Thưởng Tết bằng vàng thỏi, xe sang
Dù kinh tế nước nhà đã có một năm trồi sụt với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hàng thập niên qua, không ít doanh nghiệp Trung Quốc vẫn thưởng Tết bằng vàng ròng và xe Mercedes. Các doanh nghiệp quốc doanh cũng dự định tăng thưởng.
Một doanh nghiệp giấu tên tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc mới đây đã đặt mua tới 100 thỏi vàng, loại 20, 50 và 100g để chuẩn bị thưởng tết cho nhân viên.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thưởng cuối năm bằng vàng
Theo tiệm vàng, nơi đã bán số vàng trên cho biết, tổng giá trị số vàng mà lãnh đạo của công ty trên đã mua lên tới hơn 1 triệu nhân dân tệ (165.000 USD). Dù vậy, theo một số cửa hàng trang sức, họ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng vàng thỏi để làm phần thưởng tết trong năm nay. Do đó trường hợp của công ty tại Thẩm Dương không phải cá biệt mà dường như là một thứ “mốt” của các doanh nghiệp phát đạt tại Trung Quốc.
Theo tờ Want China Times, đây là một xu hướng có thể bắt nguồn từ hai yếu tố. Một đó là sự phổ biến ngày càng tăng của việc dùng vàng làm phần thưởng cuối năm trong những năm gần đây, nhất là tại các công ty ngành công nghệ rủng rỉnh tiền mặt.
Một nguyên nhân nữa đó là dịp tết âm lịch sắp tới của người Trung Quốc. Theo truyền thống, đây là thời điểm các chủ doanh nghiệp sẽ tặng thưởng cho nhân viên tùy theo kết quả kinh doanh và mối quan hệ giữa hai bên.
Ngòai việc tặng thưởng vàng, xe hơi hạng sang cũng là một phần thưởng tết đang được ưa chuộng tại Trung Quốc. Theo tờ China Daily, hồi đầu tháng này, một công ty công nghệ tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã mua và đậu tới 10 chiếc Mercedes C180 trước cổng công ty kèm theo 2 tấm bảng lớn mang dòng chữ “phần thưởng cuối năm 2013″, dành cho các nhân viên xuất sắc.
Ngay lập tức, sự việc này đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ dư luận, khi nhiều người qua đường dừng lại chụp ảnh và đăng tải lên mạng internet. Vậy là vô tình, công ty này được quảng bá miễn phí một cách hiệu quả.
Video đang HOT
Theo tìm hiểu của China Daily, công ty trên quyết định thưởng cho những nhân viên có kết quả xuất sắc nhất, với điều kiện họ cam kết gắn bó với công ty trong 5 năm tới. Sau thời gian này, họ có toàn quyền sở hữu chiếc xe. Công ty này, với khoảng 500 nhân viên, đã bắt đầu áp dụng hình thức khuyến khích này từ năm ngoái để tuyển mộ và thu hút tài năng.
Những chiếc Mercedes đắt giá cũng được dùng làm phần thưởng
Một số người cho rằng, với việc quảng cáo phần thưởng cuối năm, công ty không chỉ giúp khích lệ tinh thần nhân viên, mà còn tự nâng cao hình ảnh của mình. Ngoài ra, nếu thành công, cách này còn giúp họ giữ được những nhân viên tài năng ít nhất 5 năm tới.
Việc này sẽ đem lại mức lợi nhuận lớn hơn nhiều số tiền họ chi để mua xe. Và cho dù đây là một chiêu để thu hút nhân tài hay là một cách hợp pháp để né thuế thu nhập, rõ ràng ý tưởng này cũng mới mẻ và thú vị.
Theo kết quả một khảo sát được tiến hành với 847 công ty tại Trung Quốc, 47% công ty được hỏi cho biết sẽ tăng thưởng tết ở mức dưới 10%. Chỉ 3% có kế hoạch tăng thưởng hơn 20% so với năm ngoái.
“Việc thưởng cuối năm chỉ tăng nhẹ trong năm nay chủ yếu do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và thắt chặt chi tiêu công của Trung Quốc”, Feng Lijuan, tư vấn trưởng của công ty cung cấp nhân lực 51job.com khẳng định với tờ Thời báo hoàn cầu.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các công ty có kế hoạch tăng thưởng là nhóm doanh nghiệp quốc doanh, khi tới 70% số công ty tham gia khảo sát cho biết sẽ tăng thưởng.
Về hình thức thưởng tết, tiền mặt vẫn là hình thức thưởng cuối năm được ưa thích của các doanh nghiệp đa quốc gia tại Trung Quốc, trong khi đó các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân của nước này thường kết hợp tiền mặt và thẻ mua sắm.
Các ngành bất động sản, thương mại điện tử và IT nằm trong nhóm 3 ngày dẫn dầu về kế hoạch tăng thưởng cuối năm. Một kiến trúc sư mới vào nghề thường được nhận khoảng 30.000 nhân dân tệ (4941 USD) tới 40.000 nhân dân tệ. Trong khi đó thưởng cuối năm của một kiến trúc sư hàng đầu có thể vượt 1 triệu nhân dân tệ, tờ Tin tức Trùng Khánh cho biết.
Theo các chuyên gia, thưởng tết không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc giữ chân và khuyến khích người tài, mà còn trở thành một thước đo thành công của các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Thưởng cuối năm của một công ty luôn tương đồng với kết quả kinh doanh của họ, đặc biệt về lợi nhuận”, Feng nói và cho biết thêm rằng, ngành ngân hàng nước này, những người từng quen với những mức thưởng ngất ngưởng, đã bị văng khỏi tốp 5 do Trung Quốc đang thúc đẩy tự do hóa lãi suất, khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Trung Quốc sẽ triển khai "UFO tàng hình" trên tàu sân bay?
Sau khi Trung Quốc hé lộ về chiếc máy bay không người lái tàng hình đầu tiên của nước này, Lợi Kiếm, vào hôm thứ sáu vừa qua, giới phân tích nhận định nhiều khả năng chiếc máy bay được đặt biệt danh "UFO tàng hình" sẽ được triển khai trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Hình ảnh Lợi Kiếm được báo chí Trung Quốc hé lộ.
Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm thứ sáu vừa qua đưa tin, Lợi Kiếm đã cất cánh từ một địa điểm bí mật ở tây nam Trung Quốc vào 1h chiều ngày thứ năm và bay trong khoảng 20 phút. Hình ảnh chiếc máy bay không người lái tàng hình đầu tiên này đã xuất hiện trang mạng từ tháng năm. Vào thời điểm đó, báo chí nhà nước Trung Quốc đã gọi đây là "chiếc máy bay không người lái tàng hình giống UFO".
Tờ China Daily của Trung Quốc đã so sánh Lợi Kiếm với mẫu Northrop Grumman X-47 của Mỹ và máy bay không người lái tàng hình nEUROn của châu Âu. Vì vậy mà Lợi Kiếm được suy đoán có thể được dùng trên chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh.
Trên thực tế, China Daily dẫn lời một nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết, "chiếc máy bay tàng hình này có thể được dùng để do thám và dùng cho một cuộc tấn công không đối đất. Nhưng điều quan trọng hơn, nhiều khả năng nó được dùng cho tàu sân bay. Tôi nghĩ kích thước và khả năng kỹ thuật của Lợi Kiếm khiến nó là lựa chọn phù hợp cho hải quân nếu họ lựa chọn phột phương tiện chiến đấu không người lái cho tàu sân bay."
Mặc dù báo chí Trung Quốc đánh giá Lợi Kiếm tương đương với X-47, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5 cho biết máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) của Trung Quốc có sải cánh "14m, nhỏ hơn sải cánh gần 19m của máy bay X-47B của hải quân Mỹ". Báo cáo cũng nhấn mạnh "trọng tải quân nhu của Lợi Kiếm có thể không vượt được con số 2.000kg của Northrop Grumman X-47B".
Tuy nhiên, ước tính trên dựa vào giả thuyết Lợi Kiếm được trang bị động cơ nội địa Thẩm Dương WP7. Trong khi đó China Daily hôm thứ sáu vừa qua cho hay chiếc Lợi Kiếm bay thử nghiệm hôm thứ năm được trang bị bằng động cơ phản lực cánh quạt đẩy của Nga RD-93. RD-93 thông thường được dùng cho chiến đấu cơ và đã được sử dụng trong dự án chiến đấu cơ chung giữa Trung Quốc và Pakistan. Như vậy, Lợi Kiếm được thiết kế nhằm có tầm bay xa hơn.
Việc sử dụng động cơ của Nga cũng cho thấy Trung Quốc có vẻ như vẫn tiếp tục chật vật trong việc thiết kế và sản xuất động cơ máy bay. Nhưng chi tiết này không làm báo chí Trung Quốc mất "hứng". Tờ China Daily đánh giá, "chuyến bay thử thành công của Lợi Kiếm đã đưa Trung Quốc trở thành nước thứ tư sau Mỹ (X-47B), Pháp (Dassault nEUROn) và Anh (Taranis), tự phát triển được UCAV".
Lợi Kiếm do Tập đoàn công nghiệp hàng không Hồng Du và Thẩm Dương cùng phối hợp sản xuất. Cả hai công ty này đều có cùng một công ty mẹ. Được biết các công ty đã mất 3 năm để sản xuất Lợi Kiếm.
Chuyến bay đầu tiên có phần khiến quốc tế hơi bất ngờ. Hồi cuối tháng 8 năm nay, tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã có bài viết cho rằng phải mất một năm nữa Lợi Kiếm mới có thể lần đầu cất cánh.
Trong những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển ngành máy bay không người lái với tốc độ vô cùng mạnh mẽ. Nước này cũng đã triển khai một máy bay không người lái trong cuộc xung đột với Nhật trên Senkaku/Điếu Ngư. Phía Nhật tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay không người lái nước ngoài nào tiến vào không phận của mình - động thái Trung Quốc coi là sẽ cấu thành "hành động chiến tranh".
Vũ Quý
Theo Dantri
Triều Tiên triệu hồi nhiều nhân viên xúc tiến thương mại ở Trung Quốc Rất nhiều doanh nhân Triều Tiên cùng các nhân viên xúc tiến hợp tác thương mại, kinh tế song phương tại Trung Quốc đã bị chính quyền Triều Tiên triệu hồi sau vụ xử tử ông Jang Song-Thaek, báo giới Hàn Quốc đưa tin. Thông tin được hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đăng tải ngày 14/12 dẫn các nguồn tin giấu...