Thương mại điện tử: Lối ra cho DN bưu chính?
Website này sẽ sớm được đưa vào khai thác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Tuy chưa có được những kết quả ấn tượng từ việc tham gia kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) song lãnh đạo một số DN bưu chính trong nước đều nhận định TMĐT sẽ là “cứu cánh” để các DN tăng doanh thu, lợi nhuận.
Sản lượng thư, tài liệu giảm sút
Trên thế giới, tác động từ sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, CNTT đối với hoạt động SX-KD của các DN bưu chính đã bộc lộ rõ khi sản lượng thư truyền thống của bưu chính nhiều nước đã sụt giảm mạnh. Còn tại Việt Nam, theo một số DN bưu chính tình trạng tương tự cũng đã và đang diễn ra. Trao đổi với BĐVN, ông Nguyễn Đức Thế – TGĐ Công ty cổ phần TM&DV chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) nhận định, thị trường chuyển phát thư, tài liệu trong nước đang bão hòa. Riêng Netco, trong 3 năm trở lại đây, sản lượng từ mảng kinh doanh dịch vụ thư từ, tài liệu đã giảm đáng kể. Có những khách hàng DN của Netco, trước đây thường in ấn phẩm tại trụ sở ở Hà Nội và chuyển phát tới các chi nhánh trong cả nước nhưng hiện nay để giảm chi phí họ chọn cách rải ra in ở nhiều điểm khác như Đà Nẵng, TP.HCM… Thậm chí, với việc ứng dụng CNTT, nhiều tài liệu, ấn phẩm của khách hàng được số hóa, trao đổi qua Internet thay vì dùng cách thức trao đổi qua đường bưu chính.
Còn với Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost), theo đại diện phòng Chiến lược, sản lượng dịch vụ thư, tài liệu của DN vẫn tăng trưởng, từ khoảng 700.000 thư mỗi tháng (năm 2011) lên 800.000 thư/tháng. Thế nhưng, thư từ, ấn phẩm chuyển qua mạng ViettelPost chủ yếu là chứng từ, hóa đơn hay giấy tờ bắt buộc phải có dấu, chữ ký xác nhận. “Vài năm tới, khi chữ ký số được các DN sử dụng phổ biến hơn, đương nhiên sản lượng thư, tài liệu của DN bưu chính sẽ giảm mạnh”, vị này nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) khẳng định, sự “vào cuộc” mạnh mẽ của viễn thông – CNTT khiến dịch vụ chuyển phát tài liệu, ấn phẩm của các DN bưu chính suy giảm; buộc các DN phải chuyển đổi phương thức trao đổi thông tin, thay thế dịch vụ. Thống kê cho thấy, từ 2008 – 2010, tổng doanh thu của các DN bưu chính liên tục tăng trưởng với mức khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, phần doanh thu từ dịch vụ bưu chính cũng tăng từ khoảng 2.300 tỷ đồng năm 2008 lên 3.100 tỷ đồng năm 2009 và đạt trên 4.000 tỷ đồng vào năm 2010. Tuy nhiên, tỷ trọng của dịch vụ bưu chính nằm trong tổng doanh thu của các DN bưu chính chỉ chiếm gần 44%.
TMĐT: Cơ hội cho các nhà khai thác bưu chính
Các DN bưu chính trong nước đã nhận thức được thách thức của sự chuyển đổi phương thức trao đổi, tiếp nhận thông tin, sự thay thế dịch vụ do viễn thông – CNTT ngày càng phát triển, thư điện tử, ĐTDĐ, mạng xã hội ngày càng thông dụng. Đa số các DN bưu chính đã triển khai kinh doanh đa dịch vụ, “rổ” hàng hóa, dịch vụ của DN bưu chính thường xuyên gia tăng. Đơn cử như, với VietnamPost, bên cạnh dịch vụ bưu chính truyền thống, đơn vị này đã cung cấp nhiều dịch vụ tài chính bưu chính, viễn thông – CNTT như: chuyển tiền, tiết kiệm bưu điện, thu hộ chi hộ, bán SIM-thẻ điện thoại, Internet… Tháng 5/2012, DN này đã tập huấn, chuẩn bị cho việc cung cấp thêm các dịch vụ mới như: điện hoa quà tặng, phân phối điện tử, dịch vụ chi hộ, chuyển tiền online, chuyển nộp học phí…
Tương tự, từ chỗ chủ yếu kinh doanh dịch vụ phát hành báo và chuyển phát nhanh, ViettelPost đang triển khai nhiều dịch vụ như: văn phòng phẩm, đại lý bảo hiểm, phân phối vé máy bay, kiều hối, vận tải… Theo phòng Chiến lược của ViettelPost, việc triển khai thêm nhiều dịch vụ gia tăng trên nền dịch vụ lõi của ViettelPost cũng nhằm thử nghiệm, tìm ra các dịch vụ có khả năng giúp Bưu chính Viettel phát triển “cân bằng”, phần nào bù đắp cho xu hướng giảm sút doanh thu, sản lượng dịch vụ bưu chính truyền thống.
Theo nhận định của các DN bưu chính trong nước, việc thị trường TMĐT của Việt Nam ngày càng phát triển, người tiêu dùng dần hình thành thói quen đặt mua hàng qua điện thoại, Internet đang mở ra cơ hội cho bưu chính phát triển. Hướng đi giàu tiềm năng này đang được các DN tìm cách thức tham gia mạnh hơn. Không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ phát hàng thu tiền (COD) hỗ trợ cho các website bán hàng online trong khâu vận chuyển, thanh toán, một số DN bưu chính đã xây dựng chiến lược phát triển dài hơi với lĩnh vực kinh doanh TMĐT. Trong năm nay, 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của ViettelPost là phát triển TMĐT, tăng cường hợp tác với các sàn TMĐT lớn để chuyển phát hàng, bưu gửi cho các khách mua-bán hàng qua mạng, nghiên cứu xây dựng chợ TMĐT để các DN tham gia giao dịch. Với mảng kinh doanh này, cùng với việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng, dịch vụ COD cho khoảng 40 DN bán lẻ, website bán hàng trực tuyến, ViettelPost đang nghiên cứu để phát triển các ứng dụng, công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh TMĐT, ví dụ như nghiên cứu để tích hợp SMS banking vào thiết bị cầm tay trang bị cho bưu tá để họ có thể gạch báo phát chuyển hàng, thu tiền hộ khách nhanh chóng, hỗ trợ các website bán hàng online quay vòng vốn nhanh. Đặc biệt, đơn vị này còn phối hợp với một số đối tác như Chodientu.vn, FPT nghiên cứu phương án thiết lập cổng tiếp giao nhận vận chuyển hàng hóa cho các DN, khách hàng tham gia TMĐT.
Đối với VietnamPost, ngoài việc một số Bưu điện địa phương như TP.HCM, Đắc Lắk, Tiền Giang, Quảng Nam… mở website bán sản phẩm, dịch vụ online, từ cuối năm 2010 đầu năm 2011, DN này đã quy hoạch, cải tiến các dịch vụ trở thành một mắt xích trong hoạt động TMĐT như: hoàn thiện, làm mới các dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, COD thành dịch vụ phát hàng thu tiền hoàn chỉnh thay vì là dịch vụ cộng thêm của dịch vụ bưu kiện, bưu phẩm; đầu tư thêm kho bãi, phương tiện vận chuyển chuyên biệt để tham gia kinh doanh dịch vụ giao nhận, logistics; đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ TMĐT…
Bên cạnh đó, VietnamPost đã phối hợp với đối tác phát triển hệ thống TMĐT trên nền website phục vụ quản lý khai thác dịch vụ điện hoa quà tặng tại địa chỉ: dienhoabuuchinh.vn.
M.T
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 69 ra ngày 8/6/2012