Thực phẩm bẩn và những suất ăn ‘có độc’ tại trường học
Hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại, không ít vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra, cũng không ít nhà trường vì lợi nhuận mà đang tâm dùng thức ăn “bẩn” cho bữa cơm của trẻ.
Nhắm mắt nấu vì… lãi suất?!
Mới đây, sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm ở trường Mầm non Blue Sky tại TP.Vinh, trong đó có việc nhà trường sử dụngthực phẩm không đảm bảo, thịt gà công nghiệp đông lạnh, thức ăn chế biến từ hôm trước…
Đoàn kiểm tra phát hiện, mặc dù mức đóng tiền ăn trong ngày của trẻ cao, lên tới 60.000 đồng/cháu/ngày, nhưng trường Mầm non Blue Sky thường xuyên sử dụng thực phẩm không tươi sống (đùi gà công nghiệp đông lạnh); chế biến thức ăn chưa đảm bảo chất dinh dưỡng cho trẻ (nấu từ ngày hôm trước đến hôm sau cháu mới ăn).
Video đang HOT
Một bữa ăn của trẻ tại trường Mầm non Blue Sky (ảnh facebook nhà trường).
Được biết, thời điểm đoàn kiểm tra phát hiện, số gà công nghiệp đông lạnh nói trên có giá 29.700 đồng/kg. Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ số thực phẩm này, nhà trường mua ở một siêu thị lớn ở TP.Vinh.
Đây là siêu thị cung ứng hàng hoá cho rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Để rộng đường dư luận, PV đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo trường Blue Sky nhưng không được. Liên lạc qua số điện thoại 0383579xxx để làm việc với lãnh đạo nhà trường, tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ được trả lời là: “Nhà trường bận, chưa sắp xếp được lịch làm việc với báo chí”.
Ngày 16/12/2015 trao đổi với PV, bà Lê Thị Hường – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết, mức ăn 60 nghìn đồng/trẻ/ngày của trường Mầm non Blue Sky được đánh giá là cao nhất tỉnh Nghệ An. Trong khi đó, trung bình ở các trường mầm non khác chỉ 15 nghìn đồng/trẻ/ngày.
Cụ thể, qua đường dây nóng, ngày 17/11/2015 chúng tôi nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh lớp 2I trường tiểu học Kim Đồng (Trần Huy Liệu, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) về hiện tượng các con bị ngộ độc sau bữa ăn trưa tại nhà trường xảy ra hai ngày trước đó.
Theo ghi nhận của PV, sau khi ăn trưa tại trường như thường lệ, nhiều học sinh lớp 2I có hiện tượng nôn. Số học sinh bị nôn ngày một nhiều, ngoài lớp 2I còn xảy ở một số lớp khác. Lãnh đạo nhà trường thừa nhận có hiện tượnghọc sinh lớp 2I bị ngộ độc. Tuy nhiên, về nguyên nhân, theo vị này cần chờ các cơ quan chức năng công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn còn lưu lại trường mới ra thông báo chính thức.
Cùng thời gian trên, cũng ghi nhận 65 học sinh trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3, TP.HCM) có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi kết thúc bữa ăn. Các học sinh có triệu chứng đau bụng, nôn ói và 4 em phải nhập viện.
Được biết, bữa ăn của các em do một công ty cung ứng suất ăn sẵn tại quận Tân Phú cung cấp. Tiếp đó, hàng chục học sinh trường tiểu học Võ Thị Sáu (khu phố 5, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa trưa tại trường.
Lỗ hổng quản lý bếp ăn
Theo thống kê của cục An toàn Thực phẩm, bộ Y Tế, từ năm 2010 đến 2015, cả nước đã có trên 38 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học khiến hơn 1.400 người phải nhập viện. Thời điểm xảy ra ngộ độc thường vào tháng 3 đến tháng 10. Vi sinh vật là tác nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm. Kế đến là độc tố tự nhiên, hóa chất.
Qua điều tra của PV, thực tế hiện nay, tại không ít các trường có tổ chức ăn bán trú, hiệu trưởng nhà trường thường chọn giải pháp “an toàn” là không tổ chức bếp ăn tại trường mà sẽ đứng ra ký hợp đồng suất ăn với một bên trung gian.
Điều này đảm bảo, nếu có vấn đề gì về an toàn vệ sinh thực phẩm trong suất ăn thì đơn vị ký hợp đồng cung cấp bữa ăn sẽ chịu trách nhiệm chính. Phía nhà trường chỉ liên đới. Chính điều này đã dẫn đến thực tế, khi xảy ra vấn đề, các bên đều tìm cách đổ lỗi cho nhau.
Cũng theo điều tra của PV, “hoa hồng” cho những hợp đồng cung cấp suất ăn giữa nhà trường với đơn vị cung cấp không hề nhỏ. Điều đáng nói, khi thực hiện như vậy, nguồn gốc cũng như an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh nhà trường không thể kiểm soát được!?
Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo (xin được giấu tên) của cục An toàn Thực phẩm thừa nhận, chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học vẫn khó kiểm soát.
Theo vị này, ngoài việc tăng cường kiểm tra, hiệu trưởng nhà trường phải kiểm soát và chịu trách nhiệm về nguồn thực phẩm cung cấp cho học sinh. Nếu xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm toàn bộ.
Theo Nguoiduatin