Thuê chuyến bay chở giáo viên nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy
Vì dịch Covid-19, vấn đề khó khăn nhất đối với các trường đại học, phổ thông có yếu tố quốc tế cũng như các trung tâm Anh ngữ là thiếu hụt giáo viên nước ngoài.
Chuyến bay chở giảng viên ĐH RMIT và các sinh viên RMIT người Việt về Việt Nam ngày 6.9 – ẢNH: BAMBOO AIRWAYS
Dành gần 1 tỉ đồng đưa giáo viên trở lại
ĐH RMIT Việt Nam là trường gặp nhiều vấn đề về giáo viên (GV) quốc tế nhất trong thời gian dịch Covid-19. Vào tháng 7, trong một hội nghị do Bộ GD-ĐT tổ chức, đại diện nhà trường cũng lên tiếng đề nghị Bộ có ý kiến, đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia để hỗ trợ giúp nhóm giảng viên, sinh viên đang mắc kẹt tại Úc và nhiều nước khác trở lại Việt Nam.
Chia sẻ với Thanh Niên, Giáo sư Peter Coloe, Chủ tịch ĐH RMIT Việt Nam, cho biết đội ngũ giảng viên của trường có khoảng 40% đến từ nước ngoài. Thời gian qua giảng viên nước ngoài về nước do dịch Covid-19, sau đó không quay trở lại Việt Nam được.
Cũng theo Giáo sư Peter Coloe, từ khi xảy ra dịch đến nay, ĐH RMIT Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc để hỗ trợ việc đi lại của đội ngũ giảng viên RMIT. Sau nhiều tháng lên kế hoạch và chuẩn bị, ngày 6.9, một chuyến bay do ĐH RMIT Việt Nam tổ chức khởi hành từ Melbourne (Úc) đã hạ cánh tại Vân Đồn (Quảng Ninh) chở theo 270 hành khách, bao gồm nhiều giảng viên RMIT và các sinh viên RMIT người Việt hồi hương sau khoảng thời gian đi trao đổi tại Melbourne.
Để nhập cảnh Việt Nam, toàn bộ hành khách trên chuyến bay được xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính 3 – 7 ngày trước khi bay. Tính đến nay, tất cả 270 người nói trên đã hoàn thành 14 ngày cách ly sau khi nhập cảnh và kết quả tái xét nghiệm đều âm tính, đủ điều kiện trở về với gia đình và công việc. Các giảng viên sẽ tham gia học kỳ mới vào tháng 10.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường quốc tế Canada, cho biết để chuẩn bị đủ GV nước ngoài cho tất cả các trường trong hệ thống vào năm học mới, bà cùng ban lãnh đạo phải động viên các GV cũ không về dịp hè. Bên cạnh đó, phải tính toán đưa GV mới tuyển sang Việt Nam kịp thời. Ban lãnh đạo đã phải thuê 80 chỗ trên một chuyến bay của Vietnam Airlines để đưa GV từ Canada sang Việt Nam. Chuyến bay này còn chở một số GV quốc tế từ trường khác và các chuyên gia. Muốn đăng ký các suất bay này, trường phải làm văn bản xin UBND TP.HCM, sau khi có văn bản đồng ý của UBND TP thì tiếp tục xin Cục Xuất nhập cảnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
Video đang HOT
Theo bà Oanh, vừa qua trường đã dành gần 1 tỉ đồng để đưa GV sang Việt Nam. Số tiền này dùng cho chi phí cách ly, ăn ở tại resort cho GV trong 14 ngày… Ngoài ra, trường cũng phải trả tiền xét nghiệm cho GV 4 lần (1 lần khi vào, 2 lần ở trong trại cách ly, 1 lần khi ra ngoài). Khi về trường, GV cũng phải xét nghiệm 2 lần nữa.
8.000 học viên phải chờ do thiếu GV nước ngoài
Các trung tâm Anh ngữ cũng lâm vào tình trạng thiếu GV nước ngoài. Theo lãnh đạo một trung tâm tiếng Anh lớn tại TP.HCM, hiện tại đơn vị này có đến 8.000 học viên đăng ký chờ xếp lớp. Tuy nhiên, trung tâm cũng “lực bất tòng tâm” vì không đủ GV đứng lớp. Trung tâm cam kết học sinh học với 100% GV bản ngữ nên không thể sử dụng các GV khác. Thậm chí có những Việt kiều đã ở nước ngoài nhiều năm, trình độ ngoại ngữ và sư phạm đạt chuẩn cũng không thể sử dụng.
“Chi phí đưa GV nước ngoài sang Việt Nam quá lớn nên một trung tâm Anh ngữ dù lớn đến đâu cũng khó có thể kham nổi”, vị lãnh đạo này cho biết.
