Thưởng thức xôi ngũ sắc Mường Lò
Tới Mường Lò những ngày này để cùng thưởng thức món xôi ngũ sắc mang nhiều triết lí về cuộc sống qua bàn tay chế biến khéo léo của các cô gái Thái.
Mường Lò, cánh đồng lòng chảo lớn thứ hai miền Tây Bắc thuộc tỉnh Yên Bái được coi là quê hương của người Thái đen. Hiện nay những nét văn hóa và tập quán đặc sắc nhất của người Thái vẫn được người dân nơi đây lưu giữ, bảo tồn, trong đó có văn hóa ẩm thực độc đáo. Xôi màu ngũ sắc là một món ăn như vậy.
Gạo để chế biến xôi ngũ sắc là loại gạo nếp hạt tròn, dẻo thơm, được trồng trên cánh đồng Mường Lò, nơi dòng suối Thia dạt dào nước mát, ngọt lành từ rừng đầu nguồn về. Hoặc là gạo nếp Tú Lệ, loại gạo thơm ngon nổi tiếng cả nước, được trồng cách Mường Lò không xa.
Gọi là xôi màu ngũ sắc vì món xôi có 5 màu xanh – đỏ – tím – vàng – trắng. Để có những màu sắc này, các cô gái Thái đã dùng các loại cây đặc biệt để nhuộm gạo. Màu đỏ, màu xanh và màu tím thì dùng nước cây cơm đỏ, cây cơm xanh, cây cơm tím; màu vàng thì dùng nước nghệ nếp, còn màu trắng là nguyên bản của gạo.
Các loại cây được lấy vào buổi sáng sớm, về rửa sạch, giã và nấu kỹ sẽ cho ra các màu sắc đặc trưng. Gạo được ngâm bằng các loại nước này qua đêm, để ráo nước rồi cho vào chõ xôi truyền thống, đặt trên các ninh đồng hoặc nhôm, đồng bào gọi là Mỏ Lửng – Tay Lung.
Quá trình xôi cơm lửa phải đều, không bị khói. Sau khoảng 30 phút thì xôi chín. Hạt gạo nếp ở Mường Lò cho ra thứ xôi thơm dẻo vô cùng, dù nóng hay nguội thì khi nắm chặt tay cũng sẽ không bị dính. Xôi chín được đơm vào 5 đĩa hình cánh ban rồi ghép với nhau thành mâm xôi hình bông hoa ban vô cùng đẹp mắt.
Bà Lò Thị Hạc, ở bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết, cách làm món xôi này có từ bao giờ không biết, để dùng trong ngày lễ, Tết, cúng ông bà tổ tiên hay đãi khách quý đến nhà chơi.
Xôi ngũ sắc qua bàn tay chế biến của thiếu nữ Thái.
Video đang HOT
Theo quan niệm của người Thái Mường Lò, mâm xôi ngũ sắc được tạo hình thành bông hoa Ban, bởi đây là loài hoa biểu tượng của vùng Tây Bắc. 5 cánh hoa với 5 màu sắc cũng tượng trưng cho Âm dương Ngũ hành. Qua món xôi đặc biệt này, người dân nơi đây muốn thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung và lòng kính yêu mẹ cha.
Nghệ nhân Điêu Thị Siêng, ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: Khẩu cắm lanh là cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng. Khẩu cắm lăm là cơm xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu cắm hương là cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ. Khẩu khiêu là cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Khẩu nón là cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thuỷ chung. Với món xôi ngũ sắc, người Thái mong muốn sự trọn vẹn, no đủ và đầm ấm, hạnh phúc.
Năm 2008, sản phẩm xôi màu ngũ sắc của đồng bào Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ làm ra đã được đăng ký kỷ lục guiness Việt Nam là mâm xôi lớn nhất với trọng lượng 1,3 tấn, rộng 2,8 mét, dày 30 cm. Để có được mâm xôi này, hơn 200 hộ đồng bào người Thái đã dùng 300 chõ xôi, 200 kg thảo dược để triết xuất lấy nước màu.
Hiện nay đến bất cứ bản làng nào ở thị xã Nghĩa Lộ và các xã vùng Mường Lò của huyện Văn Chấn, du khách đều có thể thưởng thức món xôi màu ngũ sắc. Món ăn đặc biệt này sẽ thêm ngon khi ăn cùng thịt trâu gác bếp, cá sỉnh suối Thia nướng, hay đơn giản chỉ là món rau rừng được nộm rất nhiều gia vị quý.
Chị Lường Thị Minh, ở Bản Đêu 3, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Mình làm du lịch cộng đồng đón rất nhiều khách nước ngoài và khách miền xuôi, hầu hết khách đến nhà đều được gia đình mời món xôi này. Những lần sau trở lại thì khách lúc nào cũng yêu cầu gia đình chế biến lại. Có du khách còn mong muốn học làm để về nhà tự chế biến. Tuy nhiên nếu muốn ăn đúng món xôi màu ngũ sắc thì phải chế biến từ gạo và nguồn nước nơi đây.”
