Thực phẩm bẩn – cơn đau kéo dài
Thông tin về 3 doanh nghiệp ở tỉnh An Giang, Vĩnh Long sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia là soda, hóa chất sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh công nghiệp, vừa được Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT công bố, một lần nữa làm cho dư luận lo lắng và phẫn nộ.
Nước mắm, loại thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt mà vẫn bị những người sản xuất thiếu lương tâm “hành xử” như vậy. Họ chẳng màng tới sức khỏe của người tiêu dùng và cũng chẳng trân trọng, quan tâm giữ gìn một trong những biểu tượng của ẩm thực Việt.
Ảnh minh họa
Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh những nguy cơ của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe người Việt được cảnh báo mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chưa nói đến các vụ ngộ độc mà chỉ nói riêng về bệnh ung thư, số lượng người mắc mới tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự báo sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020.
Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc tốp 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 người. Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gây bệnh ung thư, có nhiều nhưng tác nhân chính là thực phẩm bẩn.
Từ bao giờ, sự vô lương tâm trong sản xuất, chế biến thực phẩm lại xuất hiện nhiều như vậy? Có ý kiến cho rằng, lý do chính, việc phát hiện và xử phạt của ngành chức năng chưa kịp thời và chưa đủ mức răn đe nên chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng này. Ý kiến này không phải không có lý dù rằng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các bộ ngành chức năng quan tâm hơn trước rất nhiều. TPHCM còn đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm thay cho Ban An toàn thực phẩm để hoạt động hiệu quả hơn bởi hiện nay một số cơ chế hoạt động của Ban An toàn thực phẩm chưa được pháp luật quy định rõ. Thế nhưng, cũng phải nói sẽ không có pháp luật nào và bộ máy thực thi nào có thể kiểm soát được tất cả, nhất là trong bối cảnh hầu hết cơ sở sản xuất, chế biến, nuôi trồng nông thủy sản của Việt Nam đều nhỏ, lẻ. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc phát hiện và xử lý kịp thời của ngành chức năng, rất cần người nuôi trồng, sản xuất, chế biến có tâm trong công việc của mình. Một nồi nước phở, nếu cho một chút bột ngọt sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng đổ cả gói bột ngọt vào để thay cho chất ngọt của xương hầm, thì tác hại đối với người dùng là rất lớn. Nhẹ là nhức đầu, mỏi gáy, nặng là ngộ độc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường có rất nhiều loại hóa chất có thể “hóa phép” thực phẩm ôi thối trở thành thơm, ngon. Những gói hóa chất này nhiều khi chỉ nhỏ xíu như vài tuýp thuốc, giấu ở đâu cũng dễ. Và ngày càng có nhiều loại hóa chất công nghiệp có thể biến hình thành hóa chất thực phẩm bởi giá của hóa chất công nghiệp rẻ hơn rất nhiều so với hóa chất thực phẩm, đủ để kích thích lòng tham của bọn sản xuất bất lương.
Hãy thử hình dung, người trồng rau trồng riêng cho gia đình một luống rau sạch, còn luống rau phun thuốc thì bán. Thế nhưng, khi phun thuốc vào luống rau đó, người bị nhiễm thuốc đầu tiên chính là người phun thuốc. Rồi trong bữa ăn, đâu chỉ có rau, người trồng rau sẽ phải mua thịt, cá. Người nuôi heo, gà, cá cũng sẽ làm 2 chuồng nuôi riêng cho nhà và để bán. Như vậy, sẽ chẳng có ai “thoát” được thực phẩm bẩn nếu như ai cũng chỉ biết mình, cũng gian lận. Chưa kể, là tấm gương gian lận cho con cái cũng giống như nuôi trong nhà những mầm mống bất lương. Do đó, vì giống nòi Việt trong chính mỗi gia đình và của đất nước, hãy thay đổi.
