Thương trẻ Ca Dong, cô chấp mọi khó khăn mở trường bán trú
Dưới chân núi Ra Nhua ( xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) có một ngôi trường xanh sạch đẹp chẳng kém gì dưới xuôi. Cô Nguyễn Thị Hồng Nguyên mong ước giúp bọn trẻ đồng bào Ca Dong có được con chữ, thẳng bước vào đời.
Cô Nguyên chơi đùa cùng bọn trẻ, trường học dù ở huyện xa xôi nhất Quảng Ngãi nhưng khuôn viên chẳng thua kém trường chuẩn dưới thành phố – Ảnh: TRẦN MAI
Năm 2019, Trường mầm non Sơn Tân do cô Hồng (39 tuổi, làm hiệu trưởng) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và là trường duy nhất ở huyện Sơn Tây nhận danh hiệu này.
Với riêng cô Nguyên, những đóng góp rất lớn với giáo dục miền núi đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi”. Cuối năm 2019, cô Nguyên cũng đại diện cho giáo viên tỉnh Quảng Ngãi dự hội nghị của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội và được bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.
Không dựng trường, bọn trẻ sẽ về đâu?
Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến huyện Sơn Tây. Vùng đất có cái tên thơ mộng “xứ ngàn cau” nhưng ở đó nghèo khó, thất học vẫn là nỗi ám ảnh. Ông Bùi Thế Giới – trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây – nói rằng phổ cập giáo dục vẫn là mục tiêu trong những năm tới của huyện. Việc xây trường che nắng mưa, vận động đưa con ra lớp là bài toán khó khi phụ huynh xem việc học của con là trách nhiệm của thầy cô.
“Nói như vậy để thấy cô Nguyên gom lớp, xây dựng Trường mầm non Sơn Tân thành trường chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện là nỗ lực rất lớn” – ông Giới tâm tình. Những chia sẻ của ông Giới khiến chúng tôi nghĩ về việc có thêm một người tâm huyết, giáo dục miền núi sẽ tươi sáng hơn. Cái chữ ít nhiều cũng giúp thế hệ tiếp theo của người Ca Dong có nhận thức tốt hơn.
Năm 2014, sau khi kết thúc sứ mệnh mở trường ở xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây), cô Nguyên được điều về lại Sơn Tân với vai trò hiệu trưởng trường mầm non. Bảy điểm trường lẻ học trò vừa ê a vừa ngắm bò gặm cỏ trước sân, một điểm trường chính với hai phòng học mà bên này nhìn thủng bên kia.
“Lúc đó, buổi sáng các con đến lớp, trưa cha mẹ dẫn về rồi trốn biệt. Tôi nghĩ chỉ có mở trường bán trú, các con sinh hoạt buổi trưa ở trường thì mới giải quyết được việc rớt rụng học trò mỗi ngày” – cô Nguyên chia sẻ.
Suy nghĩ ấy khiến cô mất ngủ liên tục, thường trực trong đầu là câu hỏi “phụ huynh có đồng tình không, tiền đâu xây trường…?”. Nhưng không làm thì bọn trẻ sẽ về đâu?
Phụ huynh từ chỗ từ chối trường bán trú, giờ tích cực hỗ trợ trường chăm con mình – Ảnh: TRẦN MAI
Hành trình khai mở… phụ huynh
Đêm đầu tiên vào làng, hỏi ý kiến phụ huynh cho trường giữ lại 139.000 đồng Nhà nước hỗ trợ học sinh hằng tháng để mua thức ăn nuôi trò, đại đa số phụ huynh từ chối.
Nghe có vẻ bất hợp lý, nhưng nhìn vào con số 95% dân số là người đồng bào Ca Dong với tập tục uống rượu mỗi ngày, đến mùa giáp hạt Nhà nước phải hỗ trợ gạo, cái chữ lâu nay là trách nhiệm của giáo viên thì có thể hiểu được vì sao họ từ chối.
Những cuộc vận động như năn nỉ không xoay chuyển ý nghĩ của phần đông phụ huynh, thậm chí có người đứng lên nói cô Nguyên nói gạt để lấy tiền. Chỉ một vài phụ huynh gật đầu, bấy nhiêu đó đủ để cô Nguyên đánh liều “mở trường bán trú”. Những ngày ấy cả trường góp tiền nuôi luôn số học sinh còn lại.
