Thưởng tết của giáo viên vùng cao
Với các giáo viên vùng cao, được trở về với gia đình, với quê hương trong những ngày tết ngắn ngủi chính là phần thưởng lớn nhất.
Thầy cô giáo vùng cao tặng quà cho trò mỗi khi tết đến xuân về – Ảnh: T.L.
Thời gian này đâu đâu cũng “ nóng” với câu chuyện thưởng tết. Thế nhưng với các giáo viên vùng cao, thưởng tết dường như không có trong suy nghĩ của các thầy cô. Điều họ quan tâm hơn cả là chuẩn bị “khăn gói” xuống núi về quê ăn tết.
“Hạ sơn” vừa mừng vừa lo
Giáo viên dưới xuôi lên vùng cao dạy học chiếm tỉ lệ cao. Nhiều người được phân công vào dạy học ở những địa bàn nghe qua đã thấy sự xa xôi như Simacai (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Nhé (Điện Biên), Mèo Vạc (Hà Giang)…
Mỗi khi tết đến xuân về, nghĩ đến chặng đường về quê ăn tết ai cũng thấy nổi da gà vì quãng đường từ trường về quê quá xa. Trường xa bến xe, để về được quê nhiều thầy cô phải lặn lội đi xe đêm, chờ xe, đón nhiều tuyến, nhiều bến tàu mới về được nhà. Cả năm mới có một dịp đoàn tụ gia đình, các thầy cô không thể không cố gắng xuống núi để về với tổ ấm của mình ở quê.
Cô giáo Đặng Thị Thúy Minh, dạy học ở trường vùng cao Bảo Yên (Lào Cai), cho biết: “Chúng tôi ở tập thể nhưng nhà tạm nên không yên tâm nghỉ tết. Có năm để nguyên đồ, không có người bảo vệ nên sau tết bị mất hết bếp và chăn, giáo án và sách vở thì vứt mỗi quyển một nơi, ẩm mốc hết”. Tuy mất thời gian một chút nhưng năm nào cô Minh và đồng nghiệp ở khu tập thể cũng phải dọn đồ cất ở nơi an toàn rồi mới yên tâm về quê. Sau tết lên lại bỏ thời gian để dọn lại như cũ.
Cô Nguyễn Thị Thu Đàm, giáo viên tiểu học huyện vùng sâu Mèo Vạc (Hà Giang), tâm sự: “Chị dạy học ở Sìn Hồ đã hơn chục năm nay rồi, quê Phú Thọ, dạy điểm trường lẻ nên quanh năm làm bạn với suối, đèo cao dốc núi và lạnh giá. Chỉ mong tết đến để về xuôi ăn tết với gia đình”.
Video đang HOT
Cô Đàm tâm sự về hoàn cảnh gia đình mình, chồng bộ đội ở Tuyên Quang, con nhỏ gửi ông bà nội ở quê để có điều kiện học hành hơn nên cả năm gia đình cô phải “tách” làm ba với biết bao điều thương nhớ.
Khi có lịch nghỉ tết, cô phải tức tốc thu dọn hành lý để ra trung tâm huyện đón xe lên tỉnh rồi vẫy xe về Hà Nội, rồi lại đón tiếp tuyến xe ngược lên Phú Thọ…
Không có nhà riêng, giáo viên nhiều trường học vùng cao phải ở trong những căn phòng tập thể rất chật chội. Vì vậy, trước khi về nghỉ tết, thầy cô phải bọc gói toàn bộ đồ đạc, tài sản để gửi chỗ an toàn hơn.
Công việc thu dọn mất nhiều thời gian. Nào bếp, nào nồi xoong, bát đũa, chăn màn, giáo án, sách vở… tất cả phải đóng gói rồi mang gửi nhà dân hay nhà kho của trường. Nếu để nguyên sẽ mất mát, hư hỏng.
Thầy cô “đi tết” trò
Đó là thực tế ở những trường học, những điểm trường ở vùng cao. Nếu như ở những tỉnh miền xuôi, thành phố, tết đến học trò đến chúc tết thầy cô nhưng ở vùng cao thì ngược lại, thầy cô phải tổ chức đi “chúc tết” học trò. Vào dịp này, các trường ở vùng cao thường tổ chức thăm hỏi những học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bản xa.
Đây là nguồn động viên các em mỗi khi tết đến xuân về để các em có thêm sức mạnh mà học tập. Giá trị vật chất mỗi phần quà cho các em không lớn. Có thể chỉ là bộ quần áo mới, chiếc mũ len, đôi tất ấm… nhưng sự quan tâm của thầy cô đã nói lên tất cả niềm yêu thương và cổ vũ các em vượt qua mọi khó khăn.
Gần cuối năm, các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm khảo sát đối tượng học sinh ở xa trong các bản, sau đó lập danh sách để trường tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các em ngay tại nhà trước khi nghỉ tết. Dù đường núi vất vả nhưng các thầy cô vẫn lặn lội đến từng gia đình học sinh để mang hơi ấm đến cho học trò vùng cao mỗi khi xuân về.
Em Hoàng Thị Mừng (dân tộc Tày, Bảo Yên, Lào Cai) thổ lộ: “Em là học sinh nghèo, nhà ở xa nhưng năm nào tết đến, các thầy cô giáo đều lội suối vào tận nhà tặng quà, em cảm động lắm. Biết thầy cô quan tâm nên em cố gắng học tập thật tốt”. Không riêng gì em Mừng, có lẽ em học sinh nào nhận được quà tết cũng cảm nhận được hơi ấm từ tấm lòng thầy cô. Tổ chức tặng quà tết cho học sinh xong, thầy cô vùng cao lại vội vàng thu dọn đồ đạc để về quê ăn tết.
Theo Tuoitre
Giáo viên vùng cao 'nghe Tết mà... tủi'
Với giáo viên vùng cao, thưởng Tết có khi chỉ là những gói hạt dưa, hộp bánh, chai dầu ăn... từ nguồn tiết kiệm do trường đã chi tiêu dè sẻn!
"Thắt lưng buộc bụng" mua quà Tết
Thông tin về nhiều trường ở TP.HCM thưởng Tết cho giáo viên từ vài triệu đến vài chục triệu đồng khiến giáo viên vùng cao, miền núi ở Gia Lai - Kon Tum không khỏi chạnh lòng.
Thầy trò vùng cao cùng trồng rau cải thiện bữa ăn.
Ông Nguyễn Hóa - phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết: Ngành giáo dục không có nguồn kinh phí thì lấy đâu mà thưởng Tết cho giáo viên? Chúng tôi vì thế cũng đành không có chủ trương thưởng Tết, chỉ động viên các trường vận động linh hoạt, quản lý chi tiêu chặt chẽ để dùng phần tiết kiệm được hỗ trợ phần nào cho giáo viên.
Thầy Tạ Văn Quang - hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: "Nói là thưởng Tết, thực ra đó là khoản trường trích một phần kinh phí tiết kiệm từ các khoản chi thường xuyên như công tác phí, tàu xe. Tết này, mỗi giáo viên được trường hỗ trợ khoảng 500.000 đồng bằng cách mua hạt dưa, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm... làm quà".
Theo thầy Lê Văn Hoàn - trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông, huyện này địa bàn xa xôi cách trở, 847 giáo viên ở đây cũng vất vả, trầy trật hơn những nơi khác. Hàng ngày, giáo viên phải vào tận làng để vận động học sinh ra lớp, có khi giáo viên phải lên rẫy gọi học trò trở lại trường.
Để các em khỏi bỏ học, các thầy cô phải vào bếp lo từng bữa ăn, mua kẹo dỗ học sinh đến lớp. Thưởng Tết dù ít hay nhiều cũng có ý nghĩa động viên các thầy cô "bám trường, bám bản". Do các trường tự chủ về tài chính nên ở đâu khéo "thắt lưng buộc bụng", giáo viên ở đó may ra có chút quà tết cho đỡ tủi.
Gần tháng nay, hàng chục giáo viên ở 3 xã vùng biên giới phía nam huyện Sa Thầy (gồm: Ia Tơi, Ia Dom và Ia Đal) đứng ngồi không yên vì bỗng dưng bị cắt khoản tiền hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn.
Thầy Nguyễn Quang Thọ - hiệu trưởng trường TH Lê Quý Đôn (xã Ia Tơi, huyện Sa Thầy) giải thích: Lâu nay, giáo viên vẫn được hưởng chế độ này từ xã cũ, do xã mới được khánh thành chưa được công nhận xã khó khăn nên bị "tạm ngưng" hỗ trợ. Tính ra mỗi giáo viên bị hụt gần một nửa tiền lương nên rất lo lắng, chờ đề xuất của huyện. Trường đã họp bàn hỗ trợ mỗi giáo viên 500.000 đồng, để động viên các thầy cô ăn Tết vui vẻ.
Một thùng bia đã là quý!
Ông Phạm Ngọc Thạch - giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai khẳng định: Việc thưởng Tết cho giáo viên là không có! Do các trường không thuộc diện đơn vị sự nghiệp có thu, hoặc doanh nghiệp tự chủ về tài chính.
Theo ông Thạch, không thể dựa vào mức thưởng Tết mà so sánh với các ngành nghề khác. Giáo viên có đặc thù riêng, ngoài tiền lương còn có các khoản tiền đứng lớp, tiền thâm niên, các ngày lễ, nên thu nhập cũng... tương đối! Toàn tỉnh có trên 25.000 giáo viên, chỉ cần thưởng Tết mỗi người 500.000 đồng thì ngân sách đã phải chi 12,5 tỷ đồng - nguồn này lấy đâu ra?
Do điều kiện phần lớn các trường còn nhiều khó khăn, các khoản tiết kiệm càng eo hẹp. Thầy Đinh Trọng Hiếu - hiệu trưởng trường THCS Ia Kly (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) chia sẻ: Ở đây 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều em ăn còn chưa no thì trường lấy đâu ra tiền để thưởng Tết cho giáo viên? Để thầy cô đỡ buồn tủi, trường trích kinh phí hỗ trợ mỗi người 1 thùng bia mừng Tết. Vậy đã là quý, trước khi tôi về trường, giáo viên có gì làm quà Tết đâu".
Theo Lê Kiến/Báo Tiền phong
Những lán trọ sơ sài đến khó tin Khu lán trọ sơ sài của hơn 20 học trò trường Tiểu học và THCS Thuần Mang (Bắc Kạn) nằm sau khu giảng dạy đã tồn tại từ 2004. Dương Văn Tiến, học sinh lớp 6A, nhà ở bản Lũng Miệng cách trường hơn chục cây số trọ học trong căn lán do bố em dựng đã 6 năm. Tiến vừa được bố...