Chương trình tiếng Anh tích hợp đang được dạy trong các trường phổ thông công lập ở TP.HCM cũng bị ảnh hưởng vì không đủ GV quốc tế. Ngày 15.9, các trường tiểu học, THCS tại TP.HCM đã gửi thông báo đến phụ huynh học sinh đang theo học chương trình tiếng Anh tích hợp về việc điều chỉnh thời lượng và học phí. Theo đó, thời lượng học của học sinh là 88 tiết (8 tiết x 11 tuần) trong đó có 70 tiết do GV nước ngoài đứng lớp và 18 tiết do GV Việt Nam đứng lớp giảng dạy với nhiệm vụ củng cố, ôn tập kiến thức cho học sinh chứ không dạy bài mới. Trước đó, chương trình này cũng thực hiện 8 tiết/tuần nhưng hoàn toàn là GV bản ngữ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh này xuất phát từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, tác động đến quá trình nhập cảnh và các thủ tục nhập cảnh của các chuyên gia, người lao động người nước ngoài đến Việt Nam. Vì vậy Sở đã có những điều chỉnh từ giữa tháng 9 đến ngày 20.11.
Nhiều đường bay quốc tế mở lại
Ngày 15.9, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ GTVT.
Cụ thể, từ ngày 15.9 triển khai đối với các đường bay Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam – Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam – Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam – Đài Loan. Từ ngày 22.9 triển khai đối với các đường bay Việt Nam – Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam – Lào (Vientiane). Tần suất không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi hãng với số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, thân nhân và học sinh, sinh viên quốc tế, thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam cũng có yêu cầu phải có giấy xác nhận âm tính, được xét nghiệm và cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú.
Chờ đợi các chuyến bay
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, việc mở lại các đường bay quốc tế giúp cho trường đỡ lo lắng hơn trong việc tuyển dụng GV mới. Sau khi Chính phủ cho phép, trường có thể đăng ký cho các GV mới tham gia các chuyến bay thương mại bằng cách bay từ Canada, sau đó chuyển tiếp một số chuyến bay ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.
Giáo sư Peter Coloe cũng cho biết ĐH RMIT đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để các giảng viên và sinh viên của trường có thể đáp các chuyến bay thương mại (trung chuyển qua các nước châu Á như Singapore và Hàn Quốc), đến Việt Nam vào đầu tháng 10 trước khi học kỳ mới bắt đầu tại RMIT. Trường sẽ trình kế hoạch cách ly và tuân thủ tất cả các yêu cầu của Chính phủ trước khi các giảng viên và sinh viên này có thể đáp chuyến bay thương mại về Việt Nam.
“Là một ĐH toàn cầu với các chương trình học quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng, chúng tôi tuyển dụng giảng viên quanh năm. Do vậy chúng tôi kỳ vọng việc dần dần nối lại các đường bay quốc tế sẽ giúp có được nhân sự phù hợp cho các vị trí đang tuyển dụng”, Giáo sư Peter Coloe cho biết thêm.
Hải Dương: Hướng dẫn triển khai học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài
Sở GD&ĐT Hải Dương hướng dẫn việc triển khai học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, năm học 2020-2021.
Ảnh minh họa/internet
Cụ thể như sau: Cơ sở giáo dục triển khai học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện như: Học sinh và cha mẹ học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Nhà trường phải đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ để triển khai. Đơn vị liên kết triển khai phải có đủ hồ sơ pháp lý, được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động, có nội dung chương trình giảng dạy, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên và giáo viên giảng dạy (người nước ngoài) đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Đối tượng là trẻ từ 4-6 tuổi và học sinh từ lớp 1 đến lớp 8. Thời gian triển khai từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2021; thời lượng từ 1 -2 tiết/tuần/lớp.
Sở cũng yêu cầu về nội dung cho trẻ làm quen với tiếng Anh và nội dung hoạt động dạy học đối với học sinh tiểu học và THCS.
Cụ thể, đối với các trường mầm non: Tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh một cách nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các hoạt động tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với ngôn ngữ mới.
Nội dung và tài liệu thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ đã được Sở GD&ĐT thẩm định và cho phép thực hiện. Các đơn vị sử dụng tài liệu khác phải báo cáo Sở GD&ĐT xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai.
Đối với các trường tiểu học và THCS: Tổ chức các hoạt động dạy học tập trung, củng cố, nâng cao kỹ năng nghe, nói cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh, ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Căn cứ chương trình môn học của từng lớp, các đơn vị liên kết xây dựng kế hoạch dạy học, chuẩn bị tài liệu và các hoạt động dạy học cho từng tiết học, giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp, đảm bảo phù hợp với đối tượng học sinh cụ thể.
Kế hoạch giảng dạy, nội dung các hoạt động dạy học phải được thống nhất giữa đơn vị liên kết và nhà trường trước khi trình Sở GD&ĐT xem xét, cho phép triển khai.
Những ký túc xá sinh viên sang xịn nhất Việt Nam, toàn chuẩn quốc tế, đầy dịch vụ tiện ích, nhưng giá cả ra sao? Những ký túc xá này đều đạt đẳng cấp chuẩn quốc tế và trang bị những tiện ích, dịch vụ cần thiết để phục vụ nhu cầu sinh sống và học tập của sinh viên. Nhiều sinh viên, trong nhiều nỗi lo khi lên thành phố học tập thì có lẽ chỗ ở là mối bận tâm hàng đầu. Đa số các bạn...