Thưa ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, không chỉ ngừng thả bóng bay còn nhiều thứ lãng phí và cần bảo vệ môi trường cấp thiết hơn phải vào cuộc ngay
Xét về tổng thể của ngành giáo dục thì việc ngừng thả bóng bay ngày khai trường chỉ là chuyện nhỏ so với rất nhiều thứ đã và đang lãng phí, gây ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay mà ngành giáo dục cần khắc phục ngay.
Câu chuyện về lá thư của một em học sinh lớp 5 gửi tới 40 trường học ở Hà Nội kêu gọi ngừng việc thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ môi trường những ngày qua đã nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng cũng như các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, xét về tổng thể của ngành giáo dục thì việc ngừng thả bóng bay ngày khai trường chỉ là chuyện nhỏ so với rất nhiều thứ đã và đang lãng phí, gây ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay mà ngành giáo dục cần khắc phục ngay.
Chúng ta hân hoan khi ngành công nghệ nhựa ra đời đã làm thay đổi thế giới cũng như cuộc sống con người. Đặc biệt, khi chiếc túi nilon ra đời đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc đựng hàng hóa. Thế nhưng đi cùng với sự tiện lợi đó, túi nilon đã và đang là một vấn nạn môi trường đau đầu khiến nhiều quốc gia tìm mọi cách để loại bỏ. Bởi một chiếc túi nilon nếu bị chôn dưới đất thì phải mất hàng trăm năm đến nghìn năm mới phân hủy hết.
Những quả bóng bay để thả ngày khai giảng sẽ vắng bóng ở một số trường học. Ảnh minh họa/ Phùng Nguyên
Những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm nay không thể không kể đến việc dùng bọc sách vở nilon, lãng phí in ấn, mua bán sách giáo khoa.
Tùy theo quy mô của mỗi trường khác nhau, nhưng tính trung bình mỗi năm, mỗi trường chỉ có một lễ khai giảng để thả bóng bay với số lượng vài chục, vài trăm hoặc vài nghìn quả bóng thả lên trời. Nhưng cũng mỗi năm, mỗi trường có hàng nghìn học sinh. Mỗi học sinh có ít nhất một bộ sách giáo khoa và các loại vở viết với khoảng 20 cuốn cần phải bọc bằng nilon. Nếu học sinh giữ gìn cẩn thận cho suốt năm học thì hết năm số lượng bọc vở nilon này cũng vứt đi. Con số này nếu thử nhân lên với một trường có 2.000 học sinh sẽ cho kết quả là 40.000 bọc vở linon sẽ vứt đi trong một năm. Theo danh bạ điện tử của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, riêng cấp tiểu học Hà Nội có 756 trường. Nếu lấy 756 trường này nhân lên số bọc vở linon mỗi trường sẽ cho ra con số khá đáng sợ với trên dưới 30 triệu số bọc vở nilon được dùng. Cứ với phép nhân này cộng với hơn 60 tỉnh, thành còn lại thì chắc chắn con số còn khủng khiếp hơn. Chưa kể, việc học sinh hiếu động, chưa cẩn thận, thiếu sự khéo léo còn kéo theo hàng loạt rác thải nhựa khác từ thước kẻ, lọ mực, gọt bút chì, bút chì khúc…
Video đang HOT
Sách giáo khoa năm nay có dòng cặn dặn học sinh
Nói về sách giáo khoa, có lẽ đây là cái lãng phí nhất đã được quá nhiều người nói trong không ít năm nhưng hình như với ngành giáo dục thì “như chưa hề có cuộc tranh luận” này. Sách giáo khoa tích hợp vở làm bài tập đã khiến sách không thể tái sử dụng một cách tối đa. Bộ sách giáo khoa cấp 1 phần lớn chỉ có thể dùng lại được rất ít cuốn sách phụ như: Tự nhiên xã hội, Âm nhạc, Kỹ thuật… Còn lại những cuốn sách khác đều có phần làm bài tập hoặc thực hành.
Theo số liệu thống kê được công bố trên truyền thông, mỗi năm người Việt Nam mất khoảng 1.000 tỷ đồng để mua sách với khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa được bán ra. Trong khi ở Mỹ – một đất nước có nền kinh tế dẫn đầu thế giới thì tất cả học sinh cấp 1 đều không phải mua sách giáo khoa. Sách giáo khoa ở Mỹ được nhà trường mua sẵn, để ở lớp học, học sinh đến trường không phải mang theo sách đi đi về về. Sau mỗi năm học, sách được để lại cho các em khóa sau.
Còn nhớ, đã có thời kỳ sách giáo khoa ở nước ta đúng nghĩa là sách chứ không tích hợp sách bài tập hay phần thực hành, trả lời câu hỏi. Nội dung sách ổn định kéo dài nhiều năm. Phần bìa còn tráng một lớp bóng kính mỏng … nên được nhiều học sinh các lớp sau sử dụng lại. Mỗi năm, cứ khi hè đến nhiều nhà có con học lớp trước lớp sau lại đổi, tặng sách cho nhau, hoặc có thể ra hàng mua sách cũ về học với mức giá chỉ bằng khoảng một nửa, hoặc ít hơn so với sách mới. Và sách giáo khoa dường như chỉ là một khoản chi không quá bận tâm. Còn giờ đây, sách giáo khoa năm nào cũng phải mua. Thậm chí còn chưa đến ngày bế giảng nhà trường đã gợi ý học sinh và phụ huynh mua sách kèm theo không ít cuốn ngoài bộ sách chính mà theo lời cô giáo thì cần bổ trợ, giúp ích cho việc học của con… thành ra giá tiền có thể gấp hai, gấp ba so với bộ sách chính. Chưa kể, để giảm tải việc học sinh mang cặp nặng không ít em phải mua đến hai bộ sách giáo khoa với một bộ để ở nhà, một bộ để ở lớp học. Nghe mà cám cảnh muôn nỗi với sách giáo khoa thời nay.
Và kết quả của nhà nhà có con đi học phải mua sách là con số 1.000 tỷ đồng cho khoản mà lẽ ra có thể tái sử dụng không mất tiền hoặc mất ít hơn rất nhiều. Kéo theo khoảng 100 triệu bản sách được bán ra mỗi năm có khiến nhiều người thấy đó là sự lãng phí lớn và tỉ lệ thuận với số cây trồng để đốn hạ cho việc làm giấy in sách?
Cả sách Tiếng Việt, Toán với đầy đủ phần ô trống để học sinh làm bài tập cũng có lời dặn học sinh bảo quản, giữ gìn sách để tặng học sinh lớp sau
Đáng ngạc nhiên hơn, năm nay bộ sách giáo khoa còn có thêm dòng chữ “Hãy bảo quản, giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau!”. Thoạt nghe có vẻ đầy sự nhắc nhở, tránh lãng phí nhưng lại rất vô lý, khó chấp nhận. Cuốn sách giáo khoa đúng nghĩa, không tích hợp bài tập thì còn có thể bảo quản, giữ gìn và dành tặng cho các em học sinh lớp sau đã đành. Đằng này, ngay cả sách Toán, Tiếng Việt… tiếp tục để những chỗ trống để học sinh làm bài tập mà vẫn đề được dòng chữ nhắc nhở kia thì thật khó hiểu. Cho ai đó nghèo hơn một chiếc áo cũ còn mặc được là một điều đáng khuyến khích, nhưng cho một đứa trẻ nghèo cuốn sách cũ mà chi chít chữ viết nguệch ngoạc, đã được làm sẵn bài tập thì ngay người cho cũng thấy xấu hổ, thiếu tôn trọng và ngại ngần. Thế mà Nhà xuất bản giáo dục – nơi làm ra sách giáo khoa chưa phân định rõ rệt giữa sách học và vở bài tập lại đi kêu gọi học sinh giữ gìn để tặng học sinh lớp sau nghe mà hài hước. Nó cũng giống như nhiều năm nay, mỗi mùa khai giảng, hay những khi lũ lụt kéo đến các miền quê nghèo cuốn đi nhà cửa, lớp học lại có những đợt kêu gọi ủng hộ sách cũ thì không biết sách cũ kiểu gì để người nhận có thể học được?.
Được biết, hiệu ứng từ bức thư ngừng thả bóng bay một số trường đã quyết định không thả bóng bay, đồng thời hạn chế hoặc không dùng bọc vở nilon. Nhưng xem ra đây chỉ là giải pháp tình thế, luẩn quẩn, thiếu cơ bản. Bởi nếu sách không bọc rất có thể sẽ còn nhanh hư hỏng và phải mua sách mới hơn chứ khó mà còn giữ được để tặng ai, và tiền mua sách mới đắt gấp nhiều lần mua bọc vở nilon. Với thực tế này thì liệu việc không dùng bọc vở nilon có khả thi? Liệu con số 100 triệu bản sách cùng 1.000 tỷ tiền mua sách sẽ tiếp tục còn tăng, tiếp tục còn đe dọa số lượng cây bị đốn hạ nhiều hơn không?
Vâng, ngừng thả bóng bay là tốt, là cần, nhưng chưa đủ và còn mang tính lặt vặt vì có nhiều thứ còn lãng phí và có nguy cơ gây ra hậu quả môi trường hơn gấp nhiều lần từ chính những bộ sách giáo khoa mà con em chúng ta vẫn phải tiếp tục dùng. Chưa kể, đây cũng là chuyện không riêng gì của ngành giáo dục khi mà hàng ngày vẫn có không biết bao nhiêu nơi khai trương, khánh thành còn thả bóng bay, hàng năm không ít Hội nhà văn ở cả trung ương lẫn địa phương vẫn tưng từng thả thơ sau những ngày chầy trật, toát mồ hôi, thậm chí tranh cãi nảy lửa để chọn thơ hay đem thả lên trời…
Nhị Xuân
Theo toquoc
Tên của em bé kêu gọi 'không thả bóng bay' được đặt cho lễ khai giảng năm học mới trường Marie Curie
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết, lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của trường Marie Curie sẽ có tên là 'Lễ khai giảng Nguyệt Linh' để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của cô bé..
Bức thư kêu gọi 'khai giảng không thả bóng bay' của bé gái Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5 (năm nay lên lớp 6) của trường Marie Curie (Hà Nội) đang nhận được nhiều sự chú ý của toàn thể giáo viên và học sinh trên toàn quốc. Theo đó, vì lo sợ bóng bay sẽ ảnh hưởng đến sự sống của các loài sinh vật khác, cô bé đã mạnh dạn viết thử gửi cho 40 trường học ở Hà Nội để kiến nghị dừng việc này.
Khi nhận được thư từ Nguyệt Linh, thầy Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng trường Marie Curie đã xúc động đón nhận và hoàn toàn đồng ý với lời đề nghị 'nhân văn' của cô bé.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie hoàn toàn đồng ý với ý kiến của học sinh
Thầy Khang cho biết, đây là ý tưởng vô cùng có ý nghĩa trước thềm năm học mới. Thầy cũng hy vọng rằng sau bức thư của Nguyệt Linh, sẽ không còn bóng bay trong ngày này của trường Marie Curie cũng như các trường học khác trên cả nước trong những năm tiếp theo nữa.
Thầy Khang cũng cho biết, sẽ lấy tên của cô học trò lớp 5 để đặt tên cho lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020: 'Lễ khai giảng Nguyệt Linh'.
Nguyệt Linh - cô bé lớp 5 mạnh dạn viết thư đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng
Được biết, trong 40 trường Nguyệt Linh gửi thư tới, có một trường hồi âm là sẽ hạn chế bóng bay, ngoài ra trường Marie Curie và trường Việt Úc cũng phản hồi rằng không thả bóng bay trong ngày khai giảng.
Hiện bức thư của Nguyệt Linh vẫn đang nhận được nhiều sự chú ý từ toàn thể cộng đồng.
Theo baodatviet
Cô bé đề xuất "lễ khai giảng không bóng bay" và chuyện trẻ chỉ cần... học Không phải gương mặt của giải quốc tế, quốc gia hay điểm số, thành tích cao "ngất ngưởng", cô bé 12 tuổi Nguyễn Nguyệt Linh ở Hà Nội đã chạm vào trái tim mọi người xuất phát từ khát khao "không thả bóng bay trong lễ khai giảng". Trước thềm năm học mới năm nay, gương mặt học trò được nhắc đến nhiều...