Thượng viện Mỹ phê chuẩn tân Giám đốc An ninh mạng quốc gia
Thượng viện Mỹ ngày 12/12 đã phê chuẩn ông Harry Coker Jr. làm Giám đốc An ninh mạng quốc gia, chịu trách nhiệm cố vấn cho Tổng thống Joe Biden về chính sách và chiến lược an ninh mạng, thay cho ông Chris Inglis từ chức vào tháng 2 năm nay.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, việc bổ nhiệm ông Coker diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ đã giải quyết một số vụ tấn công mạng lớn nhằm vào các cơ quan liên bang, bao gồm cả Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại.
Ông Coker đã có 4 thập kỷ làm việc trong Chính phủ Mỹ. Ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách một sĩ quan hải quân và từng giữ các vị trí trọng yếu như Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).
Phát biểu với các thượng nghị sĩ trong phiên điều trần, ông Coker khẳng định văn phòng của ông có “vai trò hỗ trợ” chính quyền địa phương và các bang trong việc bảo vệ các cuộc bầu cử.
Sau vụ tấn công mạng lớn nhằm vào các hệ thống của chính phủ, được gọi là Solarburst, Mỹ đã quyết định thiết lập vị trí Giám đốc An ninh mạng Quốc gia trong khuôn khổ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2021 – dự luật ngân sách hằng năm của quân đội Mỹ.
Mỹ khẳng định tiếp tục theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao với Triều Tiên bất chấp những hoài nghi "có căn cứ" về sự sẵn sàng đối thoại của Bình Nhưỡng.
Ông Miller có phát biểu trên hôm 11/12, sau khi Kurt Campbell, người được đề cử cho vị trí Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại trong phiên điều trần gần đây của Thượng viện rằng Bình Nhưỡng dường như đã quyết định không quan tâm đến ngoại giao với Washington nữa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller. Ảnh: The Hill
"Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích ngoại giao với Triều Tiên. Đó luôn là chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng sự hoài nghi của ông Campbell là có cơ sở, vì chúng tôi đã chứng kiến Triều Tiên từ chối các đề nghị của chúng tôi về việc theo đuổi giải pháp ngoại giao kể từ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nhậm chức", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 7/12, ông Campbell, người đang giữ chức điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, đã bày tỏ hoài nghi về triển vọng Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Ông Campbell đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung "nhiều hơn" vào khả năng răn đe.
Theo Yonhap, bình luận của ông Campbell rõ ràng ám chỉ tuyên bố hồi tháng trước của bà Kim Yo Jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Bà Kim đã loại trừ khả năng Triều Tiên nối lại đối thoại với Mỹ.
Căng thẳng giữa hai bên tái bùng phát sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ phóng vệ tinh bị Mỹ và các nước đồng minh, bao gồm cả Hàn Quốc, cáo buộc vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn cấm bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đề xuất duy trì 28.500 binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc Theo hãng tin Yonhap, ngày 7/12, các nhà đàm phán của Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã công bố dự thảo cuối cùng của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2024, trong đó đề xuất duy trì 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc và tăng cường phối hợp năng lực phòng thủ hạt nhân với đồng minh...