Thừa Thiên Huế: Học sinh khối 5 học trên truyền hình từ 13/4
Ngày 13/4, tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ cùng Đài phát thanh truyền hình tỉnh (TRT) tổ chức dạy học tiếp tục cho học sinh khối 5 trên sóng truyền hình.
Theo đó, thời gian dạy học trên sóng truyền hình TRT sẽ bắt đầu từ hôm nay (13/4) đối với học sinh khối 5 trên toàn tỉnh.
Mỗi tuần, học sinh khối 5 học 4 ngày từ thứ Hai đến thứ Năm vào 16h hàng ngày với 2 môn Toán và tiếng Việt (chương trình từ tuần 22). Việc dạy học trực tuyến có nội dung tinh giản, theo chủ đề chủ điểm, không lệ thuộc vào từng bài theo phân phối chương trình.
Các kỹ thuật viên của Đài truyền hình TRT thực hiện buổi học trên truyền hình cho học sinh
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường thông báo cho học sinh chuẩn bị sách giáo khoa, các học cụ và cả phụ huynh để chuẩn bị điều kiện tốt cho các em khi học ở nhà. Bên cạnh đó, Sở và đài TRT cũng hướng dẫn học sinh sử dụng các thiết bị truyền hình an toàn tại nhà.
Trước đó, học sinh khối 9 và 12 tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được áp dụng thí điểm cho học trên truyền hình. Khối 12 đã bắt đầu học từ ngày 16/3. Mỗi tuần các em học từ thứ 2 đến thứ 6 với khung giờ sáng từ 8h đến 10h; chiều từ 14h đến 16h. Mỗi tiết học kéo dài 30 phút, mỗi buổi có 3 tiết.
Khối 9 học chậm hơn từ ngày 23/3 với thời lượng mỗi môn 2 tiết/tuần (riêng môn Tiếng Anh có 2 chương trình: 7 năm và 10 năm); mỗi tiết từ 30-35 phút. Thời gian 3 tiết trong 1 buổi với các nhóm bộ môn Văn – Toán – Tiếng Anh; Lý – Hóa – Sinh; Sử – Địa – Giáo dục công dân.
Video đang HOT
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chương trình học trên truyền hình mang tính bắt buộc, 100% học sinh ở các khối phải tham gia bởi khi các em đi học trở lại, các trường học sẽ dạy tiếp chương trình, không dạy bù và dành thời gian ngắn để ôn tập lại kiến thức cũ để các em bắt kịp.
Do không loại trừ một số em không tham gia được các bài học trên truyền hình, nên sau khi đi học trở lại, các trường sẽ rà soát lý do chính đáng để bồi dưỡng kiến thức cho các em, đảm bảo 100% học sinh học đúng tiến độ chung.
Đại Dương
Băn khoăn công nhận kết quả học qua Internet
Đánh giá học sinh như thế nào, cho điểm ra sao, làm thế nào để kết quả phản ánh đúng năng lực của học sinh..., các giáo viên, nhà quản lý đang băn khoăn khi dạy và học qua Internet, trên truyền hình.
Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với các cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh (HS) nghỉ tránh dịch.
Theo đó, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định.
Đã học phải có kiểm tra, đánh giá
Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, quyết định công nhận kết quả đánh giá dạy học online, trên truyền hình của Bộ GD&ĐT rất kịp thời. Dựa trên cơ sở thực tế cũng như nhìn nhận được những nhược điểm của phương pháp này nên bộ chỉ cho phép lấy điểm miệng hoặc bài kiểm tra 15 phút.
"Việc học online bây giờ gặp khó khăn khi mạng yếu, việc kiểm tra không đồng nhất. Do đó, kết quả kiểm tra, đánh giá chỉ nên nhìn nhận như là một biện pháp chế tài chứ không thể nào đánh giá hết được toàn bộ năng lực của HS. Nó buộc các em phải chú ý, phải tham gia vào buổi học" - thầy Du nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay đã học thì phải có kiểm tra, đánh giá, chính điều đó sẽ khiến HS có trách nhiệm với việc học. Bởi giai đoạn này, không phải em nào cũng hào hứng với việc học, nhất là khi không có cha mẹ và giáo viên kiểm soát một bên. Nhưng quan trọng là cách thực hiện như thế nào để đánh giá đúng năng lực của HS.
Trong khi đó, đồng tình với việc đánh giá HS nhưng cô Nguyễn Mai Loan, giáo viên Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng, bày tỏ lo lắng vì còn nhiều bất cập.
