“Nhà sáng chế” 12 tuổi – Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM
12 tuổi, em Nguyễn Dương Kim Hảo, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q. Tân Bình, TPHCM là gương mặt nhỏ tuổi nhất trở thành Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2013.
Những phát minh… vượt tuổi
Em Nguyễn Dương Kim Hảo là gương mặt quen thuộc tại nhiều cuộc thi về tin học những năm gần đây. Em từng đoạt hàng loạt giải thưởng tin học uy tín trong và ngoài nước bằng những phát minh hữu ích trong cuộc sống. Những phát minh của Hảo được đánh giá là… vượt tuổi, thậm chí có những sản phẩm sáng chế từ những môn học, kiến thức em chưa học tới.
Sáng chế “Bảng điều khiển thông minh” của Kim Hảo sau khi giành nhiều giải thưởng trong nước đã tiếp tục ghi dấu ấn tại Triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng kiến sáng chế năm 2013 (ITEX 2013). Sản phẩm này đã cùng lúc giành 2 Huy chương Vàng của hai nước Malaysia và Indonesia. Không lâu sau đó lại tiếp tục đoạt giải thưởng đặc biệt của Viện Sáng tạo Hàn lâm Hàn Quốc.
Kim Hảo giới thiệu về phần mềm “Bảng điều khiển thông minh” tại Triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng kiến sáng chế năm 2013. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đây là một phần mềm giúp dễ dàng kiểm tra, điều khiển tắt mở các thiết bị điện không cần thiết trong nhà hoặc các công ty xí nghiệp… mà không cần phải đến tận nơi. Ngoài việc tiết kiệm điện, phần mềm còn giúp tăng tuổi thọ cho các thiết bị.
Mới đây, Hảo còn gây ngỡ ngàng với sản phẩm “Máy tính hóa học” vì Hóa là môn em chưa học tới. Sản phẩm như máy tính bỏ túi sử dụng chip điều khiển trung tâm ATMega128, viết bằng ngôn ngữ C của Hảo có thể tìm kiếm phương trình hóa học bằng chất tham gia, chất tạo thành hoặc cả hai, cân bằng phương trình hóa học, xem tên gọi các chất… giúp việc học môn Hóa thuận tiện hơn.
Kim Hảo chia sẻ về sáng chế máy tính hóa học tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TPHCM 2013. (Ảnh: Hoài Nam)
Ý tưởng của Hảo nảy sinh từ điều em thấy quanh cuộc sống của mình khi em chứng kiến chị gái học Hóa vất vả quá. Với hữu ích rõ ràng, khả năng đưa vào ứng dụng cao, máy tính hóa học của Kim Hảo giành giải Nhất tại 2 cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TPHCM và Hội thi tin học trẻ TPHCM năm 2013. Đồng thời, góp phần đưa đội TPHCM đoạt giải nhất Hội thi tin học trẻ Toàn quốc năm nay.
Học để theo đuổi đam mê
Từ ngày nhỏ khi đang sống ở Tiền Giang, Hảo đã thích khám phá máy vi tính của bố. Em mày mò các phầm mềm trong máy tính, lục lọi và nhờ bố mẹ tìm mua sách vở, tài liệu liên quan đến tin học về tìm hiểu. Đến các đồ điện tử trong nhà, chỗ nào Hảo cũng lôi ra để… nghiên cứu.
Video đang HOT
Năm lớp 3, Hảo có phát minh đầu tiên với phần mềm cộng điểm để giúp bố giảm thời gian, vào điểm thuận lợi hơn. Bắt đầu từ ngỡ ngàng, bố mẹ Hảo đã nhìn nhận nghiêm túc về khả năng và đam mê của con.
12 tuổi, em Nguyễn Dương Kim Hảo là công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2013nhỏ tuổi nhất. (Ảnh: Hoài Nam)
Chị Dương Trần Thanh Thảo – mẹ của Hảo chia sẻ khi đó gia đình do không ai giỏi về lĩnh vực này nên chỉ có thể tạo điều kiện, nền tảng cho con bằng con đường học tập. Thế nên, vợ chồng chị đã quyết định chuyển con lên TPHCM để em có điều kiện phát triển đam mê. Theo chị Thảo, Hảo có lợi thế đối với việc sáng chế là em rất kiên trì, nhẫn nại, làm gì cũng muốn đến nơi đến chốn.
Theo đuổi đam mê bằng con đường học tập nghiêm túc, Hảo từng theo học tại ĐH Bách khoa cũng như nhận học bổng về lập trình tại Trung tâm FPT-APTECH như một sinh viên thực thụ.
