Thương nhớ cháo bột Hải Lăng
Không phải ngẫu nhiên mà cháo bột Hải Lăng nổi tiếng khắp cả nước, vì đây là nơi khai sinh ra món ăn dân dã nhưng gợi nhớ, gợi thương này…
Cháo bột (còn gọi là cháo vạt giường) rất quen thuộc ở miền Trung nhưng chỉ ở Hải Lăng mới tìm được hương vị chính gốc. Vì người dân ở đây chỉ chuyên làm món này và cách nêm nếm, nguyên liệu không thể lẫn với các vùng miền khác.
Tô cháo bột Hải Lăng dân dã nhưng gợi nhớ
Nước dùng thì phải trong chứ không điểm màu đỏ của ớt hoặc hạt điều như những nơi khác, được ninh nhừ từ xương cá lóc rồi lọc kỹ. Bột được làm từ loại gạo trồng tại địa phương, cá lóc cũng vậy.
Trước tiên cá được luộc chín, tách lấy thịt rồi ướp với các loại gia vị như tiêu, nước mắm ngon, củ nén… rồi rim kỹ. Vì cá tươi và chế biến đúng cách nên dù nồi nước dùng có sôi sùng sục cả ngày vẫn không bị rã ra. Nói thì nghe đơn giản vậy nhưng người bán phải có bí quyết riêng thì khi ăn miếng cá mới ngọt đậm, thịt dai, thớ săn mà không tanh.
Bột cũng nhào kỹ rồi thái sợi để riêng. Khi ăn mới chan nước dùng và kết hợp các nguyên liệu lại. Nhìn tô cháo hết mực đơn sơ nhưng có thưởng thức mới biết vì sao nó nức danh như vậy. Nước dùng trong, vài sợi bột dai dai, mềm mềm, miếng cá thơm ngọt, mặn mà, vị ném hăng hăng… ăn trong một buổi sáng se lạnh mới thấy sự tuyệt đỉnh của ẩm thực quê hương.
Ai đi ngang huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) cũng không thể không dừng chân trước những hàng cháo bột nối đuôi nhau với hương ném gọi mời trong gió.
Video đang HOT
Rau thơm gồm ngò, thì là, ném …
Bột được nhào, thái sợi rồi để riêng
Khi ăn mới chan nước dùng và cá vào tô
Khúc cá no tròn, ngọt ngào và tròn vị
Trông chẳng bóng bẩy lắm nhưng chất lượng miếng cá và nước dùng rất độc đáo
Theo Khampha
Ngày xưa có món... tép khô
Một trong những món ăn luôn gợi tôi nhớ về ngày xưa - đó là tép khô rang khế.
Cái món ăn của ngày thơ bé, của những hôm nhiều rau mà không có thịt, những ngày trái nắng trở trời hay bận bịu mẹ không đi chợ được. Món ăn đạm bạc đơn sơ nhưng thấm đượm vị quê.
Buổi chiều cuối xuân, trời nồm ẩm thấp, mẹ đi làm về muộn, ngả nón xuống là tất bật vào bếp nhóm lửa nấu cơm. Nhìn vào rổ rau đầy ắp trong tay mẹ, tôi và đứa em buồn thỉu buồn thiu, nghĩ thế là hôm nay lại phải ăn cơm "chán" rồi.
Cho đến khi mùi tép rang dậy lên, chúng tôi mới hít hà, thấy bụng đói cồn cào, mà lòng mừng rỡ vì cơm lại "ngon", lại hấp dẫn.
Thì ra mẹ có hũ tép khô để sẵn từ khi nào. Những con tép mong mỏng màu nâu nhạt, trông khô khan, chẳng tươi nhảy tanh tách, cũng chẳng mập mạp đầy thịt như tôm, nhưng với bàn tay khéo léo của mẹ lại trở thành món ăn thật thơm ngon, đủ vị.
Đầu tiên, mẹ rửa tép qua một lượt nước ấm cho sạch, cũng là để con tép mềm ra. Rồi mẹ lấy mỡ nước để rang tép. Ngày xưa chưa dùng dầu ăn, nhà nào cũng dự trữ những hũ mỡ để chiên, xào nấu, nên món ăn có phần thơm, béo ngậy hơn.
Riêng đối với món tép khô rang, thì mẹ còn vớt ra thìa tóp mỡ, để đó, lát cho vào rim lên cùng, để món ăn có "điểm nhấn" thú vị. Món tép rang làm khá nhanh, đơn giản. Khế chua mẹ thái lát mỏng như hình ngôi sao năm cánh, vắt nhẹ cho bớt nước chua. Củ hành xắt mỏng cho vào phi thơm, rồi trút tép vào đảo đều cùng chút nước mắm, chút đường.
Tép thấm gia vị, con tép trở nên bóng căng, trông niêu tép như rộn ràng tươi mới hẳn. Trước khi bắc niêu ra, mẹ cho khế và tóp mỡ vào, đảo lên vài lượt, thêm chút hành lá xanh xanh. Còn những hôm không có khế chua, mẹ hay cắt lát chanh, khi ăn vắt vào tép, làm món ăn trở nên khác biệt.
Ăn một miếng cơm trắng, với rau xanh, gắp nhúm tép rang giờ đã thành màu nâu đỏ bóng bẩy, vị ngọt của tép sông, của gia vị đậm đà khiến lũ trẻ chúng tôi quên hẳn chuyện cơm không có thịt. Nhớ ba tôi, mỗi hôm ăn cơm tép khô, cứ hay ngầm nhìn mẹ, tủm tỉm cười, thắc mắc: "Cũng con tép này mà sao ba làm không bao giờ ngon như mẹ được nhỉ".
Đúng là mỗi khi mẹ đi công tác, ba phải vào bếp, cũng lấy lọ tép ra, cũng mỡ, cũng hành... mà sao không thơm, không bùi, không ngậy ngọt, "bắt" cơm bằng mẹ. Phải chăng cái bí quyết của mẹ là sự khéo léo tinh tế đến từng miligam gia vị, sự đủ độ, kinh nghiệm của người nấu nướng trong một thời vất vả, khốn khó, để con tép vốn là thứ thức ăn dự trữ giản đơn nhất vẫn có một sức hấp dẫn riêng.
Giờ thì món tép khô được chế biến thành nhiều món ngon khác, có khi nằm trong thực đơn những nhà hàng món quê sang trọng, không chỉ là tép rang, mà còn trộn gỏi, được thực khách lựa chọn bởi không ngán, bởi thích được thưởng thức hương vị quê dân dã, mộc mạc. Với riêng tôi, tép khô luôn gợi về một tuổi thơ xa lắc, vất vả nhưng đầm ấm, thân thương.
Theo Thanhnien
Savoy, món Việt thăng hoa Cà tím, rau rừng, cổ hũ dừa, thốt nốt... những nguyên liệu dân dã qua bàn tay tài hoa của bếp trưởng nhà hàng Savoy đã giới thiệu đến thực khách tinh túy nhất của ẩm thực Việt, các món ăn dân dã mà sang cả. Món ăn ba miền hội tụ Các món dưa chua, cà mắm của người Bắc bộ cũng...