"Chúng ta cần phải nghiêm túc thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế cho tình huống khẩn cấp là đại dịch toàn cầu. Bởi rõ ràng là phương pháp dạy này đang gặp nhiều khó khăn. Giáo viên chưa có kinh nghiệm, số lượng giáo viên có thể sử dụng thông thạo các ứng dụng dạy học chưa cao. HS chưa có tinh thần tự học, thậm chí các ứng dụng dạy học cũng còn bị hạn chế. Như thế, các trường sẽ đánh giá điểm số của HS như thế nào?" - cô Loan đặt vấn đề.
Học sinh Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng đang học bài tại nhà. Ảnh: NTCC
Liệu có khả thi?
"Việc đánh giá kết quả thường xuyên qua Internet, truyền hình khó có khả thi" - cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11, chia sẻ. Theo cô Thu, hiện nay các trường sử dụng nhiều phần mềm khác nhau để dạy học online. Hơn nữa, hiệu quả của nó không giống như trên lớp nên để cho HS làm bài kiểm tra sẽ khó đảm bảo được tính trung thực của kết quả.
"Tôi chưa tin tưởng được các phần mềm online sẽ đảm bảo được tính trung thực. Do đó, kết quả học online chỉ có thể đánh giá ở dạng cho các em trả lời câu hỏi để lấy điểm cộng trong những bài kiểm tra trong lớp khi các em đi học trở lại. Tuy nhiên, như thế sẽ gây áp lực cho các em vì môn nào cũng kiểm tra để xem kiến thức các em thế nào. Hiện nay Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh, tinh giản nội dung học, thiết nghĩ bộ cũng nên giảm số bài kiểm tra" - cô Thu nói thêm.
Nói thêm về vấn đề này, thầy Đăng Du cho biết đối với bộ môn thầy dạy, sau khi cho HS xem một clip giảng bài, thầy sẽ dùng Google Form ra câu hỏi và các em phải trả lời trong một thời gian nhất định. Dù HS làm được hết nhưng thầy cũng không thể kiểm tra được các em có trao đổi bài, tương tác với nhau hay không.
Tương tự, tại Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng, nhà trường cũng không đồng tình lấy điểm kiểm tra 15 phút dựa trên việc học qua Internet.
Về vấn đề này, cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, lại có quan điểm khác. Việc đánh giá khả thi, chính xác hay không theo cô tùy thuộc vào cách làm của mỗi giáo viên. Đối với môn địa lý, sau khi học bài, cô yêu cầu HS viết một đoạn kịch với nhiều nhân vật tham gia nói về ngành công nghiệp Nhật Bản hoặc làm sơ đồ hóa về các vùng kinh tế Nhật Bản. Với cách làm trên, các em sẽ không thể nhìn bài lẫn nhau. Bởi lý thuyết có thể giống nhau, còn mỗi sản phẩm khác nhau. Do đó, giáo viên có thể đánh giá được chất lượng.
"Làm sản phẩm tư duy, thực hiện các sản phẩm thực tế, mỗi em sẽ có ý tưởng riêng, do đó giáo viên có thể đánh giá được. Mặt khác, những em tham gia học thường xuyên sẽ được tôi cho điểm cộng. Còn những em ít tham gia, chậm trễ sẽ bị nhắc nhở và trừ điểm nếu làm sai" - cô Hiệp bày tỏ.
Việc đánh giá phải công bằng, khách quan, trung thực
Trong quá trình tổ chức học qua Internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quy trình thực hiện nhiệm vụ học tập của HS trong quá trình học tập trực tuyến; qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm (được quản lý theo hệ thống), các bản báo cáo quá trình học tập của HS; các bài thu hoạch sau các khóa học.
Các trường cần xây dựng hướng dẫn giáo viên sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học của HS trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình thay cho các bài kiểm tra thường xuyên đúng quy định. Việc đánh giá bảo đảm công bằng, khách quan.
Khi HS đi học lại, các cơ sở cho HS ôn tập, bổ sung kiến thức, thực hiện kiểm tra định kỳ, học kỳ. Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp HS củng cố kiến thức.
Sở GD&ĐT TP.HCM
NGUYỄN QUYÊN
Học sinh nghỉ học dài do Covid-19 nhưng "thi THPT Quốc gia vẫn đảm bảo" Nhiều Sở GDĐT cho rằng, nếu đi học trước ngày 15/6, học sinh hoàn toàn có thể học đủ khối lượng và chất lượng kiến thức để tham gia kỳ thi THPT Quốc gia Nghỉ học dài ngày do dịch Covid-19 đang khiến không ít học sinh, phụ huynh lo lắng, đặc biệt là những học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào...