“Thùng thuốc nổ nguy hiểm” của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Trang mạng Boxun đăng bài phân tích cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lan đến lĩnh vực tài chính và “thùng thuốc nổ” nguy hiểm nhất của Trung Quốc đã bị châm ngòi.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 5/8, khi giá trị của đồng NDT so với USD đã giảm mạnh, phá ngưỡng 7 NDT đổi USD. Động thái này không thể xem thường, bởi đây là một ngưỡng quan trọng đối với việc ổn định ngoại hối của Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngay lập tức phản ứng, với việc ông Trump viết trên Twitter cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ” bằng việc hạ giá tiền tệ xuống mức gần như thấp nhất trong lịch sử. Bộ trưởng Tài chính Mỹ sau đó ra tuyên bố Trung Quốc được liệt vào danh sách nước thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết hành động của Trung Quốc vi phạm cam kết của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về tránh giảm giá mang tính cạnh tranh tiền tệ và Mỹ hy vọng Bắc Kinh sẽ tuân thủ những cam kết này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngay lập tức phản đối việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, đồng thời cho rằng việc này không phù hợp với các tiêu chuẩn định lượng của cái gọi là “nước thao túng tiền tệ” mà Bộ Tài chính Mỹ tự đặt ra, là hành vi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ tùy tiện, phá hoại nghiêm trọng các quy tắc quốc tế. Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố tạm dừng mua nông sản của Mỹ.
Việc Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc là nước thao túng tiền tệ lập tức trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế bởi hậu quả của cuộc chiến tài chính nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại. Tờ “Financial Times” (Anh) cho biết lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ đã sụp đổ và cuộc chiến thương mại đang bước vào giai đoạn khó khăn chưa từng có.
Giám đốc đầu tư của tập đoàn Bleakley Advisory Group, Peter Boockvar cho rằng tình hình cuộc chiến thương mại đang vượt khỏi tầm kiểm soát. “Thời báo New York” (Mỹ) đưa tin rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn nguy hiểm hơn.
Giáo sư trong lĩnh vực thương mại tại Đại học Nam Carolina, Tạ Điền, đã chỉ ra rằng Chính phủ Trung Quốc chịu sức ép từ nhiều phía, việc để đồng NDT hạ giá là biện pháp bất đắc dĩ.
Một mặt, Trung Quốc muốn đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách giảm giá NDT, mặt khác vì đã in rất nhiều tiền mặt. Cuộc chiến thương mại cũng đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối của nước này, vì vậy Bắc Kinh đành phải nới lỏng chính sách tiền tệ.
Việc đồng NDT giảm giá có thể khiến Mỹ tăng cường áp thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc sẽ chịu áp lực ngày càng lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, kinh tế nước này sẽ tiếp tục gặp khó khăn, dòng vốn chảy ra nước ngoài ngày càng nghiêm trọng, sự chuyển dịch chuỗi ngành nghề cũng sẽ tăng tốc.
Mặc dù Thống đốc PBOC Dịch Cương cho biết: “Trung Quốc tuân thủ hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định, không tham gia hạ giá cạnh tranh, không sử dụng tỷ giá hối đoái vào mục đích cạnh tranh và không sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ để giải quyết các hỗn loạn bên ngoài như tranh chấp thương mại”, nhưng việc Trung Quốc kiểm soát tỷ giá ngoại hối là thực tế.
Theo tác giả bài viết, PBoC luôn xác định giá trung gian của tỷ giá NDT chứ không phải được xác định bởi các giao dịch thị trường. Giữ tỷ giá NDT không “phá vỡ ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD” là phòng tuyến tâm lý mang tính giai đoạn của ngân hàng trung ương cách đây 2-3 năm.
Video đang HOT
Ngân hàng trung ương cũng đã tiêu hao một lượng lớn dự trữ ngoại hối cho mục đích này.
Khi giải thích về sự mất giá của đồng NDT, ông Dịch Cương đã chủ động đề cập đến “việc chịu ảnh hưởng của các biện pháp chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại cũng như việc dự báo áp thuế bổ sung của Mỹ đối với Trung Quốc”. Điều này đã chứng minh dấu vết bàn tay hữu hình của Chính phủ Trung Quốc.
Trong môi trường suy thoái kinh tế, ngăn chặn tác động của thuế quan thông qua việc hạ giá đồng nội tệ để đối phó với ảnh hưởng của thuế quan, kích thích xuất khẩu, phù hợp với một số lý do nhất định. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay, hậu quả tiềm tàng của việc giảm giá NDT lại rất lớn.
Sự mất giá của đồng NDT là con dao hai lưỡi, không chỉ có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc, mà còn đẩy nhanh quá trình dòng vốn chảy ra bên ngoài và thúc đẩy tăng giá thành nhập khẩu, tăng sức ép lạm phát. Chính phủ Trung Quốc luôn coi việc đảm bảo tỷ giá đồng NDT ở ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD là giới hạn đỏ không thể bị phá vỡ.
Động thái này có tác động lớn đến tâm lý của người dân Trung Quốc, bởi nó làm gia tăng dự báo về cuộc khủng hoảng kinh tế và lạm phát ở nước này. “Chiếc hộp Pandora” trong nền kinh tế Trung Quốc chứa nhiều những rủi ro lớn như nợ chính phủ, hệ thống tài chính, bong bóng bất động sản.
Hành động này của ngân hàng trung ương có mục đích thăm dò điểm tới hạn, sẽ tiếp tục duy trì ổn định thị trường ngoại hối và sẽ không để tỷ giá NDT bị trượt tự do một cách không kiểm soát.
Có học giả cho rằng tỷ giá NDT đã cho thấy mức độ biến động nhất định, nhưng tính linh hoạt của tỷ giá theo chiến lược duy trì ổn định này rất khác với trạng thái cân bằng thị trường thực.
Cần phải chỉ ra rằng sự mất giá của đồng NDT có tác động nhiều hơn đến cuộc sống của người dân. Số liệu cho thấy trong tháng 6/2019, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Mặt khác, báo cáo của Tập đoàn Tài chính quốc tế Trung Quốc (CICC) chỉ rõ hiện nay cơ sở pháp lý để Mỹ nhận định “nước thao túng tiền tệ” là Đạo luật về Thuận lợi và Thực thi Thương mại năm 2015 (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2015, TFTEA).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cụ thể, Bộ Tài chính có quyền quyết định về các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan và các ngưỡng xác định, Tổng thống cũng có thể chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh. Trung Quốc liệu có phù hợp các tiêu chuẩn của nước thao túng thương mại hay không?
Có ba tiêu chí chủ yếu đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ: đó là nước thao túng tỷ giá có thâm hụt thương mại vượt trên 20 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai hơn 3% GDP và đơn phương tiếp tục can thiệp vào tỷ giá hối đoái.
So sánh hai tiêu chí để “đạt tiêu chuẩn” của Trung Quốc: Một là giữa Mỹ và Trung Quốc có thâm hụt thương mại rất lớn; Hai là, theo số liệu chính thức của Trung Quốc, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc năm 2007 chiếm hơn 10% GDP, giảm xuống 3,5% trong năm 2015 và giảm xuống còn 1,38% trong năm 2017.
Điều này từ số liệu bên ngoài cho thấy không phù hợp điều kiện 3% của Mỹ. Ba là sự can thiệp của Trung Quốc vào tỷ giá hối đoái, hạ giá đồng NDT để bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu do cuộc chiến thương mại là một thực tế, phù hợp với điều kiện của Mỹ. Trung Quốc từng 5 lần bị Mỹ cáo buộc là nước thao túng tiền tệ trong khoảng thời gian từ năm 1992-1994.
Theo luật pháp của Mỹ, nếu một quốc gia nào đó được liệt kê là nước thao túng tiền tệ thì Bộ Tài chính Mỹ sẽ khởi động đàm phán với nước này để hối thúc họ thay đổi biện pháp.
Nếu tỷ giá hối đoái tiếp tục bị thao túng sau một năm, Tổng thống Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt sau: Cấm bất kỳ dự án nào của nước này được các công ty đầu tư tư nhân ở nước ngoài của Mỹ góp vốn; Loại nước này ra khỏi danh sách nước mua sắm và cung cấp của Chính phủ Mỹ; Kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng cường giám sát đối với nước này; Chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ đánh giá xem liệu có nên ký kết hiệp định thương mại với nước này hay khi khởi động, tham gia đàm phán hiệp định thương mại thì cần phải xem xét hành vi thao túng tiền tệ của nước này.
Bài viết kết luận, hành động của Tổng thống Donald Trump và Bộ Tài chính Mỹ phần lớn mang tính tượng trưng. Bởi khi Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ, bước tiếp theo là đàm phán giữa hai nước.
Vì vậy, mục đích Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vẫn là gây sức ép với nước này để buộc Bắc Kinh nhanh chóng nhượng bộ và đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Về phía Trung Quốc, để trả đũa các biện pháp thuế của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc còn có thể đưa ra “con bài” khác và việc giảm giá NDT không phải là thượng sách.
Việc Bắc Kinh để đồng NDT hạ giá là một hành động nguy hiểm, không tính đến tâm lý lo ngại của các doanh nghiệp tư nhân và người dân Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng kinh tế, điều này không khác nào châm lửa vào “thùng thuốc súng” tài chính của nước này.
Trong diễn biến mới nhất, người phát ngôn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 16/9 cho biết, các nhà đàm phán thương mại cấp phó của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Washington, bắt đầu từ ngày 19/9.
Trước đó, Chính phủ Mỹ và Trung Quốc thông báo các cuộc đàm phán thương mại cấp phó Mỹ-Trung dự kiến sẽ nối lại vào giữa tháng Chín tại Washington, song vẫn chưa công bố thời điểm cụ thể.
