Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật Trump ‘không thể phủ quyết’
Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài khóa 2021 với đa số áp đảo, khiến Trump không thể phủ quyết.
Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2021 được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 11/12 với 84 phiếu ủng hộ và 13 phiếu chống, thế áp đảo cao hơn mức 2/3 số phiếu thuận cần thiết để ngăn Tổng thống Donald Trump dùng quyền phủ quyết. Trước đó, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật với 335/78 phiếu hôm 8/12.
Việc thông qua NDAA với số phiếu áp đảo cho thấy nghị sĩ quốc hội Mỹ sẵn sàng bỏ qua Trump nếu Tổng thống Mỹ phủ quyết đạo luật. Trump dọa sẽ phủ quyết đạo luật nếu không có điều khoản loại bỏ Điều 230 về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ, bảo vệ các công ty công nghệ như Facebook, Twitter khỏi các vụ kiện về nội dung do người dùng đăng tải.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện James Inhofe (trái) thảo luận với thượng nghị sĩ Jack Reed trước phiên điều trần, ngày 5/3. Ảnh: Reuters .
Trump cũng phản đối việc NDAA kêu gọi đổi tên các căn cứ quân sự mang tên chỉ huy của Liên minh miền Nam, phe ủng hộ chế độ nô lệ, trong Nội chiến Mỹ. Phong trào phản đối các biểu tượng liên quan tới Liên minh miền Nam ở Mỹ được châm ngòi sau khi người đàn ông da màu George Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát ghì chết ở Minneapolis, bang Minnesota, hồi tháng 5.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện James Inhofe gọi việc thông qua NDAA là “một tin tuyệt vời cho quân đội và an ninh quốc gia”của Mỹ, đồng thời mong nó trở thành luật trong năm nay.
Dự luật NDAA năm 2021 có tổng ngân sách 740 tỷ USD, gồm những khoản chi nhằm tăng lương cho binh sĩ và hiện đại hóa trang bị vũ khí, cũng như yêu cầu Lầu Năm Góc đánh giá tỉ mỉ hơn trước khi rút quân khỏi Đức và Afghanistan.
Dự luật cũng giới hạn số tiền Trump có thể điều chuyển từ ngân sách quốc phòng để xây tường biên giới, yêu cầu Tổng thống Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong 30 ngày do mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400.
Cuộc điều tra con trai có thể gây rắc rối cho Biden
Việc Hunter bị điều tra giao dịch làm ăn với Trung Quốc có thể khiến Biden khó xử với cam kết duy trì tính độc lập của hệ thống tư pháp.
Video đang HOT
Sau nhiều tháng im lặng trước cuộc bầu cử tổng thống, giới chức liên bang Mỹ giờ đây bắt đầu tích cực điều tra các giao dịch kinh doanh của Hunter Biden, con trai tổng thống đắc cử Joe Biden.
Nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử hôm 9/12 ra tuyên bố dẫn lời Hunter cho biết anh đã nhận được thông báo về việc Văn phòng Công tố viên Mỹ ở Delaware đang điều tra các vấn đề thuế của mình.
Đây không phải là cuộc điều tra mới được mở vào giai đoạn Biden sắp nhậm chức. Nó đã được bắt đầu từ năm 2018, trước thời điểm William Barr làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Hồi tháng 10, Sinclair Broadcast Group cho biết FBI đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào Hunter.
Tuy nhiên, cuộc điều tra được tiến hành âm thầm trong những tháng qua, do Bộ Tư pháp Mỹ ra chỉ đạo cấm công khai các hoạt động có thể tác động tới cuộc bầu cử, một nguồn tin cho hay. Khi cuộc bầu cử đã kết thúc, cuộc điều tra bước vào giai đoạn mới.
Trong giai đoạn này, các công tố viên liên bang ở Delaware, phối hợp với Đội Điều tra Hình sự thuộc Cơ quan Thuế vụ (IRS) và FBI, tiến hành các hành động công khai như đưa trát đòi hầu tòa và thẩm vấn những người có liên quan.
Hunter Biden tại sự kiện ở thủ đô Washington hồi tháng 4/2016. Ảnh: NBC News.
Các điều tra viên đã nhiều lần xem xét các vấn đề tài chính của Hunter, gồm việc liệu anh và cộng sự có vi phạm luật về thuế và rửa tiền trong các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, theo hai nguồn tin biết về vấn đề này.
Nguồn tin khác cho biết một số giao dịch trong đó có liên quan tới những người mà FBI tin có nguy cơ gây ra rủi ro về phản gián, một vấn đề thường xuất hiện khi giao dịch với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Các nhà điều tra dường như tập trung vào các hoạt động kinh doanh của Hunter có liên quan tới Trung Quốc. Một số giao dịch ở Trung Quốc của anh được dư luận biết đến thông qua các cuộc thẩm vấn và tài liệu do các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Ủy ban Tài chính và Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề chính phủ cung cấp hồi tháng 9.
Sau khi phó tổng thống Joe Biden rời Nhà Trắng năm 2017, Hunter đã cố gắng đạt được một thỏa thuận với công ty CEFC China Energy để đầu tư vào các dự án năng lượng của Mỹ, theo các tài liệu mà đảng Cộng hòa công bố.
Một nguồn thạo tin cho hay ít nhất một vấn đề khiến các nhà điều tra để tâm tới giao dịch này là viên kim cương 2,8 carat mà Hunter được nhận như một món quà từ Diệp Giản Minh, người sáng lập và cựu chủ tịch CEFC, hồi năm 2017.
