Thực hư cuộc đua lãi suất tiền gửi của các ‘ông lớn’ ngân hàng
Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước vẫn thuộc nhóm thấp nhất thị trường, trừ những ngân hàng mà vì một vài lý do cụ thể cũng có lãi suất huy động khá thấp.
* Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, một chuyên gia tài chính từng làm việc nhiều năm ở Singapore, Nhật Bản.
Chạy theo xu hướng hơn là dẫn dắt
4 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn Nhà nước gần đây đã điều chỉnh tăng khá mạnh lãi suất huy động áp dụng cho nhiều kỳ hạn.
Điển hình là Agribank đã điều chỉnh tăng tất cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn với mức tăng khoảng 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này tăng từ mức 4,3%/năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2%/năm lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm.
Tương tự, Vietcombank vốn khá “bảo thủ” với lãi suất, cũng đã phải tham gia cuộc chơi, điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 4,4%/năm. Kỳ hạn 3 và 6 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 4,8%/năm và 5,5%/năm.
Trước đó, VietinBank và BIDV đã sớm tăng lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn. Kết quả là lãi suất của 4 ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước thậm chí còn cao hơn một số ngân hàng khác ở nhiều kỳ hạn ngắn. Cụ thể, ở kỳ hạn 1 đến 6 tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank ở mức từ 4,5%-5,5%/năm, cao hơn đáng kể so với LienVietPostBank khi chỉ ở mức 4,1%-5,1%/năm.
Với những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất của những “ông lớn” ngân hàng này (trừ Vietcombank) cũng đều tiệm cận hoặc thậm chí là nhỉnh hơn của một số ngân hàng TMCP tư nhân như Eximbank, LienVietPostBank, MBBank, Techcombank, và TPBank (xem bảng).
Điều này làm cho nhiều người nhìn nhận rằng sự biến động tăng lên của lãi suất huy động ở các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, với vai trò “kim chỉ nam” cho các ngân hàng nhỏ, đã và sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn là vậy. Trước tiên, cần lưu ý rằng 4 ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước mới chỉ điều chỉnh (đáng kể) lãi suất tiền gửi gần đây, sau khi nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng mạnh lãi suất từ trước đó vài tháng.
Video đang HOT
Nói cách khác, sự điều chỉnh tăng lên về lãi suất huy động của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, đặc biệt ở kỳ hạn ngắn, chỉ là sự chạy theo xu hướng, chứ không phải dẫn đầu, định hướng cho các ngân hàng TMCP tư nhân khác.
Áp lực chạy đua lãi suất ở ngân hàng tư nhân ra sao?
Hãy xem lý do đằng sau việc một số ngân hàng tư nhân lại không dẫn đầu trong bảng lãi suất tiền gửi nếu so với các ông lớn có vốn Nhà nước.
Với LienVietPostBank, biểu lãi suất tiền gửi hiện tại đã được áp dụng từ 8/8, hơn 2 tháng trước khi nhiều ngân hàng khác điều chỉnh lãi suất. Điều này chứng tỏ lãi suất của ngân hàng này không phải là kém cạnh tranh so với các ngân hàng khác tại thời điểm áp dụng.
Điều đáng nói là dư địa tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank năm 2018 đã không còn nhiều. Trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã đạt tới 13,3% so với cuối năm 2017, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được phép tối đa bị khống chế ở mức 14% cho cả năm nay (25% trong năm 2017).
Như vậy, rõ ràng là ngân hàng này không có nhiều áp lực phải chạy đua tăng lãi suất huy động để có thêm vốn đẩy mạnh cho vay nữa.
Với Eximbank, dù có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 12%, khá thấp hơn so với mặt bằng chung, nhưng 6 tháng đầu năm Eximbank tăng trưởng tín dụng âm 0,5%. Điều này chứng tỏ ngân hàng này có những khó khăn nhất định, hoặc có chiến lược không chú trọng vào việc đẩy mạnh cho vay. Nói cách khác, họ không có động cơ chạy đua nâng lãi suất để huy động thêm được nhiều vốn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay.
Tương tự, Techcombank có chiến lược chuyển từ cho vay trung – dài hạn sang cho vay ngắn hạn nên rõ ràng là nhu cầu huy động vốn trung – dài hạn sẽ phải giảm đi tương ứng. Theo đó, lãi suất huy động trung – dài hạn của ngân hàng này đã và sẽ ở mức tương đối thấp so với các đối thủ.
Techcombank không có áp lực lớn trong việc cạnh tranh lãi suất huy động.