Xôi màu ngũ sắc với sự độc đáo riêng có thực sự là món quà đặc biệt chào đón du khách về với Mường Lò, về với miền Tây Bắc để trẩy hội mùa Xuân.
Những món ăn Hà Giang nên thử mùa hoa tam giác mạch
Du khách lên Hà Giang những ngày này không thể bỏ qua các món ngon như bánh tam giác mạch, thắng cố, lợn cắp nách...
Bánh tam giác mạch dân dã nơi cao nguyên đá. Ảnh: Má Lúm.
Bạn có thể thưởng thức đặc sản Hà Giang ở các chợ phiên để cảm nhận trọn hương vị và không khí.
Bánh tam giác mạch
Từ khoảng giữa tháng 10, cao nguyên đá Hà Giang tràn ngập sắc tím hồng của tam giác mạch. Người dân nơi đây đã chế biến loài hoa này thành món ăn dân dã có giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe như bánh tam giác mạch. Những hạt tam giác mạch nhỏ xíu, được xay nhỏ thành bột mịn rồi nhào cùng nước cho đến khi dẻo. Bột nhào xong cho vào khuôn, đúc thành những bánh nhỏ, hấp chín trên bếp lửa. Bạn có thể thưởng thức ngay tại các phiên chợ hay mua về làm quà cho người thân khi lên cao nguyên đá với giá 15.000 đồng một chiếc.
Thắng cố
Mang đậm nét văn hóa vùng cao, thắng cố là món ăn được nhiều du khách tìm khi tới Hà Giang. Thắng cố chuẩn phải làm từ nội tạng ngựa hoặc bò, luôn nóng bỏng khi được múc ra bát, thực khách vừa ăn vừa thổi. Bên ngoài có thêm muối hoặc bột canh, khi ăn mới chấm cho vừa miệng mỗi người. Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, ớt, tiêu quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Bạn có thể ăn thắng cố ở các chợ phiên thuộc Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú... với giá khoảng 20.000 đồng một bát.
Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn tráng trên bếp được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh gói lại. Khi ăn kèm với một bát nước chấm nóng hổi thả giò trắng thơm ngon vào. Ngồi ngay cạnh người làm bánh, sẽ thấy đôi tay họ nhanh thoăn thoắt đổ bột láng lên nền vải rồi đậy vung. Bạn có thể tìm đến các quán ở đường Lý Tự Trọng (TP Hà Giang) hoặc chợ Đồng Văn, khu phố cổ Đồng Văn với giá 25.000 đồng một phần.
Bánh cuốn trứng nóng hổi trên bếp. Ảnh: Ngô Huy Hòa.
Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu được làm từ nguyên liệu là củ ấu, một loại củ có chất độc cực mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Củ ấu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm ít nhất 4h cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột sền sệt. Gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Bát cháo là tổng hòa mùi thơm của nếp, vị ngọt của chân giò, vị béo ngậy của trứng, vị chua của măng cùng vị bùi hơi đắng của ấu tẩu. Một bát cháo ấu tẩu có giá từ 20.000 đồng, được bán ở gần Quảng trường TP Hà Giang, chợ Đồng Văn...
Lợn cắp nách
Tới Hà Giang trong những ngày có phiên chợ, du khách sẽ bắt gặp không ít những người ôm lợn, chở lợn xuống chợ. Trong chợ, những con lợn cắp nách nhỏ được cho vào giỏ. Thịt lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món, như nướng xiên, luộc, ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy. Các nhà hàng, quán ăn dọc đường ở Hà Giang đều phục vụ các món ăn từ lợn cắp nách.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc Hà Giang thường gồm các màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Màu xôi là đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Trừ màu trắng, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng chứ không dùng chất tạo màu. Ghé các chợ phiên ở Hà Giang, du khách khó lòng lướt qua những nồi xôi đẹp mắt, dẻo thơm nghi ngút khói. Một gói xôi chỉ 5.000 đồng.
Xôi ngũ sắc dẻo thơm, để lâu cũng không bị cứng. Ảnh: Dulich24.
Theo Vnexpress
Món quà Xuân của mẹ Qua mỗi mùa đông rồi sang đến mùa xuân, tôi luôn có một ước mơ khá bình dị: Sáng thức dậy và được ăn một bát phở nóng. Mong ước ấy đã được mẹ mang đến cho tôi khá bất ngờ... Món quà xuân mẹ dành cho tôi là những bát phở thơm lừng. Ảnh: IT. Một sớm xuân thức dậy, mùi hương...