa van là có thể chấp nhận được. Về mặt xả lũ thì không được hay lắm nhưng mặt an toàn thì chấp nhận được".
Ông Quân cũng cho biết việc phối hợp giữa nhà máy với chính quyền địa phương và với người dân trong những ngày vừa qua là chưa đầy đủ, chưa thực hiện tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Hữu Tân, Bí thư Huyện ủy Hương Khê, nhấn mạnh: "Với góc độ người đứng đầu ở huyện tôi thấy việc phối hợp chưa tốt dẫn đến trách nhiệm hai bên. Một là trách nhiệm địa phương trong việc giám sát, chỉ đạo điều hành. Người bị thiệt hại nhất là người dân. Cái này địa phương cũng làm chưa tốt. Thứ hai là thông báo của nhà máy, cái giấy xanh xanh này đến giờ tôi mới nhận được (ông Tân đưa giấy thông báo lên), tôi giờ mới nhìn thấy đây này.
Cái thông báo số 10 này chỉ điều hành trong phạm vi ngày 12-10 thôi, còn yếu tố phòng tránh lụt bão phải là 12 đến 16-10 thì nó lại không phải. Đặc điểm của thủy điện Hố Hô không có hồ chứa, cho nên nó rất không an toàn. Năm 2010 vì mất điện đột xuất, không xả được cửa van nên nước vòng lên cao trình 72.
Lúc đó tôi đang làm chủ tịch, Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh đã về đây tính đến phương án nổ mìn để giải phóng. Tính đến phương án thì lại cũng ảnh hưởng đến hàng vạn dân phía dưới, cuối cùng tính phương án không nổ mìn, tìm cách xử lý từng bước một.
Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ. Ảnh: Đ.Lam
Lâu nay chúng ta bàn phương án là một là phải tìm cái tràn phụ thoát nước lòng hồ này, nếu đảm bảo không an toàn thì nó chảy qua đó nhưng lại không làm được cái đó.
Việc xả lũ vừa qua chưa ăn thua gì so với trường hợp vỡ đập đâu, nếu vỡ đập phải có tràn phụ nó chảy đi chứ. Tôi nói các đồng chí tình hình này có thể tiếp tục xảy ra như thế nữa. Phía nhà máy nói sạt lở đất nên mở hết cửa xả lũ hết cỡ 1.800 m3/giây là việc đương nhiên. Tôi nói nếu không làm được tràn phụ thì phải thống nhất một nguyên tắc là phải xả trước khi lũ đến để đảm bảo an toàn.
Xả 1.800 m3/giây là phải xả trước đó chứ không phải chờ đến tối 14-10 mới xả thì chỉ là an toàn cho đập thôi. Sao nhà máy xả hết nước trong tối 14-10, đến sáng 15-10 thì đã xả xuống dưới cao trình, xả hết đi rồi. Rõ ràng xả lũ khiến thiệt hại cho dân. Rõ ràng việc quy trình để điều tiết nước tránh lũ là chưa đạt yêu cầu.
Ở đây không biết các đồng chí chủ tịch xã có nhận được thông tin gì thông báo xả lũ từ ngày 12 đến 16-10, đặc biệt là đêm 14-10 xả như thế nào?. Hôm họp đồng chí Thông (lãnh đạo nhà máy - PV) có nói tôi có nhắn tin. Trời ơi, việc hệ trọng liên quan đến tính mạng con người sao chỉ có thể nhắn tin như vậy được.
Ở đây mình phải đổi mới, tôi đã chỉ đạo chủ tịch huyện là trước khi bão số 7 đến phải giám sát, đặt mực nước đến mức an toàn".
Theo Đ.LAM (Pháp luật TP.HCM)
Sự 'ngang ngược' của thủy điện Tuyệt đại đa số các dự án thủy điện đều có câu: điều tiết nước cho vùng hạ lưu. Sự &'ngang ngược' của thủy điện Thế nhưng, nhìn lại mấy năm qua, khi những dự án thủy điện đầu các nguồn sông "trăm hoa đua nở" thì vấn đề xả lũ của nó trở thành mối hiểm họa cho người dân, nhất là...