Thương mại điện tử đang tạo niềm tin cho người tiêu dùng?
Trong năm 2014, cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin ( VECITA) cùng với hiệp hội Thương mại điện tử ( VECOM) sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiêu chuẩn hoá quy trình kinh doanh trên internet.
Còn khá nhiều người tiêu dùng chưa hài lòng với dịch vụ mua sắm trực tuyến. Hiện thời, vẫn còn một số trở ngại khi mua sắm hàng hoá – dịch vụ trên mạng như rò rỉ thông tin cá nhân, giá bán chưa tốt, sản phẩm kém chất lượng…
Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cần cố gắng trong việc tạo niềm tin cho khách hàng.
Theo nhận xét của tổ chức thẻ tín dụng VISA, các thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ có điều kiện tốt để phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Điều quan trọng là cơ quan quản lí và doanh nghiệp kinh doanh cần thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng với phương thức mua sắm – thanh toán trực tuyến.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VISA thì khách hàng mua sắm trực tuyến vẫn còn lo lắng về bảo mật; sợ chất lượng hàng mua trên mạng không đúng với quảng cáo,… Đặc biệt, khách hàng sợ nhất nếu người bán sử dụng thông tin của thẻ thanh toán vào mục đích khác.
Theo ghi nhận của VECOM thì có một số website kinh doanh TMĐT không an toàn và có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng. Một số người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, thông tin thẻ ngân hàng…
“Trở ngại về thanh toán trực tuyến trước đây đã không còn, hiện nay thương mại điện tử có trở ngại mới là an ninh thông tin cho người tiêu dùng” Nguyễn Ngọc Dũng – Trưởng đại diện VECOM phía Nam
Người tiêu dùng khi mua hàng hoá trực tuyến nên giao dịch ở các website chính thức, có hình thức thanh toán an toàn (qua ngân hàng hoặc cổng thanh toán hợp pháp).
Video đang HOT
Khi nhận xét về tình hình kinh doanh TMĐT, ông Nguyễn Thanh Hưng, phó chủ tịch VECOM cho biết, việc sợ lộ thông tin cá nhân đang trở thành một trong các yếu tố trở ngại cho giao dịch trên mạng. Các website TMĐT cần nâng chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn mua sắm trực tuyến… nhằm tạo sự yên tâm cho khách hàng.
Theo báo cáo tổng quan về ngành TMĐT năm 2013, có một số trở ngại khi mua sắm online được ghi nhận lại: sản phẩm kém chất lượng, giá không tốt, dịch vụ giao nhận không đạt chuẩn, người tiêu dùng lo ngại bị đánh cắp thông tin cá nhân…
VECOM đã phối hợp cùng với trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet) thuộc VECITA xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch TMĐT với tên gọi SafeWeb. Các website TMĐT thuộc phạm vi cấp nhãn tín nhiệm SafeWeb bao gồm B2C (Business to Consumer), sàn giao dịch TMĐT và nhóm mua (Group-on).
Bà Bùi Thị Thanh Hằng, phó giám đốc trung tâm EcomViet tư vấn thêm, nhãn tín nhiệm SafeWeb sẽ giúp cho các doanh nghiệp TMĐT xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Thông qua chương trình SafeWeb, Ecom Việt sẽ giúp doanh nghiệp thẩm định toàn bộ tiêu chuẩn của website TMĐT, tiêu chuẩn hoá quy trình kinh doanh…
Theo thống kê của VECITA, hiện thời có khoảng 18 triệu người Việt có thói quen mua sắm online, chiếm hơn 50% tổng số người Việt có sử dụng internet. Số tiền mà người Việt mua sắm online ước tính khoảng 120 USD (khoảng 2,5 triệu đồng), bằng 30% so với Indonesia và chỉ bằng 18% so với Trung Quốc.
Theo SGTT
Cuộc đua mới của các mạng mua sắm
Đầu tháng này, Công ty TNHH một thành viên Giờ giải lao Việt Nam, chủ sở hữu trang web Lazada.vn, đã cho ra mắt chương trình tiếp thị mới mang tên "Online Revolution 2013" (cuộc cách mạng mua sắm trực tuyến 2013). Liên tục từ ngày 12 đến 15-12, Lazada giảm giá hàng loạt mặt hàng thời trang, sách, đồ điện tử... với mức giảm 20-50%. Không chỉ Lazada, nhiều mạng mua sắm trực tuyến theo mô hình B2B và C2C cũng đang tiến hành những chiến lược mới.
Các trang web thương mại điện tử đang đẩy mạnh chiến lược tiếp thị.
Trong không khí ảm đạm chung của thị trường mua sắm mùa cuối năm, nhiều trang web bán hàng trực tuyến trong nước hoạt động khá trầm lắng, một số trang còn liên kết hoặc sáp nhập để tiết kiệm chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, một số trang phải liên tục làm mới mình qua việc đưa ra các chương trình bán hàng với mức giảm giá sâu, chương trình giới thiệu sản phẩm và dịch vụ cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán - vốn được xem là mùa làm ăn của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Đa dạng hóa mặt hàng
Ông Christopher Beselin, Tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập Lazada Việt Nam, cho biết mục tiêu sắp tới của công ty là gia tăng độ phủ của trang web và xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng trong nước với hoạt động bán lẻ trực tuyến. Từ cuối năm nay, Lazada.vn sẽ đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh, không chỉ tập trung vào các sản phẩm cao cấp như trước đây mà còn mở rộng sang phân khúc hàng hóa phổ thông. Công ty này còn bày tỏ tham vọng sẽ cung cấp mức giá thấp hơn 5-10% so với các đối thủ cạnh tranh.
Ngoài việc yêu cầu nhân viên giao hàng tạo điều kiện thuận lợi cho khách kiểm tra hàng hóa và gửi trả hàng nếu không đồng ý, Lazada còn có chính sách cho khách sau khi đã nhận hàng vẫn được đổi hoặc trả hàng trong vòng 30 ngày. Công ty sẽ hoàn trả chi phí cho khách qua phiếu giảm giá, tiền mặt hoặc tiền chuyển khoản..., việc giao và đổi trả hàng đều không tính phí.
Bên cạnh đó, Lazada cũng bắt đầu chương trình "Đại sứ đường phố Lazada", nhằm đưa đội ngũ nhân viên đến hướng dẫn người tiêu dùng về cách thức mua hàng, thanh toán trực tuyến sao cho an toàn... Trước mắt chương trình này sẽ được thực hiện ở TPHCM.
Một bước đi mới của Lazada là mở rộng hoạt động kinh doanh ở Hà Nội và Đà Nẵng. Đặc biệt ở Đà Nẵng, công ty sẽ mở điểm vận chuyển và điểm bán hàng trực tuyến trong tháng 12.
Về phía 123mua.vn, theo ông Nguyễn Thế Đông, Giám đốc trang web, trong thời gian sắp tới trang này sẽ chú trọng vào dịch vụ giao nhận, cụ thể sẽ nỗ lực tiết giảm thời gian vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng đang cân nhắc việc áp dụng một chính sách mới về việc tăng tỷ lệ chiết khấu trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công. Điều này sẽ tạo động lực khuyến khích nhân viên chăm sóc khách hàng tốt hơn, từ đó tạo sự gắn kết giữa khách hàng và trang web.
Khác với Lazada.vn, 123mua.vn sẽ tập trung vào một số mặt hàng và dịch vụ chiến lược, không kinh doanh dàn trải. "Đây là hai yếu tố quan trọng giúp 123mua.vn trụ lại thị trường", ông Đông nói.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa bốn trang web thương mại điện tử Lazada.vn, Zalora.vn, m và 123.vn cùng thực hiện một chương trình khuyến mãi lớn cho mùa mua sắm cuối năm cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích cho thị trường bán lẻ trực tuyến. Chương trình khuyến mãi mua sắm này cùng một lúc diễn ra trên cả bốn trang web, cung cấp đến người tiêu dùng những cơ hội mua sắm với hàng ngàn sản phẩm được giảm giá hàng loạt.
Nhiều chiêu thức bám trụ thị trường
Một trong những thông tin nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử những ngày gần đây là việc Lazada Việt Nam công bố lấn sân sang lĩnh vực C2C (Customers to Customers) bằng cách đưa vào hoạt động trang web Lamido.vn. Ông Christopher Beselin cho biết sẽ áp dụng một số chiến lược đã áp dụng với Lazada.vn vào việc phát triển thương hiệu cho Lamido.vn ở Việt Nam.
Lazada cũng đưa Việt Nam vào danh sách năm thị trường ở khu vực Đông Nam Á sẽ được tập đoàn mẹ rót vốn đầu tư 250 triệu đô la cho các chiến lược phát triển trong thời gian sắp tới.
Trong khi Lazada liên tục tung ra các chiến dịch truyền thông dịp cuối năm, một số chuyên gia ngành thương mại điện tử vẫn cho rằng công ty này cần quyết tâm khắc phục những điểm hạn chế đã tồn tại trong một khoảng thời gian khá dài. Trước hết là hạn chế trong khâu quản lý đơn hàng, nhiều khách hàng phản ánh các sản phẩm trên trang web được thông báo là "còn hàng" nhưng khi họ đặt hàng thì lại nhận được một thông báo khác là đã hết hàng hoặc khách phải chờ đợi thông tin mới. Ngoài ra, khâu giao hàng của Lazada.vn cũng còn chậm, mất từ ba đến bảy ngày kể cả trong nội thành.
Sở dĩ có tình trạng nói trên, theo vị giám đốc một công ty giao nhận, là do phần lớn nguồn hàng của Lazada phụ thuộc vào các nhà cung cấp, khi khách đặt hàng trực tuyến, trang web này tiếp nhận thông tin rồi chuyển qua nhà cung cấp. Do đó Lazada sẽ không kiểm soát được tình trạng của món hàng, trong nhiều trường hợp gửi thông tin đến nhà cung cấp mới nhận được phản hồi là đã hết hàng. Đây cũng là một phần nguyên nhân của việc giao hàng chậm, mặc dù Lazada.vn đã thuê ba công ty giao nhận và sử dụng hơn 100 nhân viên cho khâu giao nhận.
Theo ông Hồ Anh Tùng, Giám đốc công ty iGO, đơn vị phụ trách kinh doanh của diễn đàn 5giay.vn, hiện công ty đang phát triển hai trang web là 2banh.vn - phục vụ cộng đồng người yêu thích xe hai bánh, và congnghe.5giay.vn - phục vụ những người yêu thích công nghệ.
Theo ông Tùng, đối với các trang web C2C, việc kết nối thành viên với trang web là yếu tố sống còn nên cần mở ra nhiều sân chơi phục vụ các thành viên của 5giay.vn. Bên cạnh đó, 2banh.vn và congnghe.5giay.vn cũng giúp diễn đàn thu hút thêm thành viên mới trong thời gian tới.
Về phía 123mua.vn, ông Nguyễn Thế Đông cũng xác nhận với Thời báo Vi tính Sài Gòn về việc sáp nhập giữa trang web này vào 123.vn nhằm mục tiêu tiết giảm chi phí hoạt động đồng thời tập hợp nhân lực từ hai dự án lại với nhau để chuẩn bị cho các kế hoạch của doanh nghiệp trong thời gian tới.
123.vn là trang web hoạt động theo mô hình B2C, được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 6-2012 và chính thức hoạt động vào tháng 10 cùng năm.
Theo TBVTSG
Website timviecnhanh.com nhận cú đúp giải thưởng Website timviecnhanh.com là một trong 8 website/đơn vị được UBND TP.HCM vinh danh trong Chương trình Bình chọn website và dịch vụ thương mại điện tử tiêu biểu 2013. Sáng 26/12, UBND TP.HCM tổ chức lễ tổng kết và trao giải "Chương trình bình chọn website và dịch vụ thương mại điện tử tiêu biểu 2013". Chương trình năm nay thu hút sự...