Thụy Điển bắt đầu siết chặt các biện pháp chống dịch Covid-19
Khi số ca tử vong lên mức 401 người trong số 6.830 ca nhiễm Covid-19, đồng thời hơn 2.300 bác sĩ và học giả đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi Chính phủ nghiêm túc xem xét lại tình hình, Thụy Điển đã bắt đầu siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Người dân Thụy Điển ra công viên Kungstrad ngắm hoa anh đào đầu tháng 4-2020
Phòng dịch kiểu “tự chịu trách nhiệm”
Cuối tuần qua, Thủ tướng Thụy Điển đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc cho công dân của mình, nói với họ hãy chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ. “Chúng ta sẽ có những người bị bệnh nặng hơn, cần được chăm sóc đặc biệt. Chúng ta đang đối mặt với hàng nghìn cái chết, cần chuẩn bị cho điều đó”. Thủ tướng Lfven cho rằng, mặc dù đại dịch ở Thụy Điển diễn ra chậm hơn so với các quốc gia khác như Ý và Tây Ban Nha, nhưng điều đó không có nghĩa là số ca tử vong sẽ ít hơn.
Thông điệp của ông Stefan Lfven được đưa ra sau khi khoảng 2.300 bác sĩ và giới học giả, trong đó có người đứng đầu tổ chức Nobel Carl-Henrik Heldin, đã viết một bức thư chỉ trích việc Thụy Điển không coi trọng đại dịch, hầu như không thắt chặt các biện pháp phòng ngừa. Một số người thậm chí còn yêu cầu phong tỏa Thủ đô Stockholm sau khi khoảng 50 người già trong các viện dưỡng lão mất mạng vì virus.
Đến nay Thụy Điển chưa ra lệnh phong tỏa mà chỉ khuyến nghị và kêu gọi công dân “mỗi người tự chịu trách nhiệm làm theo hướng dẫn”. Trước sự kinh ngạc của nhiều quốc gia châu Âu, nơi thực hiện hầu hết các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, cuộc sống ở Thụy Điển tuần trước vẫn diễn ra gần như bình thường. Nhiều quán bar, quán ăn, trường học và các tòa nhà văn phòng mở cửa, những cuộc tụ họp lên tới 500 người vẫn được cho phép. Chỉ những công dân dễ bị tổn thương nhất mới được khuyến khích tự cô lập ở nhà. Đám đông vẫn tụ họp, vui đùa trên đường phố ở Stockholm hay những thành phố lớn khác, trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới đang bị phong tỏa.
Video đang HOT
Ông Anders Tegnell, nhà dịch tễ học trưởng của Thụy Điển lý giải về chiến lược chống Covid-19 của nước này: “Chúng tôi nghĩ rằng đã thực hiện các biện pháp quan trọng nhất. Hãy ở nhà nếu cảm thấy ốm; làm việc tại nhà nếu có thể. Bạn có thể thay đổi các quy tắc khác, chẳng hạn đi nhà hàng hoặc các cuộc tụ họp, nhưng hiệu quả tốt nhất là khi mọi người chỉ cần tuân thủ các quy tắc ứng xử cơ bản”. Thực tế, các khuyến nghị của nhà chức trách Thụy Điển đã có hiệu ứng đáng chú ý. Theo ước tính, số người di chuyển về trung tâm thành phố giảm khoảng 70% và 1/3 cư dân Stockholm hiện đang làm việc tại nhà.
Thay đổi chiến lược
Là quốc gia có chế độ phúc lợi toàn diện với bảo vệ xã hội mạnh mẽ, Thụy Điển trong những tuần gần đây đã bị một số người, cả quốc tế và trong nước cáo buộc mạo hiểm mạng sống của công dân bằng cách không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Công cộng nước này cho rằng người Thụy Điển có đủ ý thức để thực hành giãn cách xã hội theo ý muốn của họ và họ cần những hạn chế đủ nhẹ để có thể duy trì trong vài tháng.
Bảo vệ cho quan điểm của nước này, ông Nicholas Aylott – Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sodertorn ở Stockholm, cho rằng chiến lược của Thụy Điển một phần bắt nguồn từ nét độc đáo là dân số trẻ và khỏe mạnh hơn các quốc gia châu Âu khác. “Ai đúng? Liệu có phải các nước láng giềng của Thụy Điển đã phản ứng thái quá hay Thụy Điển đã phản ứng kém? Chưa ai có thể nói tốt được”, ông Nicholas Aylott nói.