Mỗi ngày cán bộ, giáo viên thay nhau vượt núi, băng suối vận chuyển thức ăn từ điểm chính sang bảy điểm lẻ. Suất ăn ấy đẫm mồ hôi khuân vác. UBND xã Sơn Tân thấy giáo viên quá quyết tâm đã hỗ trợ 1,5 tạ gạo tiếp sức. “Nói thật ở núi chúng tôi không sợ học trò cá biệt mà sợ nhất là… phụ huynh cá biệt” – cô Nguyên nửa đùa nửa thật.
Đám học trò ăn như lính chiến, gạo hỗ trợ sạch trơn, còn những cuộc vận động không có lấy cái gật đầu nào. Đặc thù “phụ huynh cá biệt” chắc cũng chỉ có xứ này. Vậy nên tìm nát nước cũng chẳng thấy mô hình nào để áp dụng vào thực tiễn éo le. Có đêm sau cuộc vận động, cô Nguyên “sợ ma” phải gửi xe, điện thoại nhờ chồng vào làng đưa về nhà.
Video đang HOT
Trên đường đi, cô Nguyên nói với chồng “chắc không làm được”. Rồi chồng lại động viên: “Vì bọn trẻ, em cố lên”. Cô Nguyên bảo mình may mắn khi có một tập thể giáo viên đoàn kết và một người chồng thấu cảm.
Trong khó khăn, ý tưởng mỗi ngày mời khoảng 5 “phụ huynh cá biệt” đến điểm trường rửa chén – cốt là để phụ huynh thấy con mình ăn uống, ngủ nghỉ “như vua”. Rồi giáo viên rỉ rả tâm sự. “Đơn giản vậy mà thuyết phục được 100% số phụ huynh còn lại” – cô Nguyên cười hiền.
Bây giờ cách làm ấy thành tham luận giáo dục nổi tiếng, được các huyện miền núi Quảng Ngãi áp dụng thành công. Riêng huyện Sơn Tây áp dụng mở bán trú toàn huyện.
Vận động gom lớp, xây trường chuẩn
Buổi trưa miền núi, gió ngập đại ngàn. Trong điểm trường chính với lớp học, nhà ăn, sân chơi bề thế, cô Nguyên nói 18 năm ở núi, đây là điều mình làm được nhất cho bọn trẻ Ca Dong.
Cái công đi khảo sát địa điểm gom điểm lẻ cũng lắm gian nan. Tìm vị trí thuận lợi gần các bản làng để gom lớp cũng phải vận động vì đất toàn có chủ. Ngày đi dạy, tối vào làng rỉ rả xin, riết rồi có.
Xong lại dân vận phụ huynh góp sức dựng trường. Từ bảy điểm trường lẻ nay chỉ còn hai. Mà hai điểm ấy “xịn xò” tường rào cổng ngõ ngon lành, bọn trẻ thoát cảnh vừa học vừa ngắm bò.
Cô Trần Thị Trang, giáo viên ở điểm lẻ thôn Tà Dô, kể ngày xưa chưa gom điểm lẻ, một lớp có bảy em mà đến ba độ tuổi, dạy đứa này thì đứa kia ngơ ngác.
“Bây giờ thì quá khỏe rồi, lớp nào tuổi nấy. Cơ sở vật chất tốt, các con ăn ngủ không bị trâu bò vào phá giấc” – cô Trang vui kể.
Ngồi ở trường, chúng tôi bất ngờ bắt gặp niềm hạnh phúc của “bà hiệu trưởng tiên phong” khi có một nhóm phụ huynh vác cuốc đến trường dọn cỏ, trồng mới vườn rau đã già úa sau kỳ nghỉ tết và nghỉ học vì COVID-19.
Cô Nguyên hài hước chỉ tay về một phụ huynh đang lúi húi gom cỏ nói “phụ huynh cá biệt trước đây đó”. Nay nhờ phụ huynh mà rau xanh ăn không hết, trường phải mang đi cho.
Chị Đinh Thị Trinh, một phụ huynh tham gia dọn vườn, nói rằng bây giờ người làng tin cô Nguyên hết cỡ. “Lúc cô Nguyên xin tiền xây trường này, cả làng ra phụ giúp” – chị Trinh nói.
Nghe vậy cô Nguyên tiện “khoe” luôn kinh phí xây trường khoảng 10 tỉ đồng mà đến mấy đơn vị hỗ trợ: “Bốn lớp học đầu tiên của ban quản lý các dự án đầu tư công trình dân dụng tỉnh; cái sân là của phòng GD-ĐT; cổng, bờ rào của UBND xã; các phòng học còn lại và cả hai điểm trường lẻ mới xây của quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh; rồi nhà banh, dụng cụ vui chơi… Nhờ đó mà từ hai lớp học, giờ thành trường chuẩn quốc gia”.
Xứ ngàn cau vẫn còn lắm gian nan, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục vẫn là mục tiêu những năm tới để thoát khỏi “danh hiệu” huyện nghèo nhất nước. Nhưng giữa trùng trùng núi lớn ấy, những đốm sáng như cô Nguyên sẽ bừng lên thành ngọn lửa nhiệt huyết trong cuộc trở mình ở vùng đất này.
Khó gì nói nấy sẽ có nơi giúp đỡ
Cô Nguyên nói vui rằng khi còn đứng lớp đi xin quần áo, sách vở cho trò nên có kinh nghiệm. Khó gì thì nói nấy, các cơ quan và nhà hảo tâm xuống nhìn thực tế và hỗ trợ ngay. Mới đây nhất, thấy học trò thiếu nước sạch, cô Nguyên rỉ rả, thế là Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh cho nguyên một hệ thống lọc nước. “Tôi xin cho trò chứ chẳng phải cho cá nhân mình. Chắc vậy nên mọi người quý mà giúp đỡ” – cô Nguyên tâm sự.
Vẫn sẵn sàng lên đường
Chuyện về cô Nguyên dài như núi Ra Nhua, cái ngày cô gái miền xuôi vừa tròn 21 xuân thì vượt trăm cây số lên xã Sơn Tân, nhận nhiệm vụ vào làng mở lớp dạy trẻ ngay trong nhà dân đã trôi qua 18 năm. Thời khó khăn cam kết đủ điều mới đưa trò ra lớp đã lùi vào dĩ vãng. Điều tồn tại đến tận hôm nay là nhiệt huyết và tình yêu thương học trò miền núi của cô Nguyên. Ở tuổi 39, cô Nguyên thấy mình còn trẻ, còn nhiều dự tính ấp ủ và sẵn sàng lên đường nếu được phân công.
Một góc Trường mầm non Sơn Tân – Ảnh: TRẦN MAI
Người Ca Dong bây giờ kể về cô Nguyên còn hơn cả một người nhà giáo. Đó là người con của núi rừng, người đã vận động phụ huynh “mê rượu” chăm chỉ làm ăn, chăm sóc con; từ vườn rau của trường, cô Nguyên hướng dẫn phụ huynh làm vườn rau ở nhà; những học trò có hoàn cảnh khó khăn, trường đứng ra nuôi dưỡng… Trường đang nuôi cậu bé không cha, mẹ bị tâm thần Đinh Văn Thay là một dẫn chứng hơn ngàn lời kể.
Ông Bùi Thế Giới nói rằng: “Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tinh gọn hơn 100 giáo viên nhờ việc xóa bỏ 28 điểm trường lẻ với hơn 60 lớp học. Tôi cảm kích và tự hào về cô Nguyên cùng đồng nghiệp ở mầm non Sơn Tân. Họ là những ngọn cờ đầu trong giáo dục miền núi”.
Theo Tuổi trẻ
Phú Thọ: Đổi mới sáng tạo trong dạy và học tại trường Tiểu học Chí Tiên
Với chủ đề năm học 2019 - 2020 là "Trường học kỷ cương - Văn hóa - An toàn - Thân thiện; chất lượng giáo dục thực chất", thầy và trò trường Tiểu học Chí Tiên, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ luôn tích cực thực hiện tốt "Phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" để nâng cao chất lượng giáo dục.
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chí Tiên, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, cho biết: Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 527 học sinh (HS), 16 lớp; 23 cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGV NV), trong đó trình độ đào tạo 100% CBGV đạt chuẩn và 95,7% trên chuẩn. Thời gian qua, nhà trường luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học" gắn với chủ đề năm học 2019 - 2020 là "Trường học kỷ cương - Văn hóa - An toàn - Thân thiện; chất lượng giáo dục thực chất", giữ vững các tiêu chí trường đạt Chuẩn Quốc gia.
Các cán bộ Đảng viên tại Đại hội Chi bộ trường Tiểu học Chí Tiên, nhiệm kỳ 2020 - 2022.
Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm giáo dục toàn diện kết hợp giáo dục kiến thức chuẩn với coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kĩ năng thực hành, kĩ năng sống, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu. Đội ngũ GV thường xuyên nghiên cứu và đổi mới nội dung tích hợp giáo dục môi trường, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục an toàn giao thông (ATGT),...vào trong các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ: Những năm qua, nhà trường luôn tích cực vận dụng phù hợp hình thức dạy học theo mô hình trường học mới; đổi mới cách dạy, cách học giúp HS phát triển năng lực, phẩm chất. Trường đã giao quyền chủ động cho GV trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn HS tham gia các hoạt động học tập; nội dung và hình thức dạy học linh hoạt, có tính thực hành cao, gắn liền với các hoạt động trải nghiệm thực tế...tạo môi trường học tập có tính ứng dụng cao nhằm phát triển kỹ năng sống cho HS.
Một tiết học của cô và trò trường Tiểu học Chí Tiên.
Đặc biệt, năm học 2019 - 2020, CBGV nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức dạy học; chú trọng môi trường giáo dục với hướng mở (học trong lớp, học ngoài trời, trải nghiệm thực tế...) bảo đảm tính thân thiện, phát huy tốt khả năng của HS. Học kỳ I vừa qua, nhà trường triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục tập thể, giáo dục kỹ năng sống; giáo dục an toàn giao thông và thực hiện tích hợp các nội dung giáo dục: Giáo dục pháp luật, chống bạo lực học đường, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bình đẳng giới, kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích...vào các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp.
Nhà trường đã chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho HS với nhiều hình thức và nội dung hoạt động phong phú như: giao lưu văn nghệ, chăm sóc rau và hoa, nghi thức Đội, múa dân vũ, tập võ cổ truyền, tham quan trải nghiệm các di tích lịch sử tại xã Chí Tiên (Khu di tích lịch sử Chùa Thiền Lâm và Đền Du Yến)...bằng những hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Qua buổi trải nghiệm, HS hiểu biết sâu rộng hơn về tình yêu quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên.
Thầy và trò trường Tiểu học Chí Tiên tham quan trải nghiệm các di tích lịch sử Khu di tích lịch sử Chùa Thiền Lâm và Đền Du Yến tại xã Chí Tiên.
Chất lượng giáo dục thực chất
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Hồng Hải nhấn mạnh: học kỳ I năm học 2019 - 2020, nhà trường đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch được giao về quy mô trường lớp, duy trì sỹ số học sinh; kỉ cương nề nếp của nhà trường tiếp tục được củng cố và duy trì; chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng đội ngũ có nhiều tiến bộ rõ nét; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng kết quả chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3; cơ sở vật chất nhà trường được cải tạo khang trang hơn; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục góp phần vào việc thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của nhà trường.
Đối với chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhà trường có nhiều HS năng khiếu tham gia các sân chơi trí tuệ trên tinh thần tự nguyện và đạt giải cao: Cấp trường, thi IOE (Tiếng Anh trên mạng Internet) có 7 HS tham gia, chọn 4 HS tham gia cấp huyện. Trạng Nguyên Tiếng Việt (từ khối 1 đến khối 5), vòng 12 có 96 HS tham gia. Vyolimpic Toán Tiếng Việt (từ khối 1 đến khối 5), vòng 6 có 74 HS tham gia. Tham gia dự thi câu lạc bộ Tiếng Anh cấp huyện Thanh Ba: đạt giải Ba đồng đội. Tham gia Hội khỏe Phù Đổng vòng cụm (gồm 6 trường tiểu học, 6 trường THCS), kết quả vòng cụm: Bóng đá tiểu học: đạt giải Nhất. Điền kinh tiểu học: đạt 01 giải Nhất (chạy 60m nữ) và 02 giải Nhì (chạy 60m nữ và bật xa).
Cảnh quan môi trường sư phạm trường Tiểu học Chí Tiên: Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.
Tại Hội thi giáo viên dạy giỏi (GVDG) cấp trường (theo TT số 21/TT-BGD ĐT ngày 20/7/2010), kết quả công nhận GVDG cấp trường, có 14/18 GV đạt giải, trong đó: 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 9 giải Ba. Cấp huyện không tổ chức thi GVDG. Tham gia khảo sát GVDG dự thi cấp tỉnh Phú Thọ có 1 GV (được lựa chọn tham gia dự thi cáp tỉnh).
Kết quả đánh giá xếp loại học kỳ I, năm 2019 - 2020: Tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức có 23/23 CBGV NV xếp loại tốt, tỉ lệ 100%. Kết quả đánh giá phân loại viên chức năm 2019, nhà trường có 16/23 CBGV NV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 6/23 CBGV hoàn thành tốt nhiệm vụ; 1/23 CBGV hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đánh giá phân loại Đảng viên năm 2019, có 17/17 Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 3 Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ trường Tiểu học Chí Tiên đạt "Trong sạch vững mạnh tiêu biểu" 5 năm liền.
Trường Tiểu học Chí Tiên, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ
Được biết, năm học 2018 - 2019, chất lượng giáo dục toàn diện của trường Tiểu học Chí Tiên luôn được củng cố vững chắc: Chất lượng đại trà: HS hoàn thành chương trình lớp học đạt tỉ lệ 99,6%. HS được khen thưởng cấp trường đạt tỉ lệ 53,8%. HS lớp 5 hoàn thành chương trình Tiểu học đạt tỉ lệ 100%.
Chất lượng mũi nhọn; kết quả giao lưu Trạng Nguyên Tiếng Việt các cấp đạt kết quả cao: Cấp trường có 49/76 HS đạt giải (4 Nhất, 8 Nhì, 14 Ba, 23 Khuyến khích).Cấp huyện có 18/18 HS đủ điều kiện vào vòng thi cấp tỉnh. Cấp tỉnh có 18/18 HS đạt giải (3 Nhất, 12 Nhì, 3 Ba). Cấp Quốc gia có 1/1 HS tham gia đạt giải Nhất.
Em Mai Thu Hà - HS lớp 5 trường Tiểu học Chí Tiên đạt giải Nhất kỳ thi Đình - cấp Quốc gia Trạng nguyên tiếng Việt năm học 2018 - 2019.
Kết quả tham gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ: 2 HS đạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia. Kết quả giải Toán bằng Tiếng Việt trên Internet: Cấp trường có 43/52 HS đạt giải (5 Nhất, 7 Nhì, 11 Ba, 20 KK). Cấp huyện có 10/12 HS đạt giải (1 Nhất, 4 Nhì, 4 Ba, 1 KK). Cấp tỉnh có 2/4 HS đạt 2 giải Ba.
Kết quả viết chữ đẹp: Cấp huyện có 20/20 HS đạt giải (2 Nhất, 8 Nhì, 8 Ba, 2 KK). Cấp tỉnh có 2/2 HS đạt 2 giải Nhì. Kết quả giao lưu Tiếng Anh trên Internet: Cấp huyện có 1 HS đạt giải Ba. Kết quả thi GVDG cấp huyện: 3 GV được công nhận GVDG cấp huyện trong đó có 2 GV đạt xuất sắc.
Khen thưởng các cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Chí Tiên có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục đào tạo năm học 2018 - 2019.
Cũng năm học 2018 - 2019, trường Tiểu học Chí Tiên có 22/22 CBGV đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến; 3 CBGV đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; 4 CBGV được Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba tặng Giấy khen. Nhà trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc được UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen. Công đoàn Vững mạnh được Liên đoàn Lao động huyện khen. Đoàn thanh niên Vững mạnh. Đội thiếu niên Vững mạnh được Tỉnh đoàn khen.
Song song với việc đổi mới sáng tạo trong dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; thời gian qua trường Tiểu học Chí Tiên đã triển khai thực hiện, mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" đã tạo sức lan tỏa, góp phần hạn chế tai nạn, va chạm giao thông. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường nói riêng, trên địa bàn huyện nói chung.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen Trường Tiểu học Chí Tiên có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục đào tạo năm học 2018 - 2019.
Với những thành tích giáo dục nêu trên, sẽ là tiền đề tạo thế và lực để thầy và trò trường Tiểu học Chí Tiên thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới sáng tạo trong dạy và học gắn với chủ đề năm học 2019 - 2020: "Trường học kỷ cương - Văn hóa - An toàn - Thân thiện; chất lượng giáo dục thực chất" để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo thoidai
Hà Nội: Xây trường chuẩn để nâng chất Năm 2019, quy mô mạng lưới trường, lớp của Thủ đô tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển. TP đã công nhận thêm 119 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (CQG), nâng tỷ lệ trường công lập của toàn thành phố đạt CQG lên 71,5%. Ảnh minh họa/INT Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà...