“Thưởng Tết” giáo viên hàng chục triệu: Đắng ngắt!
Để có tiền “thưởng Tết” cuối năm hàng chục triệu đồng cho giáo viên, có những trường đã dùng nhiều “chiêu thức” tằn tiện hay tận dụng nguồn thu.
Tằn tiện để chia tăng thêm
Tiền thưởng Tết cuối năm cho giáo viên (GV) trong trường học thật ra là tiền thu nhập tăng thêm – kết dư từ các khoản của nhà trường rồi chia ra. Có thể hiểu, hàng năm ngân sách rót về theo số học sinh (HS) tính toán trên mọi hoạt động của trường, trường nào tiết kiệm không dùng hết hay có nơi thêm các nguồn thu… tạo thành khoản kết dư để chi tăng thêm cho đội ngũ.
Lớp học ở TPHCM (Ảnh minh họa)
Ở TPHCM, nhiều năm qua, GV nhiều trường đón Tết ấm với những khoản thu nhập tăng thêm “khủng”, ghi nhận có người còn nhận được trên 50 triệu đồng. Việc GV ở TPHCM nhân tiền tăng thêm cuối năm 20 – 40 triệu đồng là chuyện bình thường.
Tiết kiệm để chi tăng thêm đã kéo theo sự méo mó, biến dạng ở nhiều trường học nhằm tiết kiệm ngân sách hết sức có thể. Việc tiết kiệm ở nhiều nơi trở thành bủn xỉn, keo kiệt vào việc đầu tư, chăm chút cho hoạt động giáo dục.
Có trường cắt hết các hoạt động thể thao, văn nghệ, CLB của thầy trò, cắt khen thưởng, các chương trình trong năm… Họ chỉ tổ chức những hoạt động đủ để báo cáo.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TPHCM cho biết, việc các trường tìm cách cắt giảm các hoạt động hay tổ chức một cách tằn tiện, qua loa để tiết kiệm chia thu nhập tăng thêm là có.
“Có hoạt động để làm tốt cần từng này tiền nhưng họ chỉ đầu tư 1/5 hay 1/10 thôi”, ông nói với Dân trí. Ông cho biết, năm nay khoản thu nhập tăng thêm các trường ở quận có thể thấp hơn mọi năm. Không có văn bản nào chính thức nhưng trong các cuộc hộp, ông cũng đã từng đề cập có ý “khống chế” việc này.
Video đang HOT
Có những trường, đầu năm hiệu trưởng tuyên bố sẽ giảm tối đa các hoạt động, giảm khen thưởng, ngay cả tiền… hỗ trợ HS thi HS giỏi cũng giảm với lời hứa hẹn chia tăng thêm cho thầy cô cao hơn. Và tinh thần này được hầu hết GV vỗ tay tán thưởng.
Tại một huyện vùng ven, tiền thu nhập tăng thêm GV hàng năm từ vài triệu đồng đến cao nhất khoảng 20 – 30 triệu đồng. Đại diện Phòng GD-ĐT nói đầy mãn nguyện: Các trường phải tiết kiệm, tằn tiện lắm mới có nổi khoản này.
Tiết kiệm làm thêm vận động = thưởng “khủng”
Ngoài tiền tiền kiệm từ đầu tư ngân sách, không ít trường tận dụng mọi chỗ để có nguồn thu thêm. Ngay giữa trung tâm quận 1, TPHCM nơi tất đất tầng vàng, trường học chật chội, học trò không có sân chơi nhưng có trường vẫn tận dụng cho thuê khuôn viên làm bãi gửi xe để nhằm quỹ phúc lợi cho trường.
Nhiều trường rất đầu tư, chăm chút cho các hoạt động của học sinh nhưng cũng nhiều nơi “ngó lơ” để tiền kiệm. (Trong ảnh: Học sinh một trường THPT ở TPHCM thạm gia Ngày hội Xuân tại trường)
HS, phụ huynh bức xúc thì nhà trường cho rằng thiệt thòi của HS là không đáng kể, các em có thể xuống chơi, học bài ở khu vực… căng tin.
Nhiều trường rất “tích cực” trong việc tạo ra nguồn thu như cho thuê sân bãi, tổ chức các hoạt động có thu tiền. Ở một khía cạnh nào đó, trường học đã biến thành doanh nghiệp thay vì tập trung nhiệm vụ chính là giáo dục.
Một GV ở TPHCM cho biết, cô đã từng đặt câu hỏi: Trường học lấy tiền ở đâu ra mà thưởng nhiều thế? Dần dần, cô nhân ra công thức: Tiết kiệm làm thêm vận động để tạo ra tiền thưởng “khủng”.
Để có được nguồn thu hay để tiền kiệm được ngân sách chia thưởng Tết cao cho GV đều có “bàn tay” của phụ huynh dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi trường có những chiêu thức vận động khác nhau.
Có nơi, GV đề xuất tổ chức các hoạt động thiết thực cho HS nhưng bị từ chối hoặc đề nghị muốn làm thì tự bỏ tiền ra hoặc đi xin phụ huynh. Thế nên có một thực tế: Hoạt động ở trường công lập dù được chi ngân sách nhưng thứ gì cũng đến tay phụ huynh. Từ đóng theo quy định của trường cho đến các khoản tự nguyện, tài trợ.
“Trước đây tôi từng nghĩ do mình nghèo, thiếu tiền nên các trường không hoạt động tốt. Nhưng sau đó, tôi biết nhiều nơi có tiền nhưng tiền đó họ không chi cho hoạt động động dạy và giáo dục”, GV trên thẳng thắn.
Ngay trong một thành phố, nơi thưởng Tết cao hàng chục triệu đồng, có nơi thấp… dẫn đến tâm trọng buồn vui, so đo trong đội ngũ GV. Nhưng trường học không phải là đơn vị kinh doanh có thu chi, thưởng cao chưa hẳn là điều đáng vui và thưởng thấp không đồng nghĩa với việc trường hoạt động không tốt.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Thưởng Tết giáo viên: Ngậm ngùi, mong ngóng và trăn trở...
Tết đến xuân về, hòa trong niềm vui rộn ràng của đất trời và lòng người là bao nỗi niềm của những người thầy lấy sự "thành nhân" của học trò làm niềm vui, lẽ sống. Nhà giáo cũng có Tết, cũng tất bật chuẩn bị Tết và cũng lo toan xoay xở sao cho con cái, gia đình có một mùa xuân yêu thương ấm êm, hạnh phúc.
Ảnh minh họa
Nghề giáo bao đời nay vẫn thanh cao và luôn thanh đạm. Người thầy chẳng dám ước mơ Tết đủ đầy, chỉ dám mong Tết "vừa đủ" có bánh chưng, đòn chả, gói hạt dưa, bịch mứt gừng để trước dâng lên bàn thờ tổ tiên, sau dọn đãi dăm ba ngày Tết. Chừng ấy thôi đã đủ ấm lòng và nếp nghĩ, nếp sống ấy đã ăn sâu và lớp lớp thế hệ nhà giáo.
Thưởng Tết vẫn là câu chuyện xa lạ đối với giáo viên. Những năm gần đây, sau khi thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ tài chính, cuối năm nhà giáo được nhận thêm khoản "tiết kiệm chi tiêu". Gọi là "lương tháng 13" cho hoành tráng vậy thôi chứ con số ấy chỉ dừng lại khoảng vài trăm, hiếm lắm mới mon men lên tiền triệu.
Bởi vậy, nhìn các ngành nghề khác thưởng Tết, có lẽ nhà giáo sẽ ngậm ngùi vô cùng bởi mức thưởng ấy cứ "leo thang" đến hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng. Rồi đội ngũ giáo giới cũng bắt đầu phấn khởi phần nào bởi những thầy cô giáo ở TPHCM được thưởng Tết vài chục triệu với mức thưởng cao nhất là 30 triệu ở một trường mầm non công lập năm 2018. Nhìn sang tỉnh bạn, có lẽ nhà giáo khắp nơi sẽ khấp khởi bao hy vọng về một sự đổi thay mạnh mẽ trong việc thưởng Tết.