Nhưng rõ ràng là, khi số ca tử vong ở Thụy Điển mới nhất lên mức 401 người trong số 6.830 ca nhiễm Covid-19 cùng với sự lên tiếng của giới học giả và bác sĩ chuyên môn, các nhà lãnh đạo của Thụy Điển buộc phải siết chặt quy định mới. Giữa tuần qua, Thụy Điển đã bắt đầu áp dụng hướng dẫn mới yêu cầu tất cả mọi người giảm tiếp xúc xã hội và giữ khoảng cách với người khác ở mọi nơi mọi lúc. Các cuộc tụ họp đã bị hạn chế từ 499 xuống 49 người; các quán bar và quán ăn chỉ cung cấp dịch vụ mang về. Trong khi đó một số tổ chức, chẳng hạn như Bảo tàng Abba, đã đóng cửa theo ý định của riêng họ.
Hôm 5-4, một dự luật đã được đệ trình để Chính phủ Thụy Điển có thể đưa ra quyết định nhanh chóng về các biện pháp chống dịch mà không cần phải có sự chấp thuận trước của quốc hội. Nếu dự luật được phê duyệt, chính quyền có thể nhanh chóng thực thi các biện pháp như đóng cửa trung tâm mua sắm, áp đặt các hạn chế đi lại hay tụ họp nơi công cộng. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn còn cách xa so với quy định ở các nước láng giềng châu Âu khác.
Yến Chi
Vua Thụy Điển kêu gọi người dân ở nhà lễ Phục sinh
Vua Carl XVI Gustaf kêu gọi người dân Thụy Điển hạn chế thăm nom người thân trong mùa lễ Phục sinh nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan.
"Nghỉ lễ là dịp chúng ta thích đi du lịch hoặc dành thời gian bên gia đình và bạn bè. Nhiều người lại thích đi lễ nhà thờ", Vua Carl XVI Gustaf phát biểu trên truyền hình hôm 5/4.
"Nhưng vào lễ Phục sinh năm nay, vài việc không khả thi. Chúng ta buộc phải chấp nhận. Chúng ta phải nghĩ kỹ, chuẩn bị sẵn sàng ở nhà", ông nói.
Vua Carl XVI Gustaf trong bản tin kêu gọi người dân ở nhà hôm 5/4. Ảnh: SVT.
Nhà vua năm nay 74 tuổi, cùng Hoàng hậu Silvia, 75 tuổi, được coi là những người có nguy cơ cao trước nCoV vì yếu tố tuổi tác. Hai người đã tự cách ly ở một lâu đài hoàng gia tại phía bắc Stockholm.
Thụy Điển hôm 5/4 cho biết 352 trong số 401 ca tử vong vì Covid-19 ở nước này là những người trên 70 tuổi. Gần 1/3 ca nhiễm nCoV mới ở Thụy Điển được ghi nhận trong viện dưỡng lão.
Quốc gia này báo cáo 6.830 ca nhiễm nCoV tính đến 5/4, tăng mạnh so với 3.700 ca nhiễm và 110 ca tử vong một tuần trước. Con số thực tế có khả năng cao hơn, do chỉ bệnh nhân nhập viện và nhân viên y tế ở Thụy Điển mới được xét nghiệm.
Trái ngược với các nước láng giềng Bắc Âu và phần lớn châu Âu, Thụy Điển không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn nCoV, vẫn cho phép trường học, nhà hàng, quán cafe mở cửa và tụ tập đám đông ở công viên, dù khuyến cáo người dân nên cách biệt cộng đồng và tự cách ly nếu phát hiện triệu chứng nhiễm bệnh.
Tỷ lệ người nhiễm nCoV ở Thụy Điển là 36 trên một triệu dân, cao hơn so với tỷ lệ 29 tại Đan Mạch và 9 ở Na Uy, hai quốc gia láng giềng đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Thủ tướng Stefan Lofven đã kêu gọi người dân tự giác nâng cao ý thức phòng tránh nCoV, cảnh báo hàng nghìn người tại Thụy Điển có thể chết vì nCoV và cuộc khủng hoảng có thể kéo dài hàng tháng thay vì hàng tuần. Trong khi đó, các nhà phê bình kêu gọi chính phủ thực thi biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt hơn, trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại về chính sách chống dịch của nước này.
Hồng Hạnh
Số người tử vong tăng "giật mình", Thụy Điển bắt đầu e sợ "miễn dịch cộng đồng"? Có nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Thụy Điển đang tăng nhanh hơn so với các quốc gia khác cùng khu vực. Điều này đang tạo áp lực khiến chính phủ Thụy Điển phải từ bỏ biện pháp tiếp cận dịch bệnh kiểu "miễn dịch cộng đồng" đang gây nhiều tranh cãi. Cách thức ứng phó với...