NGUYỄN KHOA
Theo sggp
Video đang HOT
Mối lo chất phụ gia vượt ngưỡng trong bim bim
Dù báo chí đã nhiều lần đưa tin cảnh báo những vụ sản xuất bim bim "bẩn", thế nhưng đây vẫn là món khoái khẩu hấp dẫn với trẻ em.
Rùng mình những vụ sản xuất bim bim "bẩn"
Người tiêu dùng còn nhớ một vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) kinh hoàng khi lực lượng chức năng phát hiện hơn 4 tấn phụ gia Trung Quốc dùng để sản xuất bim bim tại một cơ sở ở cụm 4, xã Sơn Đông, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Các loại bim bim sản xuất từ nguồn phụ gia thực phẩm này thường được các cơ sở tiêu thụ tại khu vực có nhiều trường học, quán cóc vỉa hè...
Nên chọn bim bim của hãng có tên tuổi để đảm bảo ATVSTP.
Một vụ việc khác cũng khiến người dân rùng mình khi Đội Quản lý thị trường số 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một cơ sở sản xuất snack (hay còn gọi là bim bim) trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác phát hiện 270kg phụ gia dùng để sản xuất bim bim do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Trong xưởng có 3 lao động người Trung Quốc đang tham gia vào dây chuyền sản xuất bim bim nhưng không mang găng tay và bảo hộ lao động khi cho ra lò sản phẩm bim bim "thịt hổ", "sườn hổ".
Tháng 4/2019, lại một vụ vi phạm gây chấn động khi lực lượng chức năng thu giữ hơn 3 tấn phụ gia không nguồn gốc tại cơ sở sản xuất bim bim ở đội 3, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Snack, bim bim là món ăn hấp dẫn từ lứa tuổi mầm non đến học sinh, sinh viên. Những sản phẩm này đều kích thích sự thèm muốn và có thể gây nghiện bởi màu sắc sặc sỡ, hương vị thơm ngon và giòn.
"Bim bim vô cùng đa dạng từ sản phẩm cao cấp đến sản phẩm tầm trung và rẻ tiền. Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm bim bim của công ty có tên tuổi và thương hiệu, vì những công ty lớn họ có chương trình đánh giá của các nhà cung cấp từ nguyên liệu cho đến phụ gia đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất". Ths. Ngô Xuân Dũng.
Theo Ths. Ngô Xuân Dũng, giảng viên Bộ môn Quản lý chất lượng và ATTP, khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Thành phần chính của bim bim là tinh bột. Qua một số quy trình công nghệ chế biến, sau đó phối trộn với các thành phần phụ gia như chất tạo màu, tạo hương và tạo ngọt để có thể hình thành nên sản phẩm bim bim.
Ông Dũng cho biết, việc dùng phụ gia đúng quy chuẩn trong chế biến thực phẩm sẽ đem lại rất nhiều lợi ích khác nhau, làm tăng chất lượng thực phẩm hoặc để giữ chất lượng thực phẩm mà vẫn ATVSTP.
Nguy cơ gì khi ăn snack, bim bim "bẩn"?