Các cuộc đàm phán này sẽ mở đường cho cuộc gặp cấp cao giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin với nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc – Phó Thủ tướng Lưu Hạc – dự kiến diễn ra vào đầu tháng Mười.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15/10. Trung Quốc ngày 12/9 cũng thông báo đang tiến hành tham vấn về vấn đề mua nông sản của Mỹ bao gồm các loại hàng hóa như thịt lợn và đậu tương.
Những động thái của Trung Quốc và Mỹ cho thấy hai bên đang nỗ lực tạo không khí hòa hoãn thúc đẩy cuộc đàm phán hướng tới đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại đang gây tổn hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như đẩy lùi tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Dự kiến, hai nước sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại và kinh tế cấp cao lần thứ 13 vào tháng Mười tới tại thủ đô Washington của Mỹ./.
Lê Anh (TTXVN tại Hong Kong)
Giá vàng hôm nay 9/9: Dữ liệu kinh tế u ám, giá vàng "tạm nghỉ lấy sức cho lần bật nhảy mới"
Bức tranh kinh tế của Mỹ kém sắc làm tăng khả năng FED thực hiện giảm lãi suất cơ bản đồng USD, qua đó được nhận định sẽ đẩy giá vàng hôm nay lên cao.
Ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 9/9, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.506,62 USD/Ounce.
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 10/2019 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.508,0 USD/Ounce, giảm 1,0 USD/Ounce trong phiên.
Giá vàng hôm nay cao hơn khoảng 241 USD/Ounce so với đầu năm 2019. Quy theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới hiện có giá 41,85 triệu đồng/lượng. Chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn giá vàng trong nước 600 ngàn đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ chủ yếu do thị trường ghi nhận tín hiệu tích cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và thị trường chứng khoán châu Á hồi phục mạnh. Ngoài ra, đồng USD treo ở mức cao cũng phần nào gây sức ép lên giá vàng.
Tuy nhiên, theo nhận định, xu hướng giảm của giá vàng chỉ là tạm thời, như là "tạm nghỉ lấy sức cho lần bật nhảy mới".
Báo cáo việc làm của Mỹ vừa công bố cho thấy, trong tháng 8/2019, các doanh nghiệp Mỹ chỉ tạo thêm được 130 ngàn việc làm, thấp hơn nhiều dự báo trước đó.
Trong báo cáo công bố ngày 6/9, Bộ Lao động Mỹ cũng đưa cảnh bảo số việc làm mới được tạo ra trong tháng 8 thấp càng làm gia tăng những quan ngại rằng sự suy giảm kinh tế toàn cầu có thể gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ sau hơn một thập kỷ tăng trưởng.
Báo cáo cũng cho biết tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 7/2019 đã được điều chỉnh thấp hơn 5.000 việc làm so với mức tăng 159.000 việc làm. Trong khi đó, mức tăng 193.000 việc làm trong tháng 6 đã bị điều chỉnh giảm xuống còn 178.000 việc làm mới. Sự điều chỉnh trên đã khiến mức tăng việc làm trung bình hằng tháng trong năm 2019 xuống còn 158.000, thấp hơn mức tăng trung bình hằng tháng 223.000 trong năm 2018.
Những dữ liệu kém sắc của nền kinh tế Mỹ được nhận định sẽ làm tăng khả năng FED sẽ điều chỉnh lãi suất vào cuối tháng 9 này.
Ở diễn biến mới nhất, Reuters đưa tin, theo số liệu hải quan của Trung Quốc được công bố hôm nay, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm 1% so với một năm trước đó, tỷ lệ sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 6, khi xuất khẩu giảm 1,3%. Các nhà phân tích trước đó đã dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 2% trong một cuộc thăm dò của Reuters, sau mức tăng 3,3% của tháng 7.
Ngoài ra, số liệu mới nhất cũng cho thấy Trung Quốc nhập khẩu giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 4. Nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 5,6% trong tháng 8, thấp hơn chút ít so với mức dự đoán - 6%, và không đổi so với mức giảm 5,6% của tháng 7.
Những diễn biến này được dự báo sẽ là động lực mới đẩy giá vàng tăng cao trong những ngày tới.
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch ngày 9/9/2019, giá vàng 9999 trong nước được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 42,55 - 42,90 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 42,15 - 42,48 triệu đồng/lượng.
Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng miếng SJC đứng ở mức 42,10 - 42,50 triệu đồng/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng 9999 được niêm yết ở mức 42,52 - 42,86 triệu đồng/lượng.
Minh Ngọc
Theo petrotimes
Giá xăng, dầu (7/9): Chờ xu hướng mới Giá dầu thế giới ngày 7/9, tăng nhẹ trong bối cảnh Fed có những động thái tích cực nhằm ổn định nền kinh tế khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa chấm dứt. Ảnh: laodong.vn. Giá dầu thế giới Giá dầu thô Brent tăng 42 cent so với hôm qua, hiện tại ở mức 61,82 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng...