Thực hư việc khan hiếm SGK đầu cấp
Học sinh phổ thông nhiều trường ở Hà Nội đã tựu trường. Tuy nhiên, một số thông tin phản ánh cho biết, đến thời điểm này, tại các nhà sách của Thủ đô nhiều phụ huynh vẫn đôn đáo tìm mua sách giáo khoa (SGK) đầu cấp cho con…
Quầy sách giáo khoa lớp 6 tại Nhà sách Habook
Nhà sách nào cũng “khan hiếm”?
Trong những ngày qua, nhiều phụ huynh ở Hà Nội có con học đầu cấp đã phải đôn đáo, vất vả khắp các nhà sách mong tìm mua đủ bộ SGK cho con đi học. Tại tầng 3, Nhà sách Habook, số 45 phố Lý Thường Kiệt, thuộc Công ty Sách Thiết bị và Xây dựng trường học, nơi chuyên bán sách giáo khoa học sinh nhưng các giá sách gần như trống trơn; nhất là các khu trưng bày SGK đầu cấp lớp 1, lớp 6 và lớp 10.
Chị Nguyễn Phương Thảo năm nay có con trai vào học lớp 6 Trường THCS Ngô Gia Tự, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Hai mẹ con mấy hôm nay đưa nhau đi mua SGK mà mua chưa đủ bộ. Mặc dù cuối năm học lớp 5, gia đình đã cho con đăng ký mua sách ở trường. Tại Nhà sách Habook, một bộ sách Tiếng Anh 4 quyển cũng chỉ có 3 quyển. Thiếu, tôi vẫn phải mua và cố gắng mua bổ sung sau. Trước mắt, sẽ mượn bạn học của con để đi photo SGK Tiếng Anh tập 1 cho con học”.
Tại Nhà sách Tiến Thọ, số 36 Xuân Thủy, Cầu Giấy, khu bày bán SGK ngay trước cửa ra vào tầng 1. Lật tìm, không có nổi một bộ SGK lớp 6. Đạt, một nhân viên bán hàng cho biết, Nhà sách hiện không có sách đầu cấp lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trọn bộ. Phụ huynh muốn mua thì phải đi gom từ các nhà sách. Tuy nhiên, cũng không thể có đủ bộ trong thời điểm này…
Điều đáng nói ở đây, tại bãi gửi xe Nhà sách Habook, số 45 phố Lý Thường Kiệt, lợi dụng tâm lý khó mua sách học cho con của phụ huynh, đã xuất hiện “cò” sách thổi giá, tăng giá sách tùy tiện để kiếm lời bất chính. Một “chị cò” với một bao sách để cạnh chiếc xe đạp điện tiếp thị: Bộ sách giáo khoa trọn bộ, có đủ cả bộ sách Tiếng Anh giá bán 550.000 đồng/bộ. Còn một quyển sách Ngữ văn giá gốc 8.500 đồng thì được bán với giá 50.000 đồng. Nếu mua riêng bộ sách Tiếng Anh thì giá sẽ là 150.000 đồng.
Video đang HOT
Lý giải của NXB Giáo dục Việt Nam
Lý giải nguyên nhân tại sao năm học này lại thiếu sách giáo khoa, khiến phụ huynh phải đi mua thu gom, một nhân viên cửa hàng sách trên phố Ngô Quyền chia sẻ: Thông thường, các nhà sách cũng không “ôm” nhiều hàng. Bán đến đâu lại nhập về đến đó, để tránh hàng tồn đọng. Đặc biệt, học sinh đầu cấp năm nay cũng tăng đột biến.
Trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: Cũng như các năm học trước, để phục vụ tốt năm học mới 2018 – 2019, một mặt đảm bảo giá SGK được giữ nguyên, mặt khác, NXB Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch in và phát hành SGK dựa vào số lượng đặt mua SGK của các Công ty Sách – Thiết bị trường học địa phương cũng như căn cứ vào thực tiễn phát hành SGK các năm học trước.
Tính đến ngày 15/8/2018, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành trên 100 triệu bản SGK, đạt 102% kế hoạch. Cùng với đó, thành lập các đoàn giám sát việc phát hành sách giáo dục tại các địa phương trong cả nước, đảm bảo không để xảy ra thiếu sách, sốt sách; lập nguồn SGK dự phòng để có thể kịp thời phục vụ học sinh ở một số địa phương trong trường hợp xảy ra thiên tai lũ lụt. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, vận động HS sử dụng SGK cũ, quyên góp SGK cũ tặng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách cho thư viện trường học, cho tủ SGK dùng chung.
Ông Nguyễn Văn Tùng cũng nhấn mạnh thêm: Với việc phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ, đến thời điểm này về cơ bản việc phục vụ SGK cho học sinh trên cả nước đón năm học mới 2018 – 2019 đã đầy đủ, đồng bộ, kịp thời. NXB Giáo dục Việt Nam đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu SGK.
Tuy nhiên, năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh ở một vài địa phương, trong đó có Hà Nội, nên ở một vài cửa hàng bán SGK nhỏ lẻ có hiện tượng thiếu SGK tạm thời. Khắc phục tình trạng đó, NXB Giáo dục Việt Nam đã khẩn trương cung ứng bổ sung SGK, phục vụ đầy đủ nhu cầu của học sinh trước ngày khai giảng.
Theo giaoducthoidai.vn
Nhà vệ sinh học đường: Vẫn nhiều băn khoăn
Chuẩn bị cho năm học mới, các trường học trên cả nước đang chuẩn bị hoàn thiện cơ sở vật chất, đặc biệt nâng cao chất lượng nhà vệ sinh học đường. Tuy nhiên, đối với các trường phổ thông công lập, việc duy trì cho nhà vệ sinh sạch thật không dễ. Câu chuyện nhà vệ sinh học đường là tình trạng chung tại các trường học trên cả nước.
Nhà vệ sinh Trường THCS Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn
Điểm trường vùng cao - công trình phụ vẫn là bài toán khó
Câu chuyện nhà vệ sinh học đường không còn là vấn đề mới nhưng là nỗi lo thường trực của các em học sinh và phụ huynh mỗi khi mùa tựu trường. Khắp nơi từ thành phố đến nông thôn, vùng đồng bằng đến miền núi, có một khu nhà vệ sinh sạch sẽ thoáng mát là mơ ước của biết bao thế hệ học sinh Việt Nam. Với những ngôi trường vùng cao, có nhiều điểm lẻ, ước mơ có nhà vệ sinh sạch sẽ vẫn là nỗi trăn trở.
Cô Ma Thị Chuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn cho biết, trường học nằm trong khu du lịch Ba Bể, nên công tác giữ gìn vệ sinh trường, lớp, công trình vệ sinh luôn được đặt lên hàng đầu.
Những năm qua, trường đã được đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục như tăng phòng học, lò đốt rác, duy tu bảo dưỡng nhà vệ sinh học đường.
Tại điểm trường chính, nhà vệ sinh đều được trang bị theo đúng tiêu chuẩn. Trong nhà vệ sinh luôn có khăn lau tay, xà phòng, giấy vệ sinh và nước tẩy rửa. Nền nhà khô ráo, đủ ánh sáng và có độ thông thoáng. Tuy nhiên, do diện tích không đủ rộng để đáp ứng nhu cầu học sinh đông nên diện tích nhà vệ sinh vẫn là điều trăn trở của các thầy cô giáo nơi đây.
Tại một số điểm trường lẻ như điểm trường Đán Mẩy, Khau Qua, Nà Nghè... tuy đã có nhà vệ sinh nhưng tình trạng nhà vệ sinh học đường vẫn là điều lo lắng của các thầy cô giáo. Ở những nơi vùng cao, đi lại khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, các lớp học dành cho trẻ chưa đạt chuẩn thì công trình phụ vẫn là bài toán khó.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Câu chuyện nhà vệ sinh học đường không phải chỉ có ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, mà ngay các tỉnh, thành phố, đặc biệt ngay giữa Thủ đô Hà Nội cũng còn khá phổ biến.
Chị Phan Ngọc Thảo, có con học tại Trường tiểu học Đại Từ, Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: Mỗi buổi chiều đến đón con, đi vào khu vực cầu thang, mùi khai từ nhà vệ sinh học đường xông lên mũi. Về nhà, con chị thường than phiền nhà vệ sinh bẩn, con rất ngại mỗi khi đi vệ sinh ở trường.
Việc sửa chữa, xây dựng và quản lý các công trình vệ sinh, cấp nước sạch trong trường học chuẩn bị đón năm học mới cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm. Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn theo quy định, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong các buổi họp cha mẹ học sinh với nhà trường, phụ huynh cũng đặt ra vấn đề này với Ban giám hiệu. Cô Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Từ cho rằng, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các cô lao công sao cho các nhà vệ sinh được sạch sẽ. Nhưng mà cũng quả thật là với trường công chúng tôi với lượng học sinh lớn thì vẫn còn có mùi, đấy là cái mà chúng ta cũng phải nhìn vào sự thật, cái này chúng tôi cũng cố gắng khắc phục.
Theo bác sĩ Lê Văn Toàn, Bệnh viện quân đội T.Ư 108 cho biết, thực tế, khi đi vệ sinh nếu nhà vệ sinh quá bẩn chúng ta thường ngán ngại và cố gắng "nhịn". Việc các em nín tiểu và nhịn đi vệ sinh sẽ gây hại về mặt sức khỏe như dẫn tới tâm lý khó chịu, ức chế gây mất tập trung học tập. Về lâu dài có thể dẫn đến các bệnh lý giãn bàng quang, sỏi tiết niệu, táo bón.
Bên cạnh những dịch bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, nhà vệ sinh trường học bẩn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm tổn thương tâm lý và quá trình phát triển thế chất của trẻ.
Theo giaoducthoidai.vn
Thầy trò vùng lũ Chương Mỹ sẵn sàng đón năm học mới Với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các nhà trường và sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể, đến nay, các trường học ở vùng lũ Nam Phương Tiến đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh tựu trường chuẩn bị cho năm học mới. Nước đã rút hết, các thầy cô...