Năm 2019, Hunter từng nói với tạp chí New Yorker về viên kim cường từ cựu chủ tịch Diệp. Anh nói rằng cảm thấy không thoải mái khi nhận món quà này và đã đưa nó cho các cộng sự khác, nhưng không biết họ đã làm gì với nó.
"Tôi biết đó không phải ý hay. Tôi chỉ cảm thấy món quà này thật kỳ quặc", Hunter nói.
Hunter thêm rằng thỏa thuận với CEFC đã thất bại và anh không xem Diệp là người mờ ám. Giới chức Trung Quốc sau đó đã bắt Diệp khi truyền thông đưa tin về các cáo buộc tham nhũng chống lại cựu chủ tịch của CEFC.
Trong cuộc phỏng với New Yorker, Hunter cũng chia sẻ về những vấn đề cá nhân, như việc lạm dụng chất kích thích và hôn nhân đổ vỡ. Trong quá trình ly hôn, luật sư đại diện cho vợ cũ của Hunter có nhắc tới viên kim cương mà anh từng nhận và cho biết nó trị giá khoảng 80.000 USD. Trong khi đó, Hunter nói New Yorker rằng nó chỉ có giá khoảng 10.000 USD.
Nhận một món quà như vậy có thể khiến Hunter vướng vào các rắc rối về thuế và anh cũng không nói rõ đã giải quyết vấn đề này như thế nào sau đó. Các nguồn tin nói với CNN rằng các nhà điều tra đã xem xét liệu Hunter có khai báo chính xác thu nhập cá nhân để tính thuế hay không. Dù viên kim cương ban đầu là một phần của cuộc điều tra, không rõ liệu món quà này giờ còn là trọng tâm của các điều tra viên nữa hay không.
Hunter Biden sau đó có thời gian ngắn làm luật sư đại diện cho Patrick Ho, người điều hành một tổ chức mà CEFC hậu thuẫn và từng bị kết án vào năm 2018 vì hối lộ hàng triệu USD cho quan chức ở Chad và Uganda, nhằm làm lợi cho các dự án năng lượng của CEFC ở hai quốc gia này. Ho đã bị tuyên án ba năm tù và sau khi được thả, ông đã trở lại Hong Kong, theo luật sư của Ho.
Hunter trước đó cũng từng tham gia một dự án liên doanh với Trung Quốc mà nhiều quan chức trong chính quyền của tổng thống Barack Obama quan ngại, theo New Yorker. Năm 2013, Hunter cũng cùng với các đối tác Trung Quốc tạo ra một quỹ đầu tư gọi là BHR Partners để thực hiện các giao dịch ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Hunter là thành viên không nhận lương của hội đồng quản trị BHR và từng nhận cổ phần sau khi Joe Biden rời nhiệm sở.
Joe Biden (trái) và con trai Hunter tại Washington năm 2010. Ảnh: Reuters.
Thông tin về cuộc điều tra được công bố chỉ 5 ngày trước khi các đại cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu Joe Biden làm tổng thống kế tiếp. Evan Perez và Pamela Brown, hai biên tập viên của CNN, cho rằng cuộc điều tra sẽ là thách thức đối với cam kết của Biden trong việc duy trì tính độc lập của hệ thống tư pháp Mỹ.
"Tôi sẽ không nói họ phải làm gì hay không phải làm gì. Tôi sẽ không nói hãy truy tố A, B hay C", Biden với Jake Tapper của CNN trong cuộc phỏng vấn tuần trước. "Đó không phải vai trò của tôi và đây không phải Bộ Tư pháp của tôi. Đây là Bộ Tư pháp của người dân".
"Người tôi chọn để điều hành bộ này sẽ là người có khả năng đưa ra quyết định một cách độc lập về việc nên truy tố ai", Biden nói thêm.
Những thành viên Cộng hòa trong Quốc hội gần như chắc chắn sẽ nắm lấy cuộc điều tra này để tiếp tục tăng thêm các lập luận của họ rằng hoạt động của Hunter ở Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy xung đột lợi ích của Joe Biden khi đề cập tới chính sách đối ngoại với Bắc Kinh.
Đây cũng sẽ là một vấn đề mà bộ trưởng tư pháp mới của Biden sẽ phải đối mặt trong phiên điều trần phê chuẩn ở Thượng viện Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cũng từng đối mặt với vấn đề tương tự, nhưng khó khăn hơn nhiều, sau khi nhậm chức vào năm 2017. Jeff Sessions, bộ trưởng tư pháp khi đó, đã phải nhanh chóng rút khỏi việc giám sát cuộc điều tra liên bang về chiến dịch của Trump bị cáo buộc có liên hệ với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Sessions là một phần trong đội ngũ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và ông từng có các cuộc gặp với đại sứ Nga khi đó, người trở thành mục tiêu điều tra của FBI.
Hiện chưa rõ các đề cử của Biden cho Bộ Tư pháp có vướng vào các rắc rối như vậy hay không.
Biden đề cử tướng da màu làm Bộ trưởng Quốc phòng Tướng về hưu Lloyd Austin được Biden đề cử làm lãnh đạo Lầu Năm Góc, có thể trở thành Bộ trưởng Quốc phòng da màu đầu tiên của Mỹ. "Tổng thống đắc cử Joe Biden thông báo tướng 4 sao về hưu Lloyd J. Austin III sẽ được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng thứ 28 của Mỹ. Bộ trưởng đề cử...