Ở Việt Nam, những công ty sản xuất các sản phẩm snack và bim bim có thương hiệu và uy tín trên thị trường khi sản xuất các sản phẩm đều có sử dụng các chất phụ gia để tạo hương, tạo vị và tạo màu sắc, nhưng được kiểm tra đầy đủ về chất lượng, giấy tờ xuất xứ nguồn gốc, đặc tính kỹ thuật, thành phần hóa học và đều từ các nhà cung cấp uy tín trên thế giới. Và công ty sản xuất này đều được nhà cung cấp đánh giá định kỳ, chặt chẽ xem có đạt các tiêu chí về ATTP hay không. Nếu các tiêu chí đó vượt ngưỡng cho phép, không đáp ứng yêu cầu ATVSTP sẽ không được cung cấp nguyên liệu để sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại mô hình sản xuất làng nghề, nhiều cơ sở tư nhân tự phát nhỏ và rất nhỏ, trong đó còn rất nhiều vấn đề bất cập như: điều kiện cơ sở sản xuất, điều kiện vệ sinh, điều kiện môi trường, điều kiện về người trực tiếp sản xuất (từ khám sức khỏe định kỳ, trang phục bảo hộ lao động) đến nhãn mác sản phẩm, nguyên vật liệu... "Các cơ sở này bất chấp quy định về ATVSTP, vì tư lợi đã liều lĩnh dùng phụ gia không rõ nguồn gốc, rồi pha trộn để cho ra các loại snack và bim bim gắn với những cái tên thật kêu như sườn bò, thịt hổ, tôm, cua nhằm thu hút trẻ em", ông Dũng cảnh báo.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mức độ rủi ro không nhỏ khi cho chất phụ gia vào thực phẩm, đặc biệt là sử dụng trong thời gian dài. Sự rủi ro gián tiếp thông qua tác động của các chất phụ gia lên thực phẩm, làm tăng sự thay đổi một số thành phần của thực phẩm, từ đó dẫn tới làm chất lượng thực phẩm có thể thay đổi xấu ở giai đoạn ngắn hoặc ở giai đoạn dài. Sự rủi ro gián tiếp có thể gây ra do sự tạo thành các độc tố từ các phản ứng với nhiều cơ chế khác nhau giữa phụ gia và các thành phần trong thực phẩm.
"Tác động của các độc tố này không phải ngày một ngày hai mà ta tìm ra được. Bởi sự tác động thường ở cấu trúc dưới tế bào, phải trải qua một thời gian dài khi sử dụng thực phẩm, thì mới biểu hiện tác động mãn tính", Ths. Ngô Xuân Dũng nhấn mạnh.
Các chất phụ gia dùng để tạo màu, tạo hương, ví dụ: hương bò, hương gà, hương tôm..., thậm chí cả đường tạo ngọt hóa học để cho ra các loại bim bim mà trong đó bim bim thịt hổ, sườn hổ được bày bán ở cổng trường học sinh rất thích. Bim bim được chế biến ở nhiệt độ cao sinh ra chất béo thể đồng phân. Nếu tỷ lệ chất béo này chiếm từ 5-10% trở lên trong tổng lượng chất béo của khẩu phần ăn hàng ngày cho một người, có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tim mạch, tăng huyết áp. Ngoài ra, hàm lượng muối trong bim bim ảnh hưởng đến chức năng thận.
"Độc tính dài hạn gây ra từ các chất phụ gia khi dùng vượt ngưỡng giới hạn cho phép trong chế biến snack, bim bim khiến trẻ bị ảnh hưởng về thần kinh. Nếu trẻ ăn các thực phẩm có nhiều chất tạo ngọt sẽ có rối loạn về tinh thần, cảm giác bồn chồn lo lắng; Một số chất tạo màu sẽ có nguy cơ tồn dư các kim loại nặng, có thể có nhiều tác động vào các cơ quan nội tạng, tác động vào các bào quan dưới tế bào, tác động vào các quá trình trao đổi chất và có thể gây hậu quả rất trầm trọng như ung thư nếu sử dụng trong một thời gian dài", Ths. Ngô Xuân Dũng cảnh báo./.
Theo Hương Giang/Báo TNVN/VOV
Những tiêu chí cần quan tâm khi chọn thực phẩm ăn liền Người dùng nên kiểm tra thành phần dinh dưỡng, chất phụ gia; chọn nhà sản xuất uy tín; xem hạn sử dụng khi chọn thực phẩm ăn liền. Cuộc sống hiện đại không thể thiếu sự có mặt của thực phẩm ăn liền, tuy nhiên, bất kỳ một loại thực phẩm nào đều có ưu, nhược điểm. Bạn không nhất thiết phải bỏ...