Thưởng Tết giáo viên hàng chục triệu đồng: “Dao hai lưỡi”?
Việc giáo viên ở TPHCM có thể nhận tiền thưởng Tết lên đến hàng chục triệu đồng khiến một số người đặt câu hỏi: Tiền từ đâu? Theo một nhà quản lý, việc “tiết kiệm” từ nguồn đầu tư ngân sách để chia là “ con dao hai lưỡi”.
Chia hàng chục triệu đồng: Tiền từ đâu?
Các năm qua, nhiều trường học ở TPHCM gây “choáng váng” khi tiền thưởng Tết cuối năm cho giáo viên (GV) có thể lên đến vài chục triệu đồng. Trước đó, mức cao nhất được ghi nhận là trên 30 triệu đồng tại một trường mầm non công lập vào năm 2018.
Giáo viên TPHCM có thể được chia thu nhập tăng thêm mỗi năm cao nhất lên đến hàng chục triệu đồng. (Ảnh mang tính minh họa)
Cũng phải nhấn mạnh, ngành Giáo dục không có thưởng Tết và cũng không có lương tháng 13 theo quy định. Khoản được gọi là “thưởng Tết” chính là khoản thu nhập tăng thêm căn cứ vào chi tiêu tiết kiệm của các trường theo Nghị định 43 của Chính phủ. Tiền từ ngân sách rót về trường sau khi trừ các khoản kinh phí dành cho hoạt động của một năm, còn lại nhà trường mới tính toán, chia thu nhập tăng thêm cho giáo viên, cán bộ công chức, viên chức của trường.
“Khéo co thì ấm”, không có một con số, quy định chung cụ thể nào đối với khoản thu nhập tăng thêm này giữa các trường. Ngoài việc tiết kiệm, có trường có những khoản thu nhập thêm như cho thuê mặt bằng, căng tin…
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình (TPHCM) cho hay, mọi năm tiền thu nhập tăng thêm các trường ở quận chênh lệch nhau rất nhiều, có nơi vài triệu nhưng có nơi gần 20 triệu đồng/người. Cái này tùy điều kiện và khả năng “gói ghém” của từng trường.
Có trường đội ngũ lớn tuổi thì mức trả lương theo hệ số, thâm nhiên cao; có nơi đội ngũ trẻ thì mức chi lương thấp. Rồi tùy khả năng tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, đầu tư các hoạt động… hay trường có thêm khoản thu từ cho thuê mặt bằng, bãi xe…
Video đang HOT
“Dao hai lưỡi”
Không thể phủ nhận, đối với tất cả mọi người, mọi ngành nghề, sau một năm làm việc, có thêm khoản tiền để lo toan cho Tết là niềm vui rất lớn. Nhất là đối với nghề giáo từ trước đến nay vốn xa lạ với việc “thưởng Tết” thì điều này động viên và tạo động lực rất lớn với thầy cô.
Tuy nhiên, việc chia thưởng Tết trong trường học như hiện nay chứa những điều bất ổn cần được thẳng thắn nhìn nhận. Đây chủ yếu là tiền ngân sách chi cho tất cả hoạt động của một đơn vị, nhiều trường cật lực tiết kiệm để dôi ra khoản chia thu nhập tăng thêm. Như vậy, chắc chắn ít nhiều đều ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư cho giáo dục.
Ông Trần Khắc Huy cho biết, việc “gói ghém” này cũng là cả vấn đề. Có trường đầu tư, chăm chút cho chất lượng giáo dục, hoạt động… nên xài hết tiền, cuối năm không có bao nhiêu. Nhưng có trường lại làm mọi cách để tiết kiệm thì lại dư nhiều, chia nhiều.
Một quản lý ở TPHCM đánh giá, việc chia thu nhập tăng thêm rõ ràng là “con dao hai lưỡi”. Nhiều trường đầu tư cho giáo dục, tổ chức nhiều hoạt động… học sinh được thụ hưởng thì sẽ chi rất nhiều tiền, cuối năm lại không dư bao nhiêu. Nhưng đổi lại, nhiều trường chỉ hoạt động cầm chừng, làm chỉ để báo cáo nhằm tiết kiệm chi tiêu để cuối năm có một khoản lớn.
“Lẽ ra một hoạt động nào đó cần 20 – 30 triệu đồng mới đến nơi đến chốn nhưng trường chỉ làm cho có, đầu tư vài ba triệu, tiết kiệm để cuối năm có tiền chia”, ông đưa ra ví dụ.
Tâm tư về vấn đề này, một GV ở TPHCM cho hay, nhà trường là một đơn vị hành chính, vận hành bằng tiền của nhà nước. Không cần nói ra chúng ta cũng biết, tiền ngân sách chi xuống phải đảm bảo tất cả các chứng năng trong nhà trường nhưng xét về nhu cầu thực tế thì số tiền sẽ luôn ít hơn yêu cầu.
Vậy tiết kiệm ở đâu ra? Tiết kiệm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường. Theo cô, có thể các trường được bù đắp bằng khoản bằng các khoản khác từ các các khóa học, ngoại khóa, cho thuê mặt bằng, sân bãi… hay có thể còn là từ nguồn quỹ phụ huynh với danh nghĩa tự nguyện.
Nhưng cô đặt ra vấn đề, trường có được phép có chức năng kinh doanh không? Vì kinh doanh mới được phép thu tiền. Thay vì tập trung vào nhiệm vụ thì thực tế nhiều trường lại lo thêm chức năng… đi kiếm tiền.
Như vậy, thưởng Tết có thể cao nhưng thật khó để vui vì có thể đó là tiền “bớt xén” từ những khoản cần đầu tư cho giáo dục hoặc nhà trường đang phải “gánh” thêm chức năng khác ngoài giáo dục.
Chăm lo Tết cho GV là cần thiết nhưng cần một chính sách, cơ chế rõ ràng.
Hoài Nam
Theo Dân trí
TPHCM: Huyện vùng ven cần hơn 22,5 tỷ đồng chi thu nhập tăng thêm cho nhà giáo
Riêng cho khối sự nghiệp GD-ĐT, huyện Nhà Bè, TPHCM dự trù nhu cầu kinh phí là trên 22,5 tỷ đồng trong năm 2018 để chia thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM.
Thông tin được đề cập tại buổi làm việc chiều ngày 23/1 của UBND huyện Nhà Bè với đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM về triền khai thực hiện Nghị quyết 03 chia thu nhập tăng thêm.
Tính toàn huyện, Nhà Bè cần hơn 38 tỷ đồng để trả thu nhập tăng thêm năm 2018, riêng cho khối GD-ĐT là trên 22,5 tỷ đồng.
Cụ thể, bậc Mầm non cần gần 4,75 tỷ đồng, bậc Tiểu học cần khoảng 10,34 tỷ đồng, THCS cần gần 6,37 tỷ đồng. Các đơn vị khác như trường bồi dưỡng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp... cần trên 1,2 tỷ đồng.
Học sinh Trường mầm non Họa Mi, Nhà Bè, TPHCM trong giờ làm quen với Tiếng Anh
Theo báo cáo, số người được hưởng thu nhập tăng thêm trong ngành giáo dục của Nhà Bè theo Nghị quyết 03 là 1.284 người. Các trường có số lượng giáo viên, nhân viên được hưởng cao, cần số tiền chi cao như Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cần gần 1,43 tỷ đồng; Trường THCS Lê Văn Hưu cần hơn 1,35 tỷ đồng; Trường tiểu học Lâm Văn Bền cần hơn 1,15 tỷ đồng...
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Lưu, UBND huyện Nhà Bè việc chia thu nhập tăng thêm tạo động lực cho người lao động. Tuy nhiên quá trinh triển khai cũng gặp những khó khăn trong đánh giá, xếp loại.
Cũng cần có nghiên cứu thêm để chia thu nhập tăng đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng 68, chia sẻ với nhân viên hợp đồng lao động khác. Đặc biệt, riêng ngành giáo dục cần có hướng dẫn xếp loại cụ thể đối với giáo viên, nhân viên lĩnh vực giáo dục trong thời gian nghỉ hè.
Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND TPHCM có hiệu lực từ 1/4/2018 là cơ chế riêng dành cho TPHCM. Theo Nghị quyết, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì sẽ được chia thêm 0,6 trên tổng số lương nhận hàng tháng, nhận theo quý. Cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sẽ được chia thêm 0,48 trên tổng số lương nhận hàng tháng, nhận theo quý. Với những cá nhân chỉ hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không được chia khoản tiền này.
Hiện nay, giáo viên nhiều trường ở TPHCM đã nhận khoản thu nhập tăng thêm này. Có nơi nhận 3 quý, với giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, số tiền nhận được có thể lên đến 30 - 40 triệu đồng.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Thưởng Tết giáo viên: Người khấp khởi vui, người chạnh lòng buồn Trong khi người lao động tại nhiều doanh nghiệp được thưởng Tết hàng chục triệu đồng thì với những thầy, cô giáo đang ngày ngày đứng trên bục giảng, chuyện thưởng Tết vẫn chỉ là... niềm ao ước. Học trò đến trường đầy đủ đã là món quà Tết động viên tinh thần thầy cô. Ảnh: N.V Ngậm ngùi giáo viên vùng cao...