‘Thương cho roi vọt’ là bao biện cho hành vi bạo hành trẻ
Giáo viên thực hiện hành vi bạo lực với trẻ em như mắng chửi, đánh đập mà bị phát hiện, sẽ bị xử lý kỷ luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hậu quả nghiêm trọng.
Tư duy “thương cho roi vọt” chỉ đúng trong một vài tình huống cụ thể ở nền giáo dục ngày xưa, khi xã hội còn lạc hậu, kém văn minh. Ngày nay, hành động này không thể chấp nhận được.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội, khẳng định như vậy trong bài viết gửi Zing.vn liên quan câu chuyện cô giáo ở TP.HCM đánh nhiều học sinh lớp 2.
Trẻ em là nạn nhân của bạo lực có thể ảnh hưởng nhân cách
Dưới góc độ pháp lý, hành vi của cô giáo trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) tát, véo tai, chửi mắng học sinh khi các em không hiểu, làm bài tập sai, là bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, xâm hại sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, cụ thể là của trẻ em.
Hành vi này vi phạm quyền con người, quyền trẻ em theo quy định của luật trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan. Bởi vậy, giáo viên chắc chắn sẽ phải nhận hình thức kỷ luật thích đáng.
Cô giáo véo tai hàng loạt học sinh lớp 2. Ảnh : Cắt từ clip.
Giáo dục trẻ em là hoạt động đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, công phu và cần có phương pháp mới đạt được hiệu quả. Bởi vậy, để tham gia hoạt động của ngành giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên phải được đào tạo, huấn luyện đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức cần thiết, chứ không phải ai cũng có thể vào ngành, hoạt động giáo dục.
Khi xã hội càng phát triển, văn minh, quyền con người, quyền trẻ em càng được ghi nhận, đề cao và tôn trọng. Hành vi bạo lực với trẻ em bằng lời nói, hành động tại nhà trường và gia đình đều bị lên án như nhau.
Ở gia đình, do trình độ nhận thức, nhiều ông bố, ba mẹ vẫn đánh, mắng chửi con cái. Tuy nhiên, ở môi trường trường học, hành vi này diễn ra ít hơn bởi giáo viên là những người được đào tạo, có kỹ năng, trình độ nghiệp vụ sư phạm, phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định trong hoạt động giáo dục.
Video đang HOT
Những giáo viên thực hiện hành vi bạo lực với trẻ em như mắng chửi, đánh đập mà bị phát hiện, sẽ bị xử lý kỷ luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả nghiêm trọng.
Những người có tính nóng nảy không có kỹ năng nghiệp vụ hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, sẽ không có tác dụng giáo dục. Hành động này chỉ làm cho trẻ em bị tổn thương, sợ hãi, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm lý, hình thành nhân cách của trẻ. Nó hình thành mầm mống và nuôi dưỡng tư duy bạo lực, cách sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong xã hội.
Những trẻ sống và chứng kiến bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, lớn lên dễ nóng tính, sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong đời sống, hình thành tâm lý coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Những em được giáo dục trong nền giáo dục văn minh, được tôn trọng, đề cao ý thức tôn trọng người khác, các quy tắc trong xã hội, pháp luật sẽ ít vi phạm, ít phạm tội hơn.
Không được phép đánh đập, chửi mắng học sinh
Hoạt động giáo dục có nguyên tắc, định hướng, nội dung và phương pháp. Giáo viên cũng phải đảm bảo những tiêu chuẩn và tuân thủ nguyên tắc trong giáo dục.
Với học sinh, giáo viên ứng xử phải tuân theo kỷ luật, nội quy của nhà trường: Có khen thưởng, kỷ luật. Việc khen thưởng, kỷ luật học sinh phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Trong trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật, không tuân thủ các nguyên tắc, giáo viên chỉ được phép sử dụng quyền năng của mình theo quy định pháp luật để thực hiện các hình thức xử lý kỷ luật như nhắc nhở, phê bình, đưa sang hội đồng kỷ luật nhà trường, chứ không được phép đánh đập, chửi mắng học sinh.
Tùy thuộc hậu quả của hành vi đánh đập, chửi mắng học sinh, giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác (nếu hậu quả được xác định nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý của học sinh, ảnh hưởng uy tín của ngành giáo dục).
Học sinh lớp 2 còn rất bé và cũng dễ vâng lời, không hiểu sao giáo viên lại có những hành vi phản giáo dục như vậy?
Việc nhà trường đình chỉ giảng dạy đối với giáo viên, phân công nhiệm vụ khác và báo cáo sự việc với sở GD&ĐT, UBND cấp huyện để tổ chức thanh tra xác minh làm rõ hành vi của cô giáo, xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết.
Căn cứ kết luận thanh tra, tùy thuộc hành vi cụ thể, hậu quả cụ thể và quá trình vi phạm mà giáo viên sẽ phải chịu hình thức kỷ luật, cao nhất có thể là buộc thôi việc, cho ra khỏi ngành.
Theo Zing
Lũ cuốn trôi mất trường, thầy cô bám bản nỗ lực ngày đêm dựng lớp kịp khai giảng
Khắc phục hậu quả cơn lũ để lại, các thầy cô giáo tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa nỗ lực chuẩn bị ngày lễ khai giảng tươm tất cho các em học sinh.
Cơn lũ đi qua xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày 3/8 để lại nhiều mất mát, đau thương về người và tài sản cho người dân nơi đây. Đáng chú ý, điểm trường Tiểu học Son - Sa Ná, nơi học tập của 71 học sinh đến từ hai bản Son và Sa Ná, bị xóa sổ hoàn toàn. Điểm khoanh đỏ trước đây là điểm trường Tiểu học Son-Sa Ná.
Toàn bộ cơ sở vật chất gồm 4 phòng học xây cấp 4, trang thiết bị dạy học, đồ dùng cá nhân của giáo viên, nhà vệ sinh của giáo viên đều bị tàn phá. Một giáo viên của trường có con trai 3 tháng tuổi bị nước cuốn mất tích, chồng chị bị nước cuốn trôi gãy xương sườn, dập thận nặng. Hai học sinh của trường mất tích đã tìm thấy thi hài, một em học sinh lớp 2 vẫn mất liên lạc.
Ngày khai giảng đang đến gần, Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn chỉ đạo dựng phòng học ghép, trên nền khuôn viên trường mầm non Sa Ná - Son. Tại đây, nhà trường sẽ tổ chức dạy thành 4 lớp, trong đó có một lớp học ghép 2 trình độ. Các lớp này được dựng cấp tốc 7 ngày sau khi nhận chỉ đạo và đã đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, huyện đang xây dựng điểm trường tiểu học và mầm non mới trong khu tái định cư, thuộc đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách điểm trường cũ khoảng 1km.
Thầy Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo cho biết, hiện các thầy cô giáo đang nỗ lực hết sức mình để chuẩn bị cho các em học sinh một mùa khai giảng tươm tất hơn, khắc phục hậu quả sau lũ.
"Các thầy cô đưa thêm những chậu hoa màu sắc vào điểm trường với hy vọng làm vơi bớt không khí đau buồn sau cơn lũ vừa xảy ra tại đây", thầy Thành nói.
Cách đó 16km, tại điểm trường Tiểu học Cha Khót, xã Na Mèo, nhiều phụ huynh và thầy cô giáo cũng băng suối, vượt đường đất đá dốc thẳng đứng, đem những trang thiết bị dạy học cho các em học sinh dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn.
Bước vào năm học mới 2019-2020, các em học sinh tại đây nhận 10 bộ bàn ghế mới, 14 bàn học ở nhà và 14 đèn học từ các mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện từ khắp cả nước.
Điểm trường Tiểu học Na Mèo - khu Cha Khót là một trong những nơi xa xôi, khó đi, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm vượt đèo, lội suối để đến được với các em học sinh. Ở một nơi khó khăn như thế, ít ai biết rằng, bám điểm trường lại là hai giáo viên nữ. Hai cô chia sẻ: "Khó khăn vất vả thật, nhưng vì thương các em nên mình vẫn quyết tâm bám trụ".
Nụ cười tươi của những cô, cậu học trò dân tộc Thái trước ngày khai giảng. Đây là một lớp học ghép 2 trình độ lớp 1 và lớp 3 - hình thức lớp học điển hình của các điểm trường nằm sâu trong bản, có ít học sinh và còn thiếu điều kiện cơ sở vật chất.
Theo VTC
Quảng Ngãi: "Chỉ mong có điện về để các em học tập thuận tiện hơn" Tháng 5, cái nắng như thiêu đốt. Vậy mà, những đứa trẻ trên thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) phải học tập trong những căn phòng ngột ngạt. Mùa đông, sương mù giăng kín thảo nguyên, đây là lúc những đứa trẻ phải lần tìm con chữ trong bóng tối nhập nhoạng. Từ nhiều năm qua,...