Ảnh: Hoàng Hà.
Thêm nữa, nhà băng cũng tập trung vào xây dựng các mối quan hệ hợp tác liên kết để đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ thế, ngân hàng đạt được tỷ lệ thu nhập ngoài lãi chiếm đến 41,7% tổng thu nhập trong nửa đầu năm 2018. Đây cũng là lý do Techcombank không có áp lực lớn trong việc cạnh tranh lãi suất huy động.
Một ngân hàng khác có lãi suất huy động tương đối thấp là MBBank. Lý do có thể bắt nguồn từ dư địa tăng trưởng tín dụng cũng không còn “xông xênh” trong năm nay khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã đạt 11% trong khi hạn mức tăng trưởng cả năm là 15%.
Hơn nữa, ngân hàng này có lợi thế lớn là luôn có nguồn vốn huy động có chi phí thấp. Ngoài ra, ngân hàng này từ giữa năm 2017 có một lượng vốn lớn đang phân bổ ở thị trường 2 có hiệu quả không cao, nên đã chuyển sang cho vay khách hàng trong năm nay. Những yếu tố này kết hợp với nhau làm cho MBBank không phải tích cực tham gia cuộc đua lãi suất như với các ngân hàng khác.
Cuối cùng là TPBank, ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tới 14,5%. Trong khi đó, hạn mức tín dụng của ngân hàng chỉ là 15%. Điều này buộc ngân hàng phải giảm thiểu các hoạt động cho vay. Vì vậy, áp lực chạy đua nâng lãi suất huy động của ngân hàng này cũng được giảm bớt đi.
Tóm lại, từ những phân tích ở trên có thể thấy rằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, trừ những ngân hàng mà vì một vài lý do cụ thể cũng đang có lãi suất huy động khá thấp.
Và do “ông lớn” ngân hàng cũng chỉ mới gia tăng sau khi nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng mạnh lãi suất nên không thể kết luận được rằng nhóm này đang dẫn dắt thị trường và sẽ tiếp tục đẩy lãi suất lên cao trong thời gian tới.
Nói cách khác, lãi suất nếu có tăng trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục được dẫn đầu bởi các ngân hàng TMCP tư nhân, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, yếu.
TS. Phan Minh Ngọc
Theo news.zing.vn
Tài chính tuần qua: "Nóng" cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi cuối năm
Vừa bước vào quý IV, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã bắt đầu nóng lên. Chỉ vài ngày sau khi Vietinbank, BIDV tăng lãi suất, Vietcombank cũng vừa tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng nhích lên...
Ảnh minh họa.
Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi bắt đầu "nóng"
Ngày 10/10, trên biểu lãi suất huy động mới nhất của Vietcombank, lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn đã tăng.
Một "ông lớn" ngân hàng khác là Agribank cũng vừa nhập cuộc xu hướng tăng lãi suất tiền gửi. Theo biểu lãi suất mới nhất, Agribank cũng tăng từ 0,2-0,3 điểm % lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn.
Vài ngày trước, Vietinbank, BIDV đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn thêm từ 0,2-0,4 điểm % ở các kỳ hạn. (Xem thêm)
Nhiều ngân hàng sắp chạm đích lợi nhuận sau 3 quý
Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, việc về đích sớm chỉ tiêu lợi nhuận 2.000 tỷ đồng trong năm nay là có cơ sở.
Hai quý đầu năm nay, OCB đã thu về hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Số liệu kinh doanh 9 tháng ước tính cũng cho thấy bức tranh lợi nhuận tươi sáng của Vietcombank. Ngân hàng cho biết, sau 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt gần 15%, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp và lợi nhuận trước thuế ước tính vượt mức 11.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2017, tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ 2017. (Xem thêm)
Nhiều tín hiệu tích cực cho ngân hàng Việt
Từ đầu năm 2018 đến nay, các tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới đã có những động thái tích cực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Qua đó minh chứng cho những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nỗ lực của các ngân hàng thương mại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô. (Xem thêm)
HOÀNG HÀ
Theo bizlive.vn
Nhiều "ông lớn" ngân hàng tăng lãi suất huy động VND Các ngân hàng thương mại lớn như Vietinbank, BIDV, Vietcombank vừa tăng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm. Theo biểu lãi suất mới tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), lãi suất huy động VND nhích lên. Lãi suất huy động VND tăng phổ biến 0,2%/năm. (ảnh minh họa) Lãi suất kỳ hạn 1 tháng...