Ai cũng có quyền mơ ước một cái Tết đủ đầy hơn, bớt lo toan hơn, vậy nên đừng trách cứ gì khi người thầy mong ngóng một khoản tiền dôi dư cuối năm kha khá. Vậy nhưng, năm nay mức thưởng Tết ở địa phương tôi vẫn chẳng khá hơn năm cũ là bao.
Nghe những người bạn của mình kể về gộp tiền tiết kiệm chi rồi tiền hỗ trợ của công đoàn trường, nhà trường cũng chỉ vài trăm nghìn, ai cũng cười xòa vì mọi thứ vẫn như cũ, thiếu trước hụt sau, dè sẻn chi tiêu và luôn tự an ủi "khéo co thì ấm".
Bạn kể rằng mấy hôm nay đồng nghiệp cũng xôn xao chuyện thưởng Tết nơi này nơi kia với những con số "khủng" và ao ước giá như nơi nào cũng được như TPHCM với những đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ người thầy sau những đóng góp, cống hiến miệt mài trong năm học cho giáo dục thành phố.
Nhưng rồi đọc bài viết "Thưởng Tết giáo viên hàng chục triệu đồng: Dao hai lưỡi!" của tác giả Hoài Nam trên báo Dân trí, tôi và những người bạn của mình trăn trở vô cùng với từng câu từ: "Như vậy, thưởng Tết có thể cao nhưng thật khó để vui vì có thể đó là tiền bớt xén từ những khoản cần đầu tư cho giáo dục hoặc nhà trường đang phải gánh thêm chức năng khác ngoài giáo dục".
Không thể phủ nhận thực tế hiện nay ở nhiều trường học đang tìm cách "làm giàu" cho nhà trường bằng cách cho thuê sân bãi, hợp đồng căng tin... Những khoản thu ngoài luồng này sẽ góp phần hỗ trợ không nhỏ để tăng thu nhập cho giáo viên, cải thiện đời sống cho đội ngũ cơ sở. Điều này nhìn nhận ở khía cạnh nào đó vẫn đem lại hiệu ứng tích cực. Chỉ có điều mọi thứ cần được công khai, minh bạch để tránh lời đàm tiếu, xầm xì gây mất đoàn kết nội bộ.
Tôi băn khoăn nhiều hơn về việc "bớt xén" những khoản đầu tư cho giáo dục để dành tiền cuối năm chia cho giáo viên. Bởi cháu tôi đang công tác ở một trường trung học từng kể rằng khi triển khai thực hiện cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, có ba sáng kiến được lựa chọn.
Và sau khi cân đo đong đếm, nhà trường quyết định chọn sản phẩm dự thi tiêu tốn ít kinh phí nhất để thực hiện và kết quả là không đạt được thành tích. Trong khi hai dự án kia rất triển vọng và được đánh giá cao thì bị loại bỏ bởi "tốn tiền". Rõ ràng là sự bớt xén trong đầu tư cho giáo dục đã phần nào giới hạn chất lượng, hiệu quả công tác dạy học và phong trào trong nhà trường.
Vậy nên, tôi rất đồng tình với kiến nghị của tác giả Hoài Nam cuối bài "Chăm lo Tết cho giáo viên là cần thiết nhưng cần một chính sách, cơ chế rõ ràng"!
Thùy Mai
(Thừa Thiên Huế)
Theo Dân trí
Thưởng Tết giáo viên hàng chục triệu đồng: "Dao hai lưỡi"? Việc giáo viên ở TPHCM có thể nhận tiền thưởng Tết lên đến hàng chục triệu đồng khiến một số người đặt câu hỏi: Tiền từ đâu? Theo một nhà quản lý, việc "tiết kiệm" từ nguồn đầu tư ngân sách để chia là "con dao hai lưỡi". Chia hàng chục triệu đồng: Tiền từ đâu? Các năm qua, nhiều trường học ở...