Trở thành công dân trẻ tiêu biểu TPHCM 2013, với Kim Hảo đó là một niềm vui lớn. Điều này không đơn thuần là những cố gắng của em được ghi nhận mà hơn hết cho Hảo thêm động lực để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Điều đặc biệt ở Hảo, những danh hiệu hay những lời khen ngợi “thần đồng tin học” dường như không ảnh hưởng đến em nhiều. Nhiều sáng chế của mình được đánh giá cao thì riêng Hảo lại thấy cần hoàn thiện, phát triển thêm để nó hữu ích hơn nữa. Hảo không nhận mình giỏi mà với em, đó là đam mê.
Từ những ngày chập chững tìm hiểu về tin học cho đến khi nhận được những giải thưởng lớn, Hảo xác định rõ ước mơ trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp với những sáng chế gắn liền với cuộc sống. Để thực hiện mục tiêu đó, Hảo tập trung cho việc học trường song song với việc trau dồi đam mê của bản thân.
Một số giải thưởng của em Nguyễn Dương Kim Hảo - Năm 2013: Huy chương Vàng Sáng tạo trẻ quốc tế IEYI của Malaysia năm 2013. Huy chương Vàng của Viện Sáng tạo trẻ Indonesia năm 2013. Giải thưởng Đặc biệt của Viện Sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc năm 2013. Giải Nhất và giải Ba “Phần mềm sáng tạo” bảng D2, Hội thi Tin học trẻ năm 2013. Giải Nhất “Phần mềm sáng tạo khối THCS”, Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2013. Danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu năm học 2012 -2013″ do Thành Đoàn trao tặng. Giải Nhất khối tiểu học cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi thành phố” lần thứ 8, 2013. giải Nhì và giải Ba sản phẩm Tuyên truyền Sử Việt – Hội thi “Tự hào Sử Việt” năm 2013 do Thành Đoàn tổ chức. Các năm trước: Giải Ba chung cuộc Hội thi “Tin học trẻ” toàn quốc năm 2011 và nhận được bằng khen của Trung ương Đoàn. Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần 8 năm 2012 của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC. Giải Nhất phần mềm sáng tạo, bảng D1, Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2012 và nhận bằng khen của Trung ương Đoàn. 2 Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn. Gương “Tuổi trẻ sáng tạo TP Hồ Chí Minh” năm 2012. 2 Giấy khen của BCH Thành đoàn về thành tích trong Hội thi “Tin học trẻ” cấp thành năm 2011, 2012.
Hoài Nam
Theo Dantri
Thành phố văn minh mà trẻ bị bạo hành, không có chỗ học!
"Chúng ta đang xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại. Vậy mà lại để xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo hành. Thiếu chỗ học cho con em công nhân, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm!".
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM, tại buổi làm việc với các quận, huyện trên địa bàn thành phố về giáo dục mầm non sáng 23/12.
Đừng "quản không được thì cấm"
Sau sự việc bạo hành trẻ xảy ra tại cơ sở mầm non Phương Anh (Q. Thủ Đức, TPHCM) bà Quyết Tâm cho hay, đọc trên báo, nghe nhiều lãnh đạo nhiều địa phương, ngành giáo dục phát biểu kiên quyết đóng cửa các nhà trẻ không phép mà thấy lo. Nếu đóng cửa ngay các nhà trẻ không phép thì trẻ sẽ được gửi đi đâu?
"Với cách này chúng ta đang giải quyết theo bề nổi, cách dễ nhất là quản không được thì cấm. Cách này hồi giờ ta vẫn làm chứ không tháo gỡ được cái khó cho người dân", bà Tâm nêu quan điểm.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, trách nhiệm của lãnh đạo rất nặng nề khi công nhân không có chỗ gửi con an toàn.
"Khi đưa ra một quyết định lãnh đạo chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người thụ hưởng dịch vụ đó. Người dân đòi hỏi mình phải vươn lên để quản lý, còn mình lại dùng cái quyền lực của mình để cấm liệu đã ổn chưa?", bà Quyết Tâm băn khoăn.
Thực tế, thành phố đang đang thiếu nhà trẻ, nhất là nhà trẻ cho con công nhân. Ai cũng đề cập rà soát, kiểm tra và bảo cấm nhưng chúng ta đã hướng dẫn, hỗ trợ những người muốn làm công việc trông trẻ? Hay là việc bồi dưỡng, tư vấn cho người ta là việc cần thiết nhưng lại không đề cập.
Về sự việc, theo bà Tâm các bên liên quan phải nhìn nhận một cách cụ thể, thấu đáo, chứ nói chung chung không thể giải quyết được. Chỗ gửi trẻ thiếu đã đành, mà nếu có liệu có phù hợp với túi tiền, có thuận lợi cho việc đi làm cho công nhân không?
Để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em ở thành phố, bà Tâm cho rằng, xuất phát từ việc sự phối hợp giữa các ban ngành còn nhiều kẽ hở, chưa đồng bộ, không thường xuyên.
Về công tác kiểm tra, bà Tâm nêu lên e ngại, hiện nay không thiếu các hành vi kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó dễ cho các cơ sở. Kiểm tra không phát huy được điểm tốt, điểm dở cũng không giải quyết được mà "dở dở ương ương".
"Cứ nơi xảy ra sự việc rồi mới ào ào giật mình là không được. Và việc kiểm tra là để phát hiện và xử lý vấn đề, đồng thời là để hướng dẫn, tạo điều kiện chứ không phải để gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Khi phát hiện vấn đề thì xử lý tới nơi tới chốn thì tình hình mới tốt lên được", Phó Bí thư Thành ủy TPHCM bộc bạch.
Cán bộ không thể nhẹ trách nhiệm
Thành phố luôn có sự quan tâm đến việc chăm sóc, đầu tư liên quan đến trẻ em, chứ không phải khi có vấn đề chúng ta mới quan tâm. Nhưng khi có sự việc xảy ra, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng không thể làm động tác bù trừ: Vì đã lo nhiều rồi nên trách nhiệm nhẹ đi.
Bởi theo bà Tâm, công nhân ở các địa phương khác đến đây làm việc là đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Thiếu chỗ cho người lao động gửi con em để đi làm là trách nhiệm của lãnh đạo. Và khi điều đó chưa làm được và để sự việc đau lòng xảy ra thì trách nhiệm của lãnh đạo rất nặng nề.
Bà Tâm bộc bạch: "Người ta nói TPHCM xây dựng thành phố văn mình hiện đại sao mà để trẻ em bị bạo hành. Nghe đau lòng lắm. Ai dám nói đã hoàn thành trách nhiệm chứ tôi không dám nói. Là trách nhiệm của mình nên chúng ta không thể nói vượt quá sức thành phố, vượt qua lực của thành phố".
TPHCM đang thiếu trầm trọng trường mầm non cho con công nhân.
Bà Tâm đề nghị, các quận huyện cùng các ngành như giáo dục, lao động, nội vụ... cần cụ thể nhiệm vụ hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở trông trẻ để đảm bảo mục tiêu là con em phải có chỗ nuôi dạy được đảm bảo. Làm sao để tạo điều kiện nhất để cho cá nhân, tổ chứ có nhu cầu về lĩnh vực mở lớp trông trẻ hoạt động được thuận lợi, đừng gây khó khăn cho họ.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM cũng chia sẻ, đối với vấn đề này, quản lý phải luôn ở tư thế chủ động, không được bó tay, phải đeo bám, đi tận cùng. Gặp vấn đề quá khả năng, quyền hạn của mình thì phải chủ động tham mưu.
Đặc biệt, về phía ngành giáo dục, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, ngành gặp khó ở đâu phải đề nghị quyết liệt hơn nữa. Từ lâu, thành phố đã cảnh báo với Sở GD - ĐT rất nhiều lần chứ không phải 1 - 2 lần về những điểm hở trong giáo dục mầm non hiện nay. Nhưng sự quan tâm của ngành giáo dục đối với bậc học mầm non chưa đầy đủ.
Khi xảy ra sự việc, ai cũng than thiếu biên chế
Trong hệ thống chính trị không thiếu bộ phận nào, có hàng ngàn người làm công tác bảo vệ trẻ em. Cơ quan nào, cấp nào từ thành phố cho tới khu phố đều có. Vậy nhưng, khi xảy ra sự việc ai cũng than thiếu biên chế. Không thể nói thiếu biên chế mà phải cân đối lại trong tổng quỹ biên chế của mình đã sử dụng hợp lý chưa. Các quận huyện cần phân công hợp lý, giao trách nhiệm cụ thể hơn nữa. Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ xem xét lại việc sử dụng biên chế để phân bổ phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm
Hoài Nam - Lê Phương
Theo Dantri
Khi "liệt sĩ trở về" muốn tự tử! "Em tự tử vì không được đăng ký kết hôn anh ạ. Bố em định tự tử vì... cái hôm lên huyện xin thủ tục cho em cưới chồng mà không được ấy. Có người bảo bố em là phải... phải... thì người ta mới cho!". Ông Hào trong căn nhà rách nát cùng giấy tờ 30 năm tuổi Đảng của bố và...