Thung lũng Tình Yêu – khung cảnh lãng mạn giữa cao nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng)
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về hướng đông bắc, khu du lịch Thung lũng Tình Yêu được ví như “nàng thơ” xinh đẹp của Đà Lạt mộng mơ.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, Thung lũng Tình Yêu là nơi hẹn hò, tâm sự của các đôi tình nhân vào mỗi dịp cuối tuần, vì vậy mà người Pháp khi đó cai quản Đà Lạt đã đặt tên tiếng Pháp cho thắng cảnh này là Vallée D Amour (nghĩa là Thung lũng Tình Yêu).
Thung lũng Tình Yêu có tổng diện tích 137,3ha, bao gồm những ngọn đồi (đồi Vọng Cảnh, đồi Địa Đàng, đồi Uyên ương Hồ Điệp.. .), hồ Đa Thiện, thảm cỏ, tiểu cảnh và rừng thông quanh năm xanh biếc…, trong đó điểm nhấn của khu du lịch là hồ Đa Thiện (diện tích 13ha) – nơi đón những dòng suối bắt nguồn từ trên núi cao chảy xuống. Trên mặt hồ có cầu khóa tình yêu – nơi các đôi tình nhân thể hiện tình cảm và gắn ổ khóa tình yêu lên thành cầu với mong ước tình yêu luôn chung thủy, bền chặt. Vào mỗi mùa hoa Mimosa nở ở Thung lũng Tình Yêu, đỉnh đồi Vọng Cảnh là vị trí đẹp nhất để ngắm hoa Mimosa và bao quát toàn cảnh hồ Đa Thiện cũng như Thung lũng Tình Yêu lãng mạn, hữu tình.
Video đang HOT
Đến Thung lũng Tình Yêu, ngoài thưởng lãm cảnh đẹp, thưởng thức các món ăn tại nhà hàng Vallée Damour, du khách còn có dịp tham gia các dịch vụ du lịch hấp dẫn như: đạp vịt, đi canô trên hồ Đa Thiện; bắn súng sơn; giữ thăng bằng trên dây cáp (highwire); đu dây mạo hiểm tự do (zipline); cưỡi ngựa tham quan Thung lũng Tình Yêu; đi xe lửa cổ, xe jeep tham quan Thung lũng Tình Yêu; teambuilding – tham gia các hoạt động theo nhóm; ngày hội Tình Yêu… Trong đó, ấn tượng và ý nghĩa nhất là trò chơi khám phá Mê cung tình yêu hình trái tim màu xanh trải rộng trên diện tích 4.000m. Mê cung tình yêu được làm từ 24.000 cây gừa được cắt tỉa công phu tạo thành bờ tường dài 1500m, cao 2m, rộng 50cm.
Thung lũng Tình yêu đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch) xếp hạng là Thắng cảnh cấp Quốc gia vào tháng 10 năm 1998.
Vẻ đẹp hoang sơ thác Voi (Lâm Đồng)
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 25km về hướng Tây Nam, thác Voi thuộc xã Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Con thác cao 30m, rộng 15m này thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Đến thác Voi thưởng ngoạn, hít một hơi thật sâu để cảm nhận sự thanh khiết, yên bình, xanh mướt của thiên nhiên vùng cao nguyên mộc mạc.
Thực ra thác Voi không phải là địa điểm du lịch phổ biến bởi nơi đây có địa hình khá mạo hiểm, ít dịch vụ ăn uống cũng như lưu trú. Thường thì giới trẻ đến đây do nằm trong tour tổng hợp hoặc tour trong ngày, tức lên Đà Lạt rồi thuê tour tham quan những khu vực lân cận. Thác Voi nhờ đó được biết đến nhiều hơn trong những năm gần đây.
Từ Đà Lạt, khách có thể đi xe buýt, thuê xe hơi hoặc xe máy theo đường ĐT725, mất 30 phút là đến thác Voi. Trên đường đến thác, bạn có thể ghé làng hoa Vạn Thành, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của cung đường đèo Tà Nung, quán cà phê Mê Linh, ngắm cánh đồng hoa hướng dương (hoặc hoa cải trắng theo mùa), thăm chùa Vạn Đức...
Đến đây, vừa bước vào cổng, du khách sẽ bị ấn tượng ngay bởi tượng những chú voi nằm kề bên dòng thác. Tiếng thác chảy ầm ầm, dữ dội, đủ kích thích sự tò mò, muốn khám phá ngay đối với những ai có máu phiêu lưu. Những tượng voi tạo điểm nhấn và cũng là hình ảnh gợi cho người ta tìm hiểu về một sự tích của dân tộc K'ho.
Các già làng K'ho cư trú lâu đời ở miền đất này kể rằng, ngày xưa, vị tù trưởng của vùng núi Jơi Biêng có cô con gái rất đẹp. Mỗi khi sơn nữ cất giọng hát thì lá rừng thôi xào xạc, đàn chim ngừng tiếng hót để lắng nghe. Người yêu của nàng là con trai của tù trưởng làng bên. Chàng được nhiều người yêu mến, quý trọng không chỉ bởi vóc dáng vạm vỡ, khuôn mặt khôi ngô mà còn vì sự gan góc, dũng cảm ít ai sánh kịp.
Họ đã trao lời hẹn ước nên duyên chồng vợ song chàng trai phải lên đường giết giặc và rồi nhiều mùa trăng trôi qua mà chẳng thấy quay về. Cô gái đau khổ tìm đến ngọn núi hoang vắng mà trước kia họ từng hò hẹn, cất tiếng hát tha thiết, sầu thảm với hy vọng người trong mộng tìm về chốn xưa. Tiếng hát khiến loài chim B'ling xúc động. Chúng rủ nhau bay đi thật xa để dò la tin tức rồi về báo cho nàng biết là chàng trai đã hy sinh ngoài chiến trường.
Thế nhưng, sơn nữ vẫn không chịu chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Nàng cứ hát, hát mãi cho đến khi kiệt sức, ngã quỵ và không bao giờ gượng dậy được nữa. Đàn voi phủ phục nghe nàng hát bấy lâu nay cũng hóa đá lặng câm. Bỗng có tiếng nổ lớn, trời đất rung chuyển khiến ngọn núi gãy ngang và một dòng thác đột ngột tuôn chảy, tung bọt trắng xóa. Tiếng thác nước rì rầm hòa cùng tiếng xào xạc của rừng cây, tiếng líu lo chim hót như tiếp nối lời ca, tiếng đàn của sơn nữ xinh đẹp, thủy chung. Người K'ho bèn đặt tên cho thác là Liêng Rơwoa Jơi Biêng - thác của những con voi phủ phục hóa đá trước tình yêu nồng nàn.
Đi xuống sâu dưới đáy thác theo từng bậc thang (145 bậc tam cấp) sẽ có thể chiêm ngưỡng những điều kỳ thú bên trong lòng khu thác. Từng bậc, từng bậc thang dốc và ngoằn ngoèo khiến cho ai "yếu bóng vía" muốn bỏ cuộc ngay, nhưng lại là điều thú vị với những người có máu phiêu lưu. Khi là những bậc thang đá tự nhiên ăn sâu vào vách núi, lúc là những chiếc cầu gỗ chênh vênh bên bờ vực thẳm. Có nơi chỉ là các gờ đá, hốc cây, phải đu người qua. Xa xa là cánh rừng xanh bạt ngàn.
Ở khu vực tầng trung, có Hang Gió rất huyền hoặc và cuốn hút. Nơi đây không dành cho những người yếu tim. Hang tối om, lối vào rất hẹp, nhưng bên trong khá rộng, phát ra những âm thanh vi vu rất vui tai như tiếng sáo đến từ thiên thai. Ở cuối hang là ánh sáng lung linh. Từ đây, những ai yêu thích chụp ảnh có thể chụp lia toàn cảnh thác rất đẹp. Hay hang Dơi ăn sâu xuống lòng đất đến 50m với những vách đá có các hình thù, màu sắc rất lạ mắt.
Tận đáy thác là dòng chảy nhẹ, êm dịu, được phân ra nhiều ngả rẽ rất dịu dàng, không dữ dội như đầu nguồn. Ăn sâu trong cánh rừng già xuất hiện một số tảng đá lớn có hình thù hệt như những chú voi con đang nghịch nước.
Đưa nhau đi trốn ở ngôi làng 'ngập sương khói', chỉ cách Đà Lạt một giờ ngồi xe Bạn có biết ở gần Đà Lạt còn có sự hiện diện của ngôi làng sương khói giăng kín lối, long lanh hệt như tên gọi. Nằm sâu trong những ngọn đồi xanh mướt và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn của cao nguyên Lâm Đồng, làng K'Long K'Lanh hiện lên như một bức tranh bình yên, mộc mạc và đầy sức...