Thưởng thức món cốm Tân Thành giòn tan dịp Tết Canh Tý 2020
Vào những ngày giáp Tết, làng cốm Tân Thành ( TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình có truyền thống làm cốm lại tất bật chuẩn bị hàng hóa để cung ứng cho thị trường.
Những ngày này, chạy dọc theo tuyến lộ ven phường Tân Thành, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh người dân tất bật nổ cốm, ngào cốm.
Theo người dân địa phương, nghề làm cốm gạo đã có từ rất lâu đời dù chẳng ai nhớ chính xác nghề có từ khi nào, nhưng ít nhất cũng đã trải qua hơn 50 năm. Ngày trước, người dân chủ yếu làm cốm để dùng trong gia đình, làm quà biếu vào các dịp tiệc tùng, đám cưới… Mấy chục năm trước, món cốm gạo là thức quà quen thuộc của người dân Tân Thành dành biếu những vị khách phương xa.
Cốm Tân Thành được làm từ gạo. Ảnh: CL.
Dần dần, nơi đây hình thành nên một làng nghề truyền thống, nhiều gia đình có thu nhập chính từ nghề làm cốm gạo. Trải qua thăng trầm, ngày nay số lượng người theo nghề không còn được như trước, nhưng vẫn là một nét đặc trưng của địa phương, với một số hộ còn tâm huyết giữ nghề.
Những năm gần đây, trước nhu cầu của thị trường, nhiều người theo nghề đã mở rộng sản xuất với mong muốn giữ nghề, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sản lượng được làm nhiều hơn.
Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn 50 năm. Ảnh: CL.
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Thành, nghề làm cốm gạo giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ nông nhàn trong tổ hợp tác của địa phương. Cận Tết, nhu cầu mua cốm trong người dân tăng mạnh, đầu ra ổn định… nên các tổ viên luôn làm tất bật để đủ hàng bán ra thị trường.
Bà Trần Thị Nâu (ngụ khóm 5, phường Tân Thành), chia sẻ: “Hiện mỗi ngày tôi bán được khoảng 30kg cốm gạo ngào thành phẩm với giá 50.000 đồng/kg. Trong tháng 12 âm lịch cốm sẽ bán rất nhanh, mỗi ngày tôi có thể bán khoảng 100kg”.
Video đang HOT
Trước khi ngào cốm, phải nổ cốm trên lửa. Ảnh: CL.
Cốm nổ thành phẩm, nguyên liệu chính để làm cốm gạo Tân Thành. Ảnh: CL.
Người thợ đang ngào cốm. Ảnh: CL.
Theo lời bà Nâu, trước khi ngào cốm người thợ phải rang cốm nổ (cốm nổ từ gạo) thật đều tay trên chảo lửa khoảng 5 phút. Sau đó, cho đường cát, hành lá, gừng xắt mỏng, nước, đậu phộng vào chảo rồi nấu hỗn hợp trên khoảng 15 phút trong lửa nhỏ.
Khi đường chuyển sang màu vàng nhạt thì cho cốm nổ vào ngào thật nhanh và đều tay để cốm không dính vào nhau. Sau đó, cho cốm vào khuôn bằng gỗ và dùng chai thủy tinh cán đều. Tiếp theo là cắt cốm ra thành từng miếng nhỏ để cho vào bịch ni lông.
Bằng kinh nghiệm, những người thợ biết được khi nào cốm thành phẩm. Ảnh: CL.A
Sau khi ngào cốm tới, người làm sẽ đổ cốm ra khuôn và cắt miếng vừa ăn cho ào túi ni lông. Ảnh: CL.
Cốm gạo Tân Thành nổi tiếng khắp nơi bởi vị cốm ngọt ngào, giòn tan. Ảnh: CL.
Tuy giá nguyên liệu làm cốm đều tăng theo thị trường vào dịp Tết Canh Tý 2020, nhưng các hộ làm cốm phường Tân Thành vẫn giữ mức giá 50.000 đồng/kg.
Theo Danviet
Giữ chân lao động nông thôn bằng nghề truyền thống
Tại Kiên Giang, các làng nghề, nghề truyền thống ở nông thôn thời gian qua đã tạo việc làm cho nhiều lao động. Vừa qua, tỉnh đã công nhận thêm một làng nghề và 8 nghề truyền thống, nhằm tiếp tục duy trì, hỗ trợ và giữ vững nghề truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập người dân.
Hạn chế lao động đi làm xa
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là OCOP), tỉnh Kiên Giang đang triển khai xây dựng đề án "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020" nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn, cải thiện đời sống người dân.
Nghề nung đất ở xã Thổ Sơn đã tạo công ăn việc làm cho 50 lao động, thu nhập bình quân dao động từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: T.T
Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Năm 2018, tỉnh công nhận 2 làng nghề truyền thống và 12 nghề truyền thống. Năm 2019, tỉnh tiếp tục công nhận 1 làng nghề và 8 nghề truyền thống.
Các nghề truyền thống trên đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Nghị định số 52/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn. Nghề xuất hiện tại địa phương trên 50 năm và đang tiếp tục phát triển; nghề tạo ra sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
Theo đó, làng nghề đan ghế bằng dây nhựa vừa được công nhận năm 2019 đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục và tính đến thời điểm được công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường, làng nghề theo quy định hiện hành.
Ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng: Xét và công nhận nghề truyền thống và làng nghề nhằm tạo điều kiện để các cấp quan tâm, hỗ trợ duy trì, phát huy nghề không bị mai một. Nghề truyền thống tại địa phương vừa mang lại thu nhập cho lao động nông thôn, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là ngành nghề giữ chân lao động nông thôn, hạn chế tình trạng lao động ồ ạt đổ về thành phố.
Tạo thu nhập ổn định
Là xã đặc biệt khó khăn, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân ở xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất) sinh sống chủ yếu dựa trên nghề nung đất (nồi đất). Nghề nung đất của xã ra đời vào những năm 1960. Tương truyền vị tổ nghề là người Khmer, và người làm nghề này lâu nhất hiện nay là ông Trịnh Văn Hạnh (sinh năm 1939), ngụ ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn và gia đình bà Thị Cà Hạng (sinh năm 1960).
Sản phẩm của nghề nung đất chủ yếu là các dụng cụ nhà bếp dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên liệu chính của nghề nung đất là đất sét có sẵn tại địa phương. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện khá nhiều công đoạn từ khâu chọn đất, nhào nặn, vỗ và tạo hình sản phẩm, làm bóng, tạo hoa văn cho sản phẩm.
Hiện nay, xã Thổ Sơn còn 18 hộ làm nghề, tập trung nhiều nhất tại ấp Hòn Quéo và ấp Vạn Thanh. Nghề nung đất đã tạo công ăn việc làm cho 50 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm sau khi nung xong sẽ được chuyển đi tiêu thụ ở trong tỉnh, các tỉnh khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ. Ông Trần Phan - Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn cho biết: "Người dân cần được hỗ trợ thiết bị, máy móc phục vụ nghề, giảm bớt các công đoạn thủ công để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, người dân cần được hỗ trợ đầu ra, đảm bảo thu nhập và thu hút thêm nhiều lao động".
Làm tôm khô tại TP.Hà Tiên là nghề có truyền thống hơn 50 năm và được sản xuất từ sản vật tự nhiên tại địa phương. Hiện TP.Hà Tiên có 200 hộ gia đình theo nghề làm tôm khô tập trung ở Đông Hồ, Bình San, Pháo Đài và Tô Châu. Nghề tôm khô có hơn 800 lao động tham gia sản xuất, thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nguyên liệu tôm khai thác tự nhiên tại vùng biển Hà Tiên và đầm Đông Hồ nên có vị ngọt, thơm riêng biệt.
Theo Danviet
Tổ chức "Tết sum vầy" cho hàng ngàn công nhân, người lao động Chương trình "Tết sum vầy" năm 2020 sẽ được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thừa Thiên - Huế tổ chức trải dài cho đến giữa tháng 1/2020 và chia thành nhiều cụm khác nhau để công nhân, người lao động được "hưởng phúc lợi". Chương trình "Tết sum vầy, mừng xuân - ơn Đảng" năm 2020 do LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế...