Thưởng 1 điểm cho bài làm độc đáo, sáng tạo
‘Những bài làm có cách giải độc đáo, sáng tạo so với đáp án nhưng vẫn đúng sẽ được thưởng tối đa 1 điểm”, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục Ngô Kim Khôi cho biết.
Chiều 10/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013. Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục Ngô Kim Khôi cho biết, trong hai đợt thi, cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 62, cảnh cáo 17, đình chỉ thi 254. Số thí sinh đến muộn không được dự thi là 6 em. Có hai trường hợp bị phát hiện thi hộ, hiện công an đang điều tra mở rộng.
Cục trưởng Khôi cho hay, ngay sau khi công bố đáp án, Bộ đã chỉ đạo các trường chấm thi công bằng. Những bài làm có cách giải độc đáo, sáng tạo so với đáp án nhưng vẫn đúng sẽ được cộng điểm thưởng tối đa 1 điểm. Điều này phù hợp bởi cách ra đề thi mở thì đáp án cũng phải mở để các thầy cô đánh giá tư duy sáng tạo của thí sinh.
Thí sinh cười tươi sau buổi thi. Ảnh Phúc Nguyễn
Quy trình chấm thi gồm 2 vòng độc lập. Sau đó chấm kiểm tra tối thiểu 5%. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức đối thoại ban chấm kiểm tra – ban chấm thi để đảm bảo chất lượng. Công tác hậu kiểm cũng được làm chặt chẽ, các thí sinh thi đỗ vào trường sẽ phải đối chiếu chữ viết giữa hồ sơ và bài thi xem có giống nhau không. Công tác này được kiểm tra bất kỳ thời điểm nào trong quá trình học của sinh viên.
Cục trưởng Khảo thí cũng thông tin, điểm sàn sẽ được thảo luận và quyết định trước 10/8, công bố trên website của các trường và Bộ Giáo dục. Điểm sàn được tính toán dựa trên nguồn tuyển, đảm bảo dôi dư cho các trường. Năm nay, số chỉ tiêu là 605.000, có trên 1,2 triệu thí sinh dự thi.
Video đang HOT
“Nhiều em đủ điểm trúng tuyển, được các trường gọi nhập học nhưng không đến vì nhận thức được môi trường đào tạo đó không có chất lượng. Vì vậy, các trường phải lưu ý nâng cao thương hiệu thì mới thu hút được thí sinh”, ông Khôi nhận định.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, từ nay đến năm 2015 vẫn sẽ tuyển sinh theo phương án 3 chung. Trường nào có phương án tuyển sinh riêng phù hợp sẽ được Bộ sẽ đưa ra dư luận, nếu có đồng tình sẽ cho triển khai. Trước ngày 31/7, các trường phải công bố điểm thi. Bộ sẽ xử lý trường nào găm dữ liệu, bán cho các đơn vị mở dịch vụ tra cứu.
Bộ GD&ĐT cũng vừa thông báo, những học sinh đoạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT và học sinh ưu tiên xét tuyển thẳng ĐH, CĐ của 20 huyện thuộc khu vực Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên vừa được bổ sung ngày 14/6 sẽ được kéo dài thời gian xét tuyển đến 31/7. Những học sinh này cần khai hồ sơ đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về cơ sở giáo dục ĐH để xét tuyển. Những chỉ tiêu ưu tiên tuyển thẳng này không nằm trong chỉ tiêu mà cơ sở giáo dục ĐH đã xác định hằng năm theo quy định hiện hành.
Theo VNE
'Đề thi đại học không đánh đố thí sinh'
"Đề thi đại học được ra theo hướng không quá khó, phức tạp, nằm trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là lớp 12", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết.
- Là trưởng ban chỉ đạo thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, Thứ trưởng hãy bật mí về hướng ra đề năm nay?
- Ban đề thi gồm có giảng viên đại học, giáo viên THPT đại diện các khu vực, vùng miền trên cả nước. Sự tham gia của giáo viên THPT trong soạn thảo và phản biện đề thi giúp cho đề bám sát chương trình, phù hợp với trình độ và thời gian làm bài của thí sinh. Các giảng viên đại học giúp đề thi có tính phân loại, đảm bảo kiểm tra kiến thức tối thiểu của thí sinh để có thể học được chương trình đại học, cao đẳng.
Bộ chỉ đạo ban đề thi phải đảm bảo yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và thực hành của thí sinh. Nội dung đề nằm trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Đề không được quá khó, quá phức tạp, không đánh đố thí sinh, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ.
Đề thi có những phần dễ để thí sinh trung bình có thể làm được, có những phần tương đối khó dành cho thí sinh khá và có câu khó dành cho thí sinh giỏi. Các môn xã hội sẽ tiếp tục được ra theo hướng mở để hạn chế cách học vẹt của học sinh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đề thi đại học chủ yếu vào kiến thức lớp 12. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Năm nay tình trạng lộn xộn trong trường thi tiếp diễn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ có kế hoạch gì để giám sát kỳ thi đại học?
- Bộ có các đoàn thanh tra lưu động làm nhiệm vụ thanh tra ở các điểm thi trên cả nước và không báo trước. Việc thanh tra được thực hiện cả trong công tác chấm thi (chấm thẩm định), xét tuyển (được thực hiện sau khi các trường đã gọi thí sinh trúng tuyển nhập học). Những trường bị phát hiện có sai sót trong tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển... sẽ bị xử lý nghiêm.
- Một số trường ngoài công lập đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Việc này được áp dụng trong mùa tuyển sinh năm nay như thế nào?
- Đề án tuyển sinh của các trường ngoài công lập trình lên Bộ chủ yếu là kết hợp xét tuyển điểm thi tốt nghiệp và kết quả học tập phổ thông. Tuy nhiên, sau khi thăm dò ý kiến thì nhiều chuyên gia và xã hội chưa đồng tình với phương án này do độ tin cậy thấp. Phương án tuyển sinh riêng cần đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu được xã hội thừa nhận (như điểm sàn trong ba chung).
Bộ đã làm việc với từng trường có phương án đề xuất, trao đổi thẳng thắn và thống nhất các trường xây dựng lại phương án tuyển sinh riêng theo hướng chia thành 2 đợt. Đợt 1 (mùa thu) tuyển sinh theo phương thức 3 chung với điểm sàn theo quy định. Đợt 2 (mùa xuân) các trường chủ động tổ chức thi riêng để tuyển bổ sung nếu đợt 1 chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong đợt thi bổ sung, các trường chủ động hoàn toàn về đề thi, tổ chức thi, phương án xét tuyển và chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng nguồn tuyển. Bộ sẽ thực hiện việc kiểm tra giám sát. Khi phương án tuyển sinh riêng chưa được phê duyệt, các trường vẫn tuyển sinh chung theo đúng quy chế hiện hành.
- Lời khuyên của Thứ trưởng dành cho thí sinh trước khi bước vào kỳ thi là gì?
- Thí sinh cần nắm rõ những vật dụng cấm mang vào phòng thi. Ngoài bút, mực, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi trong danh mục quy định..., thí sinh được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi, không có chức năng phát tại chỗ, không truyền được thông tin ra ngoài (không có loa, tai nghe, không có màn hình hiển thị thông tin, không có 3G, 4G, WiFi, Bluetooth...).
Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi nếu mang tài liệu, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận trong quá trình làm bài thi.
Điều quan trọng nhất là cần giữ gìn sức khỏe. Khi làm bài nên lướt qua đề thi tìm những câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Thí sinh cũng phải bình tĩnh, tự tin để làm hết các câu hỏi.
Theo VNE
Một HS gửi thư mong lãnh đạo Bộ trả lời Nguyễn Trung Dũng, học lớp 12C5 chuyên Anh, Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) đang trở thành hotboy trên facebook. Sau kỳ thi tuyển sinh đại học 2 ngày, phát hiện ra sai sót trong đáp án đề tuyển sinh môn Tiếng Anh (câu số 23 mã đề 248), Trung Dũng gửi thư lên Cục Khảo thí, Bộ GD&ĐT, rồi gửi Bộ...